Banner Voucher KS cả nước
Guidebook
Bắc Phi

Lăng mộ Saadian - 'viên ngọc' ở thời đại hoàng kim của Marrakesh 

Thứ sáu, 11/12/2020, 08:16 GMT+7

Thành phố Marrakesh của Ma-rốc đầy ắp những công trình kiến trúc lịch sử quyến rũ du khách từ cái nhìn đầu tiên, tiêu biểu như lăng mộ Saadian.

test

Là di sản vô giá của triều đại Saadian cai trị vương quốc Maroc từ năm 1511 đến năm 1659, khu phức hợp lăng Saadian nằm trong quận Kasbah, gần Bab Agnaou và tiếp giáp với nhà thờ Hồi giáo El Mansour de la Kasbah - "Quả táo vàng tráng lệ" của thành phố Marrakesh ở Maroc, luôn thu hút rất nhiều khách du lịch khi đến thăm Marrakesh.

 

Lịch sử của các lăng mộ Saadian

Ahmad el Mansour là vị vua thứ sáu và nổi tiếng nhất của Vương triều Saadi, cai trị Maroc từ năm 1578 đến năm 1603. Trong quá trình cai trị, ông đã làm giàu rất nhiều cho vương quốc cũng như xây dựng được rất nhiều các tòa nhà ấn tượng trên toàn thành phố, lăng mộ Saadian - nơi chôn cất hài cốt của ông và con cháu hoàng gia là một công trình như vậy.

Để xây dựng nên nó, El Mansour đã không tiếc bỏ ra rất nhiều chi phí và thời điểm ông được an táng vào năm 1603 thì các ngôi mộ này đã trở thành một kiệt tác kiến trúc và thủ công mỹ nghệ của Maroc. 

 

kiến trúc lộng lẫy - điểm nổi bật của Lăng mộ Saadian Kiến trúc tráng lệ của tòa lăng mộ (Ảnh @chloedeutscher)

 

Tuy nhiên, một thời gian sau cái chết của El Mansour thì các lăng mộ đã phải trải qua một thời kỳ suy tàn. Thậm chí, vào năm 1672, khi Alaouite Sultan Moulay Ismail lên nắm quyền, để thiết lập di sản của chính mình, ông bắt đầu phá hủy các tòa nhà và tượng đài được xây dựng trong thời đại của El Mansour, bằng việc xây tường kín bao quanh các công trình, chỉ để lại một lối đi hẹp nằm trong nhà thờ Hồi giáo Koutoubia. 

Chính vì vậy, các ngôi mộ Saadian đã bị lãng quên trong hơn 200 năm, cho đến khi một cuộc khảo sát trên không do Tổng thường trú Pháp Hubert Lyautey chỉ định vào năm 1917 thì mới thấy sự tồn tại của chúng và bắt đầu nỗ lực khôi phục chúng trở lại vinh quang trước đây, và rồi đã trở thành một kiệt tác kiến trúc hấp dẫn như ngày nay.

 

Kiến trúc đỉnh cao của lăng mộ Saadian

Khu di tích lăng mộ Saadian là nơi lưu giữ hơn 200 hầm mộ tráng lệ với thiết kế xa hoa, nổi bật bởi vàng, gạch zellige, đá cẩm thạch tuyệt đẹp và được trang trí bằng đồ gỗ tinh xảo. Vì thế, được nhiều nhà sử học nghệ thuật coi là đỉnh cao của kiến trúc Ma-rốc trong thời kỳ Saadian.

Hầu hết các tòa nhà trong khu phức hợp này đều có thiết kế ngoạn mục với trần nhà hình vòm cao vút, các chi tiết chạm khắc gỗ tinh xảo và tượng điêu khắc bằng đá cẩm thạch nhập khẩu đắt đỏ. Cùng với đó là những bức tranh khảm ngói đầy màu sắc và các tác phẩm thạch cao dạng lưới như một minh chứng cho kỹ năng đỉnh cao của các nghệ nhân thế kỷ 16. 

 

chạm trổ tinh xảo - nét ấn tượng của Lăng mộ Saadian  Các cổng vòm khổng lồ độc đáo (Ảnh @foti_fe)

 

Lăng mộ hoàng gia Saadian có hai lăng chính với 66 ngôi mộ và một khu vườn tang lễ cung cấp không gian cho mộ của hơn 100 thành viên trong gia đình hoàng gia, bao gồm các cố vấn, binh lính và người hầu đáng tin cậy.

 

Lăng mộ đầu tiên 

Đây là khu vực nổi tiếng nhất nằm ở bên trái của lăng mộ Saadian với 3 công trình nổi bật là: sảnh Mirhab, phòng của 12 cột và phòng 3 ngách.

 

1. Sảnh Mirhab

Trong kiến trúc Hồi giáo, "mihrab" có nghĩa là một ngách hoặc hốc tường, tượng trưng cho qibla (hướng cầu nguyện), chính vì vậy theo cách sử dụng là một nhà thờ Hồi giáo nhỏ hoặc phòng cầu nguyện thì người ta đã gọi nó là hội trường Mihrab.

Tuy nhiên, việc trang trí cho mihrab dường như vẫn chưa hoàn thành, bởi các đường viền của hoa văn dù đã được truy tìm nhưng chúng chưa được điền và chạm khắc. Điều này được cho là do Ahmad al-Mansur chết trước khi trang trí hoàn tất và những người kế vị của ông không có ý chí hoặc nguồn lực để hoàn thành nó.

Trong phòng có tổng cộng 12 cột đá cẩm thạch có vân, chia cả không gian thành 9 khu hình chữ nhật, trong đó mỗi phần đều có trần gỗ riêng với hoa văn ngôi sao.

 

phòng cầu nguyện - công trình thú vị tại Lăng mộ Saadian Phòng cầu nguyện chỉ được tham quan từ bên ngoài (Ảnh @polly_annduff)

 

Còn phía trước phòng cầu nguyện là lối vào đài tưởng niệm thì được thiết kế trần theo một mái vòm lớn hình kim tự tháp bằng những muqarnas phức tạp, khiến không gian trở nên ấn tượng và thu hút hơn.

 

2. Phòng của 12 cột

Đây là phòng lăng mộ lớn chứa hài cốt của Ahmad al-Mansur, được xây dựng theo hình vuông, có kích thước 10 mét mỗi cạnh và cao 12 mét, nằm ở trung tâm với tên gọi là phòng của Mười hai Trụ cột. Nó được trang trí lộng lẫy nhất trong toàn bộ khu nghĩa trang Saadian nên thường được coi là điểm nhấn của khu phức hợp. 

Các cột trụ mặc dù có cấu trúc đơn giản nhưng được chạm khắc từ đá cẩm thạch Carrara đắt tiền nhập khẩu từ Ý, các mảng trang trí bằng thạch cao thì được mạ vàng và được bao phủ bằng những bức chạm khắc kiểu Ả Rập tinh tế, nên rất có sức hút.

 

phòng của 12 cột - công trình ấn tượng nhất tại Lăng mộ Saadian Phòng 12 cột rộng lớn xa hoa (Ảnh @jennifer.ellen.kemp)

 

Đặc biệt, những người thợ thủ công xây dựng căn phòng đã rất cẩn thận để làm cho quá trình chuyển đổi từ đá cẩm thạch sang vữa gần như không thể nhận thấy, tức là khiến hai chất liệu rất khác nhau dường như hòa quyện một cách tự nhiên với nhau, làm du khách có cảm giác như nó được đúc từ một khối nguyên vẹn, cực kỳ độc đáo.

Bên cạnh đó, trần nhà bằng gỗ tuyết tùng quý giá với dạng như mái vòm vuông hoặc mái vòm tròn và được phủ hình ngôi sao cũng là thành tựu cao của nghệ thuật Ma-rốc và Saadia. 

Cùng với đó là cửa ra vào và bình phong đều cung cấp những ví dụ tuyệt đẹp về nghệ thuật chạm khắc hoa văn tinh xảo bằng tay trên gạch zelliges tráng men và thạch cao, khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng và thán phục.

 

cửa chạm trổ tinh tế - nét đặc sắc của Lăng mộ Saadian Cửa cũng được chạm khắc tinh xảo (Ảnh @where.is.melly)

 

3. Phòng 3 ngách (mộ trẻ em)

Căn phòng thứ 3 được gọi là Sảnh Hoàng tử, nằm bên phải căn phòng 12 cột, chứa những ngôi mộ của con cái và vợ của các vị vua. Cách bài trí của căn phòng đơn giản hơn và trần của nó cũng ít cầu kỳ hơn. Tuy nhiên, các bức tường lại được bao phủ bằng một số tác phẩm chạm khắc vữa phức tạp nhất trong lăng mộ Saadian, gồm nhiều họa tiết arabesque, hình học, chữ viết và thư pháp...khiến người xem không thể rời mắt.

 

phòng hoảng tử - công trình nổi bật tại Lăng mộ Saadian Tường được trang trí tinh xảo (Ảnh @filipapintoleite)

 

 

Lăng mộ thứ hai

Đây là lăng mộ cổ nhất trong khu vực nghĩa trang hoàng gia Saadian, với quan tài bằng đá cẩm thạch trắng chứa hài cốt của mẹ Ahmed el Mansour và lăng mộ của cha ông là Mohammed El Sheikh. Phần lớn của tòa nhà được xây bằng gạch, trần thì được xây dựng theo hình mái vòm, còn bên trong thì được trang trí bởi rất nhiều các bức tranh đa sắc khiến căn phòng trở nên cực kỳ rực rỡ và nổi bật.

 

lăng mộ thứ 2 - công trình cổ nhất tại Lăng mộ Saadian Lăng mộ thứ hai cổ kính (Ảnh @click_away_together)

 

Khu vườn tang lễ

Khu vườn này được bao phủ bởi rất nhiều hoa hồng và các ngôi mộ được trang trí bằng đá cẩm thạch fes zeliges hoặc carrara, khiến nó trông như một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, làm ai cũng bị thu hút.

 

khu vườn tang lễ - điểm độc đáo tại Lăng mộ SaadianKhu vườn tang lễ xanh mát (Ảnh @ja_ir19)

 

Một số lưu ý khi ghé thăm lăng mộ Saadian

- Phí vào cửa: khoảng 8 đô la cho người lớn và khoảng 4 đô la cho trẻ em. 

- Giờ mở cửa: từ 9 giờ đến 12 giờ và 14 giờ 30 phút đến 16 giờ hàng ngày.

- Có rất ít thông tin bằng tiếng Anh tại lăng mộ, vì vậy bạn nên tham quan cùng với một hướng dẫn viên.

- Hãy lên kế hoạch ít nhất một giờ để thăm được hết các ngôi mộ.

- Theo kinh nghiệm thì các nhóm du lịch thường bắt đầu đến vào lúc 10 giờ sáng và thường có một hàng dài để mua vé, vì thé tốt nhất là bạn nên đến thăm sớm hơn để tránh đông đúc. 

- Cách dễ nhất để đến được lăng mộ Saadian là đi bộ theo đường Rue Bab Agnaou từ khu chợ trung tâm Djemaa el Fna nổi tiếng của Marrakesh đến Nhà thờ Hồi giáo Koutoubia (còn được gọi là Nhà thờ Hồi giáo Kasbah) trong khoảng 15 phút và từ đó đi theo biển chỉ dẫn là đến nơi.

- Nếu thời tiết quá nóng thì du khách có thể đi taxi hoặc xe ngựa (calèche) đến lối vào nằm ở phía nam của Nhà thờ Hồi giáo Moulay El Yazid cho tiết kiệm thời gian.

 

xe ngựa - phương tiện di chuyển thú vị đến Lăng mộ Saadian Xe ngựa là một trải nghiệm khá thú vị (Ảnh @vviieenna)

 

- Ngoài ra, các lăng mộ của Saadian là một phần của khu phố cổ Medina được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới của Marrakesh, nên nếu còn thời gian thì du khách có thể ghé thăm các điểm du lịch nổi bật gần đó như: Cung điện El Badi sang trọng - một kiệt tác khác của Sultan Ahmad el-Mansur, nhà thờ Hồi giáo Koutoubia hay khu Do Thái Mellah...

 

cung điện El badi - công trình thú vị gần Lăng mộ Saadian Cung điện El Badi độc đáo (Ảnh @cathysie)

 

Nếu bạn yêu các kiến trúc độc đáo thời kỳ cổ đại thì lăng mộ Saadian ở Marrakesh chính là một điểm đến lý tưởng của bạn rồi đấy.

 

Thúy Quỳnh (Tổng hợp) - Luhanhvietnam.com.vn

Ảnh: Internet

close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)