Khám phá 5 Lễ hội ấn tượng bậc nhất tại Ninh Bình

Thứ năm, 25/07/2019, 20:27 GMT+7

Cố đô Hoa Lư là vùng đất giàu văn hóa, truyền thống với nhiều lễ hội diễn ra trong năm. Cùng Lữ Hành Việt Nam khám phá 05 Lễ hội ở Ninh Bình đặc sắc và ấn tượng nhất nhé!

test

Đến với vùng đất Hoa Lư, du khách không chỉ được tham quan vãn cảnh thiên nhiên tươi đẹp, mà còn được hòa mình vào các lễ hội ở Ninh Bình cực đặc sắc. Những lễ hội này vừa là nét đẹp văn hóa truyền thống, vừa thể hiện được những gì tuyệt đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho nơi đây.

 

le-hoi-trang-an-le-hoi-o-ninh-binhTràng An mùa Lễ hội

Chắc chắn tham gia các lễ hội ở Ninh Bình này, sẽ mang đến những trải nghiệm du lịch hấp dẫn cho du khách khi đi du lịch Ninh Bình.

 

1. Lễ hội Tràng An

 

Lễ hội Tràng An thường được diễn ra vào ngày 18 tháng 3 âm lịch, đây là một lễ hội truyền thống nhằm tôn vinh, quảng bá, mở rộng du lịch Tràng An ra tầm cỡ thế giới. Lễ hội truyền thống Tràng An mở ra để tưởng nhớ công lao của Đức thánh Quý Minh Đại Vương, người đã có công xây dựng và bảo vệ tổ quốc dân tộc.

Trong những ngày lễ hội trọng đại, người dân nơi đây tụ hội về để tiến hành các đại lễ dâng hương, rước kiệu nhằm cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. 

 

le-hoi-trang-an-le-hoi-0-ninh-binhDòng người đổ kín về Tràng An

Đặc biệt nhất chính là nghi thức rước nước với thuyền rồng trên sông nhằm tỏ ý nhắc nhở con người ta phải biết uống nước nhớ nguồn. Du khách đến với Tràng An mùa lễ hội này sẽ được ngồi thuyền vãn cảnh, thưởng thức các làn điệu dân ca do các nghệ nhân của nhiều dân tộc, vùng miền khác nhau được mời đến biểu diễn; ngắm nhìn khung cảnh núi non hữu tình cũng như được trải mình trong chốn bồng lai tiên cảnh. 


Lễ hội truyền thống Tràng An kết hợp với khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp hứa hẹn mang lại cho du khách những trải nghiệm vô cùng tuyệt vời. Đến Tràng An vào ngày thường đã bị mê đắm bởi cảnh quan nơi đây, nếu đến như đến vào mùa lễ hội thì lại càng dễ khiến du khách say ngây ngất.

 

2. Lễ hội Giáng sinh tại Nhà thờ đá Phát Diệm


Nhà thờ đá Phát Diệm được coi như là kinh đô Công giáo của Việt Nam. Hàng năm, các giáo xứ đều tấp nập mở lễ hội Giáng sinh để mừng ngày Chúa Giê - su ra đời. Trước Giáng sinh mấy ngày, tất cả mọi người đều hào hứng chuẩn bị trang hoàng lại thánh đường. Xung quanh là những dãy đèn lồng trải dài dọc theo các hành lang lối đi bằng đá cùng với các bức tranh mô tả lại cuộc đời Chúa, các vị giáo xứ cũng đặt lại mô hình hang đá tượng trưng cho nơi Chúa hạ phàm. Sân khấu được dàn dựng ngay trong khuôn viên nhà thờ, mọi người tranh thủ tập luyện các tiết mục văn nghệ, hát thánh ca nhằm phục vụ du khách.

 

le-hoi-o-ninh-binh-3Nhà thờ đá Phát Diệm trong lễ Giáng sinh

Vào ban đêm, nhà thờ đá Phát Diệm trở nên nguy nga, tráng lệ, ấm áp dưới những ánh đèn lung linh sắc màu. Nhìn từ trên cao xuống, nhà thờ bừng sáng giữa một khoảng trời. Người người nô nức đến đây tham gia lễ hội, cầu nguyện trong đêm giáng sinh với mong muốn Chúa sẽ ban phước lành đến cho muôn dân. Bên trong nhà thờ chính tòa, toàn bộ hệ thống chiếu sáng được thắp lên làm nổi bật sự tráng lệ, huy hoàng, tăng thêm sự cổ kính, tâm linh.

Trong lễ Giáng sinh ấm áp diễn ra nhiều hoạt động thú vị như lễ rước Chúa Hài Đồng quanh hồ, các màn ca múa nhạc mừng Giáng sinh, lễ diễn nguyện, múa chào mừng,… Lễ hội Giáng sinh tại Phát Diệm hàng năm thu hút rất nhiều du khách đến đây tham gia, đặc biệt là các giáo xứ. Đến đây du khách vừa được tham quan nhà thờ vừa tìm hiểu được thêm nhiều điều về Chúa cũng như đạo giáo, cũng có thể hiểu hơn về đức tin cũng như nghi thức cầu thánh của các giáo dân.

 

3. Lễ hội Chùa Bái Đính

 

Chùa Bái Đính là một công trình lớn, đồ sộ nhất ở Ninh Bình với nhiều kỷ lục được công nhận tầm cỡ quốc gia và Đông Nam Á. Chùa có diện tích rộng với nhiều hạng mục như khu chùa Bái Đính cổ tự, Điện Tam Thế, Bảo Tháp, điện Quán Thế Âm, tháp Chuông,… thu hút khách du lịch từ nhiều nơi.

 

le-hoi-o-ninh-binh-2Lễ hội tại ngôi chùa Bái Đính

Lễ hội Chùa Bái Đính là một lễ hội xuân, được tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán và bắt đầu từ chiều ngày mồng 1 Tết. Đây là lễ hội nhằm tưởng nhớ đến công lao của các vị anh hùng dân tộc của nước nhà, cầu cho quốc thái dân an. Lễ hội bắt đầu khai mạc chính thức là vào ngày mồng 6 Tết và kéo dài cho đến tận tháng 3. Đây là mốc thời gian khởi đầu cho những cuộc hành hương trở về với Cố đô Hoa Lư, trở về miền đất Phật, dâng lên Người những lời thỉnh cầu hoặc thả hồn vào thiên nhiên hùng vĩ bên dòng sông Hoàng Long huyền thoại.

Lễ hội Chùa Bái Đính gồm hai phần. Phần lễ bao gồm các nghi thức thắp hương thờ Phật, cúng bái tưởng nhớ công ơn Đức thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần núi Cao Sơn và chầu Thánh Mẫu Cao Sơn. Bắt đầu lễ hội là nghi thức rước kiệu, mang bài vị của thần Cao Sơn, Đức thánh Nguyễn Minh Không và Bà Chúa Thượng Ngàn từ khu vực chùa cũ ra chùa mới để tiến hành nghi lễ chính.

 

le-hoi-o-ninh-binh-1Chùa Bái Đính lung linh trong đêm

Phần hội của chùa Bái Đính là các tiết mục văn hóa, vãn cảnh nhà chùa, tham gia các trò chơi dân gian, thưởng thức nghệ thuật biểu diễn ca múa nhạc của các nghệ sĩ đến từ Nhà hát chèo nghệ thuật Ninh Bình, tái hiện lại lễ đăng đàn xã tắc của vua Đinh Tiên Hoàng và lễ tế cờ của vua Quang Trung trước khi lâm trận. Những ngày này, các tăng ni phật tử trong chùa cũng như những người hành hương sẽ đến đây cùng nhau cầu nguyện cho một đất nước yên ấm, hòa bình và thịnh vượng.

 

4. Lễ hội đền Thái Vi

 

Lễ hội đền Thái Vi là một lễ hội lớn thuộc xã Văn Lâm, thường được tổ chức từ 14 đến 16 tháng 3 âm lịch nhằm mục đích thờ cúng vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông và Hiển Từ Hoàng Thái Hậu, trong đó, người đặc biệt nhất là vua Trần Thái Tông - người đã khai hoang, lập ấp, chiêu dân để xây dựng nên căn cứ địa Văn Lâm cho lần chống quân Nguyên Mông lần hai.

 

le-hoi-o-ninh-binh-5Lễ hội đền Thái Vi

Phần lễ bao gồm có nghi thức rước kiệu hoành tráng với đoàn người cầm cờ, gióng trống, theo sau là những đoàn người khiêng kiệu bát cống, bên trên có đặt bài vị của các vị vua Trần, Hoàng Hậu, công chúa và có bày biện hương hoa lễ vật, có lọng che. Tiếp đến là kiệu khiêng những hương hoa, xôi thịt, theo sau cùng là đoàn tế lễ. Nghi thức tế lễ được diễn ra ngay trên sân trước đền Thái Vi với nhiều thủ tục, hình thức tôn nghiêm nhằm này tỏ sự kính trọng. Phần hội là những hoạt động vui chơi giải trí, các trò chơi dân gian như múa rồng, múa lân, đánh cờ người, đua thuyền hay đấu vật,…

 

le-hoi-o-ninh-binh-42Dân làng chuẩn bị lễ tế chu đáo

Lễ hội đền Thái Vi được tổ chức 3 năm một lần vào các năm Tý, Ngọ, Mão Dậu với quy mô vô cùng lớn. Đây là lễ hội làng tổng, từ xa xưa tất cả các làng của tổng Vũ Lâm đều tổ chức lễ hội này, các làng luôn phiên nhau cùng rước kiệu thánh về đình Các để tế lễ.

 

Khách sạn giá rẻ ở Ninh Bình

 

5. Lễ hội truyền thống Cố Đô Hoa Lư

 

Lễ hội Cố Đô Hoa Lư hay còn gọi là lễ hội Trường Yên là một lễ hội truyền thống được tổ chức ngay tại Cố Đô Hoa Lư. Lễ hội này được tổ chức thường niên vào ngày mồng 6 đến mồng 8 tháng 3 âm lịch.

Lễ rước bài vị của vua Lê, vua Đinh được diễn ra hoành tránh với đội ngũ rước lễ và đoàn kèn trống âm vang. Đại lễ gồm có lễ rước nước, lễ dâng hương, lễ tưởng niệm và lễ hội thả hoa đăng. Phần hội luôn bao gồm những trò chơi dân gian thú vị, thu hút nhiều người dân địa phương cũng như khách du lịch đến tham gia.

 

le-hoi-o-ninh-binhLễ hội cố đô Hoa Lư

Các trò chơi dân gian chủ yếu là đấu cờ người, kéo co hay múa rối nước, ngoài ra còn có hoạt động thi đấu các môn thể thao như đấu vật dân tộc, thi thư pháp, đấu bóng chuyền và thưởng thức các tiết mục dân gian đặc biệt. Phần được yêu thích nhất trong đại lễ chính là lễ hội thả đèn hoa đăng trên sông Sào Khê, đây là nghi lễ hấp dẫn nhất đươc tổ chức vào buổi tối. Những ngọn đèn hoa đăng lấp lánh ánh nến trôi dập dềnh trên dòng nước mang theo những điều ước của bao nhiêu con người về một tương lai mới tươi đẹp hơn.

Đi du lịch vùng đất Cố đô Hoa Lư, bạn nhất định phải tham gia vào các Lễ hội ở Ninh Bình này nhé, chắc hẳn sẽ mang đến những trải nghiệm khó quên cho bạn!

 

Linh Tu (tổng hợp) - luhanhvietnam.com.vn

Ảnh: Internet


Copyright © 1997-2018 Luhanhvietnam.com.vn