Banner Voucher KS cả nước
Guidebook
DÒNG SỰ KIỆNBali swingdu lịch Ubud
Indonesia

Vì sao cà phê chồn Indonesia thuộc top cà phê đắt nhất thế giới?

Thứ ba, 26/07/2022, 09:21 GMT+7

Một cốc cà phê chồn Indonesia với nguồn gốc từ loài luwak hoang dã có giá lên tới 100 USD! Dân sành cà phê hoặc giới nhà giàu sẵn sàng bỏ ra số tiền này nhờ hương vị tinh tế của nó và quá trình thu hoạch công phu.

test

Cà phê chồn (Kopi Luwak) là một thức uống vô cùng đặc biệt, được bổ sung vào danh sách các loại cà phê ngon trên thế giới nhờ sự góp sức của loài động vật hoang dã ở Indonesia. Những con vật này sau khi ăn phải hạt cà phê và không tiêu hóa được sẽ thải hạt ra theo phân, rồi phân của chúng sẽ được xử lý để chế biến nên món cà phê trứ danh. Thực chất, nhiều nguồn gọi luwak là cầy hương - một loài động vật trông tương tự con chồn, nhưng tên gọi phổ biến hơn cả của loại cà phê này vẫn là cà phê chồn. 

Cà phê chồn Indonesia được đánh giá có hương vị mượt mà hơn nhiều so với cà phê nói chung, có lẽ do quá trình lên men trong dạ dày của luwak. Không những thế, cảm giác khi uống rất êm và ít gây khó chịu cho những người có bụng dạ nhạy cảm. Cũng chính vì vậy mà cà phê chồn trở thành một trong những thức uống xa xỉ được dân sành cà phê trên khắp thế giới săn lùng. Với độ hiếm của nó, mức giá xuất khẩu được đẩy lên rất cao.
 


Nhưng bạn đoán đúng rồi đó, không phải ai cũng đánh giá cao thức uống này. Nhiều người cảm thấy lo ngại, thậm chí ghê tởm khi biết nguyên liệu có nguồn gốc từ phân động vật. Ở nhiều quốc gia, loại cà phê này được gọi bằng những biệt danh xấu, điển hình như giới truyền thông Mỹ gọi là “cà phê phân mèo” (cat poop coffee). Nhiều luồng thông tin “xiên xẹo” khác nhau đã tấn công món đồ uống đặc trưng của Indonesia này. Dù vậy, ngành sản xuất và kinh doanh cà phê chồn dường như không hề hấn gì và vẫn tiếp tục “oanh tạc” thị trường với giá khủng. 

Quy trình sản xuất cà phê chồn thực tế như thế nào? Tại sao đến bây giờ nó vẫn giữ mức giá đắt đỏ? Cùng tìm hiểu những đặc điểm nổi bật của loại cà phê đắt bậc nhất thế giới này nhé. 


Tại sao cà phê chồn Indonesia đắt nhất thế giới?

Giá bán lẻ của cà phê luwak lên tới 100 USD/kg (2,3 triệu VNĐ) đối với hạt từ phân luwak chăn nuôi trong trang trại và 1300 USD/kg (30,4 triệu VNĐ) đối với hạt từ phân luwak hoang dã. Với hai nguồn gốc khác biệt này, giá của một tách cà phê luwak tương ứng là 4 USD (94.000 VNĐ) và có thể lên đến 100 USD (2,3 triệu VNĐ). 

Có ba yếu tố chính khiến cà phê chồn có giá vượt trội so với các loại cà phê khác trên thị trường (thậm chí thường được coi là đắt nhất): quy trình sản xuất tốn thời gian, số lượng thu hoạch không lớn và vị cà phê khác biệt.   

Ban đầu, thức uống này được phát hiện khi chính quyền thuộc địa Hà Lan bắt buộc trồng cà phê tại Indonesia. Những người tò mò về hương vị cà phê đã vô tình tìm thấy những hạt cà phê còn nguyên trong phân của loài luwak. Họ làm sạch hạt cà phê, rang lên và ủ nó. Sau khi thuyết phục được chính phủ Hà Lan, cà phê chồn được bán ra thị trường với giá rất đắt.
 

>>Xem thêm: Tổng hợp 30 món ăn Indonesia ngon nhất được CNN bình chọn


Quá trình bắt đầu khi cây cà phê bước vào thời kỳ thu hoạch. Quả gần thu hoạch được sẽ chuyển sang màu hơi đỏ. Những con luwak rất sành ăn, chúng thường chọn những quả cà phê đỏ mọng và chín ngọt. Do đó những hạt cà phê chất lượng tốt nhất đã đi vào cơ thể chúng một cách tự nhiên.

Quả cà phê khi ăn vào sẽ bị con vật này tiêu hóa, nhưng điều kỳ lạ là quá trình tiêu hóa không thể phá hủy hạt cà phê, chỉ có phần thịt quả và lớp biểu bì. Hạt ở trong dạ dày luwak sẽ trải qua quá trình lên men nhờ enzyme đặc biệt.
 

Khi thu gom phân có chứa hạt cà phê của luwak, người ta sẽ làm sạch từ 5-7 lần để loại bỏ phân hoặc bụi bẩn. Rửa liên tục dưới vòi nước chảy cũng giúp đảm bảo độ sạch tối đa cho nguyên liệu. 

Sau đó, hạt cà phê được rang đến độ vừa phải, không quá kỹ, với mục đích chính là giữ được nét hương vị độc đáo của nó. Cuối cùng, cà phê được đóng gói ở dạng nguyên hạt hoặc bột đã xay để bán. Một số khu chăn nuôi thậm chí đã mở các quán cà phê luwak để du khách có thể thưởng thức loại đồ uống đắt đỏ này ngay sau khi rang. 


Sự khác biệt giữa cà phê luwak và cà phê thông thường

Kopi Luwak trải qua quá trình xử lý dài hơn trước khi đến tay khách hàng thưởng thức cà phê. Do quy trình khác biệt, hương vị và hàm lượng các chất trong cà phê luwak Indonesia chắc chắn sẽ không giống cà phê thông thường. 


1. Hương vị

Thoạt nhìn, thức uống này không có gì mới mẻ, màu sắc đen nâu thu được hoàn toàn giống cà phê thông thường. Tuy nhiên, hương vị của cà phê luwak rất tinh tế, không có vị đắng mà thoảng chút chua nhẹ tươi mát của trái cây. Trái ngược với định kiến của nhiều người, cà phê không nhất thiết phải đắng mới được coi là cà phê ngon.
 

Trên thực tế, hạt cà phê được trồng ở mỗi vùng khác nhau sẽ có đặc tính hương vị riêng biệt. Quá trình lên men tự nhiên trong dạ dày luwak tạo ra hương vị trái cây mạnh mẽ khi nó được ủ. Hậu vị của loại cà phê đắt nhất thế giới này rất “sạch” và êm, không để lại cảm giác khó chịu cho người thưởng thức. Loại cà phê này cũng có mùi thơm hơn, nồng hơn, đặc biệt là không có chút dấu vết nào của mùi phân động vật như bạn có thể tưởng tượng. 


2. Hàm lượng các chất

Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Hasanuddin (Indonesia), không có bất cứ khác biệt nào giữa cà phê chồn Indonesia với cà phê thông thường. Tuy nhiên, người ta đã phát hiện ra sự khác nhau giữa hàm lượng các chất chứa trong đó: 

- Hàm lượng caffeine trong cà phê robusta luwak là 1,77% và cà phê arabica luwak là 1,74%; trong khi cà phê robusta thông thường là 1,91% và cà phê arabica thông thường là 1,85%. 

- Tỷ lệ protein trong cà phê robusta luwak là 16,23% và cà phê arabica luwak là 14,84%; trong khi con số tương ứng ở cà phê robusta thông thường là 18,34% và cà phê arabica thông thường là 16,72%. 

- Hàm lượng chất béo trong cà phê robusta luwak là 18,45% và cà phê arabica luwak là 19,76%; trong khi cà phê robusta thông thường là 16,41% và cà phê arabica thông thường là 17,37%. 
 


Tóm lại, hàm lượng caffeine và protein trong cà phê luwak thấp hơn một chút so với cà phê thông thường. Tuy nhiên, hàm lượng chất béo trong loại cà phê đắt đỏ này lại nhỉnh hơn. Cả hai kết quả này đều đã được chứng minh ở cả hạt cà phê arabica và robusta (hai giống cà phê được trồng rộng rãi khắp thế giới hiện nay), trong đó hạt arabica có hàm lượng caffeine thấp hơn hạt robusta. 
 


Mặt trái của ngành công nghiệp cà phê luwak Indonesia

Chất lượng cà phê chồn có xứng đáng với mức giá “trên trời” của nó? Đây vẫn là một điều gây tranh cãi không dứt. Với nhiều người, dường như việc cà phê chồn bị đẩy giá cao chỉ để phục vụ tầng lớp thượng lưu, những người cảm thấy hài lòng với việc chi một số tiền lớn cho món đồ uống đẳng cấp trong những bữa tiệc xa hoa của họ. 

Số liệu về sản lượng cà phê chồn hàng năm tại Indonesia có thể chênh lệch rất nhiều từ các nguồn tin trên Internet. Tuy nhiên, có một điều luôn được khẳng định là cung không theo kịp cầu, do đó giá càng bị đẩy cao. Một hệ lụy đi kèm là ngày càng có nhiều kopi luwak giả được trà trộn trên thị trường, đánh vào tâm lý muốn thưởng thức món cà phê trứ danh của Indonesia, đặc biệt là đối với khách du lịch Bali.

Khi loài cầy hương châu Á luwak đi lang thang trong tự nhiên, chúng tiêu thụ quả cà phê như một phần chế độ ăn tạp của mình. Tuy nhiên, vì lợi nhuận cao và nhu cầu thưởng thức lớn, phần lớn cà phê chồn trên thế giới đều được thu hoạch từ trang trại. Loài luwak bỗng được con người vắt kiệt để kiếm tiền, với điều kiện sống trong trang trại rất kinh khủng. Chúng bị mắc kẹt trong những chiếc lồng kín, không có không gian để di chuyển, thậm chí có thể bị ép ăn chỉ cà phê để tối đa hóa lợi nhuận. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của luwak vì chỉ cà phê không giúp chúng nhận được đầy đủ dinh dưỡng cần thiết. Những quả cà phê mà luwak bị ép ăn không phải lúc nào cũng chín mọng và ngon ngọt nhất như khi chúng có thể tự mình chọn lọc trong tự nhiên, do đó cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng cà phê.
 

 
>>Xem thêm: Trọn bộ cẩm nang du lịch Indonesia


Cà phê chồn được chứng nhận đạo đức rất khó tìm, đây là thách thức không chỉ ở Indonesia mà trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tin đáng mừng là những cộng đồng nông nghiệp bền vững và nhiều thương hiệu sản xuất cà phê bền vững trên thế giới đã nghiêm khắc nói không với cà phê chồn có nguồn gốc từ động vật bị ngược đãi trong trang trại. Hy vọng điều này sẽ gây áp lực lên ngành sản xuất cà phê luwak để dần xóa bỏ các hành vi lạm dụng động vật. 

Bạn có tò mò về hương vị của cà phê chồn không? Lần tới khi du lịch Indonesia, bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn về loại cà phê đặc biệt này, nhưng nhớ cân nhắc về nguồn gốc thực sự của nó trước khi muốn nếm thử nhé!

 

Thùy Linh - luhanhvietnam.com.vn

Ảnh: Internet

close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)