Người ta bảo rằng về Hà Nội mà không qua phố cổ bạn mới biết Hà Nội chứ chưa hiểu nơi này, bởi lẽ phố cổ là nơi lưu giữ linh hồn Thủ đô với tất cả những gì cổ kính, hoài niệm nhất.
Phố cổ Hà Nội tọa lạc ở phía Tây Bắc quận Hoàn Kiếm, sở hữu vị trí trung tâm đắc địa của Thủ đô. Nhắc tới phố cổ Hà Nội, không ai không biết tới địa danh 36 phố phường. Mỗi con phố lưu giữ những nét đặc trưng riêng của đất kinh kỳ, những ký ức về lịch sử, con người và đất nước. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, những con phố ấy vẫn còn tồn tại vẹn nguyên đến tận bây giờ.
Từ xa xưa, phố cổ là tên gọi của một khu đô thị, được hình thành từ đời Lý – Trần, nằm ở phía đông ở Hoàng thành Thăng Long ra đến sát sông Hồng. Trước đây, các làng nghề bao quanh Thăng Long, tập trung buôn bán, mỗi con phố là một làng nghề khác nhau mang dấu ấn riêng biệt của cư dân thành thị và cùng trao đổi lẫn nhau trong cuộc sống đời thường. Chính vì vậy, ngày nay chúng ta thấy những con đường trong khu phố cổ đều có tiếng “Hàng” đặt ở đầu. Đến đây, bạn đã lý giải được thắc mắc tại sao phố cổ Hà Nội lại có 36 phố phường mang tiếng “Hàng” rồi nhỉ?
Khu phố cổ khá là rộng, do vậy phải tận dụng hết thời gian mới khám phá trọn vẹn trong chuyến du lịch Hà Nội. Giới hạn của phố cổ phía Bắc đến phố Hàng Đậu, phía Tây là phố Phùng Hưng, phía Nam là các tuyến phố: Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng, phía Đông là đường Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật. 36 con phố, mỗi phố lại tập trung bán một mặt hàng khác nhau.
>> Gợi ý lịch trình 1 ngày khám phá Hà Nội cho người mới tới Thủ đô lần đầu |
Đi qua con phố Hàng Mã, bạn sẽ thấy những cửa hàng chuyên bán các mặt hàng thờ cúng, vàng mã, hay Hàng Thiếc bày bán những đồ gia dụng được làm từ vật liệu thiếc.
Trước đây, hầu như tất cả những con phố đều chuyên bán một loại mặt hàng mang thương hiệu riêng nhưng hiện tại cũng có một số tuyến phố xuất hiện những mặt hàng mới ngoại lai không theo nguyên tắc xa xưa. Minh chứng như tuyến phố Hàng Quạt, nếu như trước đây buôn bán quạt và đàn, nay được kinh doanh thêm mặt hàng như tranh thêu, câu đối…
Đi qua phố cổ, du khách bắt gặp hình ảnh những ngôi nhà rêu phong theo thời gian, giờ đây vẫn hiên ngang trước bao đổi thay của không gian và thời gian. Những ngôi nhà ống, mái ngói được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, với những lối đi nhỏ bên trong căn nhà và gạch xây dựng đã trở nên cũ kỹ là khung cảnh quen thuộc chẳng lẫn vào đâu giữa lòng Thủ đô.
Nhắc tới những ngôi nhà cổ, có một nơi là địa điểm tham quan hấp dẫn ở phố cổ - ngôi nhà 87 Mã Mây. Nhà ở mang nét truyền thống tái hiện được không gian sinh sống, nét đặc trưng của con người Hà Nội xưa. Khách du lịch có thể vào tham quan ngôi nhà với giá vé vào cửa 10.000đ.
Đến thăm phố cổ, du khách cũng không nên bỏ qua những ngôi đền chùa cổ kính như đền Mã Mây, đền Bà Chúa, đền Bạch Mã, chùa Cầu Đông, chùa Kim Cổ… Ngoài ra, đừng bỏ qua cơ hội tham quan cửa ô Quan Chưởng – 1 trong 5 cửa ô của Kinh Thành Thăng Long xưa còn sót lại và được bảo tồn nguyên vẹn cho đến ngày nay. Đi qua những nơi này ta tự hào nhìn ngắm những dấu mốc một thời kỳ vàng son của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Nếu hỏi có hình ảnh nào gắn liền với phố cổ để người ta cảm nhận rõ rệt nhất một Hà Nội đơn sơ, bình dị và đẹp đẽ thì chỉ đơn giản là gánh hàng rong, xe tào phớ với tiếng leng keng khắp các nẻo phố cũng làm say đắm bao con tim du khách để phải dừng chân lại ngắm nhìn và thưởng thức.
Ngoài những con phố cổ kính yên tĩnh nép mình bên hồ Gươm, khu phố cũng có những địa điểm rất hiện đại, rất đông đúc; phản ánh sự giao thoa phát triển, là hình ảnh của một Hà Nội cổ đang tưng bước chuyển mình.
Như là Tạ Hiện - con phố bé nhỏ nằm ở giữa lòng Hà Nội lúc nào cũng đông nghịt người, điểm uống bia nổi tiếng ở Hà Thành này không chỉ hấp dẫn các bạn trẻ Việt mà chính là “phố Tây” – nơi tụ họp của du khách nước ngoài.
>> Tham khảo chùm tour du lịch Hà Nội khám phá Thủ đô văn hiến |
Chợ đêm phố cổ Hà Nội lại đặc biệt đông đúc nhộn nhịp trong các tối cuối tuần, nơi tập trung buôn bán của gần 4000 gian hàng với các mặt hàng rất đa dạng và phong phú từ quần áo tới giầy dép, đồ dùng gia dụng, các đồ thủ công, quà lưu niệm… với giá cả bình dân. 2 đầu tuyến phố đôi khi còn tổ chức các buổi biểu diễn, giao lưu văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống như: chèo xẩm, quan họ, ca trù. Điểm độc đáo này của chợ đêm phố cổ góp phần thu hút lượng lớn du khách.
Tất cả những địa điểm trên, thêm vào đó là những hàng quán bán các món ăn của người Hà Nội như bún thang Cầu Gỗ, bún chả Hàng Buồm, ốc Đinh Liệt, bún cá ngõ Trung Yên, cháo sườn sụn chợ Đồng Xuân… đều là những mảnh ghép của mảnh đất văn hiến này.
Phố cổ Hà Nội không chỉ lưu giữ mà thực ra cũng chính là linh hồn của Thủ đô. Đối lập với vẻ hào nhoáng xa hoa, rực rỡ cùng những công trình kiến trúc hiện đại bên trong thành phố là phố cổ giản dị và bình yên đến lạ. Một chút lặng lẽ, một chút thanh tao đã thôi thúc bao lữ khách dừng chân lưu luyến mỗi dịp được về với Thủ đô yêu thương.
Chang (tổng hợp) - luhanhvietnam.com.vn