Tết hàn thực ăn gì? Tham khảo ngay bài viết này!

Thứ ba, 13/04/2021, 07:52 GMT+7

Ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch sắp đến rồi mà bạn vẫn lăn tăn không biết “Tết Hàn thực ăn gì?” thì hãy theo dõi ngay bài viết dưới đây!

test

Tết Hàn thực của người Việt và ý nghĩa 

Tết Hàn thực là một ngày Tết ăn đồ lạnh, vì “Hàn” là “lạnh”, còn “thực” là “đồ ăn”, thường được tổ chức vào mồng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm. Được biết, đây vốn là một ngày Tết có nguồn gốc từ Trung Quốc, để tưởng nhớ vị hiền sĩ Giới Tử Thôi người dân sẽ không đốt lửa và chỉ ăn đồ nguội trong ngày này. 

Nhưng khi đến Việt Nam, cũng cái tên đó và vào ngày đó thì ngày Tết tháng 3 này đã được Việt hóa thành ngày hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đã khuất và để các gia đình cùng sum vầy, đoàn tụ làm bánh và gắn kết tình cảm với nhau.

 

Tết hàn thực ăn gì? - bánh trôi bánh chayỞ Việt Nam được xem là Tết bánh trôi bánh chay (Ảnh @kleinequeeny)

 

Lưu ý: mặc dù ý nghĩa Tết Hàn thực cũng là “uống nước nhớ nguồn” – tưởng nhớ công lao của tổ tiên và cũng diễn ra trong tháng 3 nhưng nó không phải Tết Thanh Minh – ngày tảo mộ cho gia tiên. Vì Hàn Thực là ngày Tết cố định, còn Thanh Minh sẽ thay đổi theo từng năm, phụ thuộc vào ngày xuân phân và lập xuân, nên bạn nhất định không được gộp 2 ngày Tết này thành 1.

Tết hàn thực 2021 sẽ được diễn ra vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch (tức ngày 14 tháng 4 dương lịch).

 

>>Xem thêm: Tết Hàn Thực và những điều không phải ai cũng biết

 

Các món ăn ngày Tết hàn thực

Tết Hàn Thực còn được người Việt gọi với cái tên dân dã, thân thuộc khác là Tết bánh trôi bánh chay, vì vậy món ăn đặc trưng và phổ biến nhất trong ngày này chính là bánh trôi và bánh chay. Ngoài ra, ở một số nơi người ta còn có thể nấu xôi chè, làm bánh quả nhót hoặc bánh xuân thái (bánh cuốn thịt).

 

Tết hàn thực ăn gì? - bánh trôi bánh chay ngũ sắcBánh trôi bánh chay được ăn nhiều nhất (Ảnh @thuyduong2209)

 

Và điểm chung của chúng là đều được làm từ bột gạo nếp thơm – thành quả lao động quý giá của nền văn minh lúa nước lâu đời ở Việt Nam, qua đó bày tỏ sự kính trọng và biết ơn đối với gia tiên.

 

1. Bánh trôi

Món đầu tiên để giải đáp cho câu hỏi “Tết Hàn thực ăn gì?” chính là bánh trôi – 1 món bánh luôn có mặt trong các mâm cúng Tết Hàn thực, vì vậy ta phải lựa chọn nguyên liệu thật cẩn thận. Gạo phải là nếp cái hoa vàng, pha theo tỷ lệ 8 nếp – 2 tẻ hoặc 9 nếp – 1 tẻ, rồi đem đi xay thành bột mịn. Đường làm bánh trôi ngon nhất là đường phên Dương Liễu, Cát Quê đỏ thắm, rắn đanh, giòn và có hương thơm mát.

Khi trộn bột với nước cũng phải cân đo đong đếm thật cẩn thận để bột không quá khô khiến bánh dễ bị vỡ khi vo viên hoặc quá ướt thì sẽ không thể tạo thành hình trọn đẹp mắt như mong muốn. Sau khi cho đường vào thì vo bột lại thành viên tròn nhỏ vừa miệng và đun trong nước sôi đến khi đã được “ba chìm bảy nổi với nước non” thì vớt ra đĩa và rắc vừng trắng rang thơm lên trên để trang trí.

 

Tết hàn thực ăn gì? - bánh trôi trắng truyền thốngBánh trôi trắng phau tròn vo (Ảnh @xiaohuang_94)

 

Ngoài món bánh trôi có màu trắng truyền thống thì ngày nay trong Tết Hàn thực người ta còn có thể trộn bột với lá dứa, gấc, hoa đậu biếc hay khoai lang…để tạo ra các màu sắc xanh, đỏ, vàng…bắt mắt và thơm ngon hơn.

 

Tết hàn thực ăn gì? - bánh trôi ngũ sắcBánh trôi nhiều màu (Ảnh @huyenn_monitorr)

 

2. Bánh chay

Món cần ăn trong Tết Hàn thực tiếp theo là bánh chay. Cũng được làm từ loại bột nếp như bánh trôi nhưng viên bánh chay sẽ có kích thước to hơn, nhân thì được làm từ đậu xanh nấu chín, trộn với đường cát và dừa nạo cho thêm vị ngọt béo. Ngoài ra, bạn cũng có thể làm nhân bánh với bí đỏ, đậu đỏ hoặc vừng đen sên với đường và dừa nạo sợi…để đa dạng hương vị.

Bánh chay cũng không ăn khô như bánh trôi mà được đựng trong bát, chan thêm chút nước chè đường nấu với bột sắn dây hoặc bột đao để tạo độ sánh và chút hương hoa bưởi tăng hương thơm, sau đó rắc thêm chút vừng rang vàng, dừa và đỗ xanh nấu chín lên mặt là có thể thưởng thức.

 

Tết hàn thực ăn gì? - bánh chayBánh chay ăn với nước ngọt thanh (Ảnh @mummim91)

 

3. Bánh quả nhót

Bánh quả nhót cũng được làm từ bột nếp nhưng không có nhân như bánh trôi, bánh chay mà sau khi vo viên giống hình quả nhót và luộc chín thì sẽ được đảo qua với mật và rắc hạt lạc bên ngoài. Như vậy, nếu không biết làm quá cầu kỳ thì bánh quả nhót cũng sẽ là gợi ý tuyệt vời cho thắc mắc “Tết Hàn thực ăn gì?” của bạn.

 

Tết hàn thực ăn gì? - bánh nhótBánh quả nhót rất dễ làm mà ngon (Ảnh @linhandfood)

 

4. Bánh xuân thái (hay bánh cuốn rau thịt)

Trước thời Lê Nguyễn, vào thời Trần và Lý, người Việt không ăn bánh trôi bánh chay mà ăn bánh cuốn và có tục tặng bánh cuốn cho nhau trong ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch, vì thế đây cũng sẽ là một món ăn nên thử trong ngày lễ Hàn thực.

Loại bánh bánh này không có nhân mộc nhĩ và thịt hay nhân trứng mà người ta sẽ sử dụng và thịt và rau xanh để làm nhân, rồi cuốn tròn lại. Đó là lý do vì sao nó có cái tên là “xuân thái” (thái: rau). Tuy nhiên, nó có hình dạng khá giống với bánh cuốn ngày nay, nên bạn vẫn có thể làm và ăn bánh cuốn thịt truyền thống trong ngày này.

 

Tết hàn thực ăn gì? - bánh xuân tháiBánh cuốn có nhân thịt và rau (Ảnh @veggiesandnoodles)

 

 

5. Xôi chè

Xôi chè không chỉ được bày trong các mâm cỗ cúng tất niên, cúng rằm tháng giêng, ngày giỗ hay thôi nôi, mà vào Tết Hàn thực 3/3 một số nơi còn làm và cúng cả món ăn này.

Theo đó, bạn đồ xôi đỗ xanh như bình thường, đến khi chín thì múc ra một ít và cho một lượng đường phù hợp, cùng một chút bột sắn dây vào để nấu lửa nhỏ đến khi đạt được độ sánh như mong muốn thì múc ra bát và thưởng thức. Cái vị ngọt dịu của đường, dẻo của gạo nếp và bùi của đỗ sẽ khiến bạn nhớ ãi không quên đấy.

 

Tết hàn thực ăn gì? - xôi chèXôi chè dẻo ngọt thơm (Ảnh @joshvu90)

 

Mong rằng những chia sẻ trên đây giải đáp được thắc mắc “Tết Hàn thực ăn gì?” của bạn, từ đó có một ngày Tết ý nghĩa và đáng nhớ nhất.

 

Thúy Quỳnh (Tổng hợp) - Luhanhvietnam.com.vn

Ảnh: Internet


Copyright © 1997-2018 Luhanhvietnam.com.vn