Banner Voucher KS cả nước
Guidebook
Khánh Hòa

Lạc vào thế giới đại dương huyền bí tại viện Hải Dương học Nha Trang

Thứ sáu, 28/08/2020, 09:49 GMT+7

Chẳng cần phải lặn xuống tận biển sâu, chỉ cần đến với viện Hải Dương học Nha Trang là bạn đã có thể chiêm ngưỡng thế giới sinh vật biển cực kỳ phong phú và đa dạng.

test

Giới thiệu về viện Hải Dương học Nha Trang

Nằm trên một khu đất cao tại số 1 Cầu Đá, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 6km về phía Vinpearl Land, tỉnh Khánh Hòa, viện Hải Dương học Nha Trang (còn được gọi là Bảo tàng Hải Dương học Việt Nam) là một cơ sở nghiên cứu về hải dương học, tài nguyên và môi trường biển, vật lý hải dương, khí tượng thủy văn và động vật biển…trong hệ thống các viện nghiên cứu chuyên ngành của trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc Gia Việt Nam.

Viện được thành lập vào ngày 14 tháng 9 năm 1922 trong thời Pháp thuộc và dưới sự quản lý của người Pháp, mãi cho đến tháng 12 năm 1969 nó mới được chuyển quyền quản lý sang cho Viện Đại Học Sài Gòn.

 

viện Hải Dương học Nha Trang - kiến trúc việnViện Hải dương học (Ảnh @blackcat211190)

 

Sở dĩ viện Hải Dương học được đặt ở thành phố Nha Trang là vì bờ biển nơi đây không chỉ sâu nhất tại Việt Nam, lại cách hải phận quốc tế không xa mà còn có 2 dòng biển nóng lạnh giao nhau tạo nên môi trường sống ôn hòa cho các sinh vật biển, chính vì vậy hệ thống động thực vật biển cũng như đa dạng sinh học rất phong phú, cung cấp nguồn cứ liệu dồi dào để nghiên cứu.

Đặc biệt, nơi đây còn là một trong những cơ sở nghiên cứu khoa học được ra đời sớm nhất Việt Nam, là nơi lưu giữ bộ mẫu sinh vật biển lớn nhất đất nước từ năm 2012 trong sách Kỷ lục Việt Nam, là cơ sở lưu trữ và nghiên cứu về đại dương lớn nhất Đông Nam Á, đồng thời đạt danh hiệu “Điểm du lịch được hài lòng” trong 10 địa điểm du lịch lịch sử văn hóa hấp dẫn.

 

Kiến trúc Bảo tàng Hải Dương học Việt Nam

Viện Hải Dương học Nha Trang được chia làm 3 khu vực chính bao gồm: Khu đa dạng sinh học biển, khu mẫu vật lớn và khu tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa.

 

Khu đa dạng sinh học biển

Với diện tích hơn 5.000 m2, bao gồm hơn 23.000 mẫu sinh vật biển thuộc 5.000 loài khác nhau, khu trưng bày đa dạng sinh vật biển của viện nghiên cứu Hải Dương học sẽ đưa bạn vào một thế giới đại dương ngay trên mặt đất đầy huyền bí và thú vị.

 

viện Hải Dương học Nha Trang - các bể cáSinh vật biển được nuôi trong bể kính (Ảnh @tmyduyen1292)

 

Bạn sẽ được chiêm ngưỡng các động vật biển quý hiếm như: rùa biển, cá Tầm, cá Vua, cá Ông Chuông, cá Mặt Trăng đuôi nhọn, cá Hoàng Hậu, cá Mặt Quỷ, trai khổng lồ, hải cẩu, hải sâm…

 

viện Hải Dương học Nha Trang - các loài cáCác loài cá rực rỡ sắc màu (Ảnh @hathyou)

 

Nhóm giáp xác ở viện Hải Dương học Nha Trang cũng vô cùng đa dạng, có khoảng 1.600 loài, điển hình là cua Huỳnh Đế, tôm hùm, tôm he, cua Quan Công và loài cua khổng lồ với sải chân dài 1,2m, rất đáng chiêm ngưỡng đấy nhé.

Hoặc các sinh vật biển ở tầng sâu như: san hô, sao biển, hải miên, xoang tràng, tảo biển với hơn 1.000 loài, tiêu biểu là tảo silic, tảo xanh lam, tảo kim, tảo đỏ…không chỉ có nhiều hình thù khác nhau mà còn rực rỡ màu sắc nữa cơ.

 

viện Hải Dương học Nha Trang - thực vật biểnCác thực vật biển sống động (Ảnh @hoangngoc.copywriter)

 

Đâu chỉ có các sinh vật biển, bảo tàng còn giới thiệu với du khách rất nhiều tài nguyên, khoáng sản quý giá của biển Đông, cũng như các hệ sinh thái giàu có như rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển…để nhắc nhở mọi người có ý thức bảo vệ nguồn lợi của con cháu mai sau.

Dù tất cả chúng đều được đặt trong những bể kính nhưng nó vẫn đem đến cho du khách sự chân thực đến từng chi tiết, tựa như đang đứng trong lòng đại dương mênh mông.

 

 

Khu trưng bày mẫu vật

Đến với bảo tàng Hải Dương học Nha Trang, bạn sẽ được mãn nhãn với khu trưng bày mẫu vật siêu khủng rộng 200 m2, bao gồm trên 20.000 mẫu vật của hơn 4.000 loại sinh vật từ biển và vùng nước ngọt của vịnh Thái Lan, biển Đông, Campuchia và các khu vực nước lân cận được sưu tầm và gìn giữ trong nhiều năm.

Tiêu biểu nhất là bộ xương cá voi lưng gù khổng lồ dài 26m, cao 3m, có 48 đốt sống và nặng tới 10 tấn vốn đã bị chôn vùi trong lòng đất ở đồng bằng sông Hồng ít nhất hơn 200 năm trước khi được phát hiện.

 

viện Hải Dương học Nha Trang - xương cá voiXương cá voi khổng lồ (Ảnh @_luhero_)

 

Hay xương loài thú biển quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng như Bò biển (Dugong) với tên gọi mỹ miều khác là Mỹ nhân ngư, có tuổi thọ khá cao là từ 60 đến 70 năm, rất cần để nguyên cứu và bảo tồn.

Các mẫu hóa thạch độc đáo không kém nữa là cá Nạng Hải dài 3,5m rộng 5m, nặng gần 1 tấn và cá Tầm, trai khổng lồ…những thứ mà trước đây bạn chỉ có thể nhìn thấy qua màn hình tivi hay trên internet.

 

viện Hải Dương học Nha Trang - xương cáTiêu bản xương của cá (Ảnh @hanyuxin_10)

 

Ngoài các mẫu vật để trần thì khu vực này của viện Hải Dương học Nha Trang còn có rất nhiều mẫu vật được ngâm trong các bình chứa đầy Hoóc – môn bảo quản, xếp trên các kệ cao và ghi rõ tên khoa học cũng như tên thường dùng của từng loại cá thể để mẫu vật giữ nguyên vẹn hình thái ban đầu và không bị tan ra.

 

viện Hải Dương học Nha Trang - các mẫu vật trong lọCác mẫu vật được bảo quản trong lọ (Ảnh @loan.loannguyenxx)

 

Khu tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa

Chẳng cần phải ra giữa biển khơi xa xôi, ngay trong khuôn viên của viện Hải Dương học ở Nha Trang đã có một “tiểu Hoàng Sa – Trường Sa” với diện tích khoảng 300 m2 bờ biển và 3.100 m2 mặt nước, chuyên trưng bày tài nguyên biển đảo độc đáo của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Bạn có thể thoải mái check – in với hiện vật đặc trưng của các khu vực này như: cột mốc chủ quyền, ngọn hải đăng, bia đá chủ quyền, bản đồ địa hình theo mô hình 3D và cây bằng vuông…hoặc lặn xuống dưới biển để khám phá rạn san hô có tuổi đời hàng trăm năm với màu sắc rực rỡ và hình dạng phong phú.

 

viện Hải Dương học Nha Trang - cột cờ chủ quyềnCột mốc chủ quyền (Ảnh @vi.vi.an.98)

 

viện Hải Dương học Nha Trang - bản đồ Trường SaTấm bản đồ đặc biệt về đảo Trường Sa (Ảnh @thoai_uyenp)

 

Hơn nữa, nơi đây còn là điểm đến phục vụ công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức về tài nguyên biển đảo cũng như nhận thức về việc bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Từ tất cả những điều trên có thể thấy, viện Hải Dương học không chỉ là một nơi nghiên cứu của các nhà khoa học mà còn là một điểm du lịch hấp dẫn của Nha Trang, đồng thời có ý nghĩa giáo dục quan trọng trong việc bảo vệ môi trường biển và sử dụng tài nguyên biển hợp lý.

 

Một số lưu ý tại viện Hải Dương học Nha Trang

Giờ mở cửa: từ 6 giờ đến 18 giờ tất cả các ngày trong tuần.

Giá vé: người lớn là 40.000 đồng/người, sinh viên (có thẻ) là 20.000 đồng/người, học sinh là 10.000 đồng/người, gửi xe 4.000 đống/xe, các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi văn hóa, người cao tuổi, người khuyết tật nặng sẽ được giảm 50%, còn người khuyết tật đặc biệt nặng, trẻ em dưới 6 tuổi hoặc có chiều cao dưới 1,2m sẽ được miễn phí vé vào. Ngoài ra, bạn cũng có thể liên hệ với bảo tàng để thuê thêm người thuyết minh đi kèm những sẽ phải trả thêm phí.

Nếu muốn khám phá đại dương bao la thì viện Hải Dương học Nha Trang sẽ cho bạn một chuyến đi vừa tiết kiệm lại vừa bổ ích đấy nhé.

 

Thái Hà (Tổng hợp) - Luhanhvietnam.com.vn

Ảnh: Internet

close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)