Guidebook
Banner Voucher KS cả nước
Quy Nhơn

Chùa Thiên Hưng - 'Phượng Hoàng Cổ Trấn' trong lòng Quy Nhơn

Thứ hai, 03/08/2020, 16:18 GMT+7

Quy Nhơn đâu chỉ nổi tiếng với những bãi biển trong xanh hay những ngọn tháp Champa cổ kính, vì các chốn tâm linh nơi đây cũng luôn khiến du khách phải thổn thức mỗi khi nhớ về, tiêu biểu như ngôi chùa Thiên Hưng.

test

Nằm bên quốc lộ 1A thuộc thị trấn Đập Đá, phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định và cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 20km, chùa Thiên Hưng không chỉ là một chốn tâm linh đặc biệt của người dân xứ Nẫu mà còn là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất ở khu vực Nam Trung Bộ.

 

Vẻ đẹp thanh tao thoát tục của chùa Thiên Hưng

Chẳng nằm ở một địa thế nổi bật như chùa Ông Núi, cũng chẳng nguy nga rực rỡ như nhiều ngôi chùa khác, ấy thế mà chùa Thiên Hưng lại làm bao du khách phải mê đắm mỗi khi đặt chân đến đây.

 

Chùa Thiên Hưng - 'Phượng Hoàng Cổ Trấn' trong lòng Quy Nhơn(Ảnh @hienhoa1369)

 

Nhìn chung, toàn bộ các công trình trong chùa đều được xây dựng theo kiến trúc phương Đông tạo cảm giác gần gũi, thân thuộc, mềm mại và đậm nét cổ xưa.

 

Chùa Thiên Hưng - 'Phượng Hoàng Cổ Trấn' trong lòng Quy NhơnKhung cảnh tựa phim cổ đại (Ảnh @hienhien1995)

 

Ngay khi bước đến gần chùa, chiếc cổng tam quan được xây dựng rộng rãi, uy nghi với hai bên trụ cột được làm bằng bê tông cốt thép vững chắc và phần mái được thiết kế như hình lưỡi đao cong vút lên trời, cùng cánh cổng bằng gỗ nâu mộc mạc cho ta cảm giác như đang lạc vào một bức tranh cổ đại với những gam màu tĩnh lặng, trầm mặc.

 

Chùa Thiên Hưng - 'Phượng Hoàng Cổ Trấn' trong lòng Quy NhơnCổng tam quan trầm mặc nét thời gian (Ảnh @uyn_uynny)

 

Và quả thật như vậy, bước vào khuôn viên ngôi chùa Thiên Hưng, ngắm tòa chính điện 3 tầng sừng sững được làm hoàn toàn bằng gỗ với những cột trụ lớn vững chãi và phần mái ngói cong cong được chạm khắc hình đầu rồng như cung đình thời xưa, bạn sẽ có cảm giác như đang bước vào phim trường của một bộ phim cổ trang hoành tráng được dàn dựng hết sức công phu.

 

Chùa Thiên Hưng - 'Phượng Hoàng Cổ Trấn' trong lòng Quy NhơnKhu chính điện cổ kính (Ảnh @iamzhang96)

 

Cùng với đó là tòa bảo tháp Thiên Ứng 12 tầng cổ kính, cao chót vót tựa vươn tới trời xanh và một tháp chuông 4 tầng được thiết kế tinh tế, tỉ mỉ tạo thành một bức tranh nghệ thuật độc đáo níu chân du khách.

 

Chùa Thiên Hưng - 'Phượng Hoàng Cổ Trấn' trong lòng Quy NhơnBảo tháp 12 tầng đồ sộ (Ảnh @__nphhhgg__)

 

Chùa Thiên Hưng - 'Phượng Hoàng Cổ Trấn' trong lòng Quy NhơnTháp chuông được thiết kế tinh xảo (Ảnh @queen_t_1502)

 

Ngoài ra, chùa Thiên Hưng Bình Định còn được điểm tô bởi bởi những chậu cây cảnh xanh tươi, lạ mắt, những cây cầu đỏ tươi được xây mái theo kiểu đền đài lầu các xưa và một ao sen tỏa hương thơm ngát làm cho chốn thanh tịch thêm phần bình yên và thơ mộng.

 

Chùa Thiên Hưng - 'Phượng Hoàng Cổ Trấn' trong lòng Quy NhơnKhu vườn tươi mát (Ảnh @mirilyly9)

 

Các công trình khác của chùa như: giảng đường, tăng đường, thư viện, nhà truyền thống, nhà khách hay nhà ăn…với những nét cổ kính trầm mặc chắc chắn cũng sẽ khiến bạn phải mê mẩn đấy nhé. 

 

Chùa Thiên Hưng - 'Phượng Hoàng Cổ Trấn' trong lòng Quy NhơnKhu vực giếng trời (Ảnh @ony_julli)

 

Đặc biệt, ban ngày đã đẹp thì khi màn đêm buông xuống, những ánh đèn rực rỡ được thắp lên, ngôi chùa lại mang một vẻ đẹp lung linh huyền ảo tựa như “Phượng Hoàng Cổ Trấn” phiên bản Việt khiến ai cũng không thể rời mắt. 

 

 

Nét đẹp tâm linh của chùa Thiên Hưng 

Khu chính điện của chùa Thiên Hưng Quy Nhơn đều được thờ phụng những bức tượng Phật khác nhau, nổi bật là bức tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay được đúc bằng đồng vô cùng uy nghiêm ở tầng một và bức tượng phật Thích Ca Mâu Ni bằng vàng thờ trên tầng cao nhất.

 

Chùa Thiên Hưng - 'Phượng Hoàng Cổ Trấn' trong lòng Quy NhơnTượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay (Ảnh @feb.19.19)

 

Ngoài ra, nơi đây còn rất linh thiêng vì lưu giữ Ngọc Xá Lợi của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni – bảo vật chứa đựng năng lực màu nhiệm có thể cảm hóa con người cũng như mang đến mọi sự bình an, giải trừ nghiệp ác và nuôi dưỡng lòng bác ái cho con người. Người ta cũng tin rằng, nơi nào có Ngọc Xá Lợi là nơi đó có như sự hiện hữu của chính Phật tổ để ban phúc độ trì cho chúng sinh.

Nhất là vị trụ trì của chùa – đại đức Thích Đồng Ngộ dù còn trẻ nhưng lại rất am hiểu phong thủy và tích cực trong các công việc hoằng pháp, từ thiện, chính vì thế, không chỉ những người hành hương mà ngay cả các vị nguyên thủ Quốc gia khi có dịp về Bình Định đều ghé thăm ngôi chùa.

 

Những trải nghiệm đáng nhớ tại chùa Thiên Hưng

Nếu đã đặt chân đến Thiên Hưng tự đừng quên thắp một nén hương dâng lên Phật tổ để cầu mong may mắn, bình an và hạnh phúc cho bản thân và những người thân yêu của mình.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể đi dạo xung quanh để ngắm cảnh và hít thở bầu không khí trong lành, bình yên nơi cửa Phật hoặc bước lên đỉnh tháp để tận hưởng những làn gió mát lạnh và thu trọn vào mắt toàn bộ khung cảnh tươi đẹp của An Nhơn, hay đơn giản chỉ là ngồi bên hòn non bộ và lắng nghe âm thanh trong trẻo phát ra từ tiếng chuông chùa, chắc chắn bao ưu phiền, mệt mỏi rồi cũng tan biến ngay thôi.

 

Chùa Thiên Hưng - 'Phượng Hoàng Cổ Trấn' trong lòng Quy NhơnTận hưởng không gian tươi mát bình yên tại chùa (Ảnh @anh.thiiii)

 

Đặc biệt, đến với bức tranh cổ đại cuốn hút này mà không làm vài tấm ảnh check – in thì chuyến đi của bạn sẽ cực kỳ thiếu sót đấy nhé. Tin tôi đi, chỉ cần lên hình là bất kỳ góc nào nơi chùa Thiên Hưng cũng đều có thể cho bạn một tấm ảnh sống ảo cực chất cho xem.

 

Chùa Thiên Hưng - 'Phượng Hoàng Cổ Trấn' trong lòng Quy NhơnGóc check in "thần thánh" tại chùa (Ảnh @p.oly_)

 

Trước khi kết thúc chuyến đi, bạn cũng nên ghé qua các địa điểm du lịch nổi tiếng gần đó như: tháp Bánh Ít, thành Hoàng Đế hay tháp Cánh Tiên…để cảm nhận được hết vẻ đẹp nên thơ, trữ tình của vùng đất An Nhơn, Bình Định đấy nhé.

 

Cách di chuyển đến chùa Thiên Hưng


Xe buýt

Với phương tiện này, bạn đi đến đường Lê Duẩn, thành phố Quy Nhơn, bắt tuyến tuýt T12 đi qua thị xã An Nhơn và kết thúc tại Tam Quan, mỗi tuyến cách nhau 35 phút. Hơn nữa, vì xe không dừng ngay tại chùa nên lúc lên xe bạn nên nhờ phụ xe nhắc nhở khi gần đến nơi.

 

Xe máy

Nếu thích trải nghiệm và ngắm khung cảnh bình yên của nơi này thì bạn có thể thuê xe máy tự đi với giá từ 100k đến 150k/ngày theo quãng đường sau: từ trung tâm thành phố Quy Nhơn, bạn đi theo đường Võ Nguyễn Giáp đến Nguyễn Huệ, sau khi đi qua tháp Bánh Ít thì đi thẳng theo quốc lộ 1A sẽ tới phường Nhơn Hưng. Lúc này chỉ cần hỏi người dân bên đường là bạn sẽ đến được chùa Thiên Hưng.

 

Một số lưu ý khi đến thăm chùa Thiên Hưng

- Chùa mở cửa đón khách vào 9 giờ sáng, tuy nhiên từ 11 giờ đến 15 giờ sẽ đóng cửa một số khu vực, vì vậy nếu muốn thăm hết mọi nơi thì nên đến chùa lúc mới mở cửa.

- Cơm chay miễn phí sẽ được phục vụ từ 10 giờ đến 12 giờ, song nếu muốn ăn thì bạn phải báo trước với nhà bếp để được chuẩn bị.

- Trang phục vào chùa cần kín đáo, lịch sự và trang nghiêm.

- Luôn phải giữ trật tự, đi nhẹ, nói khẽ, không nói tục chửi bậy hay dùng những từ ngữ khiếm nhã trong chùa.

- Không ra vào chùa bằng cửa chính giữa, không giẫm lên bậu cửa mà phải bước qua.

- Không đốt quá nhiều hương hay vàng mã, tiền bỏ vào công đức, không đặt lên hương án của chính điện.

 

Chùa Thiên Hưng - 'Phượng Hoàng Cổ Trấn' trong lòng Quy NhơnĂn mặc kín đáo khi đến chùa (Ảnh @_mihanh)

 

Nếu bạn là một tín đồ tâm linh lại luôn thưởng thức những nét cổ kính, trầm mặc của các công trình xưa thì chùa Thiên Hưng ở Bình Định chính là một điểm đến lý tưởng mà bạn không thể bỏ qua.

 

Thái Hà (Tổng hợp) - Luhanhvietnam.com.vn

Ảnh: Internet

close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)