Mùa nước nổi miền Tây là thời điểm nước lũ về tràn đồng nhưng mang lại nguồn sản vật dồi dào. Những cung đường ruộng nước như được khoác lên lớp áo mới thu hút nhiều du khách ghé thăm và khám phá miền Tây.
Mùa nước nổi, còn được gọi bằng tên khác là mùa lũ sông Cửu Long. Đây là một hiện tượng lũ lụt tự nhiên, đặc trưng của vùng hạ lưu sông Mekong bao gồm đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam, Biển Hồ và Tonle Sap ở Campuchia.
Đối với người dân miền Tây sông nước thì mùa nước lũ tràn về không phải là thiên tai mà là ưu đãi của thiên nhiên ban tặng.
Vì mùa nước nổi miền Tây tạo điều kiện cho đất đai canh tác nông nghiệp được nghỉ ngơi, rửa trôi và làm triệt tiêu các nguồn sâu bệnh cho cây trồng nông nghiệp. Bên cạnh đó, mùa nước tràn đồng còn cung cấp một lượng phù sa màu mỡ cho đất đai toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó mùa nước nổi miền Tây còn mang về biết bao sản vật, cá tôm dồi dào và các loại cây trái độc đáo. Càng ngày, những tour du lịch miền Tây càng chuộng đưa khách tham quan vùng sông nước vào những tháng nước nổi.
Mùa nước nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long thường bắt đầu từ tháng 7 âm lịch đến tháng 10 âm lịch (khoảng tháng 9 đến tháng 11 dương lịch) hàng năm.
Càng ngày càng có nhiều du khách chọn điểm đến của chuyến du lịch những tháng gần cuối năm (mùa nước nổi) là Cần Thơ, An Giang, Bến Tre và Kiên Giang.
Từ TP HCM, những du khách chọn du lịch vùng Châu Đốc - An Giang vào mùa nước nổi miền Tây có thể đi xe máy hay ôtô. Tuy nhiên phương tiện xe khách giường nằm được nhiều người lựa chọn nhất vì giá khoảng 200.000 đồng mỗi người. Đoạn đường đến An Giang khá xa với chiều dài khoảng 250 km nên khi được nằm nghỉ trên chuyến đi sẽ giúp du khách cảm thấy thoải mái hơn.
Các điểm dừng chân ở An Giang rất được ưa chuộng vì đều là tuyến tham quan đặc trưng bởi vùng đất này đón nước lũ về nhiều nhất miền Tây.
Đế du lịch An Giang bạn nên đặt chân đến Châu Đốc đầu tiên vì đây là trung tâm khá thuận tiện để di chuyển đi các nơi. Thành phố này rất nổi tiếng với nhiều điểm đến tâm linh và mang đậm nét văn hoá đặc sắc của người Khmer. Lịch trình thích hợp nhất khi chu du mùa nước nổi miền Tây ở Châu Đốc là ghé chợ trung tâm vào buổi sáng để ăn bún cá, sau đó thuê xe máy tham quan núi Sam, viếng chùa Bà Chúa Xứ trên núi. Đến đây du khách đừng quên check-in bể bơi vô cực có view ruộng lúa tuyệt đẹp nhé.
Tịnh Biên hay Long Xuyên cũng là những địa danh bạn nhất định phải đến để hoàn thiện hành trình khám phá An Giang của mình vào mùa nước nổi miền Tây.
Ngoài An Giang thì Bến Tre và Cần Thơ cũng là hai điểm đến nằm khá gần TP HCM, nên bạn có thể lên kế hoạch kết hợp khám phá tuyến du lịch miền sông nước trong khoảng 2 - 3 ngày. Khoảng cách từ TP HCM đến Bến Tre không xa như An Giang nên di chuyển bằng xe máy hay ôtô đều thuận tiện. Nếu ngại lái xe đến vùng đất xứ dừa rồi sau đó phải di chuyển tiếp đến Cần Thơ, bạn có thể chọn xe khách hay thuê xe cũng rất tiện.
Cung đường TP HCM - Bến Tre có chiều dài khoảng 80 km. Trên đường đi, du khách chắc chắn phải ghé thưởng thức hủ tiếu Mỹ Tho hay phở bò xứ Châu Thành nức tiếng. Du lịch Bến Tre bạn sẽ được trải nghiệm những hoạt động hấp dẫn và thú vị nhất như thăm di tích Đạo Dừa, ngồi trên ghe nghe hát cải lương, đờn ca tài tử trên sông Tiền hay hóng gió trên sông Giồng Trôm. Bên cạnh đó bạn còn được tham quan trang trại nuôi mật ong hoặc check-in cực ngầu tại trại nuôi cá sấu ở cù lao Phụng,...
Rời xứ sở của dừa và trái cây để xuôi về du lịch Cần Thơ, du khách sẽ dừng chân ở điểm đến hấp dẫn bậc nhất phía Nam. Dù nhanh chóng trở thành trung tâm hành chính, thương mại du lịch nổi bật của đồng bằng công Cửu Long nhưng Tây Đô Cần Thơ vẫn giữ được những nét văn hoá đặc trưng của miền sông nước.
Du lịch Cần Thơ, du khách đừng quên thức dậy sớm để ghé thăm chợ nổi Cái Răng nức tiếng gần xa. Đây là một trong những hoạt động mang đậm nét đặc sắc của người dân miền Tây. Ngoài ra, những điểm tham quan như vườn cò Bằng Lăng, nhà cổ Bình Thuỷ, thiền viện Trúc Lâm, vườn trái cây ở các cồn,... cũng được nhiều người ghé thăm trong lịch trình khám phá Cần Thơ.
Thưởng thức những bữa ăn hương vị miền Tây tại bến Ninh Kiều hay những quán ăn mang đậm chất quê giữa lòng thành phố cũng là trải nghiệm khó quên với những ai từng đến Tây Đô.
Hà Tiên là vùng đất thuộc tỉnh Kiên Giang, nằm cách TP HCM khoảng 350 km. Du khách sẽ mất khoảng 7 – 8 tiếng nếu di chuyển bằng ôtô. Nơi đây được du khách gần xa biết đến vì có biển Mũi Nai và những câu chuyện kể kỳ bí về lịch sử Khai lập trấn của vị quốc công Mạc Cửu.
Hà Tiên là điểm du lịch hấp dẫn vì vừa có biển có núi lại có hệ thống hang động đặc sắc. Cộng thêm thời tiết nơi đây khá trong lành và mát mẻ, vô cùng thích hợp cho các chuyến du lịch ngắm biển và tham quan thắng cảnh qua từng mùa trong năm. Những điểm tham quan nổi tiềng nhất ở Hà Tiên là Lăng mộ họ Mạc, Thạch Động, Hòn Chông, núi Đá Dựng. Bên cạnh đó, Chợ đêm Hà Tiên vừa hoạt động thời gian gần đây cũng là nơi vui chơi nhộn nhịp về đêm mà bạn có thể ghé thăm.
Ngoài Hà Tiên thì Rạch Giá cũng là trung tâm kinh tế, du lịch lớn của Kiên Giang. Đây là vừa là thành phố cảng biển vừa là trung tâm hành chính, văn hóa của tỉnh lỵ miền Tây này. Đến đây bạn đừng quên check-in tại cổng Tam Quan- dù là cổng chào thành phố nhưng sỡ hữu kiến trúc ấn tượng. Du khách có thể chọn lịch trình ghé thăm đền thờ Nguyễn Trung Trực rồi dạo quanh khu đô thị mới dọc con đường ven biển Tôn Đức Thắng vào ban ngày. Khi bóng chiều đã tắt hoặc lúc hoàng hôn buông xuống, trải nghiệm tuyệt vời nhất sẽ là được ngắm cảnh nơi cửa biển trên cầu 3/2.
Không chỉ có những điểm đến hấp dẫn với những cung đường với view ruộng lúa, sông nước mênh mang, núi non nhấp nhô cùng chuỗi hang động thú vị mà mùa nước nổi miền Tây còn mang lại những món ngon - đặc sản nức tiếng trong và ngoài nước.
Khi lũ bắt đầu dâng, những cơn mưa rả rích kéo dài cũng là lúc cá từ thượng nguồn sông Mekong tràn về và chọn những cánh đồng ngập nước để đẻ. Mùa cá linh cũng bắt đầu. Lúc nhỏ, loại cá này chỉ lớn bằng đầu đũa. Người miền Tây hay gọi là cá linh non, tuy nhỏ nhưng thịt ngọt béo. Những con cá tươi vừa mới bắt lên còn tươi roi rói, béo tròn được làm sạch mang, móc bỏ ruột, rửa lại bằng nước rồi để ráo để làm nguyên liệu chính cho món lẩu cá linh bông đên điển trứ danh của mùa nước nổi miền Tây.
Tùy theo từng vùng từng tỉnh của miền Tây mà nước dùng của món lẩu này được nấu bằng nhiều cách khác nhau. Có người ninh xương heo, xương cá để lấy vị ngọt, nhưng cũng có nơi nấu bằng nước dừa tươi để nước lẩu vừa trong vừa có vị ngọt thanh dễ chịu. Ngoài cá linh thì các nguyên liệu khác như rau ăn kèm cũng đa đạng không kém, nhưng hợp vị nhất phải là bông điên điển.
Bông điên điển vừa mới hái từ những hàng cây mọc trong từng khu đất, bờ ruộng xuống còn tươi mơn mởn. Chỉ mất vài mươi phút là có đầy trong rổ. Loại bông có màu vàng bắt mắt này cùng với một số loại rau khác như đậu bắp, bạc hồ, rau thơm, giá cùng cho vào nồi nước lẩu đang sôi. Lúc này bạn chỉ cần cầm đũa lên và thưởng thức món ăn dân dã ăn một lần mà nhớ cả đời của miền Tây.
Bông súng chỉ là loài rau đồng thường mọc những nơi vùng đất trũng, nhất là những khu vực có đọng nước bùn. Khi mùa nước nổi miền Tây đổ về là lúc bông súng trồi theo làn nước vươn lên. Người miền Tây hay nhổ bông súng về rồi để nguyên cọng rửa sạch. Chỉ cần tước phần vỏ bên ngoài, nhanh tay ngắt mỗi cọng độ dài chừng hai gang tay và để cho ráo nước là đã có một trong hai thành phần chính của món ăn dân dã bậc nhất miền Tây là bông súng mắm kho.
Mắm kho ngon phải là mắm cá linh, cá sặc... chính gốc miền sông nước. Ngày nay có thể dễ dàng tìm mua món này ở bất kỳ khu chợ miền Tây nào, mà nổi tiếng nhất là ở chợ Châu Đốc An Giang. Mắm sau khi mua về phải nấu sôi trong nước, lọc bỏ xương rồi cho sả bằm vào để tạo hương thơm, khử bớt mùi mắm. Bước tiếp theo cho tôm hay tép, hến cùng cá lóc vào đúng khi mắm vừa sôi lại. Nồi mắm kho thơm ngon có sự hòa quyện vị cay của ớt, chất the nhẹ của sả, ngọt của tép đồng, giòn đủ độ của bông súng. Tất cả tạo nên món ăn đơn giản mà gắn bó với mùa nước nổi miền Tây.
Không phải du khách nào cũng dám thử món ăn có cái tên nghe khá sợ này khi về đúng mùa nước nổi miền Tây. Tuy vậy, chuột đồng nướng lu lại là món ăn dễ gây nghiện cũng như là món nhậu khoái khẩu của nhiều người. Chuột để nướng lu phải là những chú chuột đã ăn no lúa chín, béo múp míp.
Loài vật gây hại cho ruộng lúc này sau khi bị bắt về sẽ được làm sạch ruột, cắt móng, rồi tẩm ướp gia vị vừa ăn trong khoảng 15 phút. Bước cuối cùng là móc từng con vào lu để quay. Khi quay phải liên tục trở tay để biết lúc nào cần thêm mỡ, thêm nước gia vị. Khoảng một tiếng sau thì thịt chuột chín vàng thơm phức. Chỉ cần mở nắp lu, bày chuột ra cùng dưa leo, rau răm, muối ớt là đã có món ăn ngon tuyệt. Thịt chuột quay đúng điệu miền sông nước sẽ thơm, mềm và có phần da rất giòn mang hương vị đặc trưng miền Tây.
Thanh (Tổng hợp) - luhanhvietnam.com.vn
Ảnh: Internet