Banner Voucher KS cả nước
Guidebook
Lào Cai

Nhà thờ đá Sapa - điểm đến không thế bỏ qua cho tín đồ du lịch

Chủ nhật, 07/04/2019, 20:42 GMT+7

Nằm tại vị trí đắc địa ngay giữa trung tâm thị trấn Sapa, nhà thờ Đá Sapa là công trình kiến trúc mang vẻ đẹp hoài cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại. Ngày nay, nơi đây đã trở thành một biểu tượng không thể thiếu khi nhắc đến Sa Pa mù sương.

test

 

Lịch sử hình thành nhà thờ đá Sapa

Nhà thờ đá Sapa, hay còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi, nhà thờ cổ Sapa,… Công trình này được các kiến trúc sư người Pháp thiết kế và xây dựng vào năm 1895, tính đến nay đã 124 tuổi. Đặc biệt nơi đây đã được tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là một trong năm nhà thờ cổ nổi tiếng có tuổi đời trên 100 năm tuổi, bên cạnh nhà thờ lớn Hà Nội, nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình), nhà thờ Đức Bà (TP. Hồ Chí Minh) và nhà thờ Phú Nhai (Nam Định).

 

nhà thờ đá SapaNhà thờ đá Sapa

 

Cùng với sự thăng trầm của lịch sử, nhà thờ đá Sa Pa cũng trải qua nhiều biến cố theo thời gian. Khoảng thời gian đầu mới thành lập, nhà thờ luôn có các linh mục túc trực ở tại giáo xứ để phục vụ bà con giáo dân. Tuy nhiên, sau khi Pháp mất quyền kiểm soát tại Đông Dương, quân đội Nhật tràn vào Việt Nam và các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng của Nhà thờ đã bị ngưng trệ. Những năm sau đó đất nước ta chiến tranh liên miên, dân chúng người thì phải đi sơ tán, người thì ra trận đánh giặc nên giáo xứ hầu như không còn sinh hoạt. Suốt một thời gian dài nhà thờ bị bỏ hoang, sau đó được tận dụng trở thành kho gạo hay trường dạy học cho bà con.

Phải đến năm 1995, chính quyền địa phương đã tiến hành trùng tu nhà thờ và giáo xứ tiếp tục sinh hoạt trở lại. Tuy vậy chỉ vào dịp lễ trọng đại trong năm mới có các cha đến dâng lễ và cử hành các bí tích phục vụ bà con giáo dân nơi đây. Sau gần 60 năm không có cha xứ giáo xứ, tháng 5/2006, nhà thờ cổ Sa Pa mới chính thức có linh mục quản nhiệm và thường trú. Cùng năm đó nhà thờ tiến hành trùng tu lần thứ hai sửa lại mái và nền để đảm bảo chất lượng và an toàn nơi đây.

 

nhà thờ đá SapaNhà thờ đá Sapa ngày nay


 

Nét kiến trúc độc đáo của nhà thờ đá Sapa

Nhà thờ đá Sapa tọa lạc trên đường Phạm Xuân Huân, và nằm chính giữa trung tâm thị trấn Sapa. Trước khi những viên gạch móng đầu tiên được đặt lên, các kiến trúc sư người Pháp đã chọn lựa địa thế rất kỹ để tiến hành xây dựng với phía trước là một khu đất rộng và bằng phẳng, vô cùng thuận tiện cho việc phát triển những công trình văn hóa phục vụ hoạt động xã hội và cộng đồng, phía sau là núi Hàm Rồng vững chãi làm điểm tựa. Đặc biệt, nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi kết hợp cùng với biệt thự Chủ Cầu (khách sạn Hoàng Liên ngày nay) và khu huyện ủy cũ (trụ sở của Trung tâm Thông tin Du lịch Lào Cai) đều do người Pháp xây dựng tạo thành một tam giác cân đối mang phong cách Châu Âu cổ kính giữa thị trấn Sapa mờ sương.

 

nhà thờ đá SapaToàn cảnh nhà thờ đá Sapa

 

Nhà thờ được xây dựng quay về hướng Đông, tức là hướng mặt trời mọc. Trong Kitô giáo, đây là hướng đón nguồn sáng tinh tú của Thiên Chúa. Phía cuối nhà thờ nơi tháp chuông quay về hướng Tây chính là nơi sinh thành của Chúa Kitô. Do được người Pháp thiết kế nên nhà thờ mang trên mình phong cách Châu Âu sang trọng và tinh tế. Nơi đây được xây dựng hoàn toàn từ đá đẽo theo hình thập giá của kiến trúc Gotic La Mã. Từng đường nét trên mái nhà, vòm cuốn hay tháp chuông đều là những hình chóp tạo cho công trình nét thanh thoát đậm chất châu Âu.

 

nhà thờ đá SapaKiến trúc bên trong nhà thờ mang đậm nét Châu Âu

 

Để có thể kết hợp các khuôn đá với nhau, người ta đã sử dụng  hỗn hợp của cát, vôi và mật mía trộn lại. Phần tường bên phải nhà thờ  được làm nhám giúp tăng vẻ đẹp tự nhiên như đang có nhũ đá chảy xuống, kết hợp cùng các khung cửa sổ kính màu mô tả cuộc đời của Đức Chúa. Thời điểm mới xây dựng, mái nhà được làm từ vôi rơm. Qua hai lần tu sửa, phần mái đơn sơ nay đã được lợp ngói thay mới. 

 

nhà thờ đá SapaKiến trúc độc đáo nơi đây giúp tạo nên những bức ảnh tuyệt đẹp

 

Với tổng diện tích của khuôn viên lên đến hơn 6.000m2, nhà thờ đá Sa Pa được chia thành các khu bao gồm: Khu nhà thờ, dãy nhà xứ, nhà ở của thầy tu, nhà chăn nuôi, nhà thiên thần, phần sân phía trước, khu Vườn Thánh và hàng rào bao quanh. Trong đó, khu nhà thờ gồm 7 gian rộng diện tích khoảng 500m2. Dãy nhà xứ được xây song song với khu nhà thờ. Phần tháp chuông cao 20m, mỗi khi tiếng chuông vang lên dù bạn cách đó 1km vẫn còn nghe thấy. Trong tháp treo một quả chuông được đúc năm 1932, chiều cao 1,5m, nặng 500 kg, trên bề mặt vẫn còn ghi rõ số người quyên góp tiền đúc chuông. Cấu trúc nhà thiên thần gồm một tầng hầm, ba gian tầng trên là nơi cứu chữa người bệnh tật, người lữ hành qua đêm, công trình vệ sinh và bếp ăn. Đặc biệt trong khu vườn thánh có 5 cây Kháo Vàng tuổi thọ trên trăm tuổi, trong đó 4 cây mọc trên đá.

 

nhà thờ đá SapaMùa đông tuyết rơi bao phủ nhà thờ tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp

 

Ý nghĩa quan trọng của nhà thờ đá Sapa 

Nhà thờ đá Sapa là như một biểu tượng văn hóa của cả thị trấn. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, hình ảnh nhà thờ vẫn sừng sững đứng đó đã in sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây. Đây là công trình văn hóa quan trọng, nơi mà tất cả giáo dân cùng tụ họp và sinh hoạt mỗi tuần. Phía trước nhà thờ là khu Sân Quần rộng rãi thoáng mát, nơi bà con dân tộc hàng ngày tụ tập giao lưu, trao đổi hàng hóa.

 

nhà thờ đá Sapa
Cảnh họp chợ tấp nập trước nhà thờ

 

Vào mỗi dịp cuối tuần, đây còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa dân tộc đặc sắc. Thứ 7 hàng tuần, xung quanh nhà thờ vang lên những tiếng khèn réo rắt của những đôi trai gái trong phiên chợ tình mang đậm nét văn hóa dân tộc và hơi thở núi rừng Tây Bắc. Cũng chính nhờ vậy mà các hoạt động văn hóa du lịch tại địa phương vô cùng phát triển. Hàng năm, nhà thờ thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch ghé thăm đem lại nguồn thu khổng lồ cho địa phương. Nếu đã du lịch Sapa thì bạn đừng quên tham quan nhà thờ đá nơi đây nhé.

 

 

Ngọc Hải


 

close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)