Guidebook
Banner Voucher KS cả nước
Tây Ninh

Khám phá nét thú vị và độc đáo của các lễ hội Tây Ninh

Thứ năm, 05/11/2020, 07:29 GMT+7

Được mệnh danh là “Đất Thánh” nên chẳng có gì khó hiểu khi các lễ hội Tây Ninh lại chiếm được nhiều cảm tình của mọi người và là một yếu tố quan trọng thúc đẩy du lịch đến như vậy.

test

Những lễ hội Tây Ninh siêu hấp dẫn mà bạn không nên bỏ lỡ


1. Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung

Là một trong 2 ngày lễ lớn nhất của đạo Cao Đài, đồng thời cũng được xem là một lễ hội nổi tiếng nhất Tây Ninh, đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung được Hội Thánh Cao Đài tổ chức long trọng vào ngày 14 và 15 tháng 8 âm lịch tại Tòa Thánh Tây Ninh thuộc xã Long Thành Bắc, thị trấn Hòa Thành, thành phố Tây Ninh.

 

lễ hội Cao Dài - lễ hội Tây Ninh nổi tiếngKhung cảnh đông vui nhộn nhịp của lễ hội (Ảnh @huynhduocpham)

 

Lễ hội này được tổ chức lần đầu vào năm 1925 (Ất Sửu) tại nhà của Thượng phẩm Cao Quỳnh Cư ở Sài Gòn, sau đó mới truyền lại cho các tín đồ đạo Cao Đài và tổ chức chính ở Tây Ninh, để nhắc nhở các tín đồ về công ơn của Thượng đế - đấng chí tôn sinh ra vạn vật trong vũ trụ và cầu cho mưa thuận gió hòa, đất nước thái bình, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Đại lễ vía Đức Chí Tôn gồm 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Theo đó, phần lễ sẽ được các tín đồ theo đạo trong trang phục áo dài truyền thống, thành kính dâng hương cúng Tiểu Đàn tại Đền Thánh vào đúng 00 giờ ngày 15/8 âm lịch, sau đó cúng đàn Phật Mẫu tại Báo Ân Từ vào 12 giờ trưa ngày 15/8 âm lịch, cuối cùng là buổi lễ cầu an và phát quà cho trẻ em vào 6 giờ sáng ngày 16/8 âm lịch.

 

lễ hội Vía Cao Đài - lễ hội Tây Ninh ấn tượngBuổi lễ tại lễ hội (Ảnh @annhhhllocccnngguyennn)

 

Nghi thức lễ sẽ được thể hiện bằng 5 bài Bắc: Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long Đăng và Tiểu khúc trong các loại nhạc khí bắt âm là: cò, sễn, sao tam, kìm, đàn…rồi dâng hoa, ca 13 bài thơ và dâng rượi, dâng trà là kết thúc.

Trong khi đó, phần hội của lễ hội Tây Ninh này lại thu hút nhiều du khách đến tham dự hơn, bởi không khí sôi động, vui tươi của các tiết mục: rước cô bông hình Đức Phạt Mẫu, Cửu vị Tiên nương và Tam Thiên Quân (Phúc – Lộc – Thọ), Múa Tứ Linh (Rồng nhang, Ngọc kỳ lân, Quy, Phượng), theo sau là đội nhạc, đội trống và các vũ công múa dân tộc…

Ấn tượng nhất là tiết mục múa Rồng nhang – nét đặc trưng chỉ có ở Tây Ninh với 1 con rồng dài gần 20m được điều khiển bởi 30 vũ công. Xung quanh là khói nhang nghi ngút và ánh lửa bập bùng làm toát lên sự uy lực và linh thiêng của một linh vật thần thánh trong tín ngưỡng. Thậm chí, ngay cả khi đứng từ xa nhìn lại thì bạn vẫn có thể cảm nhận được một vùng trời sáng rực tại chỗ múa.

 

hễ hội Yến Diêu Trì Cung -  lễ hội Tây Ninh thú vịPhần hội đông vui (Ảnh CaoDaiSM)

 

Ngoài ra, khi đến với lễ hội lớn ở Tây Ninh này, du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động đặc sắc khác như: đấu võ, diễn kịch, làm thơ, đánh cờ tướng, chơi các trò chơi dân gian, thưởng thức các điệu múa dân tộc uyển chuyển hay thi cắm hoa và làm bánh…chắc chắn sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ đấy nhé.

Không chỉ vậy, từ 4 giờ sáng đến 10 giờ tối, du khách còn có thể thưởng thức một bữa ăn chay vô cùng thơm ngon do 500 người tình nguyện làm công quả và nấu ăn phục vụ khách hành hương suốt 3 ngày liền. Đó cũng là lý do tại sao dù trời có mưa tầm tã thì cũng không ngăn được rất nhiều người đội mưa đến dự lễ hội.

À, bạn cũng đừng quên khám phá vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ, có sự kết hợp hài hòa giữa nét kiến trúc phương Đông cổ kính và phong cách Châu Âu hiện đại của Tòa Thánh Tây Ninh – công trình tôn giáo độc đáo nhất Nam Bộ đấy nhé, đảm bảo là không làm bạn phải thất vọng đâu.

 

tòa thánh tây ninh - nơi diễn ra lễ hội Tây NinhVẻ đẹp độc đáo của tòa thánh Tây Ninh (Ảnh @bin.do1212)

 

Dành cho những ai chưa biết: đạo Cao Đài là một tôn giáo có sự dung hợp của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới như: Phật giáo, Kito giáo và Đạo giáo…nên có số lượng tín đồ tham gia rất đông đảo.

 

 

2. Hội xuân núi Bà Đen

Hội xuân núi Bà Đen được diễn ra tại khu di tích danh thắng núi Bà Đen, thuộc phường Ninh Sơn, cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 11km về phía tây Bắc, cũng là một lễ hội Tây Ninh quan trọng mà bạn không nên bỏ qua. 

Mặc dù ngày hội chỉ diễn ra vào đêm 18 và kéo dài đến hết ngày 19 tháng Giêng nhưng trong suốt cả tháng 1 và tháng 2 âm lịch thì núi Bà lúc nào cũng đắm chìm trong khung cảnh đông vui, nhộn nhịp của đoàn khách thập phương tấp nập kéo về.

Muốn trẩy hội xuân núi Bà thì du khách phải dùng chính sức mình chinh phục ngọn núi – nóc nhà Nam Bộ, để thể hiện lòng thành kính. Rồi trong quá trình di chuyển, du khách có thể ghé vào thăm đền Linh Sơn Thánh Mẫu nằm lưng chừng núi, hoặc ngôi miếu Sơn Thần ngay gần đỉnh núi để dâng hương lễ Thần bái Phật.

 

chùa trên núi Bà Đen - chùa nên ghé thăm khi tham gia lễ hội Tây NinhNgôi chùa tuyệt đẹp trên núi (Ảnh @tayninhtrip)

 

Núi Bà Đen được xem là chốn tâm linh rất linh thiêng, vì vậy, du khách hành hương khi đến đây cúng bái thường hoan hỉ xin về những gói giấy đỏ bọc một nhúm gạo hoặc tiền lẻ bên trong tượng trưng cho nhận lộc Bà đầu năm, với hy vọng một năm làm ăn suôn sẻ, phát lộc, phát tài…

Không chỉ có các nghi thức trang nghiêm của Phật giáo, lễ hội Tây Ninh này còn hấp dẫn du khách bởi các hoạt động văn hóa dân gian vui tươi, đặc sắc như ca hát, múa lân…Vậy nên, những người về đây với mong muốn hòa chung niềm vui của đất trời cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ đâu nhé.

Hơn nữa, khi tham gia hội xuân núi Bà Đen, du khách sẽ được đắm chìm vào khung cảnh thiên niên tươi trẻ, rực rỡ sắc xuân cùng những đám mây trắng bồng bềnh đẹp tựa chốn thần tiên, xa xa là vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của hồ Dầu Tiếng – công trình thủy lợi đẹp và lớn nhất nhì Việt Nam, ôi, còn gì tuyệt vời hơn nữa đây.

 

Hội xuân núi Bà - lễ hội Tây Ninh đông vuiKhung cảnh rực rỡ vào mùa xuân (Ảnh @quyendowtothesoul)

 

3. Lễ vía Bà

Đây được xem là một trong những lễ hội quan trọng nhất tại Tây Ninh, được tổ chức vào ngày mùng 4, 5, 6 tháng 5 âm lịch hàng năm tại Linh Sơn Tiên Thạch Tự tọa lạc lưng chừng núi Bà Đen, mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền của mảnh đất phương Nam trù phú.

Lễ hội này khởi đầu bằng lễ Mộc Dục (tắm tượng) được tiến hành vào lúc 00 giờ ngày 4/5 âm lịch tại đền thờ. Lúc này, 6 phụ nữ trung niên trong đó có 3 ni cô trong chùa sẽ đến trước tượng Bà làm lễ thắp nhang xin phép, sau nửa tuần nhang thì cởi áo khoác trên tượng rồi chuyền tay nhau những gáo nước thơm nấu từ hoa sen, hoa lài, hoa sứ, quế, dầu thơm…để dội lên tượng, tiếp tục kỳ cọ sạch sẽ rồi lấy khăn được xông hương lau khô cho tượng và khoác lên 1 bộ áo mới là xong.

Tuy nhiên, vì đây là nghi thức trang nghiêm nên cửa điện sẽ được đóng kín, đèn điện hay nến cũng sẽ bị tắt hết và du khách cũng không được bước vào trong xem. Đến tận khi kết thúc nghi thức này thì đèn mới được thắp lên và mở cửa cho du khách vào hành hương.

 

lễ vía Bà - lễ hội Tây Ninh thú vịRất nhiều người đến lễ chùa (Ảnh @thanhnhii1012)

 

Ngày chính thức của lễ hội Tây Ninh này được diễn ra vào 5/5 âm lịch với nghi lễ quan trọng là “Trình thập cúng” – dâng lên Bà 10 món đồ gồm: hương, đèn, hoa quả, trà bánh, rượu…và các tiết mục dân gian hấp dẫn như: hát bóng rối, hát chặp bóng tuồng hài địa nàng, múa dâng bông, dâng mâm ngũ sắc và múa đồ chơi…

Còn ngày 6/5 âm lịch sẽ dành cho việc cúng cô hồn, uống tửu và chẩn tế cho bá tánh. Theo đó, các nhà sư sẽ đọc kinh sám hối siêu độ cho các oan hồn, vô cùng linh thiêng đấy nhé.

Đặc biệt, với những giá trị văn hóa và mang ý nghĩa sâu sắc, lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu còn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2018. Vì vậy, bạn nhất định không thể bỏ qua ngày lễ này khi đến du lịch Tây Ninh đâu đấy.

 

chùa tổ chức lễ vía Bà - lễ hội Tây Ninh độc đáoKiến trúc chùa cũng rất ấn tượng để khám phá (Ảnh @liunibae)

 

Nếu bạn yêu thích những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, bạn tôn thờ các tín ngưỡng thiêng liêng thì hãy một lần tham dự các lễ hội Tây Ninh độc đáo và ấn tượng trên đây nhé!

 

Thúy Quỳnh (Tổng hợp) - Luhanhvietnam.com.vn

Ảnh: Internet

close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)