Nhà hát Duyệt Thị Đường nằm trong Tử Cấm Thành Huế, đây được biết đến là một nhà hát cổ còn sót lại duy nhất của sân khấu truyền thống tại Việt Nam hiện tại. Với quy mô và thiết kế đầy ấn tượng, mang đậm dấu ấn của triều đại nhà Nguyễn. Đây sẽ là điểm dừng chân hấp dẫn để du khách vừa có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc độc đáo, lại vừa được tận hưởng những màn trình diễn nghệ thuật cung đình hấp dẫn.
Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm dựng và giữ nước, đi cùng với đó là một nền văn hóa đầy bản sắc vô cùng phong phú và nghệ thuật sân khấu vẫn luôn là một trong những loại hình quan trọng, thể hiện rõ khát vọng về giá trị chân thiện mỹ của con người Việt. Cũng chính vì thế, những công trình còn sót lại đặc trưng cho nghệ thuật sân khấu luôn là điểm đến hấp dẫn đối với những du khách yêu thích văn hóa nghệ thuật truyền thống mà nhà hát Duyệt Thị Đường xứ Huế chính là một trong những điểm đến tiêu biểu.
Trong xếp hạng của tổ chức kỷ lục Việt Nam thì hiện tại nhà hát Duyệt Thị Đường Huế chính là nhà hát sân khấu kịch cổ nhất của Việt Nam và trong hành trình khám phá Đại Nội Huế thì nhà hát này là điểm dừng chân không thể bỏ lỡ.
>>Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Huế 1 ngày siêu HOT |
Nhà hát Duyệt Thị Đường Huế nằm ở phía Đông Nam của Tử Cấm Thành. Theo các ghi chép lịch sử, nhà hát được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng vào năm 1826, trên nền của nhà Thanh Phong Đường cũ. Tiếp đó, đến năm 1829 thì nhà hát được tu bổ lần đầu và cũng là nơi để diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn hóa văn nghệ của nhà Nguyễn, tiêu biểu là các màn trình diễn ca múa nhạc cung đình, hát bội, diễn kịch hay diễn tuồng để phục vụ cho các tầng lớp vua chúa, hoàng thân quốc thích hay các quan đại thần và Quốc khách.
Bên cạnh chức năng chính là nơi trình diễn nghệ thuật, thì nhà hát Duyệt Thị Đường còn là nơi để tổ chức những lễ hội long trọng như dịp tứ tuần của các thế hệ vua triều Nguyễn như Minh Mạng, Tự Đức, Đồng Khánh hay vua Khải Định…Năm 1833. tức năm Minh Mạng thứ 14 thì cũng tại Duyệt Thị Đường, nhà Nguyễn đã cho tổ chức đúc tiền Minh Mạng Phi Long.
Dưới thời nhà Nguyễn, xung quanh khu vực Duyệt Thị Đường còn có rất nhiều các công trình khác được xây dựng nhằm phục vụ đời sống và sinh hoạt của nhà vua, cũng như các quan quân triều đình. Điểm hình như Sở Thượng Thiện ở phía Đông Bắc chính là nơi để chế biến và cung cấp các loại thức ăn hoặc các công việc có liên quan đến ẩm thực cho hoàng gia. Hay Thái Y Viện nằm ở khu vực phía Đông Nam là nơi để các thầy thuốc trong hoàng cung làm việc, thăm khám và điều trị chăm lo sức khỏe cho vua, cùng hoàng thất và quan lại.
Riêng khu vực góc Đông Nam sẽ là nơi tập trung của những công trình kiến trúc quan trọng, bao gồm Thị Vệ Trực Phòng, tức nơi để các thị vệ luôn túc trực bảo vệ vua hay Cẩn Tín Ty Chính là văn phòng nội địa của Tử Cấm Thành và Tiên Trượng Khố, là nơi để các phù hiệu của vua đem biểu dương trong mỗi dịp đại lễ.
Ở phía Nam của nhà hát Duyệt Thị Đường còn có Dưỡng Chính Đường, đây là nơi mà các hoàng tử sẽ ở và học tập. Về tổng thể, cả khu vực Duyệt Thị Đường sẽ bao gồm một tổng thể các công trình kiến trúc vô cùng đồ sộ với nhiều chức năng khác nhau để phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt và đời sống thiết yếu của nhà vua, hoàng gia và các quan lại triều đình ở kinh đô.
Ngay khi chế độ quân chủ ở Việt Nam chính thức cáo chung vào tháng 8/1945 thì Duyệt Thị Đường cũng không còn hoạt động. Trong những năm tháng chiến tranh, cùng với những công trình kiến trúc khác của Tử Cấm Thành Huế, Duyệt Thị Đường cũng đã bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn thời cuộc. Có một thời gian, chính quyền miền Nam đã sử dụng nhà hát Duyệt Thị Đường để làm nơi giảng dạy của trường quốc gia âm nhạc Huế và cũng đã có những sự thay đổi nhất định về kiến trúc của công trình.
Sau hơn 25 năm tồn tại và chứng kiến nhiều sự đổi thay của thời cuộc, Duyệt Thị Đường ngày nay đã trở thành sân khấu chính của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, là nơi diễn ra các hoạt động biểu diễn như nhã nhạc, múa và tuồng cung đình để phục vụ du khách. Kể từ tháng 3/2003 đến nay, nhà hát Duyệt Thị Đường chính thức phục vụ du lịch và chịu sự quản lý của Nhà hát truyền thống cung đình của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, thu hút rất nhiều du khách đến tham quan trải nghiệm
>>Xem thêm: Tour du lịch Huế hấp dẫn du khách |
Nhà hát Duyệt Thị Đường được xây dựng với diện tích 1.180 m², tổng khuôn viên rộng đến 11.740m2.. Theo các nguồn sử liệu và sơ đồ về Hoàng Thành Huế của cách nhiếp ảnh gia lịch sử trong giai đoạn từ 1930 đến 1932, cùng với đó là kết quả khai quật khảo cổ của Bảo tàng Lịch sử học Việt Nam trong những năm 1999 - 2000, thì xác định kiến trúc của Duyệt Thị Đường vào thời điểm khởi thủy là một ngôi nhà trùng thiềm lớn.
Sân khấu bên trong sẽ có dạng hình vuông, được lát bằng gạch men xi măng Pháp và xung quanh sẽ được bo diềm với các loại gạch trang trí hoa văn chữ T. Sân khấu nhà hát Duyệt Thị Đường có ba mặt, phía sau là hậu trường, mặt hai bên là phòng để các diễn viên thay trang phục, hóa trang.
Khu vực trần của Duyệt Thị Đường sẽ được trang trí và chạm khắc với các cảnh trăng sao, các vì tinh tú, mặt trời tựa như một vũ trụ thu nhỏ. Khu vực ngồi của nhà vua và các bà hoàng ở khán đài phía cuối của nhà hát, ở chính giữa dưới vòm trần nhà sẽ có chạm khắc nhiều hoa văn cổ độc đáo. Khu vực bên trái và bên phải của tầng 2 chính là nơi dành cho các quốc khách, còn khu vực dành cho các quan triều đình là ở hai bên tả, hữu sân khấu ở phía tầng dưới. Phần mái của nhà hát là kiểu mái thắt cổ diềm, mái lợp ngói lưu ly.
Sau này nhiều chi tiết của nhà hát Duyệt Thị Đường đã bị phá bỏ và kiến trúc của nhà hát cũng đã được thay đổi, chỗ biểu diễn và ngự lãm đã không còn. Đặc biệt, sau thời gian dài bị lãng quên thì công trình đã gần như bị bỏ hoang. Năm 1995, quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận Di sản văn hóa thế giới, trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tiến hành công tác trùng tu với các chuyên gia trong và ngoài nước, thực hiện các cuộc nghiên cứu, khảo thí rất tỉ mỉ để tu bổ và phục dựng nhà hát với kiến trúc nguyên mẫu.
Mặc dù không thể phục hồi nguyên trạng với kiến trúc và hình dáng như vốn có, nhưng Duyệt Thị Đường đã được hồi sinh với các chi tiết nổi bật về kiến trúc như mái ngói lưu ly, các cột sơn son thiếp vàng rực rỡ, khu vực sân khấu hậu trường và cả khán phòng mang dáng dấp xưa, vừa cổ điển vừa ấn tượng.
Khi hoàn thành tu bổ, nhà hát Duyệt Thị Đường có các không gian chức năng cơ bản như tầng 1 là khu vực biểu diễn, khu vực cho khán giả ngồi xem các tiết mục ca múa cung đình và khu vực hóa trang cho các diễn viên. Tầng 2 là không gian trưng bày các loại trang phục nhạc cụ và những tài liệu về nghệ thuật cung đình truyền thống.
Trải nghiệm đầu tiên khi du khách đến với nhà hát Duyệt Thị Đường Huế chắc chắn là thưởng lãm không gian kiến trúc đầy ấn tượng. Ngoài ngắm nhìn khán phòng với sân khấu và các chi tiết kiến trúc cổ, thì du khách cũng có thể ghé khu trưng bày của nhà hát để ngắm nhìn các trang phục và nhạc cụ phục vụ trình diễn của các diễn viên. Từ đây du khách có thể hình dung rõ nét và hiểu hơn về nghệ thuật trình diễn truyền thống của cung đình Huế.
Đã đến nhà hát Duyệt Thị Đường thì chắc chắn bạn sẽ không thể bỏ lỡ cơ hội thưởng thức những màn trình diễn nhã nhạc, múa cung đình vô cùng đặc sắc. Hiện tại, mỗi ngày nhà hát sẽ mở 2 suất trình diễn các loại hình nghệ thuật nhã nhạc, múa cung đình và trình diễn tuồng cung đình. Trong đó có nhiều điệu múa, bài nhã nhạc và tuồng cung đình cổ được sưu tầm kỹ lưỡng và dàn dựng trình diễn rất công phu như Trống Thái Bình, Lục cúng hoa đăng và các trích đoạn tuồng Kỷ Lan Anh, Phú lục địch… Các vở tuồng cung đình Sơn Hậu, Tam Nữ Đồ Vương …
Ngoài ra, nhà hát cũng sáng tạo và dàn dựng những tác phẩm mới dựa trên chất liệu nghệ thuật cổ, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm mới mẻ. Các suất diễn ở Duyệt Thị Đường sẽ được trình diễn với khung giờ như sau:
Suất 1: Từ 10h00 – 10h35
Suất 2: Từ 15h00 – 15h35
Du khách có thể mua vé 200.000đ/ người ở ngay khu vực cửa ra vào của nhà hát.
Du lịch Huế và đến với Đại Nội, chắc chắn nhà hát Duyệt Thị Đường sẽ là địa điểm tuyệt vời để dừng chân. Nơi đây được xem là di sản phi vật thể trong lòng của di sản kiến trúc và không chỉ mang giá trị về kiến trúc, nghệ thuật vô cùng đặc sắc mà còn là nơi chứa đựng cả những giá trị lịch sử và văn hóa hết sức độc đáo.
>> Xem thêm: Điện Thái Hoà Huế - Nơi đăng quang của 13 vị vua triều Nguyễn
Nguyệt Cát (Tổng hợp) - luhanhvietnam.com.vn
Ảnh: Internet