'Lịm tim' với vẻ đẹp thơ mộng của làng chiếu cói ở Bình Định

Thứ bảy, 10/10/2020, 08:41 GMT+7

Không đơn giản chỉ là một vật dụng gia đình, chiếu cói còn thể hiện một nét văn hóa đặc trưng của người Việt Nam, vậy nên ngôi làng chiếu cói ở Bình Định luôn là điểm đến thu hút với những ai yêu những giá trị truyền thống cao quý.

test

Vài nét về nghề dệt chiếu cói và làng chiếu cói ở Bình Định

Có thể bạn chưa biết, nghề dệt chiếu đã có từ rất lâu ở Trung Quốc, nhưng mãi đến khoảng những năm từ 908 đến 1009 vào thời Tiền Lê, một vị quan tên Phạm Đôn Lễ ở làng Hải Triều khi đi sứ sang Trung Quốc mới học được ở Ngọc Hồ, Quảng Tây và về truyền lại cho dân ta. Đến ngày nay, làng nghề này đã có mặt ở nhiều nơi trên dải đất hình chữ S trong đó có tỉnh Bình Định.

Làng chiếu cói ở Bình Định cũng có tuổi đời khá lâu là 400 năm, nổi tiếng ở các xã Hoài Châu Bắc, Tam Quan Bắc và Hoài Hưng… của huyện Hoài Nhơn với hơn 1.000 hộ dân sinh sống dựa vào làng nghề truyền thống này.

 

cánh đồng cói tại làng chiếu cói ở Bình ĐịnhCánh đồng cói nên thơ khi nhìn từ trên cao (Ảnh @banhbaodalat)

 

Đặc biệt, nghề dệt chiếu cói ở Hoài Nhơn không chỉ có quy mô lớn nhất miền Trung mà còn được các cơ quan chức năng vô cùng quan tâm. Thậm chí, sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Bình Định còn xếp làng nghề dệt chiếu cói vào hàng băn hóa phi vật thể và tạo nhiều điều kiện để nó ngày một phát triển mạnh mẽ hơn.

Hơn nữa, đây còn là sản phẩm được khách hàng rất ưa chuộng, từ những khu vực trong nước như: miền Trung, Tây Nguyên… cho đến ngoài nước như: Đông Nam Á, Đông Âu và Châu Mỹ…để rồi thu về cho địa phương doanh thu hàng chục tỷ mỗi năm.

Chính vì vậy, khi đi du lịch Bình Định, bạn nhất định không được quên ghé thăm làng chiếu cói ở Hoài Nhơn đâu nhé. 

 

Vẻ đẹp tựa cõi mơ của làng chiếu cói ở Bình Định

Cánh đồng cói ở Bình Định gây ấn tượng với du khách bởi một màu xanh mướt trải dài vô tận như một tấm lụa khổng lồ, mỗi khi có cơn gió thổi qua, những cây cói đung đưa tạo thành từng làn sóng nối đuôi nhau chạy đến phía chân trời.

 

cánh đồng cói xanh tại làng chiếu cói ở Bình ĐịnhCánh đồng cói xanh mướt (Ảnh @viet_pirate)

 

Trong khi cây lúa chín sẽ chuyển sang màu vàng tươi như nắng thì cây cói chín lại chỉ chuyển màu hoa, thân cây vẫn giữ nguyên màu xanh tươi tốt, tràn trề sức sống.

Mùa thu hoạch cói thường diễn ra vào mùa thu, từ sáng sớm, khi bình minh vừa lên, le lói những tia sáng dịu dàng đầu ngày xuống không gian, khi những giọt sương vẫn còn vương trên từng cành cây, chiếc lá, thì những người nông dân cần mẫn đã tấp nập ra đồng gặt cói.

Giữa không gian bạt ngàn một màu xanh ngát, thấp thoáng những chiếc áo vàng, áo đỏ, áo tím của các bác nông dân, vẽ nên bức chân dung hình ảnh người phụ nữ Việt Nam tần tảo, chịu thương chịu khó, khiến người xem chẳng nỡ rời mắt.

 

mùa thu hoạch cói tại làng chiếu cói ở Bình ĐịnhHình ảnh người phụ nữ cần mẫn trên đồng (Ảnh @huynhloc8522)

 

Chẳng có những căn nhà chọc trời sừng sững, cũng chẳng cần xế hộp xa hoa, làng chiếu cói ở Bình Định chỉ với vẻ đẹp bình dị và đơn sơ thế thôi cũng đủ khiến bao người phải thổn thức khi nhớ về.

 

 

Quy trình làm chiếu tại làng chiếu cói ở Bình Định

Cói được gặt xong thì buộc lại thành từng bó dựng giữa đồng trông như những chiến binh mặc áo giáp xanh, cực kỳ bắt mắt. Sau đó, những người phụ nữ sẽ gánh từng bó lên xe và chở về nhà.

 

người dân làng chiếu cói ở Bình Định chở cói vềNgười dân chở cói về (Ảnh @harrydinhquan)

 

Từng sợi cói sau khi được phơi khô thì được nhúng ngập trong một thùng phẩm màu rồi lại đem ra sân phơi lại. Công đoạn này cũng khá kỳ công, phải phơi trong gió vì ánh nắng sẽ làm thân cói se lại, còn trời mưa thì sẽ làm sợ cói dễ gãy, giảm đi giá trị.

 

phơi cói đã nhuộm tại làng chiếu cói ở Bình ĐịnhCói sau khi nhuộm lại đem đi phơi (Ảnh FB Vũ Bụi) 
>>Xem thêm: Làng chiếu Định Yên - nơi người dân mải mê với nghề di sản hơn một thập kỷ

 

Trong quá trình phơi, người thợ phải trông chừng thật kỹ, khi sợi cói đã khô tầm 70% thì phải thu gom lại để tránh bị giòn, gãy trong quá trình di chuyển và dệt.

Nếu như các cụ ngày xưa phải dệt thủ công bằng tay thì ngày nay, tại làng chiếu cói ở Bình Định, người ta đã sử dụng máy để tiết kiệm sức lao động, mỗi chiếc chiếu cói được dệt bằng máy chỉ mất 20 phút, năng suất cao gấp 3,5 lần so với việc sử dụng sức người.

Tuy nhiên, muốn từng sản phẩm được đẹp và bền nhất thì vẫn cần có một trợ thủ đắc lực ngồi bên cạnh để đưa sợi chiếu vào và rập khổ xuống cho các sợi cói nằm khít vào nhau, cứ thế cứ thế lặp lại liên tục cho đến khi tấm chiếu được hoàn chỉnh.

 

dệt chiếu cói tại làng chiếu cói ở Bình ĐịnhNhững người thợ đang dệt chiếu cói (Ảnh sưu tầm internet)

 

Dệt chiếu trơn thì chỉ cần công thức hóa như thế, nhưng với chiếu hoa, với nhiều mẫu khác nhau như: chữ Thọ, chữ Song Hỷ, chữ Trăm Năm Hạnh Phúc…cùng các hoa văn tinh tế ở bốn góc và các cạnh, thì người thợ sẽ phải thật tỉ mỉ, khéo léo ghép từng sợi màu lại với nhau sao cho ra hình thù thì mới được coi là hoàn thiện. Những sản phẩm như thế sẽ mất thời gian và công sức hơn rất nhiều. 

 

Các sản phẩm thủ công ấn tượng của làng chiếu cói ở Bình Định

Chiếu cói ở Hoài Nhơn Bình Định có hai loại cơ bản là: chiếu trơn và chiếu hoa, với nhiều kích cỡ và độ dày – mỏng khác nhau. Chiếu trơn được làm từ sợi cói nguyên bản, mộc mạc, đơn giản nhưng rất lịch sự, nên được dùng trong mỗi lần cúng bái.

Trong khi đó, chiếu hoa thì nhiều màu sắc hơn, tinh tế và bắt mắt hơn, nên sẽ được dùng với nhiều mục đích khác nhau, thậm chí là trải giường cưới, cực kỳ ý nghĩa và hữu ích luôn nhé.

 

chiếu cói của làng chiếu cói ở Bình ĐịnhChiếu hoa cực bắt mắt (Ảnh sưu tầm internet)

 

Mặc cho quá trình công nghiệp hóa ngày một phát triển, bao sản phẩm hiện đại hơn đã được ra đời thì những người dân trong làng chiếu cói ở Bình Định vẫn gắn bó với nghề truyền thống này bằng một tinh thần nhiệt huyết cao và một tình yêu to lớn để phục vụ mọi người. Vậy nên, còn ngại gì mà không làm ngay một chuyến ghé thăm nơi đây để thể hiện sự ngưỡng mộ với công việc đáng quý của họ đi nào.

 

Thái Hà (Tổng hợp) - luhanhvietnam.com.vn

Ảnh: Internet


Copyright © 1997-2018 Luhanhvietnam.com.vn