Huế không chỉ có bề dày lịch sử lâu đời, mà còn có bản sắc văn hoá độc đáo và một trong số đó chính là các loại cổ phục và với nhiều du khách việc được tìm hiểu và mặc các loại cổ phục ở Huế là một trải nghiệm thú vị khi đến với cố đô.
Cổ phục Huế là một trong những dấu ấn văn hoá truyền thống rất đặc trưng của vùng đất này, những bộ cổ phục không chỉ đơn thuần là trang phục để mặc, mà còn ẩn chứa trong đó là những câu chuyện về nguồn gốc, xuất xứ, bản sắc văn hóa và tính nghệ thuật biểu trưng cho một thời kỳ vàng son của cố đô. Các loại cổ phục ở Huế rất phong phú và đa số bắt nguồn từ triều đại nhà Nguyễn, là một trong những triều đại cuối cùng của Việt Nam. Khi nhắc tới cổ phục ở Huế như áo Nhật Bình, áo Giao Lĩnh, Viên Lĩnh hay áo Tấc, nhiều người đều sẽ cảm thấy quen thuộc. Một điều rất đặc biệt của các loại cổ phục ở Huế đó chính là sự tinh xảo về thủ công và sự độc đáo về chất liệu, tạo nên một vẻ đẹp khiến người ta khó lòng dời mắt, giúp cho loại trang phục này trở thành một trong những niềm tự hào của mảnh đất cố đô.
Áo Nhật Bình là một trong các loại cổ phục ở Huế nổi tiếng nhất, đây cũng là loại cổ phục có lịch sử tương đối lâu đời ở Việt Nam. Nguồn gốc của áo Nhật Bình được bắt nguồn từ áo Phi Phong của thời nhà Minh - Trung Hoa. Mẫu áo này dưới thời nhà Nguyễn đã nhanh chóng phát triển thành dạng áo Đối Khâm Phi Phong với phần cổ được thiết kế thành dạng chữ nhật có bản to, hai vạch cố định bằng dây buộc. Khi người mặc lên thì phần trước ngực có thể ghép lại thành một hình chữ nhật, cũng vì vậy người ta mới lấy tên gọi Nhật Bình đặt cho loại áo này.
Áo Nhật Bình lúc đầu được triều nhà Nguyễn dùng để làm triều phục cho nữ nhân khi lên triều, tuy nhiên những người được mặc loại áo này có thân phận rất cao quý như phi tần, công chúa và hoàng hậu. Hoa văn được in ở trên áo thường sử dụng loại họa tiết có dạng hình tròn khép kín và bên trong hình tròn đó sẽ là các hình ảnh trang trí như loan ổ, phụng ổ hoặc các hoa văn phụ khác với ý nghĩa tốt lành và cát tường như các dạng chữ phúc, chữ thọ hoặc thủy ba, hoa lá bát bửu…
Phụ kiện của áo Nhật Bình chính là những chiếc cúc được nạm vàng được làm từ các loại vật liệu quý như ngọc, đá… dưới cổ của tay áo có hai dải dây được gọi là giải thùy lưu. So với thời kỳ đầu, càng về sau áo Nhật Bình ở Huế càng được tối giản và tỉnh lược đi nhiều chi tiết, mang đến sự thoải mái hơn cho người mặc. Có thể nói áo Nhật Bình là một trong các loại cổ phục ở Huế thể hiện đậm cái tôi và dấu ấn cung đình của triều đại phong kiến nhà Nguyễn.
>>Xem thêm: Gợi ý chùm tour du lịch Huế giá tốt |
Áo ngũ thân được biết đến là một trong các loại áo dài truyền thống của Việt Nam xuất hiện lần đầu từ năm 1744, sau đợt cải cách trang phục của chúa Nguyễn Phúc khoát ở Đàng Trong. Đặc điểm của loại trang phục truyền thống này là có cổ cao, thẳng và vuông vức mang ý nghĩa tượng trưng cho sự chính trực. Áo có 5 nút được làm bằng chất liệu ngọc, gỗ hoặc kim loại, tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu và một thân con nằm trong ý chỉ người mặc. Tà áo này không bó sát vào người mặc mà thay vào đó càng xuống dưới sẽ càng xòe ram ở khu vực chân tà áo có hướng cong lên.
Từ khi xuất hiện đến nay áo ngũ thân là một trong các loại cổ phục ở Huế rất ấn tượng, được đông đảo tầng lớp sử dụng, không phân biệt giới tính độ tuổi. Với người Huế, nói đến áo ngũ thân người ta thường tâm niệm rằng năm thân áo sẽ tượng trưng cho năm đạo lý cao đẹp của một con người. Hiện tại áo ngũ thân đang có hai loại chính là ngũ thân tay trễ và ngũ thân tay phụng hay còn được gọi là áo tấc, cũng là loại cổ phục đang rất được du khách ưa thích khi đến với Huế.
>>Xem thêm: Chiêm ngưỡng Vọng Hải Đài - vẻ đẹp huyền ảo giữa non cao xứ Huế |
Đây là một trong các loại cổ phục ở Huế tương đối đặc biệt và không phải du khách nào cũng biết tới. Áo Giao Lĩnh - Viên Lĩnh còn được gọi là áo tàng vạt có lịch sử từ rất lâu đời, xuất hiện từ dưới thời Lý Trần Lê.
Có hai dạng áo Giao Lĩnh và Viên Lĩnh đó chính là áo vạt dài và áo vạt ngắn, ống tay áo cũng có hai dạng là ống loe tức tay thụng hoặc ống tay bó tức tay trễ. Đặc điểm của áo Giao Lĩnh và Viên Lĩnh có nhiều nét tương đồng, tuy nhiên ở áo Giao Lĩnh phần cổ sẽ là dạng tròn dải cúc bên phải.
Một bộ trang phục sẽ thường có một chiếc cổ áo giao nhau, nên được gọi là Giao Lĩnh, trong đó vạt áo trên sẽ nằm chéo qua, đi kèm với một chiếc váy quây mặc ở bên dưới, ngoài ra áo cũng có thể có nhiều lớp hơn bao gồm một chiếc áo Giao Lĩnh và một chiếc áo Viên Lĩnh kết hợp với váy thụng và áo đối Khâm mặc ở bên ngoài. Loại cổ phục này khi mặc và chụp ảnh tại các đền đài, cung điện ở Huế sẽ mang phong cách cung đình rất đặc sắc và gây ấn tượng mạnh.
Đã nói đến các loại cổ phục ở Huế thì hẳn rằng áo dài là cái tên không thể thiếu, từ lâu áo dài đã đi vào tiềm thức và trở thành một trong những loại trang phục truyền thống nổi bật nhất ở xứ Huế. Trải qua bao nhiêu biến thiên của thời cuộc và ảnh hưởng từ nhiều khu vực, áo dài Huế cũng dần có sự thay đổi, tuy nhiên vẫn giữ được một số nét đặc trưng rất riêng.
Theo đó áo dài Huế sẽ không có độ dài chấm gót, tà cũng không được xẻ quá cao, cổ áo có độ cao vừa phải, đường eo được chiết rất tinh tế nhằm tôn lên đường cong thanh mảnh của người phụ nữ, nhưng không hề bó sát
Đến thời điểm hiện tại, người ta vẫn chưa xác định được thời điểm áo dài Huế xuất hiện, tuy nhiên theo các nguồn sử liệu thì ở dưới thời vương triều Nguyễn, áo dài đã xuất hiện và trở thành một loại trang phục rất phổ biến.
Ở Huế, áo dài không chỉ là một loại trang phục làm phải tăng vẻ đẹp của người phụ nữ mà nó còn là một điểm nhấn văn hóa, áo dài xuất hiện và đồng hành, gắn bó với một người phụ nữ Huế ở nhiều giai đoạn trong cuộc đời, từ khi còn là nữ sinh cho đến khi lấy chồng, dịp lễ Tết, tiệc tùng…Đặc biệt, màu áo tím là màu sắc được nhiều người phụ nữ lựa chọn để mặc, kết hợp với nón bài thơ và khung cảnh trầm mặc của cố đô, tạo nên một hình ảnh kinh điển với hiệu ứng thị giác mạnh.
>>Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Huế 1 ngày vẫn ăn chơi bằng hết đất Cố đô |
Ngoài tìm hiểu về các loại cổ phục ở Huế thì hẳn rằng khi du lịch ở cố đô, trải nghiệm được nhiều du khách ưa thích nhất đó chính là may cổ phục. Có rất nhiều cửa hàng cung cấp dịch vụ may cổ phục, áo dài ở Huế, đa số sẽ tập trung trên một số con đường nổi bật như đường Bến Nghé, đường Mai Thúc Loan, đường Nguyễn Sinh Cung…
Ngoài ra, du khách khi ghé thăm Đại Nội cũng có thể lựa chọn đặt may những chiếc áo dài nhanh trong vòng từ 3 tiếng đến 4 tiếng đồng hồ tại các cửa hàng may ở đây. Điểm đặc biệt của áo dài Huế đó là thợ may ở đây rất chú tâm về hình dáng áo, viền tà, tạo nên những tà áo dài rất bay và hiếm khi lộ chỉ hay đường may. Việc may một chiếc áo dài ở Huế và mang về như một món quà đặc biệt, đầy dấu ấn của cố đô sẽ là một trải nghiệm rất đáng giá, bạn có thể tham khảo một số nhà may nổi tiếng như nhà may Đoan Trang, nhà may Thẩm, tiệm may Hùng, nhà may Minh Tân, nhà may – Shop vải Trương Anh Hào, áo dài Huế Bích Thuỷ, áo dài Chi Silk.
Nếu như không muốn may áo dài hoặc cổ phục thì bạn cũng có thể lựa chọn ghé những điểm cho thuê các loại cổ phục ở Huế để trải nghiệm. Hầu hết các cửa hàng ở đây đều sở hữu bộ sưu tập cổ phục phong phú từ áo dài truyền thống cho đến áo ngũ thân, áo Nhật Bình, áo Giao Lĩnh đủ mọi kiểu dáng, màu sắc, kích cỡ đi kèm với đó là các phụ kiện để bạn có thể thỏa thích diện và check in sống ảo.
Một số địa điểm thuê của phụ nổi bật ở cố đô Huế bạn có thể tham khảo như Hoa Nghiêm Việt Phục Huế, cổ phục Hoàng Cung, Nàng Thơ Xứ Huế, Garbana Studio, The Trend Cổ trang, Cổ phục Huế BoHo, Áo dài cổ phục Dolly…
Các loại cổ phục ở Huế không đơn thuần chỉ là trang phục mà còn là văn hóa, là lời thì thầm vang vọng từ quá khứ, phản ánh về một thời kỳ vàng son của cố đô du lịch Huế. Hãy để vẻ đẹp của những tà áo cổ phục giúp bạn hiểu hơn về nơi đây, đồng thời cùng bạn lưu giữ những kỷ niệm thật sống động cho chuyến hành trình về với cố đô.
Nguyệt Cát (Tổng hợp) - luhanhvietnam.com.vn
Ảnh: Internet