Lễ hội điện Huệ Nam còn được biết đến với tên gọi Lễ hội điện Hòn Chén là một trong các lễ hội lớn với màu sắc tâm linh và văn hoá đặc trưng của xứ Huế diễn ra vào tháng 3 và tháng 7 Âm lịch hằng năm thu hút du khách thập phương.
Lễ hội ở Huế diễn ra 4 mùa trong năm luôn là nét đặc biệt mang đến ấn tượng cho du khách. Thông qua các lễ hội du khách sẽ được khám phá những nét văn hoá truyền thống đặc sắc và hiểu thêm về đặc trưng lịch sử, văn hoá của cố đô Huế. Nói đến các lễ hội đặc sắc của Huế thì chắc chắn lễ hội điện Huệ Nam sẽ là sự kiện không thể bỏ lỡ. Đây là một nét sinh hoạt truyền thống độc đáo mang yếu tố văn hoá, tâm linh và thờ phụng vị Thánh Mẫu Thiên Y-A-Na với tính cộng đồng đặc trưng của xứ Huế.
>>Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Huế 1 ngày siêu HOT |
Lễ hội điện Huệ Nam sẽ được tổ chức bởi Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng chính quyền địa phương, các sở ban ngành và nhân dân. Mỗi năm sẽ ấn định vào thời gian cụ thể và đây cũng là nghi thức truyền thống định kỳ của người dân địa phương. Lễ hội điện Huệ Nam gắn liền với di tích điện Huệ Nam cùng đình Cát Hải. Lễ hội được tổ chức trên một ngôi điện ở núi Ngọc Trản, bên bờ sông Hương cũng là nơi được sử dụng để thờ phụng Thiên Y A Na Thánh Mẫu.
Lễ hội này mang ý nghĩa văn hoá tâm linh rất đặc sắc, thể hiện sự suy tôn đối với Thánh mẫu Thiên Y A Na. Trong truyền thuyết thì Thánh mẫu Thiên Y A Na chính là vị thần đã tạo nên đất đai, cây cối, lương thực, là người có công dạy nhân dân cách trồng trọt. Do đó Lễ hội điện Huệ Nam được tố chức đóng vai trò tựa như một sự kiện liên hoan văn hoá dân gian trên sông Hương vô cùng hấp dẫn. Khung cảnh đoàn người hành hương trên sông với những chiếc thuyền đôi, cờ, hương án đủ màu sắc hướng về điện Hòn Chén hẳn sẽ mang đến cho du khách những xúc cảm đặc biệt khi được chiêm ngưỡng.
Với người dân xứ Huế và du khách, Lễ hội điện Huệ Nam còn được coi như một Festival văn hoá độc đáo, nổi bật và long trọng. Là nơi để du khách và các thế hệ trẻ có cơ hội hiểu hơn về những nét đẹp văn hoá truyền thống và tâm linh của xứ cố đô với bề dày lịch sử lâu đời này.
>>Xem thêm: Lễ hội làng Chuồn - nét văn hoá truyền thống độc đáo của người dân xứ Huế |
Các nghi thức của lễ hội mang đậm tính tâm linh và thể hiện văn hoá truyền thống đặc sắc như đánh trống khai hội, lễ cáo Yết, lễ chánh tế để cầu cho quốc thái dân an, lễ cung nghinh Thánh Mẫu cùng Hội đồng Tứ Phủ đến làng Hải Cát, chánh tế lễ ở đình làng Hải Cát sau đó sẽ là lễ cung nghinh Thánh Mẫu…
Địa điểm chính là lễ hội Điện Huệ Nam là Điện Hòn Chén, đây cũng là một điểm du lịch rất nổi tiếng với cụm di tích gồm 10 công trình kiến trúc lớn nhỏ ở trên núi Ngọc Trản. Trên đỉnh có một khu vực địa hình trũng xuống nước đọng lại tựa như một cái chén nên mới có tên gọi là Hòn Chén. Theo dân gian lưu truyền, điện Hòn Chén ngày xưa còn có tên là Hoàn Chén tức “trả lại chén ngọc” nhắc đến tích vua Minh Mạng đánh rơi chén ngọc trên sông Hương sau đó đã được một con rùa đem trả lại.
Trong khuôn khổ của lễ hội Điện Huệ Nam, các nghi lễ tại điện Hòn Chèn được tổ chức rất quy mô và trang trọng. Dân làng sẽ tiến hành tế lễ ở đình làng Hải Cát , trước ngày chánh tế có lễ rước các vị thần trong làng về đình. Tiếp đó sẽ là lễ rước đám rước Thiên Y A Na từ khu vực làng Hải Cát hồi loan về điện thu hút hàng trăm chiếc thuyền tạo nên một bầu không khí vô cùng náo nhiệt và sôi động.
Những chiếc thuyền được trang hoàng đèn, nến, cờ xí rực rỡ, ghép đôi mang bàn thờ Thánh, kiệu Thánh Mẫu, hòm sắc vua phong, các khí tự hòa trong tiếng nhạc của phường bát âm và phường Hát văn. Khi đã nghinh thần xong, dân làng sẽ tiến hành làm lễ Túc Yết. Các hoạt động như hát thờ, hầu bóng, lên đồng sẽ diễn ra thâu đêm. Sáng hôm sau sẽ diễn ra lễ chánh tế tại đình rồi đến lễ Tống Thần. Buổi chiều sẽ là lễ rước long trọng về điện Hòn Chén. Vào đêm kết thúc hội sẽ có lễ phóng sanh, thả đèn vui nhộn đầy màu sắc.
Điểm nhấn chính của lễ hội Điện Huệ Nam chính là đám rước Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Đám rước được cử hành rất long trọng, trên mỗi bằng đều có bàn thờ Thánh Mẫu và long kiệu, trên long kiệu có hòm sắc vua ban, một bằng khác có ban thờ, kiệu và hòm sắc Thượng Ngàn, Thuỷ Cung Thánh Mẫu…
Long kiệu của Thánh Mẫu chính là kiệu thêu được khiêng bởi các trinh nữ ăn mặc rất sặc sỡ, cùng với đó là các bà mang bình hương, ống trầu, hòm trang sức, cờ, tàn, lọng, quạt…Các thanh niên sẽ mang các bộ đồ lễ bộ, bát bửu và tự khí. Không khí của đám rước dù tưng bừng, đầy màu sắc nhưng vẫn rất trang nghiêm, đoàn rước ghé bến sẽ đi bộ, phía sau sẽ có phường bát âm đi sau kiệu.
Tương tự các tôn giáo khác thì tín ngưỡng thờ Mẫu ở Điện Hòn Chén cũng hướng con người sống hướng thiện, biết yêu thương con người và giúp đỡ những mảnh đời nghèo khổ. Chính bởi vậy, ngoài mục đích tâm linh thì lễ hội Điện Huệ Nam còn góp phần đưa con người đến gần nhau hơn, góp phần bảo tồn truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc.
>>Xem thêm: Tour du lịch Huế hấp dẫn du khách |
Điện Hòn Chén là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của xứ Huế. Đây là nơi người Chăm pa xưa thờ nữ thần Po Nagar, sau đó người Việt theo Thiên Tiên Thánh giáo tiếp tục thờ phụng với danh xưng Thánh mẫu Thiên Y A Na. Điện được dựng trên núi Ngọc Trản với địa thế tuyệt đẹp, cây cối tươi tốt. Cụm công trình kiến trúc này có tất cả 10 công trình kiến trúc xinh xắn nằm ở sườn Đông Nam của núi, ẩn mình dưới những tán cổ thụ sum suê.
Từ trên điện có hệ thống bậc thang chảy xuống bến nước của sông Hương. Khu vực mặt bằng kiến trúc Điện Hòn Chén không quá rộng gồm điện thờ chính là Minh Kính Đài, hậu bên là Nhà Quan Cư, dinh Ngũ Vị Thánh Bà, động thờ ông Hạ Ban, am Ngoại Cảnh… trong khuôn viên xung quanh cũng có nhiều bệ thờ và các am nhỏ nằm rải rác.
Minh Kính Đài chính là công trình kiến trúc đẹp nhất ở Điện Hòn Chén, trên nóc là những hình phụng thể hiện rất đẹp và nghệ thuật bằng sành sứ khiến du khách có cảm tưởng như đây là miền đất lành để chim phụng từ núi rừng tụ hội cũng là chốn thiêng hiếm có.
Lễ hội điện Huệ Nam là một sự kiện quan trọng mang yếu tố văn hoá tâm linh độc đáo đáp ứng nhu cầu tinh thần tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ. Đây chính là một trong những nét chấm phá nổi bật, tô điểm thêm cho bức tranh lễ hội đầy màu sắc của xứ Huế, xứng danh là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.
Nguyệt Cát (tổng hợp) - luhanhvietnam.com.vn
Ảnh: Internet