Guidebook
Banner Voucher KS cả nước
Bình Định

Chùa Thập Tháp Bình Định - trung tâm Phật giáo nức tiếng miền Trung

Thứ năm, 24/12/2020, 13:43 GMT+7

Bên cạnh biển xanh, cát trắng, nắng vàng thì Bình Định còn có rất nhiều các di tích văn hóa - lịch sử ấn tượng, tiêu biểu như ngôi chùa Thập Tháp cổ kính.

test

Giới thiệu về chùa Thập Tháp

Chùa Thập Tháp hay Thập Pháp Di Đà là một trung tâm Phật giáo nổi tiếng của miền Trung, tọa lạc trên ngọn đồi Long Bích, phía Bắc thành Đồ Bàn của người Chăm xưa, thuộc địa phận thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định và cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 28km.

Ngôi chùa này được hình thành từ năm 1683 bởi thiền sư Nguyên Thiều - nhà tu hành người gốc Quảng Đông, Trung Hoa, bằng việc sử dụng gạch đá của 10 tòa tháp Chăm cổ để dựng lên, nên cái tên "Thập Tháp" cũng vì thế mà ra đời. Và đến năm 1691 thì chùa được chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho biển ngạch là "Thập Pháp Di Đà tự".

 

vẻ cổ kính - nét nổi bật của Chùa Thập Tháp Bình Định Ngôi chùa đã khá cổ kính (Ảnh @lilydo2017)

 

Ngoài ra, ngôi chùa Thập Tháp đã trải qua 16 đời truyền thừa với nhiều vị thiền sư nổi tiếng, tiêu nhiểu như thiền sư Phước Huệ đã được tôn làm Quốc sư và được mời vào cung giảng kinh cho nhiều đời vua nhà Nguyễn: từ vua Thành Thái đến vua Bảo Đại, đồng thời trải qua nhiều lần trùng tu trên quy mô lớn vào các năm 1749, 1820, 1849, 1877 và 1924, để trở nên bề thế, ấn tượng như ngày nay.

Với nhiều giá tri lịch sử và văn hóa đặc sắc, ngôi chùa cổ nhất phái Lâm Tế này đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia thế kỷ 19 vào năm 1990 và là 1 trong những danh thắng nổi tiếng hiếm hoi của tỉnh Bình Định được ghi vào sách Đại Nam Nhất Thống chí, khiến người người ngưỡng mộ.

 

Những điểm độc đáo của chùa Thập Tháp làm say lòng du khách


1. Kiến trúc bề thế 

Nơi đầu tiên chào đón du khách khi đến tham quan chùa Thập Pháp Di Đà là cổng tam quan được xây bằng bê tông vững chắc, với hai bên là 2 trụ vuông cao, bên trên đặt 2 bức tượng sư tử ngồi uy nghi và hai mặt trong ngoài thì được ghi câu đối bằng chữ Hán màu xanh nổi bật.

 

cổng tam quan - công trình ấn tượng tại Chùa Thập Tháp Bình ĐịnhCánh cổng uy nghi nhuốm màu rêu phong (Ảnh @hatuenhien)

 

Ngay đằng sau cánh cổng là tấm bình phong đặt trên bệ chân quỳ, mặt sau đắp nổi hình long mã phù đồ, còn mặt trước đã bị rêu phong che gần hết các họa tiết tạo nên nét cổ kính, trầm mặc nơi cổng chùa.

Bên trong chùa thì được thiết kế theo kiến trúc hình chữ “Khẩu”, gồm 5 khu vực chính: khu chính điện, khu phương trượng, khu đông đường (giảng đường), khu tây đường (nhà Tổ) và khu vườn tháp cổ.

 

Khu chính điện

Đây là công trình chính của chùa Thập Tháp với diện tích lớn nhất là 400 m2, được sử dụng chủ yếu là gỗ và được thiết kế theo kiểu nhà rường, gồm 5 gian, trong đó 3 gian giữa là điện thờ, 2 gian phụ hai bên là phòng chúng tăng và có hành lang dài 30m, rộng 20m bao bọc xung quanh.

 

tòa chính điện - công trình nổi bật tại Chùa Thập Tháp Bình Định Tòa chính điện rộng lớn (Ảnh Fb Võ Như Quỳnh)

 

Điểm nhấn của tòa nhà này là 4 hàng cột sừng sững, cái nào cái đấy đều to “vật vã” một người ôm không xuể, cùng với các họa tiết trạm trổ hình rồng uốn lượn cách điệu, hoa cuộn, giá chiêng, long châu…tinh xảo và sử dụng sơn son thếp vàng lộng lẫy, khiến ai bước vào cũng không khỏi ngỡ ngàng.

Chính giữa điện thì được đặt tượng Phật Thích Ca, Di Đà từ bi, bác ái bằng vàng sáng bóng, mang đến vẻ uy nghiêm, thành kính cho không gian chùa. Còn hai bên điện phụ thì thờ Quan Thế Âm Bò Tát, Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, Thập Bát La Hán và Thập điện Minh Vương…

 

tượng Phật - vẻ uy nghiêm tại Chùa Thập Tháp Bình Định Bên trong thờ Phật tổ (Ảnh Fb Phạm Hà Phú)

 

Khu phương trượng

Tòa nhà rộng khoảng 130 m2 này nằm đối diện với chính điện qua sân trời rợp bóng cây xanh, do Quốc sư Phước Huệ xây dựng năm 1924, gồm 3 gian, với gian giữa để án thờ trụ trì và hai bên thì làm chỗ nghỉ cho khách tăng.

Điểm đặc biệt của khu phương trượng là việc sử dụng gạch để xây tường chắc chắn, mái ngói lợp nhiều tầng theo kiểu âm dương cổ điển và bộ sườn gỗ, dàn khám thờ có kỹ thuật trạm trổ công phu, tạo nên một màu sắc đặc biệt cho ngôi chùa Thập Tháp Bình Định.

 

Khu đông đường (giảng đường)

Khu vực này năm bên trái chính điện với diện tích khoảng 150 m2, sử dụng để làm nơi tiếp khách và chỗ ở cho tăng chúng.

 

 

Khu tây đường (nhà Tổ)

Kiến trúc của tòa nhà này gần giống khu phương trượng, với mái ngói lợp kiểu âm dương, bên trong thì thờ phụng sư Tổ khai sơn Nguyên Thiều, các vị thiền sư đã từng giữ chức trụ trì của chùa và các tăng sư đã khuất tại chùa.

 

nhà thờ Tổ - công trình nổi bật tại Chùa Thập Tháp Bình Định Khu nhà chuyên thờ các vị sư quá cố (Ảnh Fb Phú Nguyễn)

 

Khu vườn tháp cổ

Công trình này nằm bên trái chùa Thập Tháp, với 21 bảo tháp mang phong cách kiến trúc của nhiều thời kỳ khác nhau và đều được xây dựng từ thế kỷ 19, 20 nên hầu như đã nhuốm màu rêu phong và in dấu vết thời gian, khiến di bước vào đây cũng có cảm giác như đang đi lạc vào thời kỳ cổ đại của dân tộc.

 

vườn tháp cổ - công trình ấn tượng tại Chùa Thập Tháp Bình Định Khu vườn tháp độc đáo (Ảnh Fb Bít Bụng Bự)

 

2. Nhiều di vật quý giá

Không chỉ mang đến nhiều ấn tượng về mặt kiến trúc mà giá trị văn hóa và lịch sử của ngôi chùa này cũng được đánh giá rất cao. Bởi bên trong chùa hiện nay còn lưu giữ hơn 2.000 bản kinh khắc gỗ của bộ Di Đà sớ sao, Kim Cang trực sớ, Pháp Hoa khóa chú và gần 1.200 quyển kinh giấy, luật, luận ngữ, ngữ lục, tiêu biểu như bộ: Đại Tạng Kinh Cao Ly hay Đại Tạng Kinh Đài Loan…được xem là “báu vật” của những người theo Phật.

Bên cạnh đó, chùa Thập Pháp Di Đà Bình Định còn có đôi câu liễn sơn thếp vàng cao 2,5m ghi bài ngự đề của chúa Nguyễn Phúc Chu, các hiện vật liên quan đến phong trào Tây Sơn và quả chuông nặng 500kg đúc từ năm 1893, cực kỳ cổ kính.

Không chỉ thế, 36 bộ tượng Thập bát La hán chạm khắc gỗ tinh vi, cao nửa mét, với các khuôn mặt và dáng điệu khác nhau, cùng hai tượng Hộ Pháp cao 2m đặt ngay ở cửa điện, được tạc từ thời thiền sư Minh Lý (1871 – 1889), vừa mang giá trị nghệ thuật lại vừa có nét dung dị đời thường, làm ai cũng không thể rời mắt.

 

3. Không gian mát mẻ, trong lành

Nằm ở địa thế khá đẹp, được bao bọc bởi dòng sông Côn hiền hòa, phía trước là hồ sen bát ngát, xa xa là ngọn núi Mò O hùng vĩ, quanh năm năm lãng đãng sương mây trắng xóa nên khung cảnh nơi chùa Thập Tháp An Nhơn lúc nào cũng hữu tình, thơ mộng tựa như một bức tranh thủy mặc.

 

hồ sen - nét độc đáo tại Chùa Thập Tháp Bình Định Hồ sen thơm ngát (Ảnh @paopao4.4)

 

Không chỉ vậy, bên trong chùa còn được trồng rất nhiều cây xanh tỏa bóng râm, cùng các hòn non bộ nước chảy róc rách suốt 4 mùa, khiến không gian vừa yên tĩnh lại vừa trong lành, mát mẻ.

 

hòn non bộ - nét đẹp của Chùa Thập Tháp Bình Định Hòn non bộ xanh mát (Ảnh Fb VõThúy Vi Vi)

 

Nhất là vào mùa hè, khi những bông sen hồng tươi trước cửa nở rộ, tỏa hương thơm ngát một vùng, đứng trong sân chùa, vừa hút thật sâu bầu không khí trong veo, vừa lắng nghe tiếng đọc kinh của các sư thầy, tiếng chuông vang vọng trong gió và tiếng ve râm ran như một bản nhạc trên các cành cây, thì đảm bảo là “phê” khỏi bàn luôn nhé.

Hơn nữa, bạn cũng có thể đi dạo xung quanh chùa để thăm thú các địa điểm du lịch nổi tiếng cử Bình Định gần đó như: thành Hoàng Đế - kinh đô nổi tiếng một thời của nhà Tây Sơn, tháp Cánh Tiên – ngọn tháp độc đáo gợi nhớ một thời thịnh vượng của vương quốc Champa hùng mạnh hay chùa Thiên Hưng - "Phượng Hoàng Cổ Trấn của Bình Định" nhé…

Người dân Bình Định thường có câu ca dao nổi tiếng:

"An Nhơn có núi Mò O
Có chùa Thập Tháp, có đò Trường Thi"

Vậy nên, đến du lịch đất võ mà không ghé qua chùa Thập Tháp thì quả là một thiếu sót rất lớn đấy nhé.

 

Thái Hà (Tổng hợp) - Luhanhvietnam.com.vn

Ảnh: Internet

close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)