Guidebook
Banner Voucher KS cả nước
Vũng Tàu

Thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên - chốn tâm linh 'không vướng bụi trần' ở Vũng Tàu

Thứ ba, 29/09/2020, 08:28 GMT+7

Với người dân Việt Nam, tâm linh phần không thể thiếu trong đời sống, mỗi khi đi du lịch, bên cạnh những điểm nghỉ dưỡng vui chơi thì các ngôi chùa cũng là một điểm đến rất quan trọng, vậy nên đến Vũng Tàu thì không thể bỏ qua thiền viện trúc lâm Chân Nguyên đâu nhé!

test

Đôi nét về thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên

Thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên (còn gọi là Chùa Khỉ) là ngôi chùa thuộc thiền phái Đại Thừa, tọa lạc ngay dưới chân núi Kỳ Vân, thuộc thị trấn Phước Hả, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và cách đèo Nước Ngọt Long Hải hơn 1km.

 

vị trí xây dựng thiền viện trúc lâm Chân NguyênVị trí đắc địa của chùa (Ảnh @tranguyengiathuan)

 

Ban đầu ngôi chùa chỉ là một am nhỏ do bà Tư trông nom, nhưng khi được Hòa thượng Thích Thông Luận – ngườ đã từng đi khắp 15 quốc gia trên thế giới để thuyết gảng Phật pháp đến làm trụ trì vào năm 1987 thì chùa đã được sửa chữa khang trang, rộng rãi hơn như ngày nay.

 

Kiến trúc của thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên

Nằm ở địa thế đắc địa “tựa sơn vọng thủy”, ngôi chùa Chân Nguyên gây ấn tượng với kiến trúc mang đậm dấu ấn Phật giáo Việt Nam với mái đình được lợp gạch đỏ, vuốt nhọn về phần đuôi và cong vút lên trời như thanh gươm, cùng với việc sử dụng màu nâu và cam tạo cảm giác cổ kính, linh thiêng.

 

kiến trúc thiền viện trúc lâm Chân NguyênKiến trúc chùa (Ảnh @gaeulzk)

 

Bên cạnh đó, các cửa sổ lớn và dãy hành lang rộng được thiết kế thành nhiều mái vòm làm cho ngôi chùa có cảm giác thoáng đãng, đồng thời vừa có thể đón nhận ánh sáng tự nhiên, vừa có thể lưu thông không khí.

 

chính điện - công trình nổi bật ở thiền viện trúc lâm Chân NguyênThiết kế tòa chính điện (Ảnh @sallyvu_vn)

 

Bật mí, với những ai đã từng đi hành hương ở nhiều ngôi chùa trên đất nước thì sẽ dễ dàng nhận ra kiến trúc của chốn tâm linh này rất giống với công trình Thiền Viện Trúc Lâm nổi tiếng ở Đà Lạt đấy nhé.

Bên trong tòa chánh điện của thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên được thờ Đức Phật Thích Ca bằng vàng đang thiền định trên đài sen. Phía trước sân chùa thì được đặt tháp chuông, tháp trống và hai cột đá lớn tạc hình cây đèn dầu, có thể thắp sáng vào ban đêm, vô cùng ấn tượng.

 

tượng Phật vàng - biểu tượng linh thiêng của thiền viện trúc lâm Chân NguyênTượng Phật được thờ trong chùa (Ảnh @vox_xthanh)

 

Điểm nhấn của thiền viện Chân Nguyên Vũng Tàu còn nằm ở phía sau chùa, vì ở đây có những tảng đá được đẽo gọt một cách rất tự nhiên hài hòa qua đôi bàn tay kỳ diệu của tạo hóa tạo thành nhiều hình thù kỳ lạ: có khối như hình rắn ngậm ngọc – biểu tượng của sự phồn thịnh, khối thì như con voi khổng lồ đang quỳ phục hay có khối lại như hình đầu tượng Phật, chim Phượng Hoàng…rất độc đáo.

 

những tảng đá khổng lồ - nét độc đáo của thiền viện trúc lâm Chân NguyênNhững tảng đá độc đáo sau chùa (Ảnh @xuantancalligraphy)

 

Trên mỗi tảng đá còn được khắc một bài thơ, một bức tranh thủy mặc mang đậm sắc màu Phật giáo hoặc các chữ Hán ý nghĩa…khiến du khách không thể bỏ qua.

Hơn nữa, nơi này còn được đặt nhiều bức tượng Phật và Quan Thế Âm Bồ Tát hiền từ, mỗi khi được ánh nắng chiếu vào sẽ có cảm giác như các bức tượng đang tỏa ánh hào quang, phù hộ độ trì, ban phước lành cho chúng sanh.

 

tượng Quan Thế Âm - nét đẹp của thiền viện trúc lâm Chân NguyênTượng quan thế âm từ bi (Ảnh @sergeireyes)

 

Ngoài ra, trải dọc trên sườn núi còn có những chòi nhỏ đơn sơ cho du khách nghỉ chân hoặc những am nhỏ bằng gỗ để các thiền sư nơi thiền viện trúc lâm Chân Nguyên tu hành. Tuy nhiên, để đảm bảo sự thanh tịnh nên du khách sẽ không được phép vào am để tham quan đâu nhé.

 

căn nhà nghỉ chân của khách - công trình trong thiền viện trúc lâm Chân NguyênNơi nghỉ chân của du khách (Ảnh @___truc_nhien___)

 

Lưu ý: vì đây là chốn tâm linh nên khi đi vào du khách hãy ăn mặc thật kín đáo, lịch sự và trang nghiêm, đồng thời đi đứng nói chuyện nhẹ nhàng, không nói tục chửi bậy, hút thuốc hay vứt rác bừa bãi trong khuôn viên chùa để thể hiện sự tôn trọng với chốn linh thiêng nhé.

 

 

Những trải nghiệm đáng nhớ tại Thiền Viện Trúc Lâm Chân Nguyên

Nằm giữa thiên nhiên mênh mông, ẩn mình sau những dãy núi hùng vĩ và các tán cây cổ thụ um tùm, nên không khí tại chùa luôn trong lành, thanh khiết và mát mẻ.

Đứng trong khuôn viên chùa, lắng nghe tiếng các sư thầy tụng kinh, tiếng chuông chùa vang vọng, tiếng chim hót líu ló phía xa xa và tiếng chuông gió du dương trong gió, bạn sẽ thấy tâm hồn như trở nên cực kỳ bình lặng, thanh tĩnh và yên ả đấy nhé.

 

không gian yên bình tại thiền viện trúc lâm Chân NguyênKhông khí yên bình tại chùa (Ảnh @bachhoangphong)

 

Đặc biệt, trong chùa có tới gần 250 con khỉ khỉ đuôi dài rất hiền và khôn nên còn được người dân địa phương gọi bằng cái tên rất thân thương khác là chùa Khỉ hay Phủ Thách Hầu và được tổ chức kỷ lục Việt Nam vinh danh là “Ngôi chùa có đàn khỉ thiên nhiên nhiều nhất” nữa đấy.

Hình ảnh những chú khỉ chí chóe tranh nhau mấy mẩu bánh mì hay vài quả chuối hoặc chạy nhảy trên các tảng đá, các cành cây sẽ tạo thêm sự tươi tắn, náo nhiệt và rộn ràng cho ngôi chùa, làm ta có cảm giác như đang đứng trong các ngôi đền thờ thần Hanoman ở đất Phật Ấn Độ.

 

những chú khỉ - nét đặc sắc của thiền viện trúc lâm Chân NguyênNhững chú khỉ siêu dễ thương (Ảnh @nguyendangtruong1111)

 

Hơn nữa, những chú khỉ ở thiền viện trúc lâm Chân Nguyên sẽ không bao giờ tấn công hay giật đồ của khách như tại ngôi đền Galtaji ở Jaipur nên du khách, đặc biệt là các em nhỏ có thể thoải mái vuốt ve hay bắt tay với chúng, đảm bảo là thích mê cho xem.

Nếu còn thời gian thì đừng quên ghé qua các điểm du lịch nổi tiếng ở Vũng Tàu gần đó như: đèo Nước Ngọt, Tịnh Xá Ngọc Hải, bãi biển Long Hải hay khu du lịch Kỳ Vân…đấy nhé.

 

Thời điểm lý tưởng để đến thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên

Mỗi một mùa, khung cảnh xung quanh thiền viện lại mang một nét đẹp riêng: mùa xuân thì thơ mộng bởi sắc hồng tươi tắn của hoa anh đào, hè đến thì xanh mướt một màu tươi mát, thu sang thì lãng mạn tựa phim Hàn bởi màu vàng, đỏ của rừng khộp đang vào mùa thay lá, và rồi khi đông về lại mang một nét đẹp hoang sơ, kỳ bí đến lạ.

Song, thời điểm lý tưởng để tham quan chùa nhất có lẽ là vào tháng 10, tháng 11, vì lúc này không khí rất mát mẻ, lại chẳng có mưa bão gây nguy hiểm, sẽ giúp bạn trải nghiệm nhiều thú vui ở Vũng Tàu hơn đấy nhé.

 

Cách di chuyển đến thiền viện Chân Nguyên

Xe khách: bạn đi đến bến xe miền Đông để mua vé hoặc liên hệ trực tiếp với các nhà xe đi Long Hải để đặt chỗ. Sau khi xuống Long Hải thì bắt taxi hoặc xe ôm đến núi Kỳ Vân là được.

Phương tiện cá nhân

Cung đường 1: Bạn chạy theo quốc lộ 1 đến vòng xoay Vũng Tàu thì rẽ phải sang quốc lộ 51, tiếp tục đi đến ngã ba Bà Rịa thì rẽ trái về phía Long Hải. Hoặc đi theo hướng phà Cát Lái qua khu công nghiệp Nhơn Trạch, chạy theo quốc lộ cũng sẽ đến được Long Hải.

Cung đường 2: Từ Long Hải, bạn đi về phía đèo Nước Ngọt, chạy thẳng đường biển về Phước Hải – Lộc An – Hồ Tràm khoảng 1km sẽ thấy một biển chỉ dẫn. Cứ đi theo biển chỉ dẫn là đến được thiền viện.

Nếu bạn đang tìm một chốn bồng lai thanh tịnh, xua đi mọi ưu phiền cuộc sống thì thiền viện trúc lâm Chân Nguyên ở Vũng Tàu chính là nơi dành cho bạn rồi đấy!

 

Thái Hà (Tổng hợp) - Luhanhvietnam.com.vn

Ảnh: Internet

close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)