Giữa xã hội ngày càng hiện đại và phát triển, mảnh đất Kinh Bắc vẫn giữ được cho mình những nét rất riêng. Một trong những yếu tố đã góp phần lưu giữ được những giá trị văn hóa rất riêng của Việt Nam đó là các lễ hội ở Bắc Ninh.
Trong các lễ hội ở Bắc Ninh, Hội Lim có lẽ là một trong những nét văn hóa truyền thống phổ biến nhất ở địa phương này. Như thường lệ, cứ vào ngày 12 đến 14 tháng Giêng, người dân xứ Kinh Bắc lại tổ chức hội Lim trên địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh để chào đón mùa xuân. Nguồn gốc của lễ hội này được người ta truyền tai nhau từ tiếng hát của chàng Trương Chi trong truyền thuyết Trương Chi – Mị Nương mà dấu vết để lại chính là dòng sông Tiêu Tương ngày nay.
Theo như truyền thuyết, Bà Chúa Kho là một người phụ nữ vừa xinh đẹp, vừa khéo léo lại giỏi giang. Bà đã có công trong khai phá đất đai, gây dựng cộng đồng và hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ đất nước. Trong những năm chiến tranh khốc liệt, Bà Chúa Kho đã phụ trách tích trữ lương thực và chăm nom kho tàng quốc gia trong và sau khi quân ta giành chiến thắng quân Tống trên sông Như Nguyệt do Lý Thường Kiệt lãnh đạo.
Lễ hội được diễn ra vào ngày 14 tháng Giêng Âm lịch hàng năm nhằm tưởng niệm ngày giỗ của bà và công lao to lớn của bà trong sự nghiệp toàn vẹn lãnh thổ, giành độc lập tự do cho dân tộc. Mỗi độ tết đến xuân về, du khách thập phương lại nô nức tụ hội ở khu Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh. Từ xưa đến nay, người dân thường có câu “đầu năm vay, cuối năm trả”. Quả đúng thật là như vậy, bên cạnh mục đích cầu bình an, không ít người hành hương đến đây để “vay vốn”, mong cho một năm mới vốn liếng dồi dào, làm ăn phát tài phát đạt.
Đền Đô có vị trí thuộc làng Đình Bảng, hương Cổ Pháp xưa, nay thuộc xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Lễ hội Đình Đô là một trong các lễ hội ở Bắc Ninh đã đi vào sử sách dân tộc. Đây là nơi đóng đô của nhà Lý – triều đại đã khai sinh ra nước Đại Việt. Đặc biệt, trong những năm kháng chiến khốc liệt, Đình Bảng là một trong những nơi hoạt động của các đồng chí lãnh đạo của Đảng như Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt,… .
Ngày nay, lễ hội Đền Đô được tổ chức gọn trong ba ngày 14, 15, 16/3. Trong đó, ngày chính của hội là ngày 15/3. Theo nhân dân tương truyền thì đó cũng là ngày năm xưa Lý Thái Tổ đăng quang, ngày tốt lành, chính Ngọ đắc tâm linh, ông đã làm lễ tế trời và đặt niên hiệu là Thuận Thiên, mong Thiên hạ được ấm no và thái bình. Hơn thế nữa, Lý Thái Tổ cũng là người đã sáng tác ra tác phẩm “Chiếu dời đô” nổi tiếng và được lưu hành trong chương trình Ngữ Văn bắt buộc.
Phần lễ là nghi thức “Túc Yết” hay nói cách khác chính là nghi thức rước Lý Thánh Mẫu Minh Đức Hoàng Thái hậu phạm thị, người đã có công sinh thành ra Lý Thái Tổ. Nếu phần lễ mang đậm tính tín ngưỡng, tâm linh thì phần hội là những hoạt động vui chơi giải trí, gần gũi với văn hóa thường nhật như đấu vật, thi nấu cơm niêu đất, chơi chọi gà,… và không thể thiếu được những tiết mục hát quan họ đặc trưng.
Lễ hội chùa Dâu là một lễ hội được coi là lớn nhất so với các lễ hội ở Bắc Ninh, nổi tiếng với câu ca dân gian đã đi vào lòng người: “Dù ai đi đâu về đâu – Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về - Dù ai buôn bán trăm nghề - Tháng tư ngày Tám thì về hội Dâu”. Lễ hội được tổ chức vào ngày 8/4 Âm lịch, là ngày sinh nhật của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni. Nhân dân từ khắp mọi miền tổ quốc đổ về để trẩy hội chùa Dâu. Lễ hội này đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc trưng nhằm đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa tâm linh, cũng như để động viên, khích lệ tinh thần đoàn kết của nhân dân trong việc xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng dân cư, đồng thời giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa cộng đồng.
Chùa Phật Tích nằm trên núi Lan Kha, thuộc địa phận xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ngôi chùa này nổi tiếng với bức tượng phật bằng đá khổng lồ, lớn nhất Việt Nam, hay còn được gọi bằng cái tên Đại Phật tượng, được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2012. Trải qua hàng trăm năm, chùa vẫn lưu giữ được những nét kiến trúc cổ từ thời nhà Lý cùng các di vật lịch sử lâu đời như tượng linh thú đá, bia đá, vườn tháp.
Xem thêm các tour du lịch miền Bắc tại đây |
Du khách tới trẩy hội vào ngày mùng 3 đến mùng 5 Tết sẽ được tìm hiểu về những di tích lịch sử đặc sắc và có cơ hội tham dự lễ hội Khán hoa mẫu đơn độc đáo. Giống với các lễ hội ở Bắc Ninh khác, phần hội cũng bao gồm các chương trình giao lưu quan họ và biểu diễn nghệ thuật được tổ chức ở không gian Quảng Trường.
Ngọc Hải (tổng hợp) - luhanhvietnam.com.vn
Ảnh: Internet