Guidebook
Banner Voucher KS cả nước
Vũng Tàu

Đến Thích Ca Phật Đài Vũng Tàu ngắm tượng Phật 'siêu to khổng lồ'

Thứ ba, 13/10/2020, 15:34 GMT+7

Nhắc đến Vũng Tàu người ta thường nghĩ đến những bãi biển xinh đẹp, thơ mộng tựa tiên cảnh, thế nhưng, ít ai biết rằng, các điểm du lịch tâm linh cũng là một điểm nhấn níu chân du khách khi ghé thăm thành phố này, tiêu biểu trong đó chính là ngôi chùa Phật giáo Thích Ca Phật Đài.

test

Vài nét về Thích Ca Phật Đài Vũng Tàu

Tọa lạc trên mạn sườn phía Bắc của Núi Lớn, tại số 608 đường Trần Phú, thuộc phường 5, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Thích Ca Phật Đài là một khu di tích Phật giáo nổi tiếng của phái Nam Tông.

Công trình này là ý tưởng của ông Lê Quang Vinh – quan phủ thời Pháp thuộc, nhưng do bất mãn với chế độ nên đã từ quan về tu hành. Lễ khởi công xây dựng chùa được tiến hành vào ngày 20/7/1961 và khánh thành ngày 10/3/1963 sau 19 tháng thi công.

 

kiến trúc các ngôi chùa tại Thích Ca Phật Đài Kiến trúc đậm chất Phật giáo của ngôi chùa (Ảnh @shawolmeu)

 

Ban đầu, chùa có tên là Thiền Lâm Tự, nhưng vì nó được điêu khắc theo sự tích về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca nên đã được đổi lại thành “Thích Ca Phật Đài”.

Năm 1989, cụm kiến trúc chùa này được Bộ văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích Quốc gia và bao nhiêu năm trôi qua, nó vẫn được xem là điểm du lịch hành hương hấp dẫn của Vũng Tàu.

 

Phong cách kiến trúc ấn tượng của Thích Ca Phật Đài    

Quần thể di tích Thích Ca Phật Đài rộng khoảng 28 ha, nằm trên địa thế cao từ 3 đến 29m so với mực nước biển, gồm 3 khu vực chính là: Tam quan và khu vực trồng hoa; khu nhà nghỉ và khu trưng bày truyền thống; các ngôi chùa và cụm vườn tượng về Phật (khu Phật tích).

 

Cổng Tam quan

Đây là công trình đầu tiên mà du khách nhìn thấy tại Thích Ca Phật Đài với 4 trụ vuông vững chắc, được gắn trên đỉnh 4 đóa sen biểu tượng cho sự trong sạch, tinh khiết và thanh cao của nhà Phật.

Chính giữa cổng là tấm biển lớn đề tên của chùa bằng chữ quốc ngữ, trên cổng thì được đặt một biểu tượng pháp luân – bánh xe luân hồi trong vòng pháp lý nhà Phật với 8 chiếc căm xe tượng trưng Trung đạo và 4 núm ở vòng ngoài đại diện cho Tứ Diệu Đế.

 

cổng Tam quan - công trình ấn tượng tại Thích Ca Phật Đài Kiến trúc nổi bật của cổng Tam quan (Ảnh @phucnguyenhuynhdang)

 

Ngoài ra, cổng Tam quan của chùa còn được trang trí bằng những họa tiết cầu kỳ, tinh xảo và được lát bằng những mảnh sứ nhiều màu sắc nổi bật như: vàng, xanh, đỏ…nên luôn bắt mắt ngay cả khi nhìn từ xa.

 

Bảo tháp xá lợi

Công trình này nằm ngay sau cổng Tam quan, được xây dựng giữa khoảng sân rộng 300 m2 với hình bát giác cao 17m, để ghi nhớ và tưởng niệm nhà sư Lê Quang Vinh - người đã có công thành lập nên chùa Thích Ca Phật Đài.

Bên cạnh đó, phía trên đỉnh tháp được gắn một búp sen đá, bên trong thì có 13 viên xá lợi Phật do Hòa thượng Narada Maha Thera cúng dường, còn phía dưới 4 chân thì đặt 4 đỉnh lớn chứa đất từ 4 thánh địa Phật giáo nổi tiếng ở Ấn Độ là vườn Lâm – tỷ - ni – nơi Ngài sanh, Bồ Đề Đạo Tràng – nơi Ngài thành đạo, vườn Lộc Uyển – nơi Ngài chuyển pháp luân và rừng Sala song thọ - nơi Ngài nhập niết bàn, nên cực kỳ linh thiêng.

 

bảo tháp xá lợi - công trình linh thiêng tại Thích Ca Phật Đài Tòa bảo tháp xá lợi linh thiêng (Ảnh @dothu290509)

 

 

Khu vườn tượng (Phật tích)

Đây là khu vực đặc biệt nhất tại chùa, nằm ở độ cao 25m, với nhiều công trình điêu khắc ấn tượng như:

Tượng Kim Thân Phật Tổ: tái hiện hình ảnh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tọa thiền trước cội Bồ Đề khi tu luyện và đắc đạo, đây cũng là công trình nổi bật nhất và trở thành tên chung cho cả cụm kiến trúc - Thích Ca Phật Đài

Trong đó, tượng Phật cao 5,1m được đắp tại chỗ theo kiểu Colombo trong tư thế kiết già, hai bàn tay đặt ngửa lên đùi theo tư thế bắt Ấn tam muội, riêng phần đầu thì được đặt đúc tại Sài Gòn và gắn vào thân tượng vào một ngày trời xanh hửng nắng tựa như vầng hào quang của Đức Phật. Còn phần bệ tượng, tức đài sen thì được xây cao 7m, mang hình bát giác tượng trưng cho 8 chánh đạo và được đúc bằng bê tông cốt thép vững chắc.

 

tượng Phật tọa đài sen - công trình độc đáo tại Thích Ca Phật Đài Bước tượng Thích Ca tọa đài sen nổi bật nhất chùa (Ảnh @komolova_lu)

 

Tượng Đức Phật đản sanh: mô phỏng hình ảnh một chú bé đứng trên tòa sen, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất với ý nghĩa “giữa trời và đất, chỉ mình ta cao nhất”.

 

tượng chú bé tọa sen - công trình đắc sắc tại Thích Ca Phật Đài Hình ảnh chú bé chỉ trời (Ảnh @im.se77en)

 

Tượng Đức Phật xuất gia: hình ảnh Thái tử Tất Đạt Đa xuống tóc cao 3,3m cùng người hầu Xa Nặc trong tư thế quỳ cao 1,6m và chú ngựa trắng tên Kiền Trắc cao 2,3m bên cạnh.

Tượng Đức Phật thành đạo: cao 11,6m, được đặt trên bệ bê tông dài 6m và bên trong cất giữ 3 viên ngọc xá lợi Phật quý giá.

Vườn Lộc Giả (vườn Nai): nơi chứa tượng Phật Thích ca ngồi trên tòa sen cao 1,2m, 5 đạo sĩ cao 0,6m ngồi vây quanh nghe thuyết pháp và những lời dạy của Phật khắc trên đá.

Tượng voi và khỉ dâng hoa cho Đức Phật: hình ảnh những con vật được giáo pháp của Đức Phật cảm hóa nên dâng lễ vật cảm ơn.

Tượng Phật Nằm: quay mặt về phía Tây, đặt trên một bệ cao 4,2m, thân Phật (chiều ngang) cao 2,4m, dài 12,2m, bên dưới tượng có 9 Tỳ khưu chắp tay cung kính, qua đó tái hiện hình ảnh Đức Phật nhập Niết Bàn và các đồ đệ xung quanh.

 

tượng Phật Nằm - công trình ấn tượng tại Thích Ca Phật Đài Tượng Phật nằm sừng sững (Ảnh @quachngocdiem)

 

Cách di chuyển đến Thích Ca Phật Đài

Nằm khá gần trung tâm thành phố Vũng Tàu, đường lại rộng rãi, bằng phẳng, rất dễ đi nên bạn hoàn toàn có thể đến đây bằng xe máy theo đường Lê Lợi rồi rẽ vào Trần Phú, tìm đến địa chỉ số 608 là tới nơi. Còn nếu xuất phát từ Bãi Trước Vũng Tàu thì bạn đi dọc đường Trần Phú, qua bến Đá, bến Đình và bãi Dâu là cũng tới được chùa.

 

Một số lưu ý khi tham quan Thích Ca Phật Đài

- Khi bước vào khu tâm linh Thích Ca Phật Đài du khách cần chú ý đến trang phục của mình như: ăn mặc cần gọn gàng, lịch sự, không mặc quần áo sặc sỡ, lòe loẹt, hở hang, váy chưa đến đầu gối, quần short hay áo ba lỗ…

- Là nơi thanh tịnh nên du khách không được nói lớn tiếng, nói những lời khiếm nhã hay cười đùa ảnh hưởng đến không khí của chùa.

- Khi lễ Phật thì phải tháo mũ, khẩu trang, gang tay…, còn bước vào bên trong nhà thì phải bỏ cả giày ra.

- Không chụp ảnh tùy tiện khi chưa có sự cho phép của nhà chùa.

- Không đốt quá nhiều vàng, hương, giấy tiền vì sẽ dễ gây ra cháy nổ và ô nhiễm môi trường.

Nếu bạn là một tín đồ của tâm linh, lại yêu các công trình kiến trúc độc đáo thì Thích Ca Phật Đài ở Vũng Tàu chính là điểm đến mà bạn không thể bỏ qua đâu nhé!

 

Thái Hà (Tổng hợp) - Luhanhvietnam.com.vn

Ảnh: Internet

close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)