Guidebook

Lễ hội Đống Đa Tây Sơn nét đẹp văn hoá độc đáo miền 'Tam Kiệt'

Thứ tư, 16/10/2024, 09:34 GMT+7

Với những người dân Bình Định lễ hội Đống Đa Tây Sơn là nét đẹp văn hóa, tinh thần quan trọng không thể thiếu. Đây không chỉ đơn thuần là một lễ hội truyền thống, mà còn là nơi để nuôi dưỡng, hun đúc tinh thần uống nước nhớ nguồn và tình yêu với quê hương đất nước.

test

Bình Định không chỉ được biết đến với những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp mà còn là mảnh đất giàu truyền thống, với rất nhiều nét đẹp văn hóa, tâm linh độc đáo. Nổi bật trong số đó chính là lễ hội Đống Đa Tây Sơn được tổ chức thường niên vào mỗi dịp đầu năm. 

Lễ hội Đống Đa Tây Sơn Bình Định mang ý nghĩa tưởng nhớ đến công lao của người anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ với chiến công Ngọc Hồi - Đống Đa và cũng thể hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp của vùng “Đất võ trời văn".
 

lễ hội Đống Đa Tây Sơn Lễ hội Đống Đa Tây Sơn là niềm tự hào của người dân Bình Định. ảnh: Báo Bình Định
 
>>Xem thêm: Trọn vẹn từ A đến Z kinh nghiệm du lịch Quy Nhơn - Bình Định 


Nguồn gốc lễ hội Đống Đa Tây Sơn 

Nhắc đến lễ hội Đống Đa Tây Sơn, người dân xứ Nẫu Bình Định ai cũng đều sẽ nhớ tới vua Quang Trung - Nguyễn Huệ với chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa, lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ đến chiến công lừng lẫy của vị anh hùng áo vải cách nay 228 năm. 

Theo đó, vào năm 1788 do ảnh hưởng của những cuộc khởi nghĩa nổi dậy của nhân dân, vua Lê Chiêu Thống đã cho người sang cầu cứu nhà Thanh và vua nhà Thanh đã nhân cơ hội này cử đô đốc Tôn Sĩ Nghị mang theo 29 vạn quân, chia làm bốn mũi tiến vào kinh thành Thăng Long. 

Trên đường đi do không gặp trở ngại gì nên tổng đốc Tôn Sĩ Nghị của nhà Thanh đã tuyên bố một cách ngạo mạn rằng, mùng 6 Tết sẽ đánh thẳng vào sào huyệt của quân Tây Sơn. Sau khi nhận được tin báo, ngày 22/12/1988 vua Nguyễn Huệ lúc này đã lấy niên hiệu là Quang Trung thống lĩnh quân Tây Sơn tiến ra Bắc đánh đuổi quân xâm lược. 

Chỉ trong thời gian đêm mùng 4, rạng sáng ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu năm 1789, quân Tây Sơn đã bất ngờ tiến đánh đồn giặc khiến cho tướng của nhà Thanh là Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử. Từ trận thắng này, quân Tây Sơn đã tiến thẳng vào kinh thành Thăng Long đánh đuổi quân Thanh, non sông thu về một mối. 

lễ hội Đống Đa Tây Sơn  ý nghĩaÝ nghĩa của lễ hội là để tưởng nhớ vua Quang Trung và chiến thắng Đống Đa - Tây Sơn. Ảnh: Nguoiduatin

 

Chiến thắng oanh liệt của vua Quang Trung Nguyễn Huệ đến tận ngày nay vẫn luôn là dấu son chói lọi trong lịch sử nước nhà. Lễ hội Đống Đa Tây Sơn Bình Định đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc, để người dân ôn lại truyền thống quật khởi của quân và dân, tinh thần bách chiến bách thắng, đồng thời có ý nghĩa giáo dục các tầng lớp nhân dân và thế hệ trẻ tinh thần yêu nước nồng nàn.
 

>>Xem thêm: Bật mí những điểm du lịch ít người biết ở Bình Định đẹp quên lối về 


Thời gian, địa điểm diễn ra lễ hội Đống Đa - Tây Sơn 

Lễ hội Đống Đa Tây Sơn được tổ chức thường niên vào ngày mùng 4 và mùng 5 Tết âm lịch, đây cũng chính là thời gian vua Quang Trung đã bách chiến bách thắng, đánh đuổi được quân xâm lược vào mùa xuân năm 1789. 

Địa điểm diễn ra lễ hội là tại bảo tàng Quang Trung, Đài Kính Thiên và Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt  ở di tích Gò Lăng thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn của tỉnh Bình Định. Du khách muốn tham gia lễ hội Đống Đa Tây Sơn có thể di chuyển từ trung tâm thành phố Quy Nhơn về huyện Tây Sơn qua QL19 với quãng đường 57km, thời gian di chuyển khoảng gần 2 tiếng.
 

lễ hội Đống Đa Tây Sơn thời gianLễ hội diễn ra vào ngày mùng 4 và mùng 5 tháng giêng Âm lịch. Ảnh: Báo Bình Định


Khám phá nét độc đáo trong lễ hội Đống Đa Tây Sơn 

Tương tự như các lễ hội truyền thống dân gian khác ở miền Trung thì ở lễ hội Đống Đa Tây Sơn cũng bao gồm hai phần chính là phần lễ và phần hội. Trong khi phần lễ là những nghi thức trang trọng, được tiến hành bởi các bậc cao niên và sự tham gia của đông đảo và dân địa phương, thì phần hội chính là những hoạt động giải trí mang đậm màu sắc dân gian vui nhộn 


Phần lễ

Trong lễ hội Đống Đa Tây Sơn, phần lễ tế quan trọng sẽ được tổ chức ở chính điện Tây Sơn với các nghi thức như đọc sớ tế, dâng hương hoa rất trang trọng. Khi tiến hành lễ tế   giàn kèn trống trình diễn âm vang với những làn điệu hào hùng, kết hợp với cờ lọng, nghi trượng treo khắp mọi nơi, mang đến bầu không khí vui tươi đầy hào khí. 

lễ hội Đống Đa Tây Sơn khai hội Khai hội Tây Sơn luôn được tổ chức hoành tráng. Ảnh: Bảo tàng Quang Trung

Thời gian diễn ra phần lễ trong khuôn khổ lễ hội này thường sẽ vào mùng 4 Tết. Lễ dâng hương ở Đài Kính Thiên sẽ diễn ra vào 14h30 mùng 4 Tết, lễ dâng hương tại Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt  ở di tích Gò Lăng sẽ diễn ra vào lúc 15h30 ngày mùng 4 Tết và lễ dâng hoa, dâng hương ở Bảo tàng Quang Trung sẽ diễn ra vào lúc 16h ngày mùng 4 Tết. 

lễ hội Đống Đa Tây Sơn nghi thứcCác nghi thức của lễ hội Đống Đa Tây Sơn được thực hiện trang trọng. Ảnh: Rỗng Motobike


Phần hội 

Phần hội ở lễ hội Đống Đa Tây Sơn được diễn ra vô cùng sôi nổi và thú vị, tại đây du khách thập phương sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng những màn trình diễn võ thuật Tây Sơn hoành tráng được trình diễn bởi các võ sư, nghệ nhân tên tuổi. Trong đó có nhiều bài quyền mang thương hiệu riêng của nhà Tây Sơn như Hùng Kê Quyền, Ngọc Trản Quyền hay lão Mai Độc Thọ…

Du khách cũng sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng những bài võ kết hợp với binh khí như Lôi Phong Tùy Hình Kiếm, Lôi Long Đao Song Phượng Kiếm hoặc các bài roi như roi Thái Sơn, roi Hắc Đảnh ô Sơn… Không đơn giản chỉ là những màn trình diễn võ thuật đẳng cấp và công phu mà bầu không khí lễ hội hào hùng với những tràng pháo tay, tiếng hò reo, cổ vũ nhiệt liệt của người dân địa phương cũng góp phần tạo nên một bầu không khí vô cùng náo nhiệt. 

lễ hội Đống Đa Tây Sơn nghi thứcDu khách sẽ được tận mắt theo dõi những màn trình diễn võ thuật đặc sắc. Ảnh: dulichquynhon

Tham gia phần hội của lễ hội Đống Đa Tây Sơn, du khách sẽ còn có cơ hội được chiêm ngưỡng lại màn tái hiện trận đánh Ngọc Hồi - Đống Đa lừng lẫy của vua Quang Trung cách đây hàng trăm năm. Màn tái hiện này diễn ra vô cùng chân thực với tiếng voi gầm, ngựa hí tiếng trống rền vang, khiến cho khách có cảm tưởng như mình đang được ngược dòng thời gian trở về với chiến trường năm xưa trong bầu không khí sôi sục, thế trận táo bạo, thần tốc và cảm nhận rõ rệt một không gian vang vọng hồn thiêng của non nước 

Lễ hội Đống Đa Tây Sơn còn ghi dấu ấn trong lòng du khách bởi các hoạt động trình diễn dân gian như bài chòi cổ, các chương trình biểu diễn của đoàn ca kịch Bài chòi Bình Định, các màn trình diễn đến từ Nhà Hát tuồng Đào Tấn hay các trò chơi dân gian vui nhộn như kéo co, múa lân sư rồng, đẩy gậy… 

lễ hội Đống Đa Tây Sơn  bài chòi Hát bài chói trong lễ hội Đống Đa Tây Sơn. Ảnh: tourculaoxanh
 
>>Xem thêm: Tour du lịch Quy Nhơn siêu HOT cập nhật mới 


Trải nghiệm khác khi về dự lễ hội Đống Đa Tây Sơn 

Về tham dự lễ hội Đống Đa Tây Sơn, du khách có thể kết hợp các hoạt động tham quan trải nghiệm khác để tận hưởng một chuyến mới vô thật thú vị. Theo đó, ngoài các địa điểm có diễn ra các hoạt động của lễ hội như Đàn Tế Trời Đất,  Bảo Tàng Quang Trung, điện Tây Sơn Tam Kiệt, du khách có thể kết hợp check in ở khu du lịch sinh thái Hầm Hô, một trong những điểm đến rất hấp dẫn của huyện Tây Sơn. 

Ngoài ra du khách cũng đừng quên trải nghiệm đi thuyền trên kênh Lộc Giang, sông Kút và check in ở khúc sông Trời Lấp, nơi được mệnh danh là Vịnh Hạ Long thu nhỏ của Bình Định với cảnh quan tuyệt vời. 

lễ hội Đống Đa Tây Sơn  bài chòi Đừng quên check-in DKL Hầm Hồ, điểm đến nổi tiếng ở Tây Sơn. Ảnh: Quynhontrip

Đặc biệt, khám phá ẩm thực của vùng đất Tây Sơn cũng là một trải nghiệm vô cùng hấp dẫn khi về dự hội. Du khách sẽ có cơ hội được thưởng thức những món ăn đặc biệt chỉ có ở khu vực này như chim mía, cá mương, thịt heo rừng … 

lễ hội Đống Đa Tây Sơn  bài chòi Chim mía, đặc sản được ví như nhân sâm trên trời ở Tây Sơn. Ảnh: Ngoisao.vn

Trên cung đường từ Tây Sơn về Quy Nhơn, du khách cũng đừng quên ghé thăm chùa Thiên Hưng. Đây là một trong những ngôi chùa có kiến trúc đẹp và nổi tiếng bậc nhất của Bình Định, là nơi đang lưu giữ ngọc xá lợi của Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni. 

Tham gia lễ hội Đống Đa Tây Sơn ở Bình Định, du khách không chỉ hiểu hơn về lịch sử dân tộc, tưởng nhớ đến công lao to lớn của vua Quang Trung và nhà Tây Sơn, hun đúc tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc mà còn được khám phá những nghi thức truyền thống, vẻ đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc riêng có của xứ Nẫu Bình Định. 


Nguyệt Cát (Tổng hợp) - luhanhvietnam.com.vn 

Ảnh: Internet 

Chia sẻ:
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)