Diwali (hay Deepwali) là một lễ hội ánh sáng có nguồn gốc từ Ấn Độ. Đây là chuỗi lễ hội truyền thống lớn nhất của người Ấn Độ, được tổ chức trong 5 ngày vào tháng 10 hay tháng 11, tùy chu kì của mặt trăng.
Diwali (hay Deepwali) trong tiếng Sanskirt có nghĩa là “một dãy đèn được thắp sáng”. Tên gọi này bắt nguồn từ việc vào những ngày lễ, nhà cửa, cửa hàng và cả nơi công cộng đều được thắp sáng bằng đèn dầu.
Tùy vào từng vùng ở Ấn Độ mà cách lý giải nguồn gốc về lễ hội ánh sáng Diwali sẽ khác nhau. Nhưng nhìn chung, nguồn gốc của lễ hội ánh sáng Diwali xuất phát từ tín ngưỡng huyền thoại về các vị thần. Điển hình như huyền thoại về chiến thắng của thần Krishna trước chúa quỷ Narakasura, đã trở thành biểu tượng cho chiến thắng giữa cái thiện và cái ác. Hay huyền thoại về Lakshmi, nữ thần của giàu có và thịnh vượng và thần Ganesha, tượng trưng cho trí tuệ, hạnh phúc. Ở một số nơi, Diwali còn được tổ chức để tưởng nhớ đứa vua Rama, biểu tượng của đức hạnh và lòng chung thủy trong sử thi Ấn Độ.
Lễ hội Diwali thường được diễn ra vào tháng 10 hay tháng 11 trên khắp Ấn Độ. Theo truyền thống, lễ hội sẽ kéo dài trong 5 ngày, mỗi ngày sẽ có một tên gọi và ý nghĩa khác nhau.
- Ngày thứ nhất, ngày Dhanatrayodashi (hoặc Dhan Teras), là ngày của sự thịnh vượng và giàu có, người dân thường đến các khu chợ để mua một vài món nữ trang may mắn nào đó bởi họ tin rằng việc này sẽ đem lại thịnh vượng và tài lộc cho suốt một năm tới. Nếu ở Dhanteras, ngày này được coi là điểm khởi đầu cho một năm tài chính mới thì ở Ấn Độ đây lại là thời điểm đầu của một mùa mua sắm.
- Ngày thứ hai, Naraka Chaturdashi, là ngày con quỷ Narakasura bị giết chết, mang ý nghĩa cái tốt chiến thắng cái xấu và ánh sáng chiến thắng bóng tối.
- Ngày thứ ba, Lakshmi Puja, là ngày quan trọng nhất trong dịp lễ hội. Các gia đình Ấn Độ cúng thần Lakshmi và thần Ganesa, vị thần của những khởi đầu tốt lành. Mọi người đốt đèn, nến ở khắp nơi trong nhà và ngoài phố.
- Ngày thứ tư, Govardhan Puja (còn gọi là Annakut), là ngày Krishna đánh bại Indra. Trong ngày này, các món đồ ăn được trang trí đẹp mắt và xếp thành từng ngọn núi nhỏ, tượng trưng cho ngọn núi mà Krishma đã phải vượt qua. Các ông chồng thường tặng quà cho vợ vào ngày Govardhan Puja.
- Ngày thứ năm, Bhaduj, là ngày anh chị em trong gia đình gặp gỡ nhau, bày tỏ sự quan tâm và thể hiện tình cảm cho nhau.
Trước khi đón mừng, người Ấn Độ thường dọn dẹp, sơn sửa nhà cửa, trang trí đèn, nến trong nhà và ngoài phố, và trên bàn thờ Tổ tiên lúc nào cũng đầy áp bánh trái hoa quả… để đón các vị thần.
Trong thời gian diễn ra lễ hội ánh sáng Diwali, trên khắp đất nước Ấn Độ gần như không có đêm; pháo hoa sáng rực và vang rền bầu trời. Mọi người từ già cho tới trẻ đều mặc quần áo mới, đặc biệt phụ nữ trong trang phục sarry cổ truyền, gặp gỡ vui chơi và thăm hỏi chúc tết lẫn nhau.
Đặc trưng của lễ hội Ấn Độ là những điệu múa truyền thống Ấn Độ mê hoặc lòng người, với bài hát nổi tiếng Bollywood và cả những tiếc mục xiếc đặc sắc. Vui hơn trong không khí nhộn nhịp là khi mọi người được thưởng thức các món đặc sản truyền thống của người Ấn Độ như cà ri dê hay cánh gà tẩm ướp. Ngoài ra, còn có các gian hàng vui chơi cho trẻ em như lâu đài nhảy múa, tranh cát tô tượng…
Trong ánh sáng rực rỡ, lung linh huyền ảo, trong không khí vui nhộn của ca hát nhảy múa, làm cho con người gần nhau hơn, hiểu nhau hơn và khoan dung hơn.
Những hoạt động phổ biến vào dịp lễ Diwali ở Ấn Độ cũng tương tự như hoạt động mừng năm mới ở một số quốc gia. Vào những ngày này, người dân thường dọn đẹp nhà cửa, mua quần áo mới. Vì theo quan niệm dân gian, nữ thần thịnh vượng Lakshmi sẽ “ưu tiên” ghé thăm và mang may mắn đến cho những ngôi nhà sạch sẽ, tươm tất. Người ta cũng trao nhau những món quà và tổ chức tiệc.
Tất nhiên, việc thắp sáng những ngôi nhà bằng đèn dầu và những buổi trình diễn pháo hoa là không thể thiếu trong sự kiện đặc biệt này, với mục đích chào đón sự trở lại của những vị phúc thần. Ngoài ra, những hoạt động giải trí như chơi bài, làm những loại bánh ngọt đặc trưng cho mùa lễ như Malpua, Wheat Laddu, Soan Papdi, Besan ki Barfi cũng rất được ưa thích trong dịp Diwali.
Chuỗi lễ hội ánh sáng Diwali với ý nghĩa ban đầu để ăn mừng chiến thắng của cái thiện, sự vươn lên vượt qua bóng tối và mông muội trong tri thức của con người. Không chỉ thế, đó còn là khoảng thời gian để mọi người cùng nhau cảm nhận không khí lễ hội ấm áp, cùng nhau hòa vào niềm vui và cầu nguyện thần linh ban phát những điều tốt đẹp đến cho họ.
Lễ hội ánh sáng Diwali còn là dịp để người dân Ấn Độ rũ bỏ hiềm khích, tha thứ cho người khác, để mình được sống vui vẻ, thanh thản hơn.
Thái Hà (Tổng Hợp) - Luhanhvietnam.com.vn
Ảnh: Internet