Những làng nón lá Việt Nam là nơi gìn giữ nghề làm nón lá truyền thống, cung cấp cho thị trường những dòng sản phẩm nón lá đẹp và chất lượng.
Làng nón Chuông là một trong những làng nón lá Việt Nam lâu đời nhất, nằm ở xã Quốc Trung huyện Thanh Oai, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 30 km. Người dân Hà Thành gọi đây là làng Chuông hoặc làng nón lá Thanh Oai – nơi sản xuất ra những sản phẩm nón lá có chất lượng rất tốt.
Làng Chuông rộng khoảng 481 ha với 8 thôn dân cư là Tây Sơn, Liên Tân, Quang Trung, Mã Kiều, Chung Chính, Tân Tiến, Tân Dân 1 và Tân Dân 2. Hầu hết người dân trong làng đều theo nghề làm nón, cung cấp các sản phẩm nón lá, quai thao và nhiều loại nón khác, phục vụ đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng.
Không ai biết làng Chuông phát triển nghề nón lá từ khi nào, tuy nhiên theo truyền miệng từ các bô lão ở làng, từ thế kỷ thứ 8, người dân làng Chuông đã bắt đầu làm nón lá. Nhiều thế kỷ đi qua, nón lá làng Chuông đã trở thành một thương hiệu uy tín tại Hà Nội nói riêng và khắp khu vực Bắc Bộ nói chung.
Ngày nay khi du lịch Hà Nội và đến làng Chuông, du khách nhớ đến vào chợ phiên nón các ngày 4, 10, 14, 20, 24, 30 (âm lịch). Đi chợ phiên, bạn sẽ dễ dàng mua được những chiếc nón lá do chính tay người thợ làng Chuông làm ra với độ tỉ mỉ, xinh xảo cao. Tại chợ phiên còn bán những vật liệu làm nón như chỉ cuớc, quai lụa, lá làm nón, giúp bạn hiểu hơn về nghề sản xuất nón lá truyền thống của người làng Chuông.
Một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng tại Huế là làng Mỹ Lam nằm ở ven bờ sông Như Ý, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 8km về hướng Đông. Ngôi làng này thuộc địa phân xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang. Nơi đây có nghề chằm nón truyền thống khoảng 160 năm, cung cấp các sản phẩm nón lá chất lượng cho thị trường.
Ước tính có khoảng 80% người dân trong làng vẫn còn theo nghề làm nón lá truyền thống, gìn giữ một nghệ thuật thủ công công phu, tỉ mỉ. Nghề nón không chỉ mang đến cho thị trường những sản phẩm chất lượng mà còn giúp người dân địa phương có cuộc sống tốt hơn suốt hàng trăm năm qua.
Nón lá Mỹ Lam được yêu thích bởi chất lượng tốt, tính nghệ thuật cao và đẹp hoàn hảo. Quá trình sản xuất một chiếc nón lá gồm nhiều công đoạn như chọn lá, chọn khung, uốn vàng, lợp lá cho đến cắt hoa văn, đánh bóng,... Người thợ ở làng Mỹ Lam với tay nghề cao và tình yêu dành cho nón lá đã tạo nên những sản phẩm nón đẹp, mũi chỉ đều, mỏng, rất hoàn hảo.
Đặc biệt, loại lá chằm nón phải là lá dừa hay lá gồi xanh nhạt được ủi thẳng để đảm bảo chiếc nón có những lớp lá đều nhau. Sau khi chằm nón sẽ được trang trí thêm các hoa văn, biểu tượng để cho ra đời sản phẩm cuối cùng đẹp, ý nghĩa và giàu giá trị nghệ thuật.
>>Xem thêm: Gợi ý tour du lịch Huế khuyến mãi |
Ở Cần Thơ cũng có một làng nón lá nổi tiếng, đó là làng nghề chằm nón tại ấp Thới Tân A, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ. Tuy không vang danh như làng Chuông hay Mỹ Lam nhưng nón lá ở miệt Thới Lai, Cần Thơ cũng được đánh giá cao về chất lượng. Những người làm nghề lâu đời ở làng cho rằng nghề chắm nón đã xuất hiện khoảng 70 – 80 năm ở đây.
Nguyên liệu chính để làm nón lá ở đây là lá mật cật – một loại lá xòe rộng như lá cọ. Cây mật cật mọc thành từng bụi, từng đám với thân nhỏ, thấp nên không quá khó để thu hoạch. Người Cần Thơ còn sử dụng thêm cây trúc để có được nguyên liệu chất lượng nhất, chằm nên những chiếc nón đẹp.
Nón lá của làng nón lá Việt Nam này gây ấn tượng vì độ bền cao, vẻ đẹp thanh mảnh mượt mà và tinh tế. Ở đây người ta cung cấp 2 loại nón cơ bản là nón lá đi chợ và nón lá đi ruộng. Trong đó nón đi chợ với vẻ đẹp tỉ mỉ, trau chuốt. Còn nón lá đi ruộng thường dày dặn, cứng, chắc và có vành rộng hơn.
Để cho ra đời chiếc nón chất lượng, người thợ phải thực hiện rất nhiều công đoạn như làm khung, chuốt vành, đan lá, chằm nón một cách hết sức cẩn trọng. Nón lá sau khi thành phẩm được quét thêm lớp dầu bóng đặc biệt để tăng độ bền đẹp và chống thấm nước cho sản phẩm. Bởi thế mà nón lá miệt Thới Lai, Cần Thơ rất được bà con miền Tây yêu thích. |
Mỗi làng nón lá Việt Nam đều là những làng nghề truyền thống lâu đời, gìn giữ nghề làm nón qua bao thế hệ. Nếu có dịp bạn hãy đến thăm những làng nón này để tìm hiểu về nghề sản xuất nón, cũng như mua cho mình những chiếc nón đẹp và chất lượng nhất.
Trà Văn (tổng hợp) - luhanhvietnam.com.vn
Ảnh: Internet