Guidebook

Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế - nơi lưu giữ những hồi ức vàng son của Cố đô 

Thứ bảy, 28/09/2024, 08:07 GMT+7

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là một công trình kiến trúc tuyệt đẹp, nơi lưu giữ những hiện vật cung đình với giá trị lịch sử văn hóa đặc biệt, cũng là nơi lưu dấu những hồi ức vàng son một thuở của triều đại nhà Nguyễn.

test

Với những tín đồ xê dịch ưa thích khám phá văn hóa lịch sử của triều Nguyễn khi du lịch Huế thì hẳn rằng bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đã là một điểm đến khá quen thuộc. Mặc dù là một trong những công trình có số phận khá long đong với nhiều biến động theo thời gian, nhưng bảo tàng Cổ vật Cung đình xứ Huế vẫn là một trong những nơi tuyệt vời để du khách tìm về và hiểu thêm về lịch sử của triều đại nhà Nguyễn.

Chính bản thân công trình kiến trúc này cũng là một cổ vật giá trị bởi nơi đây được tạo nên bởi vẻ đẹp nghệ thuật, kiến trúc độc đáo và lưu giữ đầy đủ những hiện vật ghi dấu về triều đại nhà Nguyễn, một triều đại đã từng rất huy hoàng trong quá khứ nhưng nay đã trở thành ký ức.
 

Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế là điểm đến hấp dẫn ở cố đô. Ảnh: @pochessy__


Tổng quan về bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế 

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế được thành lập từ năm 1923, công trình này ban đầu có tên gọi là Musée Khải Định (Bảo tàng Khải Định). Đây được biết đến là bảo tàng được thành lập sớm nhất ở Huế và cũng là một trong những bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam. Trong dòng chảy lịch sử của mình, bảo tàng đã có nhiều lần đổi tên. Bên cạnh tên gọi ban đầu là Musée Khải Định thì đến năm 1947 bảo tàng đổi tên là Tàng Cổ Viện Huế, năm 1958 đổi tên là Viện Bảo tàng Huế, năm 1979 mang tên Nhà trưng bày Cổ vật, năm 1992 có tên là Bảo tàng Cổ vật Huế, năm 1995 bảo tàng có tên là Bảo tàng mỹ thuật Cung đình Huế và cuối cùng là tên gọi Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế cho đến tận ngày nay.
 

Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế Bảo tàng nằm ở trung tâm thành phố Huế. Ảnh: @thaohihii


Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế tọa lạc ở địa chỉ số 3 đường Lê Trực, ngay trung tâm thành phố Huế. Khuôn viên của bảo tàng rộng 6, 330 mét, tòa nhà chính trong khuôn viên có diện tích 1.185 m đi cùng với đó là các khu nhà phụ, dùng để làm kho lưu trữ các cổ vật cùng không gian sân vườn. 

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế chính là nơi để lưu giữ và trưng bày những bộ sưu tập cổ vật Huế xưa nổi tiếng, có xuất xứ từ triều đại nhà Nguyễn. Nơi đây lưu giữ rất nhiều bộ sưu tập đồ cổ giá trị như đồ sứ đồ Pháp Lam, trang phục cung đình, ấn triện, nhạc khí, tranh gương, đồ gỗ sơn son thiếp vàng, súng thần công hay các tác phẩm điêu khắc Chăm Pa… Ngoài ra, ở đây còn lưu giữ các hiện vật do triều đình nhà Nguyễn sản xuất hoặc đặt mua từ ngoại quốc. Rất nhiều hiện vật ở bảo tàng này được các nhà nghiên cứu đánh giá là các di sản văn hóa quý hiếm của toàn thế giới.
 

Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế lịch sử Nơi đây hội tụ nhiều cổ vật giá trị. Ảnh: vinpearl

>>Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Huế 1 ngày siêu HOT 


Khám phá bảo tàng Cổ vật Cung Đình Huế


Điện Long An 

Điện Long An  là nơi trưng bày chính của bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, đồng thời cũng là một trong những tòa kiến trúc cung đình có vẻ đẹp ấn tượng nhất hiện nay. Điện này cũng là di tích rất quan trọng của quần thể di tích Cố đô Huế, đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1993. 

Điện Long An ở bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế được xây dựng từ năm 1845, dưới thời của vua Thiệu Trị. Theo thời gian, công trình này cũng đã trải qua rất nhiều thăng trầm và thay đổi cả vị trí, tên gọi. Rất may mắn là đến hiện tại, điện Long An vẫn còn tồn tại và hiện diện với dáng vẻ và kiến trúc gần như nguyên vẹn, trở thành một tuyệt tác vô giá. Điện Long An cũng được đánh giá là một trong những ngôi điện đẹp bậc nhất của hệ thống các cung điện dưới triều Nguyễn.
 

Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế điện Long An Điện Long An là nơi trưng bày chính ở bảo tàng. Ảnh: @thanhhuyen__


Kiến trúc của điện Long An ở bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế làm theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc” khá tương đồng với nhiều công trình kiến trúc trong Hoàng thành Huế. Điện được đặt ở một nền đất cao 1,1m, diện tích 35,7 x 28m, có ốp đá Thanh ở khu vực vỉa và hệ thống bậc cấp dẫn lên thêm. 

Kết cấu của toàn bộ điện được làm bằng gỗ với 128 cột gỗ lim. Điện bao gồm nhà trước hay còn gọi là tiền doanh với 7 gian theo dạng “chồng rường giả thủ”, hai bên đều có hai chái đơn. Các bộ kèo của điện được làm vô cùng kỳ công và tinh xảo, với hình rồng ngang hoặc hình lưỡng long tranh châu. Các bộ kèo của điện không chỉ đơn thuần là một bộ kèo để chịu lực mà còn có giá trị về văn hóa, nghệ thuật vô cùng độc đáo.
 

Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế điện Long An Kiến trúc của điện vô cùng tinh xảo. Ảnh: ST


Khu vực nhà sau của điện hay được gọi là chính doanh có 5 gian với 6 bộ kèo, được làm theo kiểu  “cánh ác”, có hai chái kép nằm ở 2 phía. Phần mái của điện Long An vô cùng đồ sộ với diện tích lợp lên đến 1750 m², điện có 3 tầng mái, 2 tầng mái phía trên được lợp ngói âm dương và tầng mái phía dưới được lập ngói liệt. Đỉnh của mái điện Long An được trang trí với kiểu họa tiết lưỡng long canh châu và khu vực bờ góc cũng được trang trí bởi họa tiết rồng, giữa của hai tầng mái sẽ là các ô hộc, bờ chảy mái cũng được trang trí bởi rất nhiều họa tiết và chất liệu khảm sành sứ tinh xảo.
 

Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế điện Long An Bên trong là không gian để trưng bày các cổ vật. Ảnh: Traveloka


Nội thất bên trong điện được trang trí theo lối thi họa với nhiều chất liệu như chạm nổi, khảm trai, khảm xương, khảm trai, ngà, xà cừ và bài trí trên các ô học hoặc trên các vách ngăn của ô cửa. Một điều rất đặc biệt ở điện Long An đó chính là tất cả các chi tiết của công trình đều được để mộc hoàn toàn, không được sơn son thếp, vì vậy những giá trị nghệ thuật trên các nền khắc gỗ chạm khảm càng trở nên rõ nét và nâng cao giá trị cho toàn bộ công trình. 

Nếu như nhìn tổng thể thì điện Long An thực sự là một tác phẩm kiến trúc và nghệ thuật đặc sắc, hòa quyện giữa các chi tiết kiến trúc với nghệ thuật trang trí điêu khắc gỗ tinh xảo. Vì lẽ đó mà bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế được xem như là một cổ vật trưng bày khổng lồ với giá trị lịch sử và nghệ thuật rất cao. 


Khu trưng bày ở bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

Theo thời gian, nhiều cổ vật ở bảo tàng Cổ vật cung đình Huế đã bị thất thoát, nhưng hiện ở đây vẫn lưu giữ đến hơn một vạn cổ vật quý trong các nhà kho phối thuộc và tòa nhà chính. Những cổ vật được trưng bày ở đây vừa phong phú về chủng loại đến chất liệu và đa số có niên đại dưới thời các vua và chúa Nguyễn.
 

Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế trưng bày
Bộ sưu tập đwjc trưng bày rất phong phú. Ảnh: nano travel


 Hiện tại, các cổ vật ở bảo tàng được chia thành 17 bộ sưu tập và trưng bày với không gian rộng mở để du khách thoải mái tham quan, chiêm ngưỡng một số bộ sưu tập nổi bật có thể kể đến như bộ sưu tập đồ sứ Pháp từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, bộ sưu tập các trang phục cung đình thời nhà Nguyễn, bộ sưu tập đồ sứ ký kiểu dưới thời nhà Nguyễn, bộ sưu tập các vật bằng kim khí quý hiếm dưới thời nhà Nguyễn, bộ sưu tập các món đồ gỗ sơn son thếp vàng, đồ gỗ khảm thời nhà Nguyễn, bộ sưu tập chuông Vạc và đỉnh đồng ở thời nhà Nguyễn, bộ sưu tập nhạc khí …
 

Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế trưng bày Trang phục thời Nguyễn. Ảnh: Tạp chí Kiến Trúc


Rất nhiều cổ vật ở đây là các sản phẩm mỹ nghệ được làm bởi các nghệ nhân có tay nghề cao theo lệnh của triều đình hoặc những sản phẩm được đặt hàng từ nước ngoài, chính vì vậy rất nhiều hiện vật được xếp vào hàng quý hiếm và là thứ độc bản duy nhất trên đời. 

 
Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế trưng bày Quả cầu cửu long thời Nguyễn. Ảnh: tapchisonghuong
Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế giá vé Long sàng dát vàng của vua Khải Định. Ảnh: VTC
 
>>Xem thêm: Di tích Hổ Quyền Huế: đấu trường 200 năm tuổi duy nhất ở Việt Nam


Thông tin thăm quan bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế


Cách di chuyển 

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế nằm ở ngay trung tâm thành phố, nên du khách khá dễ dàng tìm đến. Từ trung tâm của thành phố Huế du khách chỉ cần đi theo tuyến đường Lê Lợi qua cầu Trường Tiền và đi đến giao lộ Đông Ba. Sau đó rẽ phải vào đường Hùng Vương, đi qua cầu An Hòa rồi đi tiếp đến đường Hà Nội, di chuyển thêm 1,5 km nữa là sẽ đến bảo tàng nằm ở số 3 đường Lê Trực, Phường Thuận Thành, thành phố Huế . 


Giá vé/ giờ mở cửa

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện là điểm tham quan có thu phí, mức giá áp dụng đối với vé tham quan bảo tàng là 50.000đ/ người lớn. Vé tham quan bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế kết hợp với cung An Định là 80.000 đồng/ người lớn, trẻ em từ 7 đến 12 tuổi sẽ được miễn phí. Thời gian bán vé từ 7h đến 17h30 hàng ngày và thời gian bảo tàng mở cửa cho du khách tham quan là từ 7:00 đến 18 giờ hàng ngày.
 

Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế giá vé Giá vé thăm quan bảo tàng từ 50,000đ. Ảnh: @_keithdsilva



Lưu ý khi tham quan

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế không chỉ đơn thuần là một bảo tàng trưng bày, mà bản thân công trình kiến trúc này cũng là một cổ vật lưu giữ nhiều giá trị văn hóa và lịch sử. Chính vì vậy, khi tham quan nơi đây du khách cùng cần bỏ túi một vài lưu ý.

Khi đến cổng của bảo tàng du khách nếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân thì cần phải xuống xe, tắt máy và xuất trình các loại giấy tờ cho nhân viên bảo vệ, sau đó thực hiện theo hướng dẫn. Khi đến tham quan bảo tàng, tuyệt đối không mang theo các chất gây cháy nổ, vũ khí hoặc thú nuôi vào bên trong. Ngoài ra, du khách cũng nên ăn mặc lịch sự và không được phép hút thuốc hoặc gây ồn ào là mất trật tự khi tham quan. 

Khu vực phía bên trong của điện Long An, bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là nơi du khách được phép tham quan, tuy nhiên sẽ không được chụp ảnh hoặc quay phim ở bên trong điện. Ngoài ra, du khách cũng không được sờ trực tiếp, di chuyển hay xâm phạm vào các hiện vật trưng bày ở bảo tàng.
 

>>Xem thêm: Tour du lịch Huế hấp dẫn du khách


Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là một điểm đến tuyệt vời để du khách có thể chiêm ngưỡng những hiện vật trưng bày phong phú về triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Đồng thời sẽ có một cái nhìn tổng quát về đời sống sinh hoạt của vương triều nhà Nguyễn, tìm hiểu thêm về những thăng trầm biến thiên của lịch sử. Đây là một trong những điểm đến hấp dẫn và chất lượng cho những ai đam mê khám phá vẻ đẹp cổ kính, những nét văn hóa truyền thống độc đáo của cung đình Huế xưa. 


Nguyệt Cát (Tổng hợp) - luhanhvietnam.com.vn 

Ảnh: Internet 

Chia sẻ:
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)