Với lịch sử hơn 300 hình thành và phát triển, làng hoa giấy Thanh Tiên xứ Huế vẫn luôn hiện hữu và là một biểu tượng cho vẻ đẹp Huế với những ý nghĩa sâu xa cả về mặt tín ngưỡng lẫn văn hoá cho nếp sống của người Huế xưa và nay.
Xứ Huế có nhiều làng nghề truyền thống đẹp và cũng là biểu tượng cho vẻ đẹp đặc trưng riêng của xứ sở này khiến bao người say đắm và một trong những làng nghề đặc trưng cho vẻ đẹp truyền thống của xứ cố đô được du khách ưa thích chính là làng hoa giấy Thanh Tiên. Đến với làng nghề xinh đẹp này bạn không chỉ được chiêm ngưỡng nét đẹp của một làng quê xứ Huế bình dị, nên thơ mà còn được khám phá nghề làm hoa giấy truyền thống của xứ Huế đã tồn tại qua 3 thế kỷ.
Làng hoa giấy Thanh Tiên nằm ở xã Phú Mậu huyện Phú Vang, cách trung tâm thành phố Huế 10km, trước đây ngôi làng này còn được biết đến với những tên gọi khác nhau như Tân Lãn hay Tân Lạn. Nghề làm hoa giấy ở làng Thanh Tiên xuất phát từ tín ngưỡng thờ cúng dân gian rất đặc trưng của người Huế. Theo đó, xứ Huế là nơi có điều kiện thời tiết khắc nghiệt với mùa mưa thối dầm thối cát, mùa nắng đổ lửa do ảnh hưởng của gió Lào.
Cũng chính bởi vậy, mà các loại hoa tươi sử dụng để thờ cúng đều không thể giữ được lâu. Xuất phát từ nguyên nhân đó người lân làng nghề đã sáng tạo nên các loại hoa giấy để thờ cúng gia tiên. Dần dà hoa giấy của những người dân trong làng được ưa thích và theo năm tháng đã phát triển thành một làng nghề chuyên làm hoa giấy nổi tiếng của xứ cố đô và lan tỏa khắp nơi, đặc biệt là mỗi mùa tết đến.
>>Xem thêm: Về làng nghề Tây Hồ xứ Huế ngẩn ngơ với những chiếc nón bài thơ |
Trong sách Đại Nam nhất thống chí thì làng hoa giấy Thanh Tiên đã xuất hiện từ rất lâu và có trong danh mục thống kế những nghề thủ công từ khoảng thế kỷ 16-19 và trở thành một điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến với xứ Huế.
Từng có một thời kỳ công đoạn chế tác hoa giấy chất lượng cao tại Thanh Tiên bị thất lạc trong nửa thế kỉ bởi hoa giấy trang trí thời kỳ trước chỉ dùng cho cung đình hoặc các gia đình quý tộc, khi chế độ phong kiến tan rã thì công đoạn sản xuất hoa này cũng bị thất truyền. Sau này các nghệ nhân làng nghề đã nghiên cứu và khôi phục lại những bí quyết của ông cha từ thời xưa.
Làng hoa giấy Thanh Tiên là một trong những nơi vẫn còn lưu giữ cách thức làm hoa giấy truyền thống cổ xưa nhất và đặc biệt là những thủ thuật bí truyền trong nghề làm hoa giấy như bông lùng, bông bụp, là những loài hoa rất quen thuộc trên ban thờ của xứ Huế xưa.
Người làng Thanh Tiên thường làm hoa vào những lúc nông nhàn và dùng trong các tín ngưỡng thờ Ông, Bà bổn, trang thờ Ông Báo, lễ cúng Trang Sư… Với khối óc tài hoa đầy nghệ thuật và đôi bàn tay khéo léo, những người dân nơi đây đã tạo nên các loài hoa tự nhiên như hoa bìm bìm, hoa cúc kép, cục đơn, hoa tường vi, hoa quỳ, hoa sen…
Để tạo nên những bông hoa giấy đẹp và đầy tính nghệ thuật là điều không đơn giản bởi tất cả các công đoạn hoàn toàn được sản xuất thủ công. Trước khi bắt đầu làm hoa, công đoạn chuẩn bị vật liệu mất nhiều tháng và tuyển chọn kỹ càng. Theo đó tre là loại lồ ô dẻo dai nhất vót nhỏ phơi khai, giấy màu cắt thành hình hoa và dán hồ tạo hình, ghép nhuỵ và ghép tạo hình.
Một điều đặc biệt khi sản xuất hoa các nghệ nhân của làng hoa giấy Thanh Tiên chỉ sử dụng màu nhuộm từ lá cây được chế tác theo công thức gia truyền. Mỗi sản phẩm được tạo hình phải trải qua rất nhiều công đoạn và đòi hỏi sự tỉ mẩn, chăm chỉ và khéo léo của nghệ nhân, mỗi ngày một người chỉ có thể làm ra tối đa từ 15 đến 20 bông hoa giấy.
Các loại hoa giấy được yêu thích của làng nghề là hoa hồng, cúc, lan, huệ, bông bụp,hoa mai, đồng tiền, tường vi… đặc biệt hoa sen với vẻ đẹp tinh tế luôn được nhiều người ưa chuộng và chỉ có khoảng 10 hộ tại làng nghề hoa giấy Thanh Tiên có thể làm được loại hoa này.
Du lịch Huế và ghé thăm làng hoa giấy Thanh Tiên để tận hưởng không gian yên bình của một làng quê vùng ngoại ô xứ Hu và tận mắt chiêm ngưỡng và tìm hiểu về nghề làm hoa giấy truyền thống của xứ sở này sẽ là một trải nghiệm đáng giá với bất kỳ ai. Ngoài Thanh Tiên, bạn có thể kế hợp ghé thăm phố cổ Bao Vinh, làng Tiên Nộn hay Làng Sình cũng là những điểm đến hấp dẫn và đặc trưng cho văn hoá cổ xưa của xứ Huế.
Nguyệt Cát (Tổng hợp) - Luhanhvietnam.com.vn
Ảnh: Internet