Guidebook
Banner Voucher KS cả nước

Lễ Pơ Thi của người Jrai ở Tây Nguyên - Tập tục trăm năm linh thiêng và độc đáo 

Thứ tư, 20/12/2023, 11:35 GMT+7

Đến hẹn lại lên, khi những hạt lúa chín vàng chất đầy kho cũng là thời điểm mà lễ Pơ Thi của người Jrai ở Tây Nguyên được tổ chức với các hoạt động, tín ngưỡng tâm linh hết sức độc đáo thể hiện nhân sinh quan của đồng bào nơi đây. 

test

Mặc dòng chảy của thời gian cũng như sự đổi thay của cuộc sống, đồng bào Jrai ở Tây Nguyên vẫn giữ cho mình những nét văn hoá truyền thống, lễ hội được lưu truyền từ thời cha ông và lễ Pơ Thi chính là một nét đẹp điển hình. Lễ Pơ Thi của người Jrai ở Tây Nguyên thể hiện nét đẹp văn hoá rất đặc trưng của đồng bào bản địa đồng thời cũng thể hiện quan niệm nhân sinh hết sức đặc biệt chịu ảnh hưởng từ những tập tục đã được lưu truyền qua hàng trăm năm. 

 

Lễ Pơ Thi của người Jrai ở Tây NguyênLễ Pơ Thi của người Jrai ở Tây Nguyên là nét đẹp văn hoá rất độc đáo. Ảnh: Tạp chí heritage

 

Lễ Pơ Thi là gì?

Với đồng bào Jrai ý niệm về Tết sẽ có sự khác biệt với đồng bào người Kinh. Tết với đồng bào ở đây có thể hiểu là mùa lễ hội, nó sẽ không được định sẵn ngày giờ mà có thể kéo dài đến vài tháng. Khi lễ mừng lúa mới đã xong và những đoá dã quỳ nở rộ khắp các làng bản đồi núi thì cũng là lúc mùa lễ hội bắt đầu. Sau lễ mừng lúa mới thì các hoạt động lễ hội khác như lễ làm nhà mới, lễ chọn bến nước và đặc biệt là lễ Pơ thi cũng lần lượt diễn ra. Lễ Pơ Thi của người Jrai ở Tây Nguyên được xem như trung tâm của tất cả các lễ hội.

Lễ Pơ Thi của người Jrai sẽ diễn ra trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 4 dương lịch, ở mỗi nơi người ta có thể tổ chức vào thời gian khác nhau không có ngày giờ cố định. Đây chính là lễ bỏ mả là lễ hội đưa tiễn các linh hồn đã qua đời về với Yàng để bắt đầu một vòng luân hồi mới, khác biệt với những người còn sống. 

 

Lễ Pơ Thi của người Jrai ở Tây Nguyên
Pơ Thi chính là lễ hội đưa tiễn người đã khuất chính thức về với thế giới khác bước vào vòng luân hồi mới Ảnh: Báo Cộng Sản

Người Jrai Tây Nguyên có phong tục khi một người trong làng mất đi sẽ được chôn bên trong một chiếc mộ tạm. Hằng ngày người thân vẫn sẽ mang thức ăn đến cho người đã khuất cho vào những chiếc ống cắm sâu xuống mộ. Người Jrai cho rằng mặc dù người thân đã chết nhưng khi chưa làm lễ bỏ mả thì họ vẫn còn lai vãng ở đây, họ vẫn cần ăn uống và về nhà với gia đình. Họ sẽ chỉ thực sự chết đi khi đã được làm lễ Pơ Thi và sang thế giới bên kia. 

 

Lễ Pơ Thi của người Jrai ở Tây Nguyên
Lễ hội cũng thể hiện quan niệm về nhân sinh rất độc đáo của đồng bào người Jrai. Ảnh: Báo Cộng Sản

Trong thời gian để tang từ 1 đến 3 năm những người thân trong gia đình người mất sẽ không dùng đồ tốt hay mặc áo mới, cũng không đi chơi cho đến khi lễ Pơ Thi được thực hiện xong mới coi như mãn tang. 

>>Xem thêm: Những lễ hội chỉ có ở miền núi phía Bắc, thu hút du khách bốn phương nô nức tham gia

Lễ Pơ Thi người Jrai ở Tây Nguyên sắc màu văn hoá độc đáo 

Có thể nói lễ Pơ Thi của người Jrai ở Tây Nguyên là hoạt động hội tụ đầy đủ các nét đẹp văn hoá độc đáo nhất của đồng bào nơi đây. Là sự kiện mà dân làng sẽ có cơ hội quy tụ lại, cùng nhau dâng lên tổ tiên những lễ vật, những ghè rượu quý và thực hiện các nghi lễ rất đặc sắc. 

Để chuẩn bị cho lễ Pơ Thi, người dân sẽ lấy gỗ, mây, tre trong rừng về dựng các phần của nhà mồ, thường thời gian chuẩn bị có đôi khi kéo dài cả tháng mới dựng xong. Sau đó gia đình của người đã khuất sẽ mang tài sản được phân chia ra nhà mồ để chôn cùng người mất , trong đó có nhiều đồ quý như lục lạc, chiêng, vòng cườm, lục lạc, các công cụ sản xuất/... Tuỳ vào việc gia đình giàu có hay nghèo khó mà của cải chia cho người mất sẽ có sự khác nhau.

 

Lễ Pơ Thi của người Jrai ở Tây Nguyên nhà mồ
Nhà mò của người đã khuất của đồng bào Jrai là nơi diễn ra lễ Pơ Thi. Ảnh: Báo Cộng Sản

Đặc biệt, người sống sẽ làm những bức tượng gỗ để cắm quanh nhà mồ. Nếu người chết già thì tạc tượng hình người ngồi chống cằm hay hút thuốc biểu thị sự già nua, nếu người mất là trẻ em thì tạc tượng những đứa bé ôm nhau đùa giỡn. Ở một số nơi người Jrai còn tạc những bức tượng nam nữ đang giao hoan thể hiện ý nghĩa phồn thực và khát vọng về sự sinh sôi, duy trì dòng tộc ý nghĩa như một quy luật tất yếu của đời sống, có người mất đi thì cũng có người được sinh ra. 

 

Lễ Pơ Thi của người Jrai ở Tây Nguyên tượng nhà mồ
Bức tượng tạc trước nhà mô thể hiện người mất còn trẻ hoặc đã già. Ảnh: Báo Gai Lai

Lễ Pơ Thi người Jrai ở Tây Nguyên có quy mô rất lớn đồng thời chi phí tổ chức cũng vô cùng tốn kém, tuy nhiên đồng bào có quan niệm rằng đây chính là tài sản chia cho người đã mất nên sẽ không hề tiếc nuối. Thời gian diễn ra lễ Pơ Thi kéo dài đến 3 ngày 3 đêm trong suốt thời gian này, buôn làng sẽ cùng quây quần bên bếp lửa, những chàng trai, cô gái Jrai cùng nhảy múa những điều xoang truyền thống và say hương bên những ché rượu cần, những mâm thịt đầy ắp. Với họ ngày buồn bã khi người đã mất qua rồi, Pơ Thi chính là ngày vui của gia đình, làng xã nên họ quây quần ăn uống, vui múa cùng nhau không phân biệt già trẻ. 

 

Lễ Pơ Thi của người Jrai ở Tây Nguyên tượng nhà mồ
Lễ hội quy tụ cả cộng đồng không phân biệt già trẻ. Ảnh: Tạp chí Heritage
>>Xem thêm: Tour du lịch Tây Nguyên hấp dẫn 

 Nửa đêm, trâu sẽ được mang đến cột vào cây cọ ở trung tâm và thực hiện nghi lễ đập trâu bò để hiến tế cho người đã khuất và thể hiện lòng thành kính. Về khuya lễ Pơ Thi mới bước vào những nghi thực chính. Đoàn người sẽ đi quanh nhà mồ, đánh cồng chiêng và chủ tế sẽ đọc những lời khấn, khi tiếng khấn cùng tiếng cồng chiêng kết thúc cũng là lúc mọi người cũng sụp xuống, tay ôm lấy mặt và cất lên những tiếng khóc bi thương để tiễn biệt hồn ma của người đã khuất. 

 

Lễ Pơ Thi của người Jrai ở Tây Nguyên tượng nhà mồ
Mọi người sẽ nhảy múa quanh nhà mồ để tiến đưa người đã khuất lần cuối. Ảnh: Báo Cộng Sản

Lễ Pơ Thi người Jrai ở Tây Nguyên mang ý nghĩa kết thúc đối với người đã khuất, sau nghi lễ này việc cơm nước cho người chết hằng ngày sẽ không cần thực hiện nữa. Các Pram tức nô lệ của nhà mồ sẽ phục vụ người chết ở thế giới khác, nơi họ đã được tái sinh. 

 

Lễ Pơ Thi của người Jrai ở Tây Nguyên nhảy múa
Người ta sẽ hoá trang nhảy múa linh đình, ngày cuối của lễ họi thực sự là một buổi trình diễn lớn. Ảnh: Tạp chí Heritage
 
Lễ Pơ Thi của người Jrai ở Tây Nguyên nhảy múa
Các nghi lễ được thực hiện rất náo nhiệt. Ảnh: Tạp chí Heritage

Lễ Pơ Thi người Jrai ở Tây Nguyên vô cùng quan trọng trong hệ thống những lễ hội liên quan đến vòng đời của một con người của đồng bào nơi đây. Lễ hội này cũng thể hiện một quan niệm nhân sinh vô cùng đặc biệt, cái chết không phải là sự huỷ diệt hay biến mất hoàn toàn mà là sự khởi đầu cho một hành trình mới và cũng thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia mang tính cộng đồng của đồng bào bản địa. 

Nguyệt Cát (Tổng hợp) - Luhanhvietnam.com.vn 

Ảnh: Internet 

close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)