Banner Voucher KS cả nước
Guidebook
DÒNG SỰ KIỆNlàng đo đochè Huế
Huế

Viếng chùa Huyền Không 1 xứ Huế khám phá nét kiến trúc giao thoa Nhật - Ấn

Thứ hai, 14/09/2020, 12:55 GMT+7

Chùa Huyền Không 1 mang vẻ đẹp hài hòa giữa hai phong cách kiến trúc Nhật Bản và Ấn Độ, thu hút rất nhiều du khách ghé thăm khi đến với Cố đô Huế.

test

Vị trí của chùa Huyền Không 1

Huế là vùng đất nổi tiếng với nhiều thắng cảnh và công trình kiến trúc nổi tiếng. Ai từng ghé thăm cố đô cũng ít nhất một lần vào Đại Nội Kinh Thành Huế, qua cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp, dừng chân chợ Đông Ba và ghé thăm những đền đài lăng tẩm in dấu thời gian. Huế còn là xứ sở của nhiều công trình tôn giáo lừng danh như đền, chùa cổ và nhiều nhà thờ tọa lạc giữa khung cảnh hữu tình và có kiến trúc độc đáo. Trong số đó, không thể không nhắc đến chùa Huyền Không, hay còn gọi là Huyền Không 1 để phân biệt với một ngôi chùa khác có tên là chùa Huyền Không Sơn Thượng, cũng nằm giữa không gian thanh bình và khung cảnh đồi núi tuyệt đẹp.

Cả 2 ngôi chùa mang tên Huyền Không ở Huế đều là điểm du lịch nổi tiếng, điểm đến tâm linh nổi bật, thu hút khách thập phương với lối kiến trúc độc đáo, tọa lạc tại cảnh sắc bình an, tĩnh tại hệt như chốn bồng lai tiên cảnh.

 

Chùa Huyền Không 1 xứ Huế - sự kết hợp giữa kiến trúc Huế, Ấn Độ và Nhật BảnChùa Huyền Không có sự kết hợp giữa kiến trúc Huế, Ấn Độ và Nhật Bản. Ảnh: focusasiatravel

 

>>Xem thêm: Chùa Huyền Không Sơn Thượng - chốn tiên cảnh ít người biết trên đất Huế

 

Chùa Huyền Không 1 còn có tên là chùa Huyền Không Sơn Trung tọa lạc ở ngoại vi thành phố Huế, tại thôn Nham Biền, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chùa nằm cách chùa Thiên Mụ khoảng 3 km về phía tây. Đây cũng chính là ngôi chùa theo hệ Phật giáo Nam Tông ở Cố đô.

 

Tiền thân của chùa Huyền Không 1 ở Huế

Theo nhiều người cao tuổi trong làng, thì tiền thân của chùa Huyền Không ban đầu là một chùa nhỏ dựng lên bằng tre nứa vào năm 1973 ở phía Bắc của đèo Hải Vân, nằm ở Lăng Cô, huyện Phú Lộc xưa. Sau đó 5 năm, tức là vào năm 1978, chùa mới được sư Giới Đức cho chuyển về vị trí hiện nay với phần cửa chùa hướng về phía Đông Nam. Đến sau này, tức là năm 1993, phần Chánh Điện chùa được xây dựng lại quy mô hơn và hoàn thành vào 2 năm sau đó.

 

Chùa Huyền Không 1 xứ Huế - Khuôn viên phía sau chùaKhuôn viên phía sau chùa. Ảnh: Phatgiao.org

 

Từ đó ở ngay trong phạm vi Huế có một ngôi chùa vừa cổ kính vừa hiện đại và đặc biệt là mang phong cách kiến trúc độc đáo, mới lạ. Nhiều khách du lịch Huế và ghé thăm ngôi chùa này còn ngỡ như mình đang ở xứ Ấn xa xôi, nhưng rồi mới biết thật ra nó nằm ngay gần cố đô và ngay sát Đà Nẵng thôi.

 

Chùa Huyền Không 1 xứ Huế - không gian tĩnh tại giữa lòng cố đôMột không gian tĩnh tại giữa lòng cố đô Huế. Ảnh: focusasiatravel

 

Huyền Không tự thật sự là một công trình tôn giáo có sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp kiến trúc Nhật Bản và Ấn Độ. Không chỉ là nơi chiêm bái Phật pháp và cầu an của nhiều Phật tử cũng như du khách gần xa, còn sở hữu vẻ đẹp độc đáo giữa khung cảnh nên thơ của xứ Huế mộng mơ nên ngôi chùa đã nhanh chóng trở thành điểm check in không thể bỏ qua khi du khách đến du lịch cố đô.

 

Chùa Huyền Không 1 xứ Huế - Điểm du lịch tâm linh nổi bậtĐiểm du lịch tâm linh nổi bật xứ cố đô. Ảnh: Du hí cùng tôi

 

Vẻ đẹp kiến trúc Việt - Nhật - Ấn hài hòa ở chùa Huyền Không 1

Nếu như chùa Trấn Quốc ở Hà Nội mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt, tu viện Khánh An Sài Gòn gợi mở nên một tiểu Nhật Bản giữa miền Nam thì chùa Huyền Không Sơn Trung ở Huế khiến du khách có cảm giác như đang được du lịch nước ngoài bởi lối kiến trúc khác biệt và độc đáo, có sự kết hợp hài hòa giữa vẻ cổ kính của vùng đất cố đô và nét đẹp ấn tượng của hai nền văn hóa Phật giáo Nhật Bản - Ấn Độ.

 

Chùa Huyền Không 1 xứ Huế - mang đậm nét kiến trúc Nhật BảnCổng vào chùa Huyền Không mang đậm nét kiến trúc Nhật Bản. Ảnh: tuannguyen1100

 

Nhìn từ xa, chùa Huyền Không 1 hiện lên vững chãi, tọa lạc giữa một khuôn viên khá rộng lớn với tổng diện tích lên đến 6.000 m2. Công trình tôn giáo này được quy hoạch thành một khung cảnh tràn ngập cây xanh, yên bình và tĩnh tại giữa vùng sông núi hữu tình của đất Thần Kinh. Chùa này được xây dựng từ các vật liệu hiện đại như bê tông, cốt thép nên tạo nên sự chắc chắn, thêm sự uy nghiêm và trang trọng thường có của nơi tu tập, thiền tịnh.

 

Chùa Huyền Không 1 xứ Huế - Toàn cảnh chùa Huyền Không Sơn TrungToàn cảnh chùa Huyền Không Sơn Trung. Ảnh: Facebook chùa Huyền Không

 

Công trình đặc biệt và nổi bật nhất ở chùa Huyền Không Sơn Trung chính là một Bảo tháp Đại Giác được xây mô phỏng theo nguyên mẫu là ngôi đại tháp Mahā Bodhi Gāya ở Ấn Độ nhưng có kích cỡ nhỏ hơn. Có lẽ chính vì vậy mà khi check in ở chùa Huyền Không ở Hương Trà, nhiều du khách đã nhận xét ngôi chùa mang dáng vẻ Ấn Độ khá rõ nét.

 

Chùa Huyền Không 1 xứ Huế - Bảo tháp Đại GiácChùa có Bảo tháp Đại Giác, được xây dựng mô phỏng theo đại tháp Mahā Bodhi Gāya nổi tiếng ở Ấn Độ. Ảnh: b_yennn8

 

Bảo Tháp Đại Giác chỉ có một tầng nền làm đế, còn khu vực phía trên là quần thể tháp 5 ngôi. Trong đó, ngôi tháp chính có không gian bên khá rộng và được bố trí thành 6 tầng. Tháp chính có chiều cao là 37m, còn bốn tháp phụ xung quanh cao khoảng 24m, cạnh đáy dọc là 9,4m và chiều dài cạnh đáy ngang là 15,4m. Bốn ngọn tháp phụ này mang tính trang trí và đối trọng lực cho tháp chính. Mặt khác, các kiến trúc này cũng nhằm tạo sự cân bằng cho tổng thể chùa Huyền Không 1 khi rơi vào điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mưa dầm nhiều ngày, lũ lụt, bão lớn hay động đất. Để làm phần khung chịu lực cho quần thể tháp, người ta đã sử dụng gạch đất sét nung với hệ dầm và cột bê tông kiên cố.

 

Chùa Huyền Không 1 xứ Huế - Bảo Tháp Đại Giác trong chiều hoàng hônBảo Tháp Đại Giác trong chiều hoàng hôn. Ảnh: Phatgiao.org

 

Ngoài ngôi bảo tháp có kiến trúc Ấn đặc sắc, ngôi chùa đẹp ở cố đô Huế này còn cuốn hút du khách khắp nơi bởi không gian cổ kính và thanh tĩnh. Ngoài ra, điểm đặc biệt nữa là ngôi chùa ẩn chứa sự giao thoa giữa kiến trúc truyền thống của các công trình chùa chiền ở Huế với nét đẹp tinh tế, tối giản đậm phong cách Nhật Bản. Điều này thể hiện rõ nhật ở những dãy nhà với kiểu mái Lương Đình ngói đỏ, điểm giữa là các hàng cột gỗ bóng loáng sánh đôi với những chiếc lồng đèn lục giác đặc trưng của xứ sở hoa anh đào. Mỗi khi có cơn gió nhẹ, những chiếc đèn xinh xắn khẽ lay động, khiến du khách ngỡ như đang lạc bước giữa một không gian tĩnh lặng, tịch mịch ngay tại cố đô.

 

Chùa Huyền Không 1 xứ Huế - được xây dựng bằng vật liệu bê tông cốt théChùa được xây dựng bằng vật liệu bê tông cốt thép hiện đại, chắc chắn. Ảnh: kimnganthinh

 

Kiến trúc đẹp mắt của chùa Huyền Không 1 của Huế còn thể hiện qua các thành kèo cột, xuyên xà. Hầu hết đều được chạm trổ và điêu khắc tinh tế, tỉ mỉ và sắc nét. Nhất là những bức phù điêu đắp lộng gam màu xanh lam và trắng làm tôn thêm sự uy nghiêm của biểu tượng long, lân, quy, phượng. Qua đó càng khiến toát lên dấu ấn văn hoá tiêu biểu của cung đình Huế. Chi tiết trang trí này còn gợi nhắc đến một công trình kiến trúc nổi tiếng khác cũng sử dụng nhiều mảnh sành và gốm đắp lên nhiều tiểu cảnh ở nội thất. Đó chính là lăng Khải Định Huế - nơi cũng có sự giao thoa phong cách xây dựng Pháp - Việt.

 

Chùa Huyền Không 1 xứ Huế - kiến trúc độc đáo của các công trìnhNét kiến trúc độc đáo của các công trình trong chùa Huyền Không. Ảnh: Phatgiao.org

Điểm check in lý tưởng với nhiều góc ảnh đẹp

Có thể nói rằng chùa Huyền Không 1 ở Huế chính là địa điểm lý tưởng và phù hợp nhất với những ai thích khám phá vẻ đẹp kiến trúc Phật giáo. Nhưng nơi đây cũng là điểm du lịch Huế cuốn hút và nhất là nơi nhiều du khách thích chụp ảnh ghé thăm. Bởi vì chùa sở hữu nhiều công trình tôn giáo độc đáo, lại nằm giữa khung cảnh tuyệt đẹp, bên dòng Bạch Yến xứ Huế.

 

Chùa Huyền Không 1 xứ Huế - vừa cổ kính vừa hiện đạiNgôi chùa vừa cổ kính vừa hiện đại, Ảnh: kimnganthinh

 

Nếu là tín đồ yêu thích check in bằng những bức ảnh đẹp và chất thì bạn nhất định không thể bỏ qua Bảo Tháp Đại Giác - công trình được xây dựng mô phỏng theo đại tháp Mahā Bodhi Gāya nổi tiếng ở Ấn Độ nằm ngay trong khuôn viên chùa. Dù kích thước ngôi tháp có phần nhỏ hơn bản gốc để tạo được sự hài hòa với các công trình khác trong chùa nhưng vẫn gây ấn tượng mạnh với khách tham quan vì phần chóp tháp có màu vàng rực rỡ, thu hút.

 

Chùa Huyền Không 1 xứ Huế - Sự giao thoa kiến trúc cổ kính của cố đô Huế với nét đẹp ấn tượng của văn hóa Phật giáoSự giao thoa kiến trúc cổ kính của cố đô Huế với nét đẹp ấn tượng của văn hóa Phật giáo Nhật Bản, Ấn Độ. Ảnh: jinyin1918

 

Thân tháp lại mang màu trắng nổi bật và chạm trổ nhiều hoa văn đậm chất văn hóa Ấn Độ. Tất cả đã góp phần tạo nên một góc check in đậm chất “ngoại quốc” trong một ngôi chùa Việt Nam tọa lạc ở vùng đất nổi tiếng với Đại Nội - Kinh Thành Huế, những tâm tẩm, đền đài cổ xưa in dấu thời gian và lịch sử. Kể từ khi xây dựng và hoàn thành đến nay, tòa bảo tháp chùa Huyền Không Sơn Trung vẫn giữ vẹn thế đứng hiên ngang giữa đất trời và tạo thành một điểm nhấn ấn tượng cho khung cảnh ngôi chùa.

 

 

Góc tĩnh tại giữa lòng xứ Huế

Sau khi đã viếng chùa, cầu bình an cho mình và người thân cũng như khám phá kiến trúc đặc sắc và check in bằng nhiều góc ảnh đẹp trong khuôn viên, du khách hãy dành thêm thời gian để tận hưởng khung cảnh bình yên tĩnh lặng hiếm có ở đây nhé. Cùng với chùa Huyền Không Sơn Thượng và Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã Huế, chùa Huyền Không 1 là nơi có vị trí đặc biệt vì nằm ở khu vực có sông hồ bao quanh tạo nên cảnh tượng thiên nhiên hài hòa với không gian trong chùa.

 

Chùa Huyền Không 1 xứ Huế - Khung cảnh tràn ngập cây xanhKhung cảnh tràn ngập cây xanh, yên tĩnh. Ảnh Lâm Bảo Khánh

 

Hơn thế nữa, bên trong Huyền Không tự còn được trang trí thêm 500 giỏ phong lan quý và được các sư thầy dày công chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận nên luôn khoe sắc rực rỡ và xanh mát tốt tươi. Nếu đi dọc trong các dãy hành lang trong chùa, du khách còn được thưởng thức nhiều tiểu cảnh sân vườn được chăm chút công phu, tạo cảm giác như bạn đang được đi dạo giữa một khu sinh thái rộng lớn vậy.

Khu vực triền núi nằm dọc theo con đường dẫn vào chùa còn là nơi trưng bày những tấm đá có khắc chữ bằng thư pháp điêu luyện với vài dòng triết lý sâu sắc, thấm đẫm nhân sinh quan và đạo lý làm người khiến bất cứ ai cũng phải dừng lại một vài phút suy ngẫm về Đạo và Đời.

 

Chùa Huyền Không 1 xứ Huế - Tượng Phật tĩnh tạiTượng Phật tĩnh tại trong chùa Huyền Không Huế. Ảnh: kimnganthinh

 

Có thể nói chùa Huyền Không Sơn Trung bên cạnh vai trò là một công trình tôn giáo còn mang dáng dấp ngôi chùa vườn với đặc trưng của nhà vườn ở Huế. Du ngoạn trong khuôn viên chùa, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp vài hình ảnh gợi nhớ đến nhà vườn An Hiên Huế nổi tiếng. Bày trí nhiều cây xanh, tiểu cảnh vườn hoa, cây kiểng đã giúp tạo được cảnh sắc thanh tịnh và nên thơ của ngôi chùa. Hơn thế nữa, những công trình nhân tạo mang tên gọi hết sức thi vị như: Thanh Tâm viên, Yên Hà Các hay Hứa Nhất Thiên viên cũng rất cuốn hút, tạo cho du khách và các Phật tử một cảnh tượng an lành, chốn thiền tập bình yên.

 

Lưu ý khi ghé thăm chùa Huyền Không 1

Chùa Huyền Không Sơn Trung trước tiên là địa điểm du lịch tâm linh nghiêm trang, chốn tu tập thiền tịnh. Vì vậy du khách đến tham quan và chiêm bái cần lưu ý về trang phục, giữ sự kín đáo, lịch sự khi vào chùa. Theo đó, áo dài, nón lá hoặc váy dài qua gối là gợi ý thích hợp cho bạn khi đến vãn cảnh chùa vì sau khi cầu an, tham quan chùa thì bạn cũng có thể lưu lại nhiều bức ảnh đẹp với trang phục cực kỳ hợp khung cảnh luôn đấy. Bên cạnh đó, du khách cũng cần giữ yên lặng, tránh tạo ra tiếng động lớn vì sẽ ảnh hưởng đến vẻ trang nghiêm và thanh tịnh của chùa Huyền Không 1.

 

Chùa Huyền Không 1 xứ Huế - lưu ý trang phục lịch sự khi tham quan chùaBạn nhớ lưu ý trang phục lịch sự khi tham quan chùa. Ảnh: phunuvietnam

 

Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nếu đang có ý định du lịch Huế, Đà Nẵng và check in tại ngôi chùa đẹp và độc đáo này thì bạn nên thực hiện đầy đủ những biện pháp phòng ngừa bệnh như đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng cũng như hạn chế tiếp xúc với người nước ngoài ở đây (nếu có) nhé. Cuối cùng là hãy lưu ngay địa chỉ ngôi chùa nổi tiếng này của xứ Huế để nhanh tay nhanh chân lên kế hoạch ghé thăm ngay thôi nào.

 

Thanh (Tổng hợp) -  luhanhvietnam.com.vn

Ảnh: Internet

close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)