Guidebook
Banner Voucher KS cả nước
Campuchia

Khám phá cố đô Oudong - miền đất bị lãng quên

Thứ sáu, 03/05/2019, 15:25 GMT+7

Oudong là cố đô của Campuchia trong khoảng từ thế kỉ 17 đến thế kỉ 19. Đến đây, du khách sẽ được tham quan những di tích lịch sử cổ kính, những đền đài nhuốm màu rêu phong cùng những cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ. Thu mình trong rừng già bao phủ, cố đô Oudong như một vùng đất bị lãng quên giữa Campuchia tráng lệ.

test

 

Giới thiệu về Cố đô Oodong

Cố đô Oudong hay còn được gọi là Udong hoặc Oudong Meanchey, thuộc tỉnh Kampong Speu, Campuchia và cách thủ đô Phnom Penh hiện nay khoảng 35km về hướng tây bắc. Nơi đây từng là vương triều của đế chế Chân Lạp (Khmer cổ) trong hơn 2 thế kỷ từ năm 1618 đến 1866 trước khi trở thành cố đô khi vua Norodom đã ra chiếu chỉ dời kinh đô về Phnom Pênh vào năm 1866. Trong tiếng Khmer, cái tên Oudong Meanchey mang một ý nghĩa rất đặc biệt, trong đó Oudong nghĩa là cao quý, còn Meanchey nghĩa là chiến thắng. Đây là một quần thể kiến trúc cổ kính với những ngôi đền được xây dựng từ thế kỷ 13 trên ngọn đồi cao nhìn xuống toàn cảnh đồng bằng Tonle Sap. 

 

Cố đô OudongToàn cảnh cố đô Oudong nhìn từ trên xuống

 

Từ Phnom Penh, du khách sẽ mất khoảng 15 đến 20 phút đi xe để đến Oudong. Dọc theo quốc lộ số 5 dẫn vào Oudong là làng Bạc. Đây là nơi chế tác những vật dụng dành riêng cho cho vua và giới quý tộc. Gần đó là khu vực lều dã ngoại dành cho người dân và du khách tới tham quan nghỉ dưỡng. Dù là cố đô như Siem Reap nhưng Oudong không hề ồn ào, nhộn nhịp mà bình yên, trầm lắng như chính con người nơi đây.

 

cố đô OudongCố đô Oudong nhìn từ xa

 

Cố đô Oudong có hình dáng giống như rắn thần Naga nằm trên một ngọn núi cao. Dưới chân núi là một đài tưởng niệm lớn để tưởng nhớ về những người đã mất trong cuộc thảm sát Khmer đỏ. Gần đó là bức tượng Phật đã bị tàn phá trong chiến tranh, tuy nhiên phần bàn chân vẫn còn nguyên vẹn. Trên đỉnh núi là một khu vực rộng lớn bao gồm nhiều công trình kiến trúc độc đáo khác nhau. Cho dù đã bị phá hủy nặng nề do bom đạn nhưng nơi đây vẫn giữ được những nét thu hút rất riêng mà không nơi đâu có được.

 

cố đô OudongKhu vực đài tưởng niệm dưới chân núi

 

Nét kiến trúc đặc sắc của cố đô Oudong

Cố đô Oudong nói chung và kiến trúc Campuchia cổ nói riêng vốn nổi tiếng bởi nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc đạt tầm đỉnh cao. Tương tự với Angkor Wat, nơi đây cũng được đầu tư một cách công phu về trí tuệ, công sức của các bậc thầy điêu khắc. Vô số các công trình, đền chùa, tháp cao,… được đục đẽo thủ công từ các phiến đá khổng lồ, kết hợp cùng vẻ thăng trầm rêu phong của thời gian tạo nên một vẻ đẹp kì vĩ mà vô cùng bí ẩn. Điểm nhấn tại đây là những tháp Gropa cao vút, trên đỉnh tháp có hình điêu khắc vô cùng tinh xảo. Các tháp này được xây dựng theo kiến trúc tương tự như cố đô Ayuthaya - Thái Lan.

 

cố đô Oudong Tháp Gropa - biểu tượng của Oudong

 

Ngoài ra, nơi đây còn một số di tích tôn giáo quan trọng đang nằm trong danh sách đề cử di sản văn hóa thế giới của UNESCO. Các di tích này bao gồm các ngôi mộ táng của những vị vua Khmer các thời đại, cũng như các hiện vật tôn giáo với niên đại lên đến hơn 100 năm. Bên cạnh đó, Oudong cũng nổi tiếng với bức tượng Phật lớn đã bị hư hại trong cuộc giao chiến với quân đội Khmer đỏ. 

 

cố đô OudongLăng mộ của những vị vua Khmer xưa

 

Nhắc đến cố đô Oudong người ta còn nhắc đến hoàng hậu Công Nữ Ngọc Vạn. Bà có họ tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Ngọc Vạn, vốn là con gái thứ hai của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Vào năm 1620, công chúa Ngọc Vạn được gả cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II. Bà trở thành Hoàng hậu với tước hiệu là Somdach Prea Peaccayo dey Preavoreac. Cuộc hôn nhân này được sắp xếp để tăng thêm tình giao hảo giữa hai nước, giúp cho chúa Nguyễn có thể dồn lực lại đối phó với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài thời bấy giờ. Đồng thời, cuộc hôn nhân này cũng là cơ hội to lớn cho người Việt mở rộng lãnh thổ về phía Nam. Tại cố đô Oudong hiện nay vẫn còn những bức tượng khá nguyên vẹn để tưởng nhớ công lao của hoàng hậu Ngọc Vạn.

 

cố đô OudongTượng điêu khắc hoàng hậu Ngọc Vạn tại Oudong

 

Sau khi vua Norodom dời kinh đô về Phnom Pênh vào năm 1866, cố đô Oudong dần cách xa trung tâm chính trị, không có người cai quản trông nom và dân cư sinh sống. Chính vì thế mà Oudong bị bỏ lại và chìm dần vào quên lãng với thời gian. Tiếp đó các thời kì của chiến tranh, bom đạn liên miên kết hợp với đế chế Khmer đỏ tàn ác đã khiến những kiến trúc của cố đô Oudong đều bị tàn phá nặng nề. Một thời gian rất dài sau đó nơi đây mới chính thức được trùng tu lại. Tuy nhiên một số di tích đã bị hư hại nặng nên không thể phục hồi được nguyên lối kiến trúc cũ nữa. Chính vì thế, so với thời xa xưa thì cố đô Oudong đã không còn giữ được vẻ đẹp, kiến trúc trọn vẹn. 

 

cố đô OudongDù bị tàn phá nặng nề nhưng nơi đây vẫn còn lưu giữ những nét kiến trúc vô cùng đặc sắc

 

Tiềm năng du lịch của cố đô Oudong

Chính những phần bị phá hủy không thể được phục hồi khiến cho khu di tích thêm phần hoang sơ, làm du khách khi đến tham quan tại đây không còn hứng thú nhiều so với một cố đô nổi tiếng khác là Angkor Wat. Tuy vậy nhưng cố đô Oudong vẫn còn đó nét hấp dẫn bởi sự thăng trầm cổ kính, những bức tượng phủ màu rêu phong. Hiện nay chính phủ Campuchia đang ra sức trùng tu Oudong bằng phương pháp mà người Khmer đã từng làm là xây dựng hoàn toàn bằng thủ công với công cụ chính là ròng rọc để kéo các nguyên liệu cần thiết. Chắc chắn rằng sắp tới đây sẽ là một điểm du lịch cực kì hấp hẫn đối với khách du lịch trên toàn thế giới.

 

Cố đô OudongHình ảnh Oudong khi chiều tà vô cùng đẹp

 

Ngọc Hải (tổng hợp) - luhanhvietnam.com.vn
 

close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)