Banner Voucher KS cả nước
Guidebook
Thanh Hóa

Muôn vẻ các làng nghề Thanh Hóa

Thứ sáu, 12/07/2019, 16:19 GMT+7

Văn hóa của xứ Thanh là sự giao thoa tiếp biến của hai miền Nam - Bắc, một biểu hiện là sự đa dạng các làng nghề truyền thống lâu đời ở Thanh Hóa với các sản phẩm chất lượng được xuất khẩu ra nhiều nước trong khu vực.

test

Thanh Hóa có tới hàng trăm làng nghề truyền thống, rải đều khắp các vùng khác nhau: Vùng biển có các làng nghề chiếu cói Nga Sơn; đan mây tre ghép dừa xuất khẩu ở Hoằng Hóa, Sầm Sơn; chạm khắc gỗ mỹ nghệ, đồ thờ ở Hoằng Lương, Hoằng Đạt. Nghề dệt thổ cẩm ở các huyện miền núi: Quan Hóa, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Bá Thước…

 

Top 10 làng nghề Thanh Hóa nổi tiếng

 

Làng nghề dệt chiếu Nga Sơn

Chiếu cói Nga Sơn là một trong những thương hiệu nổi bật của xứ Thanh được mang bán ở nhiều tỉnh thành khác trong cả nước. Nga Sơn là tên một huyện của Thanh Hóa, nơi có 8 xã trồng cói để dệt chiếu. Chiếu Nga Sơn được dệt thủ công, đặc điểm sợi chiếu nhỏ, mềm và óng mượt. Chiếu rất phong phú về kiểu dáng cũng như màu sắc trang trí lại gọn nhẹ và giá thành rất hợp lí. Giá chiếu dao động từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng, rất rẻ cho một sản phẩm chất lượng tốt.

 

Muôn vẻ các làng nghề Thanh Hóa Thu hoạch cói

 

Làng nghề chạm khắc đá làng Nhồi

Nghề chạm khắc đá làng Nhồi có từ thời nhà Lý và vẫn được lưu giữ, phát triển tới bây giờ trở thành một cái tên nổi bật trong các làng nghề Thanh Hóa. Ít người biết sản phẩm của nghề khắc đá làng Nhồi xuất hiện tại các công trình: kinh thành Tây Đô, điện miếu Lam Kinh, Kính Thiên (kinh thành Thăng Long), đền thờ An Dương Vương (Cổ Loa)... Có thể nói rằng, nghề khắc đá làng Nhồi đã góp phần tạo nên bộ mặt dân tộc qua nhiều thời đại. 

 

Mỹ nghệ sơn mài Tiên Sơn

Các sản phẩm mỹ nghệ Tiên Sơn của Thanh Hóa hiện có mặt trên khắp cả nước, thậm chí xuất khẩu tới một số quốc gia trong khu vực. Những bình lọ cắm hoa trang trí, bình lọ nghệ thuật; âu đĩa trang trí, nghệ thuật; hình khối trang trí, nghệ thuật; bục bệ trang trí, nghệ thuật... đều được làm thủ công từ khâu chế tạo khuôn mẫu, tạo các đường nét, hoa văn đến khâu hoàn thiện sản phẩm. Các sản phẩm mỹ nghệ ở đây ngày càng nâng cao về chất lượng, mẫu mã, giá thành đân dần món quà lưu niệm cho khách thập phương khi có cơ hội ghé thăm vùng đất này, đưa danh tiếng làng nghề xứ Thanh đi khắp trong, ngoài nước.

 

Muôn vẻ các làng nghề Thanh Hóa Sản phẩm của mỹ nghệ sơn mài Tiên Sơn

 

Dệt sợi gai người Thổ

Dệt sợi gai là nghề truyền thống của người Thổ ở Thanh Hóa, chứa đựng trong đó tinh hoa văn hóa xứ Thanh. Nếu trước giờ phụ nữ thường ưa chuộng các sản phẩm tơ lụa thì khi được tận tay sờ vào các tấm vải sợi gai mềm, mịn cũng sẽ rất hài lòng. Từ vỏ cây gai và công cụ dệt thô sơ từ tre, người Thổ biết cách dệt nên các sản phẩm cực kì tinh xảo và bắt mắt thích hợp may váy, làm khăn đội đầu, thắt lưng, vỏ chăn... 

 

Muôn vẻ các làng nghề Thanh Hóa Sợi gai dùng dệt đồ của người Thổ

 

Nghề dệt thổ cẩm làng Ngọc

Làng Ngọc (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) là điểm du lịch được nhiều người biết đến khi có suối cá thần, không những thế nghề dệt thổ cẩm ở đây cũng rất nổi tiếng. Các sản phẩm của làng nghề Thanh Hóa này mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc Mường và là món quà lưu niệm ý nghĩa cho du khách khi có dịp ghé thăm suối cá thần.
 

Nghề làm hương làng Đông Khê

Làng Đông Khê thuộc xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa từ lâu nổi tiếng với nghề sản xuất hương trầm. Hương làng Đông Khê được biết đến nhiều, tiêu thụ mạnh cả trong và ngòai tỉnh nhưng lại chỉ làm phục vụ dịp Tết cổ truyền để thờ cúng ông bà, tổ tiên. Nhiều người nhận xét mùi hương Đông Khê giống như mùi của Tết, của đoàn viên sum họp. Nguyên liệu của hương là từ tăm hương (tre nứa), nhựa hương (nhựa cây trám) và thành phần phụ gia (than của các loại gỗ nhẹ như than cây xoan, cây muồng dại, than của tàu lá chuối khô; rễ của cây hương bài, hoa hòe, quế chi, trầm hương), mỗi nguyên liệu đều được người làng Đông Khê lựa chọn tỉ mỉ, cẩn thận để đảm bảo hương có mùi thơm dịu nhẹ. 

 

Làng đúc đồng truyền thống Chè Đông

Làng Chè Đông (hay còn gọi là làng Trà Đông), xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với nghề đúc đồng truyền thống. Ra đời từ thế kỷ XVII, những nghệ nhân làng Chè Đông đã làm ra nhiều báu vật vô giá như trống đồng, thạp đồng, ly, đỉnh, hạc, rùa và các đồ thờ bằng đồng khác… Những sản phẩm đồ đồng tại đây không chỉ được đúc tinh tế, tỉ mỉ bởi bàn tay của những người nghệ nhân tài hoa, giàu kinh nghiệm mà còn đặc biệt ở chỗ tất cả đều làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống.

 

Muôn vẻ các làng nghề Thanh Hóa Nghệ nhân đúc đồng Chè Đông

 

>> Chùm tour du lịch xứ Thanh khám phá tinh hoa văn hóa Bắc Trung Bộ

 

Gốm làng Vồm

Làng Vồm (xã Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hóa) thực ra không phải là quê hương của nghề làm gốm mà chỉ là nơi tiêu thụ các sản phẩm này. Đây là một sản phẩm lâu đời của vùng đất cổ Doanh Xá. Gốm Vồm nổi tiếng là sản phẩm gốm nhẹ lửa, bằng chất liệu đất sét trắng mềm, dẻo, ít pha tạp, các sản phẩm cũng rất đa dạng như: nồi, ấm, siêu, chõ đồ có chất lượng tốt, hình thức đẹp, giá trị sử dụng cao, từng chiều lòng được nhiều khách hàng khó tính ở các tỉnh ngoài như Hà Nam, Nam Định, Hà Nội,... Mặc dù qua thời gian, các sản phẩm nồi/ấm từ inox, thép... được ưa chuộng hơn nhưng không vì thế mà làng nghề Thanh Hóa - gốm Vồm mất đi giá trị của nó, vẫn chiếm được ưu thế nhất định trong lòng người tiêu dùng.

 

Muôn vẻ các làng nghề Thanh Hóa Làng nghề làm gốm nổi tiếng tại huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa

Nem, giò, chả Đông Hương

Nhắc tới ẩm thực Thanh Hóa là người ta nhắc đến chiếc nem chua. Không bất ngờ khi nghề làm nem, giò chả, trong đó có nem chua là nghề truyền thống lâu đời, niềm tự hào của người dân xứ Thanh. Nem Đông Hương (TP.Thanh Hóa) được ưa chuộng mua về như một thức quà không thể thiếu mỗi khi du khách có dịp ghé thăm Thanh Hóa. Nem, giò, chả được chế biến bởi các công thức bí truyền kết hợp cùng những nguyên liệu được chọn lựa kĩ càng và qua bàn tay khéo léo của người thợ lành nghề nức tiếng cả nước.  Giá thành cũng không quá cao: nem từ 35.000VNĐ - 50.000/10 chiếc; giò, chả dao động từ 100.000VNĐ - 150.000VNĐ/kg.

 

Nghề làm nước mắm Do Xuyên

Làng Do Xuyên thuộc xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia từ lâu đã nổi tiếng bởi nghề làm nước mắm truyền thống ở Thanh Hóa. Nhờ ưu thế giàu nguyên liệu hải sản, nghề làm nước mắm tại đây rất phát triển. Bí quyết mắm ngon Do Xuyên là chế biến từ cá cơm tươi ngon đánh bắt vào tháng ba âm lịch và không rửa bằng nước ngọt sẽ làm cá mất ngon, để lâu dễ bị hỏng. Muối phải lấy từ vùng biển Tĩnh Gia, Thanh Hóa, hạt muối trắng tinh, to, già, được nắng, không bị nước mưa. Những chum vại để đựng mắm phải làm từ gỗ bằng lăng hoặc gỗ mít thì mắm mới thơm ngon đúng điệu. Nước mắm Do Xuyên được yêu thích bởi trong, sánh như mật ong, mùi thơm đặc trưng, chính bởi vậy nó đang dần chiếm lĩnh thị trường trong tỉnh và các vùng lân cận.

 

Muôn vẻ các làng nghề Thanh Hóa Cá muối vào cuối tháng 3 âm đến gần Tết mới bắt đầu lọc mắm để phục vụ Tết và năm sau.

 

Chang (tổng hợp) - luhanhvietnam.com.vn

close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)