Guidebook
Banner Voucher KS cả nước
DÒNG SỰ KIỆNlàng đo đochè Huế
Huế

Chùa Từ Hiếu - ngôi cổ tự gắn liền với đạo hiếu trên đất Huế

Thứ năm, 08/07/2021, 08:31 GMT+7

Chùa Từ Hiếu là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng nằm ẩn mình sau rừng thông xanh mát, nhuốm màu hoang sơ huyền bí trên đất cố đô.

test

Những năm trở lại đây ngôi chùa mang tên Từ Hiếu được nhiều người biết đến vì là nơi được Thiền sư Thích Nhất Hạnh chọn làm nơi tịnh dưỡng sau khi trở về Việt Nam. Ngôi chùa cổ này còn được gọi là Tổ đình Từ Hiếu - danh thắng nổi tiếng không chỉ được nhiều tăng ni Phật tử đến tu hành mà còn thu hút không ít du khách gần xa đến hành hương, chiêm bái.

 

Chùa Từ Hiếu Huế - đạo hiếuBiểu tượng của chốn thiền môn về đạo hiếu. Ảnh: journeyinhue

 

Chùa Từ Hiếu nằm ở đâu?

Tổ đình Từ Hiếu nằm trên đường Lê Ngô Cát, thuộc phường Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Chùa nằm không xa trung tâm, chỉ cách chưa đến 5 km. Hơn nữa đường đi cũng rất dễ dàng nên nếu có dịp du lịch Huế, bạn đừng bỏ qua ngôi chùa nổi tiếng này nhé.

Chùa cổ Từ Hiếu còn là nơi có khuôn viên thoáng mát, không khí trong lành vì nằm ẩn mình sau một rừng thông xanh ngát bao phủ khu vực rộng lớn. Vì vậy, chùa thu hút nhiều người đến chiêm bái, ngắm cảnh và du ngoạn. Nhưng hơn hết, người ta đến đây còn là vì truyền thuyết gắn liền với câu chuyện cảm động về tấm lòng hiếu thảo của người con với mẹ già. Và đến sau này, nơi đây còn trở thành nơi an nghỉ của các vị quan thái giám của triều Nguyễn.

 

Chùa Từ Hiếu Huế - đường Lê Ngô CátTừ Hiếu tự nằm trên đường Lê Ngô Cát, thuộc phường Thủy Xuân. Ảnh: Phatgiao.org

 

Truyền thuyết về sự ra đời của chùa Từ Hiếu

Theo lời kể của các bậc cao niên địa phương thì ban đầu, Từ Hiếu tự chỉ là một Thảo Am nhỏ do Tổ sư Nhất Định - vốn là tăng cang của chùa Giác Hoàng trong cung vì tuổi cao nên đã cáo lão vào rừng dựng am để vừa tu hành vừa lo cho mẹ già. Lúc đầu chùa còn có tên khác là am An Dưỡng.

Tương truyền rằng khi am dựng nên không lâu thì mẹ ngài Tổ Sư ốm nặng nên cần phải có thịt cá bồi bổ sức khỏe. Vì vậy mà ngày ngày vị sư già phải chống gậy vượt qua đoạn đường hơn 5 cây số để tìm thịt, cá tươi về nấu cháo cho mẹ ăn. Thời gian đó, dù bị không ít người buông lời chê bai, cho rằng là hoà thượng mà lại ăn mặn, nhưng ngài vẫn bỏ hết ngoài tai và hết lòng chăm sóc cho mẹ.

 

Chùa Từ Hiếu Huế - Thảo AmBan đầu chùa chỉ là một Thảo Am do thiền sư Nhất Định tạo lập vào năm 1843. Ảnh: Phatgiao.org

 

 

Những lời đàm tiếu lan xa đến tận tai nhà vua Tự Đức và sau khi tìm hiểu tường tận, vua vô cùng cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của một vị thiền sư ở tận chốn thâm sơn cùng cốc nên vào năm 1848, nghĩa là sau một năm khi thiền sư Nhất Định viên tịch, ngôi Thảo Am đã được mở rộng, tôn tạo qua thời gian và được đặt tên là chùa Từ Hiếu như bây giờ. Điều đáng nói là ngôi chùa luôn được triều đình, nhất là các quan thái giám và các Phật tử gần xa góp công góp sức tôn tạo, mở rộng.

 

Chùa Từ Hiếu Huế - đượm nét rêu phongNgôi chùa đượm nét rêu phong. Ảnh: visithue

 

Bởi gắn liền với câu chuyện cảm động về đạo hiếu mà Từ Hiếu cổ tự không chỉ là biểu tượng chốn thiền môn mà còn ẩn chứa vè đẹp của sự hiếu thảo, tấm lòng của con cái dành cho đấng sinh thành trong suốt nhiều thế kỷ qua. Nhất là mỗi dịp Vu Lan, nơi này là điểm đến của hàng ngàn Phật tử. Người người tới làm lễ và cài lên áo những đóa hoa mang sắc hồng hoặc trắng đầy ý nghĩa.

 

Chùa Từ Hiếu Huế - Hồ senHồ nước. Ảnh khamphahue

 

Nét đẹp kiến trúc chùa cổ của Huế

Cách trung tâm thành phố chưa đầy 5km, đường sá đi lại dễ dàng và khí hậu trong lành, mát mẻ nên lượng người lên chùa cổ Từ Hiếu viếng cảnh thường rất đông. Nhưng du khách đến đây không chỉ để chiêm nghiệm đạo và đời, lắng lòng tìm về “thiền” của Phật giáo mà còn để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc hài hòa với khung cảnh bình yên và thơ mộng của ngôi chùa cổ này.

 

Chùa Từ Hiếu Huế - Vẻ đẹp kiến trúcVẻ đẹp kiến trúc hài hòa với khung cảnh. Ảnh: vntrip

 

Huế là nơi có nhiều ngôi chùa đẹp và cổ kính như chùa Thiên Mụ, chùa Thủ Lễ, Huyền Không Sơn Thượng, chùa Từ Đàm,... Mỗi ngôi cổ tự đều là di tích lịch sử, văn hóa gắn liền với đời sống tâm linh, tôn giáo ở mỗi triều đại phong kiến. Chùa Từ Hiếu cũng vậy. Dù cho đến hiện tại, thời gian đã in dấu lên mái ngói, nhiều chi tiết bị tàn phá nhưng nhìn chung, ngôi chùa hầu như vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc tổng thể của với cổng chùa, sân vườn, chính điện và hậu điện.

 

Chùa Từ Hiếu Huế - Cổng Tam QuanCổng Tam Quan của chùa cổ Từ Hiếu. Ảnh Phatgiao.org

 

Đầu tiên là cổng chùa. Nhìn bao quát, cổng được xây dựng theo kiểu vòm cuốn. Ngay khi đặt bước qua cổng, bạn sẽ bắt gặp một hồ nước hình bán nguyệt có nuôi cá cảnh và trồng hoa sen thơm ngát. Nếu đã check in một vòng các điểm sống ảo ở Huế, rồi chọn đến đây vào một ngày nắng ấm bạn sẽ bắt gặp khung cảnh sen ở khắp mặt hồ và tiếng vẫy nước nhẹ nhàng của đàn cá bơi lội tung tăng, thỉnh thoảng đón làn gió mát đưa tới. Tất cả tạo nên khung cảnh yên bình, thanh tịnh chốn Thiền môn.
 

Chùa Từ Hiếu Huế - Hồ cáHồ cá nằm ngay sau cổng vào chùa. Ảnh: visithue

 

Tiếp theo là khu vực chính điện được xây dựng theo kiểu ba gian hai chái truyền thống với gian thờ Phật Tổ Như Lai nằm phía trước. Băng qua khu chính điện, du khách sẽ đến khoảng sân ở giữa - nơi trồng khá nhiều loại cây cảnh rồi tới Quảng Hiếu Đường hay còn gọi là dãy nhà Hậu - nơi thờ Tả quân đô thống Lê Văn Duyệt cùng nhiều vị thần khác ở phía sau, trong đó có thờ Đức Thánh Quan, hương linh phật tử tại gia và đặc biệt là các vị thái giám đã có công xây dựng chùa.

 

Chùa Từ Hiếu Huế - Khu Chính điệnKhu Chính điện. Tổ đình Từ Hiếu. Ảnh: vntrip

 

Chùa Từ Hiếu mang không gian hài hòa và thoáng đãng. Có thể nói mỗi công trình dù chính hay phụ đều mang dáng dấp kiến trúc của ngôi nhà rường Huế độc đáo vừa hòa mình với thiên nhiên lại vừa tinh tế và tĩnh tại.

 

Chùa Từ Hiếu Huế - Lối vàoLối vào chùa. Ảnh: vntrip

 

Riêng hai bên sân chùa còn có hai lầu bia để ghi lại lịch sử hình thành, xây dựng ngôi cổ tự qua từng giai đoạn. Nhiều chi tiết trang trí của chùa mang phong cách cung đình Huế rõ rệt, thể hiện rõ qua các nét chạm khắc, đắp và trang trí gốm sứ hình hoa văn rồng phượng ở những bức phù điêu.

 

Chùa Từ Hiếu Huế - trang tríNhững chi tiết trang trí tinh tế. Ảnh: Journeyinhue

 

Đặc biệt, trong khuôn viên của ngôi chùa cổ còn có một khu vườn nhỏ trồng nhiều cây có trái sum suê, tươi tốt quanh năm. Nằm xen kẽ trong vườn có một hồ nước uốn lượn cùng một số tháp mộ của các vị thiền tăng đời trước cũng như mộ của hơn 30 vị thái giám triều Nguyễn.

 

Chùa Từ Hiếu Huế - hình thành từ lâu đờiNgôi chùa với lịch sử hình thành từ lâu đời. Ảnh: Journeyinhue

 

Có thể nói rằng ngôi chùa gắn liền với câu chuyện cảm động về đạo hiếu này có sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc cổ kính và khung cảnh thiên nhiên tạo nên bức tranh phong cảnh hữu tình. Du khách đến đây sẽ nhận ra cảnh sắc quen thuộc với nước non hài hòa như thể khung cảnh ở lăng Tự Đức hay lăng Minh Mạng thu nhỏ vậy. Khi dạo bước trên từng con đường nhỏ rợp bóng cây, ngắm mái chùa thấp thoáng mang dáng dấp cung đình trong Kinh Thành Huế, ai ai cũng dễ thả trôi đi những phiền muộn ngày thường, cảm nhận được sự thoải mái và tịnh tâm khi đến đây.

 

Chùa Từ Hiếu Huế - Chuông lớnChuông lớn tại chùa. Ảnh visithue

 

Nghĩa trang đặc biệt của những vị thái giám

Nổi tiếng vì là nơi Thiền Sư Thích Nhất Hạnh chọn làm nơi nghỉ ngơi khi về Việt Nam cũng như gắn liền với câu chuyện về đạo hiếu của vị tổ sư đầu tiên nhưng ít ai biết rằng chùa Từ Hiếu còn là nơi an nghỉ của hơn 24 vị thái giám triều Nguyễn.
 

Chùa Từ Hiếu Huế - Tấm bia đáTấm bia đá tại chùa. Ảnh: visithue

 

Sau khi thiền sư Nhất Định viên tịch, cùng với sự giúp đỡ của các vị quan cùng nhiều vị thái giám nên Thảo Am đường mới được tu sửa và mở rộng thành chùa Từ Hiếu như hiện tại. Vì vậy mà sau này, để các vị thái giám sau khi chết đi có nơi thờ tự, hương khói, một vị thiền sư trong chùa đã xin vua Tự Đức chấp thuận để chôn cất họ ở một ngọn đồi nhỏ nằm cạnh chùa. Từ đây, các vị quan chịu nhiều thiệt thòi đã có nơi an nghỉ và thờ tự lâu dài. Cùng vì thế mà ngôi cổ tự mang thêm một cái tên khác là chùa thái giám.

 

Chùa Từ Hiếu Huế - Hơn 24 ngôi mộHơn 24 ngôi mộ thái giám trong chùa. Ảnh: Phatgiao.org

 

Sở hữu địa thế đẹp, kiến trúc cổ kính cùng không gian thoáng mát, yên tĩnh, chùa cổ Từ Hiếu chính là ngôi danh lam cổ tự nổi bật của xứ Huế. Nơi đây không chỉ là một công trình tôn giáo mà còn là thắng cảnh ẩn chứa nhiều nét văn hóa, lịch sử của cố đô. Cùng với chùa Huyền Không Sơn Thượng, Tổ Đình Từ Hiếu là điểm đến lý tưởng để bạn lắng lòng, sống chậm lại một chút, hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên tĩnh lặng, chữa lành bao thương tổn và áp lực cuộc sống ngày thường.

 

Thanh (Tổng hợp) - luhanhVietNam.com.vn

Ảnh: Internet

close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)