Tới thăm di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ

Thứ bảy, 27/07/2019, 09:53 GMT+7

Điểm du lịch nổi tiếng nhất Phú Thọ mà về khi đất Tổ ai cũng muốn tới thăm chính là khu di tích đền Hùng - quần thể di tích đền chùa, thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất.

test

Di tích lịch sử Đền Hùng tọa lạc trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì nằm ở độ cao 175m so với mực nước biển, bao quanh là rừng cấm linh thiêng. Toàn khu di tích Đền Hùng xưa kia là rừng già nhiệt đới, đến nay chỉ còn núi Hùng là rậm rạp xanh tươi với 150 loài thảo mộc thuộc 35 họ, trong đó còn sót lại một số cây đại thụ như chò, thông, lụ,…và một vài giống cây cổ sơ như kim giao, thiên tuế,..

Đây là nơi thờ cúng các vua Hùng đã có công dựng nước, tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Từ Hà Nội, du khách có thể đến Đền Hùng bằng đường bộ theo quốc lộ 2 hoặc tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai.

 

Tới thăm di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ Nơi diễn ra lễ hội Đền Hùng thu hút hàng chục ngàn du khách kéo về dự lễ hàng năm

 

Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng này được xây dựng từ thế kỷ 15. Toàn bộ Khu di tích có 4 đền: đền Hạ - đền Trung - đề Thượng - đền Giếng, 1 chùa và lăng vua Hùng hài hoà trong cảnh thiên nhiên, có địa thế cao rất ngoạn mục, hùng vĩ, đất đầy khí thiêng của sơn thuỷ hội tụ. Mỗi năm dân chúng đổ về đền Hùng rất đông vào ngày 10/03 âm lịch để tham gia lễ hội đền Hùng nhân ngày giỗ Tổ Hùng Vương. 

Đến với đền Hùng, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc, thiết kế, nghệ thuật điêu khắc từ thời vua Đinh Tiên Hoàng mà còn cảm nhận được vẻ đẹp của công trình hoành tráng ẩn mình dưới những cây cổ thụ to lớn…

 

Các công trình chính thuộc di tích lịch sử Đền Hùng

 

Cổng đền

Cổng đền được xây dựng vào năm Khải Định thứ 2 (1917). Kiến trúc vòm cuốn cao 8,5m, hai tầng 8 mái, lợp giả ngói ống. Tầng dưới có một cửa vòm cuốn lớn, đầu cột trụ cổng tầng trên có cửa vòm nhỏ hơn, 4 góc tầng mái trang trí Rồng, đắp nổi hai con Nghê. Giữa cột trụ và cổng đắp nổi phù điêu hai võ sỹ, một người cầm giáo, một người cầm rìu chiến, mặc áo giáp, ngực trang trí hổ phù. Giữa tầng một có đề bức đại tự: “Cao sơn cảnh hành” (lên núi cao nhìn xa rộng), cũng có người dịch là “Cao sơn cảnh hạnh” (Đức lớn như núi cao). Mặt sau cổng đắp hai con hổ là hiện thân vật canh giữ thần.

 

Tới thăm di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ Kiến trúc cổng đền Hùng

 

Đền Thượng

Đền Thượng ở trên đỉnh núi Hùng có tên chữ là “Kính thiên lĩnh điện” (Điện cầu trời) còn có tên là “Cửu trùng tiên điện” (Điện giữa chín tầng mây). Tương truyền rằng thời Hùng Vương, đây là nơi các vua Hùng làm lễ tế Trời đất, thần Núi và thần Lúa; cũng là nơi Thục Phán sau khi lên ngôi dựng cột đá thề sẽ trông nom ngôi đền và giữ gìn cơ nghiệp vua Hùng.

Đền Thượng đến thế kỷ XV được xây dựng quy mô, vào thời Nguyễn trải qua đại trùng tu. Hiện nay đền có kiến trúc kiểu chữ Vương, kiến trúc đơn giản, kèo cầu, không có chạm trổ, được xây dựng 4 cấp: Nhà chuông trống (cấp I), Đại bái (cấp II), Tiền tế (cấp III) và Hậu cung (cấp IV). Trong Đền Thượng có bức đại tự đề “Nam Việt triệu tổ” (Tổ khai sáng nước Việt Nam). 

 

Tới thăm di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ Đền Thượng là nơi các vua Hùng làm lễ tế Trời đất và thân linh

 

Lăng Hùng Vương

Ngôi mộ vua Hùng Vương đời thứ 6 tọa lạc ở phía đông đền Thượng, mặt quay theo hướng Đông Nam. Xưa kia chỉ là một mộ đất, đến thời vua Tự Đức năm thứ 27 (1870) đã cho xây mộ dựng lăng. 

Lăng hình vuông, cột liền tường, có đao cong 8 góc, tạo thành 2 tầng mái. Tầng dưới 4 góc đắp 4 con rồng tư thế bò, tầng trên đắp rồng uốn ngược, đỉnh lăng đắp hình “quả ngọc” theo tích “cửu long tranh châu”. Mái đắp ngói ống, cổ diêm, 3 phía đều đắp mặt hổ phù. Ba mặt Tây, Đông, Nam đều có cửa vòm, 2 bên cửa đều đắp kỳ lân, xung quanh có tường bao quanh, trang trí hoa, chất liệu bằng đá.

Trong lăng có mộ Vua Hùng. Mộ xây hình hộp chữ nhật dài 1,3m, rộng 1,8m, cao 1,0m. Mộ có mái mui luyện. Phía trong lăng có bia đá ghi: Biểu chính (lăng chính). Phía trên ba mặt lăng đều có đề: Hùng Vương lăng (Lăng Hùng Vương).

 

Tới thăm di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ Lăng của vua Hùng Vương đời thứ 6

 

Đền Giếng

Thăm đền Giếng, đầu tiên sẽ gặp cổng đền có kiểu dáng gần giống cổng chính nhưng nhỏ và thấp hơn. Cổng xây theo kiểu kiến trúc 2 tầng 8 mái. Tầng trên giữa cổng có bức đại tự đề: “Trung sơn tiểu thất” (ngôi miếu nhỏ trong núi). Tầng dưới, giữa có một cửa xây kiểu vòm, hai bên có đề câu đối và tượng hai võ sỹ. Mặt sau cổng đắp hổ, mỗi con một bên.

Đền xây theo hướng Đông Nam, kiến trúc kiểu chữ công, gồm nhà tiền bái (3 gian), hậu cung (3 gian), 1 chuôi vồ và 2 nhà oản (4 gian), có phương đình nối tiền bái với hậu cung. Đền được xây dựng lên trên giếng nên hiện nay giếng ở bên trong hậu cung bốn mùa nước trong mát, không bao giờ cạn.

Tương truyền đền Giếng là nơi hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa (con gái của Vua Hùng thứ 18) soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Hai bà có công dạy dân trồng lúa nước và trị thuỷ nên được nhân dân lập đền thờ phụng muôn đời.

 

Tới thăm di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ Đền thờ phụng hai công chú Tiên Dung và Ngọc Hoa

 

Tại khu di tích lịch sử Đền Hùng, trước khi tới Đền Thượng, Đền Giếng, bạn sẽ được tham quan Đền Trung, Đền Hạ.

 

Đền Hạ

Đền Hạ xây theo kiến trúc kiểu chữ “nhị” gồm hai toà tiền bái và hậu cung, mỗi toà ba gian, cách nhau 1,5m. Kiến trúc đơn sơ kèo cầu suốt, bẩy gối vào đầu kèo làm cho mái sau dài hơn mái trước. Đốc xây liền tường với đốc Hậu cung, hai bên đắp phù điêu, một bên voi, một bên ngựa. Bờ nóc phẳng, không trang trí mỹ thuật. Mái lợp ngói mũi, địa phương gọi là ngói mũi lợn.

Ngay chân Đền Hạ là Nhà bia với kiến trúc hình lục giác, có 6 mái. Trên đỉnh có đắp hình nậm rượu, 6 mái được lợp bằng gạch bìa bên trong, bên ngoài láng xi măng, có 6 cột bằng gạch xây tròn, dưới chân có lan can. Trong nhà bia trước đây đặt tấm bia ghi lại việc tu sửa đường lên núi Hùng, hiện nay đặt bia đá, nội dung ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Đền Hùng ngày 19/9/1945:

“Các Vua Hùng đã có công dựng nước

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”

Phía sau đền hiện có dấu tích giếng “Mắt Rồng” tương truyền là nơi mẹ Âu Cơ ấp trứng để sau nở thành 100 người con mà chúng ta vẫn được học khi còn bé.

 

Tới thăm di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ Đền Hạ



Gần Đền Hạ có một ngôi chùa tên là Thiên quang thiền tự. Chùa được xây theo kiểu nội công ngoại quốc, gồm các nhà: tiền đường (5 gian), thiêu hương (2 gian), tam bảo (3 gian) ở phía trước, dãy hành lang, nhà Tổ ở phía sau. Các toà được làm theo kiểu cột trụ, quá giang gối đầu vào cột xây, kèo suốt. Mái chùa được lập ngói mũi, đầu đao cong. Bờ nóc tiền đường đắp lưỡng long chầu nguyệt.  Trước cửa chùa có cây thiên tuế là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với cán bộ và chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Trước sân chùa có 2 tháp sư hình trụ 4 tầng. Trên nóc đắp hình hoa sen. Lòng tháp xây rỗng, cửa vòm nhỏ. Trong tháp có bát nhang và tấm bia đá khắc tên các vị hoà thượng đã tu hành và viên tịch tại chùa. Chùa còn có một gác chuông được đoán đúc từ thời Hậu Lê; gồm 3 gian, 2 tầng mái, 4 vì kèo cột kiểu chồng giường kết hợp với bẩy lẻ.

 

Đền Trung

Từ đền Hạ leo thêm 168 bậc nữa là tới Ðền Trung ở lưng chừng núi có tên chữ là "Hùng Vương Tổ Miếu". Theo huyền sử đền là nơi Vua Hùng thường cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên và họp bàn việc nước. Nơi đây vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu - người con hiếu thảo vì đã có công làm ra bánh chưng, bánh dày.

Đền được xây theo kiểu hình chữ nhất, có 3 gian quay về hướng nam, dài 7,2m, rộng 3,7m. Mái hiên cao 1,8m, không có cột kèo, cầu quá giang gối vào tường, bít đốc tường hậu, phía trước mở 3 cửa. 

 

Tới thăm di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ Đền Trung - nơi vua Hùng thứ 6 nhường ngôi cho Lang Liêu
 

Đền Tổ mẫu Âu Cơ

Khánh thành tháng 12/2004 trên núi ốc Sơn (núi Vặn); đền Tổ mẫu Âu Cơ có đặt tượng thờ Mẹ Âu Cơ, hai Lạc hầu, Lạc tướng. Để lên tới đây du khách phải trải qua 553 bậc đá Hải Lựu. Đền xây theo kiến trúc truyền thống với cột, xà, hoành, dui bằng gỗ lim, mái được lợp bằng ngói mũi hài, tường bằng gạch bát. Đền chính có diện tích 137m2, làm theo kiểu chữ Đinh. Bên cạnh đền chính có nhà Tả vũ, nhà Hữu vũ, nhà Bia, Trụ biểu, Tứ trụ, cổng Tam quan, nhà tiếp khách và hoa viên. 

 

Tới thăm di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ Đền Tổ mẫu Âu Cơ trên núi ốc Sơn

 

Bảo tàng Hùng Vương

Bảo tàng Hùng Vương được khánh thành đúng ngày khai hội Đền Hùng năm Quý Mùi (2003) hiện là nơi lưu giữ gần 700 hiện vật gốc trên tổng số hơn 4.000 hiện vật có trong Bảo tàng, 162 bức ảnh, 4 bức tranh gốm, 5 bức tranh sơn mài, 9 bức gò đồng, 5 hộp hình, một nhóm tượng lớn và nhiều hiện vật khác được trưng bày đã khắc hoạ chủ đề tổng quát: “Các Vua Hùng dựng nước Văn Lang trên mảnh đất Phong Châu lịch sử”.

 

Tới thăm di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ Khu vực bên trong bảo tàng Hùng Vương

 

Phần trưng bày của Bảo tàng Hùng Vương được tập trung vào 3 chủ đề chính:

- Giới thiệu giai đoạn văn hoá Hùng Vương bằng các hiện vật liên quan đến thời đại Hùng Vương tìm được trên đất Phú Thọ và Vĩnh Phúc.

- Giới thiệu việc hình thành khu di tích lịch sử Đền Hùng và ý thức xây dựng khu di tích của nhân dân cả nước.

- Tình cảm của nhân dân, sự quan tâm của người đứng đầu Nhà nước phong kiến trước đây, của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng ngày nay đối với Đền Hùng. 

Đền Hùng không chỉ là một thắng cảnh đẹp còn là một di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng đối với người Việt Nam. Công trình vẫn không ngừng được đầu tư xây dựng với nhiều hạng mục tương xứng vị thế của một vùng đất Tổ, là điểm hành hương cuốn hút và linh thiêng. Về thăm di tích lịch sử Đền Hùng hàng năm là một truyền thống của những người con đất Việt để thêm hiểu về với cội nguồn dân tộc, để tự hào về dòng giống tiên rồng đang chảy trong huyết mạch của mỗi người Việt Nam.

 

luhanhvietnam.com.vn

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ


Copyright © 1997-2018 Luhanhvietnam.com.vn