Guidebook
Banner Voucher KS cả nước
Hải Phòng

U mê không lối thoát với bánh đúc tàu Hải Phòng

Thứ sáu, 29/01/2021, 11:20 GMT+7

Cùng với bánh mì que cay, bánh đa cua và vô vàn các loại ốc, bánh đúc tàu Hải Phòng cũng góp phần làm cho nền ẩm thực xứ Cảng thêm phần đặc sắc hơn.

test

Bánh đúc tàu có nguồn gốc từ Trung Hoa, nhưng khoảng 50 năm trước khi những người Hoa di cư đến Hải Phòng, họ đã làm và bán nó tại đây, rồi cứ thế cho đến ngày nay thì nó được xem là một trong những món ăn đường phố HOT nhất thành phố hoa phượng đỏ mà người người đều yêu thích.

 

Cách làm bánh đúc tàu Hải Phòng 

Qua tìm hiểu của những người làm bánh đúc tàu Hải phòng lâu năm thì được biết, hương vị bánh đúc nguyên bản của Trung Hoa ban đầu rất khác: người ta làm bánh khô và cứng hơn vì hấp bằng khay gỗ, nước chấm cũng pha gắt hơn, nhưng khi đến Hải Phòng thì người thợ đã điều chỉnh lại công thức cho phù hợp với khẩu vị của người Việt.

Theo đó, trước tiên chúng ta phải làm là phần bánh đúc. Việc lựa chọn gạo trong công đoạn này là rất quan trọng, gạo buộc phải là 100% gạo tẻ, vì chỉ cần "lạc trôi" một ít gạo nếp vào thôi là bánh sẽ hỏng ngay.

Tiếp theo, ngâm gạo vào nước cho hạt gạo nở đều, trộn thêm một ít muối rồi xay thành bột. Sau đó, khuấy đều bột trong nước đến khi bột tan hết. Trong lúc này thì ta đun một nồi nước sôi và đặt vào trong nồi một xửng hấp có quét một lớp dầu để dễ lấy bánh.

Đổ bánh đúc khá giống với công đoạn tráng bánh cuốn nhưng dày hơn, tầm 1cm, sau khoảng 7 - 8 phút thì mở ra xem bánh đã chín chưa, có thể sờ bằng tay để xác định chính xác, nếu bánh có độ dai và đàn hồi thì đã chín rồi. Cứ lặp đi lặp lại công đoạn đó cho đến khi hết bột và lúc cả khay bánh đều chín thì đổ ra để nguội. 

 

bánh đúc - nguyên liệu chính của bánh đúc tàu Hải PhòngMiếng bánh đúc trắng và mềm (Ảnh @thanhnguyen1207)

 

Điều đặc biệt của bánh đúc nói chung và bánh đúc tàu ở Hải Phòng nói riêng là luôn phải ăn trong ngày, vì nếu bỏ vào tủ lạnh sang hôm sau là bánh sẽ rất khô.

Sau khi đã làm xong phần bánh thì chúng ta chuyển sang làm các topping ăn kèm. Đu đủ đem đi gọt vỏ, rửa sạch, trần qua nước sôi rồi trộn với ít bột điều để tạo màu. Tôm thì đem đi cắt râu, lấy phần chỉ ở lưng tôm cho đỡ hôi và đem đi xào chín. Mộc nhĩ ngâm trong nước ẩm cho nở ra rồi đem đi thái sợi. Còn thịt được sử dụng là phần ba chỉ, thái miếng vừa ăn, rồi đem xào trên bếp đến khi teo lại gần như tóp mỡ, như vậy sẽ làm thịt không quá ngấy mà vẫn giữ được độ mềm ẩm nhất định. 

 

đa dạng các loại nhân từ chay đến mặn - điểm độc đáo của bánh đúc tàu Hải PhòngRất nhiều các topping ăn kèm (Ảnh @leak.blood)

 

Ngoài ra, nước mắm cũng phải làm hết sức cẩn thận, với các vị mặn - ngọt - chua - cay vừa phải, vì nó chính là "linh hồn", giúp bát bánh đúc tàu Hải Phòng được nâng tầm hương vị đấy nhé.

Sau khi tất cả mọi nguyên liệu đã được làm xong thì thịt, đu đủ, tôm, mộc nhĩ, hành khô sẽ được đổ hết lên trên mặt bánh và bọc lại bởi một lớp ni lông để ngăn bui bẩn, rồi đem đi bán.

 

nguyên liệu bỏ trên bánh - nồi bánh đúc tàu Hải Phòng đặc trưngNguyên liệu ăn kèm được đặt trên bánh (Ảnh @iamsonn)

 

 

Thưởng thức bánh đúc tàu Hải Phòng

Có rất nhiều các loại bánh đúc khác nhau và mỗi loại đều được thưởng thức theo một cách riêng biệt. Nếu bánh đúc lạc được ăn kèm với tương bần, bánh đúc nóng ăn với rau mùi, thịt băm mộc nhĩ, hành phi vàng và nước mắm thanh thanh thì bánh đúc tàu tại Hải Phòng lại được ăn cùng đa dạng các loại nguyên liệu từ chay đến mặn.

Khi ăn, bánh đúc trắng mềm núng nính sẽ được cắt thành từng miếng nhỏ cho vào bát con, rồi bỏ các topping như: đủ đủ thái hạt lựu, tôm rang, mộc nhĩ thái sợi, thịt ba chỉ, hành phi khô và nước mắm vào "đầy um" một bát.

 

bát ngập nhân - điểm đặc trưng của bánh đúc tàu Hải PhòngBát bánh ngập nhân (Ảnh @k.linhteng)

 

Chưa cần ăn, chỉ cần nhìn sự kết hợp màu sắc hài hòa giữa sắc trắng tinh khôi của bánh với màu vàng ươm của đu đủ, thịt xào, hành phi; màu đỏ tươi của tôm, ớt và màu đen của mộc nhĩ, cũng đủ để khiến ta phải nuốt nước bọt ừng ừng rồi.

 

màu sắc bắt mắt - điểm ấn tượng của bánh đúc tàu Hải PhòngMàu sắc bắt mắt (Ảnh @tenlaha)

 

Xúc một thìa bánh đúc mềm mềm, ngập nhân và thơm phức lên thưởng thức, bạn sẽ thấy tất cả các hương vị như đang nhảy múa trong miệng, khiến ta cứ muốn ăn hoài ăn hoài không thôi. Nhất là vào cái tiết trời thu se se mà được cầm trong tay một bát bánh đúc tàu Hải Phòng nóng hổi thì quả thật là hạnh phúc như muốn bay lên đường luôn ấy.

 

hương vị hài hòa - nét quyến rũ của bánh đúc tàu Hải PhòngHương vị ngon khó cưỡng (Ảnh @rat.la.thiu.muoi)

 

Đặc biệt, ớt sẽ được gia giảm theo mức độ ăn cay của từng người, nên món ăn này thường được chia thành 3 loại chính là: không cay, cay và cực cay. Và nếu gọi thêm một cốc chè mát lạnh ăn kèm với bánh thì đảm bảo là "hết sảy con bà bảy" luôn nhá.

 

bánh đúc tàu Hải Phòng và chè - cặp đôi ẩm thực hoàn hảoĂn kèm với một ly chè sẽ càng thêm ngon (Ảnh @nhatnhatlinhlinh)

 

Địa chỉ bán bánh đúc tàu Hải Phòng nổi tiếng trong thành phố


1. Bánh đúc tàu Cát Dài

Nếu bạn hỏi một người Hải Phòng quán bánh đúc tàu nổi tiếng nhất ở đây thì họ sẽ ngay lập tức chỉ cho bạn đến quán Cát Dài của cô Chuyền. Tính đến ngày nay thì quán đã mở được hơn 27 năm rồi, và vì một người bà của cô chủ lấy chồng gốc Hoa đã truyền kinh nghiệm lại, nên hương vị "chuẩn Tàu" khỏi bàn luôn nhé.

Hơn nữa, quán lúc nào cũng trong tình trạng đông nghẹt khách, có cả ngồi ăn trực tiếp, cũng có cả mua về, nên nếu bạn đến muộn thì rất dễ phải chịu cảnh ngậm ngùi ra về trong tiếc nuối vì hết hàng đấy.

  • Địa chỉ: ngã tư Cát Dài - Cát Cụt, cụ thể là số 186 Cát Dài (nay đổi thành 186 Hai Bà Trưng), gần cổng chợ Tam Thuật, thuộc quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.
  • Giờ mở cửa: 7 giờ sáng đến 14 giờ hàng ngày.
  • Giá tham khảo: 10.000 đồng/ bát.

 

2. Bánh đúc tàu Dư Hàng

Không được nổi tiếng như quán cô Chuyên ở Cát Dài nhưng quán bánh đúc tàu Dư Hàng cũng gây thương nhớ cho những ai ghé qua bởi chất lượng tuyệt vời và hương vị thơm ngon chẳng kém.

Nhất là ở đây bánh đúc mềm hơn, nước mắm thì được pha "đỉnh cao", chua ngọt mặn hài hòa và cô chủ siêu thân thiện, chiều khách "hết nấc", khiến ai đi ăn cũng đều tấm tắc khen ngợi không thôi.

Tuy nhiên, quán khá nhỏ vì chỉ là một xe hàng be bé ở vỉa hè, lại rất đông vào khoảng thời gian từ xế chiều đến xẩm tối, nên khách đa phần là đến để mua về.

  • Địa chỉ: đường Miếu Hai Xã (đi từ ngã 3 vào khoảng 50m, cạnh cửa hàng bán đồ chay ở đầu đường), thuộc quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng
  • Giờ mở cửa: 15 giờ đến 18 giờ 30 phút.
  • Giá tham khảo: 10.000 đến 20.000 / bát (phụ thuộc vào sức ăn của từng người)

Ngoài ra, còn có rất nhiều hàng bán bánh đúc tàu ngon ở Hải Phòng như: chợ Lương Văn Can, chợ Cố Đạo, chợ Máy Đá, hay trước cửa rạp Công Nhân...để những khách không thể ăn được ở 2 quán nổi tiếng trên có thể thưởng thức.

 

xe bánh - điểm đặc trưng của bánh đúc tàu Hải PhòngCó rất nhiều háng bán bánh đúc tàu tại Hải Phòng (Ảnh @chanh.angie_)

 

Đến xứ Cảng, ăn đủ mọi thứ mà không thưởng thức bánh đúc tàu Hải Phòng thì chuyến đi đảm bảo là thiếu rót lớn đấy nhé.

 

Thúy Quỳnh (Tổng hợp) - Luhanhvietnam.com.vn

Ảnh: Internet

close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)