Đền Cô Chín Giếng Thanh Hóa ở Bỉm Sơn là một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng. Ngôi đền không chỉ có kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách truyền thống Việt Nam mà còn rất linh thiêng thu hút không chỉ người dân địa phương mà cả khách du lịch đến cầu bình an, tài lộc và may mắn.
Đến xứ Thanh ngoài du lịch nghỉ dưỡng và tắm biển thì cũng có nhiều điểm du lịch tâm linh để mọi người có thể đến đi lễ và khám phá cảnh quan tươi đẹp. Cùng với Thiền Viện Trúc Lâm Hàm Rồng, chùa Sùng Nghiêm, đền Cô Tiên,...thì đền Cô Chín Sòng Sơn thờ con gái thứ 9 của Ngọc Hoàng Thượng Đế - Cửu Thiên Huyền Nữ cũng là nơi đáng được trải nghiệm ở vùng đất này.
Ngôi đền linh thiêng hàng đầu của miền Bắc tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn. Bên trong ngoài ban thờ Cô Chín còn có ban thờ với tượng được sơn son thiếp vàng như: Hội đồng Thành Hoàng, Ngũ vị Tôn quan, Chầu Cửu. Đây là di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc Gia đã được công nhận từ năm 1993.
Từ trung tâm TP. Hà Nội đến đây chỉ khoảng 130km, hàng năm đền đón một lượng khách thập phương đổ về rất lớn cho nên mỗi năm ngôi đền này đã đón một lượt du khách vô cùng lớn đến tham quan cũng như cầu may cho bản thân, gia đình. Mọi người đến để chiêm ngưỡng 9 miệng giếng không đáy quanh năm không cạn nước với hàng ngàn con cá sinh động được phóng sinh xuống.
Địa điểm du lịch Thanh Hoá này được xây dựng ở một khu đất cao ráo, khang trang và sạch sẽ. Vãn cảnh chùa bạn sẽ cảm nhận được sự thanh tịnh và bình yên trong tâm hồn. Bất cứ thời điểm nào nếu có cơ hội bạn đều có thể đến đây tham quan. Tuy nhiên, có 2 thời điểm trong năm mà đền đông vui, nhộn nhịp nhất đó là:
- Lễ hội truyền thống tại đền Cô Chín Thanh Hóa được tổ chức vào ngày 26/6 âm lịch. Du khách sẽ có cơ hội tham quan và dâng lễ, đồng thời được chứng kiến lễ rước kiệu từ đền Sòng Sơn sang đền Cô Chín Giếng và leo lên đèo Ba Dội.
- Hội đền Cô Chín Bỉm Sơn diễn ra vào ngày 9/9 hàng năm âm lịch. Đây là lễ hội quan trọng nhất của đền và mang đậm chất văn hóa truyền thống vùng miền. Mọi người đến tham quan lễ hội để được trải nghiệm không khí hân hoan và độc đáo của nó. Ngoài ra, bạn cũng có thể đến thăm đền Cô Chín vào bất kỳ thời điểm nào trong năm để dâng hương và khám phá những điều thú vị tại đây.
Đường đi đến đền Cô Chín Giếng Thanh Hoá không quá khó tìm, bạn có thể di chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau như:
- Đi bằng ô tô: đi theo hướng về phía đường cao tốc Hà Nội – Ninh Bình đến Liêm Tuyền, sau đó đi dọc theo ĐT494 đến QL1A tại Thanh Hà. Đi dọc theo ĐT491 đến QL12B/QL1A tại Yên Bình, thành phố Tam Điệp; tiếp tục đi đến thị xã Bỉm Sơn - đường Trần Hưng Đạo - đền Cô Chín Giếng.
- Đi bằng xe máy: từ trung tâm thành phố Hà Nội bạn di chuyển theo hướng đi đến đường Giải Phóng, rồi tiếp tục đi thẳng theo QL1A cũ qua Hà Nam, Ninh Bình là đến Bỉm Sơn - Thanh Hóa.
- Đi bằng xe khách: có rất nhiều tuyến đi Bỉm Sơn từ bến xe Giáp Bát, bến xe Nước Ngầm mỗi ngày. Xe khách đi qua ngay gần đền, bạn chỉ cần xuống đi bộ vài trăm mét là đến nơi.
Giá vé vào tham quan đền Cô Chín Giếng chỉ từ 30.000đ – 50.000đ/người. Kinh nghiệm du lịch Thanh Hoá bạn có thể thoải mái tham quan điểm du lịch tâm linh nổi tiếng này, ngắm giếng thiêng, check in khung cảnh sơn thuỷ hữu tình.
Ngôi đền này thờ Cô Chín hay Cô Chín Sòng Sơn trong Tứ Phủ Thánh Cô thì đứng hàng thứ 9, sau đó là Cô Mười Đồng Mỏ và trước đó là Cô Tám Đồi Chè. Chúa Liễu Hạnh đã gặp nạn trong cuộc chiến cùng với Tiền Quân Thánh, sau đó biến thành một con rồng và trú thân tại nơi mà Cửu Thiên Công Chúa đang ở chính là 9 cái giếng thiêng. Được Cửu Thiên Huyền Nữ hoá phép nhằm thoát khỏi vòng vây của Tiền Quân Thánh, nhờ ơn đó mà họ đã cùng kết nghĩa chị em.
Sau này để nhớ tới công ơn của Cửu Thiên Công Chúa, nhân dân trong vùng đã cho xây dựng đền ngay cạnh 9 cái giếng thiêng đó. Những năm cuối thế kỷ XVIII đền được dựng nên với khuôn viên khá nhỏ nhưng trải qua nhiều lần tu sửa từ năm 1939 ngày nay đã khang trang hơn rất nhiều. Không chỉ là nơi tham quan mà có rất nhiều lễ hội quan trọng trong tỉnh cũng đã chọn đền Cô Chín Giếng Thanh Hoá để tổ chức.
Đền Cô Chín ở Thanh Hóa được biết đến với sự linh thiêng. Theo truyền thuyết, Cô Chín là một vị tiên có quyền phép đặc biệt và có lòng nhân ái, luôn giúp đỡ dân lành. Do vậy, khi đến đền bạn có thể cầu nguyện cho sức khỏe và bình an cho gia đình, con cái, cũng như cầu cho công việc suôn sẻ và thuận lợi.
- Lễ rước kiệu từ đền Sòng Sơn sang đền Cô Chín Giếng:
Đền Sòng Sơn cũng ở thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hoá và cách đền Cô Chín không xa, ngôi đền này thờ Bà Chúa Liễu Hạnh. Ngoài dâng hương để nhớ đến ơn che chở của Mẫu Liễu Hạnh, cầu mong bình an và những điều tốt lành còn có hoạt động rước kiệu từ đền Sòng Sơn sang đền Cô Chín vào mỗi dịp 26/2 âm lịch hàng năm. Điều này giống như người chị thân thiết đến thăm em gái đã có công cứu mạng mình. Một nét đẹp của văn hoá truyền thống Việt từ xưa đến nay.
Sau khi rước kiệu sang đền Cô Chín còn được rước lên lên đèo Ba Dội. Các hoạt động rước lễ diễn ra sôi nổi và đặc sắc. Cùng chứng kiến những nghi thức quan trọng, sắm lễ dâng Cô Chín để cầu xin được che chở, ban bình an và phước lành. Chuyến đi ý nghĩa mà nếu có dịp bạn nhớ đến tham dự.
- Lễ hội chính của đền Cô Chín Giếng Thanh Hóa:
Ngoài lễ rước kiệu kể trên thì lễ hội đền Cô Chín Giếng Thanh Hoá chính được tổ chức vào dịp 9/9 âm lịch hàng năm. Mọi người nô nức trẩy hội về đền để dâng hương lễ bái, bạn có thể chuẩn bị một mâm lễ đơn giản chứ không cần quá cầu kỳ. Dâng lễ thể hiện tấm lòng thành khi đến hành hương, cầu mong nhiều điều suôn sẻ, tốt đẹp.
Ngôi đền có lịch sử lâu đời cũng như rất linh thiêng, do đó khi đến đây sắm lễ mỗi người có thể chọn những phần lễ khác nhau tuỳ thuộc vào kinh tế miễn là bạn thành tâm. Nếu không biết bạn có thể hỏi những người bán hàng tại đền để được chỉ dẫn tận tình hoặc tự chuẩn bị lễ vật bao gồm: thẻ hương, sớ, 12 quả cau, 12 lá trầu, 9 bông hoa hồng, món mặn hoặc món chay, rượu, đĩa hoa quả nhiều loại, giấy tiền.
Nếu muốn để lại sau khi dâng cúng bạn có thể chọn oản được trang trí bằng giấy lụa có gắn lông phượng và hoa. Sau khi chuẩn bị bạn khấn bắt đầu từ bàn thờ bằng đá trước điện, điều này giống như việc xin phép người cai quản đền được dâng lễ lên đền Cô Chín. Dâng lễ tại điện thờ Cô và khấn thật thành tâm những ước nguyện của mình, sau đó chờ cho hương tàn rồi xin hạ lễ xuống. Giấy tiền và sớ sẽ mang đi hoá tại chỗ hoá sớ trong đền.
>>Xem thêm: Chùm tour du lịch Thanh Hoá nhiều ưu đãi |
- Bạn có thể gọi điện đặt lễ trước để khi đến được nhận ngay không phải chờ đợi lâu.
- Khi vào đền nên ăn mặc lịch sự, không hở hang. Đi đứng ăn nói nhẹ nhàng, không cười nói quá to ảnh hưởng đến không gian thanh tịnh và mọi người xung quanh.
- Không rải tiền hay thắp hương không đúng nơi quy định trong đền.
- Sau khi lễ xong xuôi nhớ trả lại đồ đã mượn của đền nhé.
Trên đây là một số thông tin và hướng dẫn đi lễ tại đền Cô Chín Giếng Thanh Hoá. Hy vọng bạn sẽ có thêm kinh nghiệm tham quan khám phá địa danh hấp dẫn hàng đầu ở xứ Thanh này.
Hà Lê (tổng hợp) - luhanhvietnam.com.vn
Ảnh: Internet