Banner Voucher KS cả nước
Guidebook
Gia Lai

Ngây ngất vẻ đẹp biển hồ T’Nưng giữa mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió

Thứ bảy, 08/06/2019, 10:23 GMT+7

Nhắc đến vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió, cát sỏi, người ta sẽ nghĩ ngay đến cảnh quan thiên hoang sơ hùng vĩ, cao nguyên lộng gió, thế nhưng không chỉ có vậy, nơi đây còn sản sinh ra một địa danh có vẻ đẹp vô cùng thơ mộng trữ tình, đó chính là biển hồ T'Nưng, hay còn gọi là hồ trên núi.

test

Biển hồ T’Nưng chính là địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Gia Lai, mà nhất định bạn phải ghé thăm khi đến đây. Ngồi trên con thuyền độc mộc giữa mặt hồ mênh mang sông nước, lắng nghe người chèo thuyền kể về những sự tích huyền bí, bạn sẽ thấy tâm hồn mình như phiêu lãng xa xăm. Biển Hồ T’Nưng đi vào lòng du khách bằng vẻ đẹp hoang sơ nhưng rất đỗi dịu dàng, nên thơ.

 

bien-ho-t-nung-1
Biển hồ T’Nưng mang vẻ đẹp hoang sơ nhưng rất đỗi dịu dàng, thơ mộng (Ảnh: Sưu tầm)

 

1. Khám phá sự tích ra đời cái tên biển hồ T’Nưng

Biển hồ T’Nưng, trong tiếng người Ê đê có nghĩa là “biển ở trên núi”, và có một tên gọi khác là hồ Nueng. Vị trí của hồ nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Gia Lai, từ nơi đây đến trung tâm thành phố Pleiku chỉ mất khoảng 7 cây số nếu đi theo đường quốc lộ số 14. Thường thì trong hành trình khám phá vùng đất Tây Nguyên, nếu đi từ Pleiku lên Kon Tum, chắc chắn bạn sẽ có dịp ghé qua hồ T’nưng.

 

bien-ho-t-nung-2
Non xanh, nước biếc đẹp vô cùng (Ảnh: Sưu tầm)

 

Theo truyền thuyết được người dân trong vùng kể lại thì từ xa xưa, đây là nơi sinh sống an vui của một bộ lạc giàu có, sung túc. Rồi bỗng một năm trời hạn hán, không có lấy một giọt mưa, người dân mới làm lễ cúng Giàng, và an tâm là đã làm hài lòng Giàng. Thế rồi bỗng dưng đất trời rung chuyển, khu đất bao quanh làng bị sụp sâu xuống dưới, nước dâng lênh láng cướp đi tất cả, chỉ còn lại đôi vợ chồng Mây và Mạc do có việc đi xa mà tránh được thiên tai. Chỗ ngày xưa là nơi nơi sinh sống của tất cả dân làng, nay chỉ còn một hồ nước sâu thẳm ngay giữa núi rừng. Cái tên T’Nưng cũng ra đời từ đó.

Câu chuyện này cho đến ngày nay vẫn được người dân nơi đây kể lại, dù có tam sao thất bản nhưng khi kể lại đều để lại những cảm xúc bi thương, lắng đọng trong lòng người nghe.

 

2. Vẻ đẹp thơ mộng của biển hồ T’Nưng Gia Lai

“Không dám nhìn vào đôi mắt ấy… đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy” đây là một câu hát nằm trong bài Đôi Mắt Pleiku, và chỉ với một câu hát thôi đã khiến người nghe mường tượng ra được vẻ đẹp của người con gái núi rừng. Đôi mắt của nàng được ví như Biển Hồ đầy, trong vắt, xanh thẳm, vừa tràn đầy sức sống ban sơ hoang dã, lại dịu dàng đằm thắm hết mực.

Thiên nhiên của vùng đất Tây Nguyên dường như chẳng biết chiều lòng người khi chỉ mang đến cho nơi đây sự oi ả, nóng bức, thế nhưng lại vô cùng ưu ái hết mực cho “đôi mắt Pleiku”, bởi thời thiết của Biển Hồ T’Nưng vô cùng mát mẻ, dễ chịu và không khí trong lành, thơm mùi cây cỏ.

 

Lối vào hồ T’Nưng với rừng thông hai bên đường (Ảnh: Sưu tầm)

 

Lối vào hồ đi qua một con đường cực đẹp và thơ mộng, hai bên đường là hàng cây thông già lâu năm tỏa bóng mát vào ngày hè oi bức. Biển Hồ T’Nưng luôn đẹp vào bất cứ thời gian nào trong năm, hay thời điểm nào trong ngày.

Nếu đến đây vào thời điểm sáng sớm, khi sương còn chưa tan hết và giăng đầy khắp lối, bạn sẽ ngỡ như đang lạc vào tiên cảnh, đẹp mơ màng, huyền bí.

Buổi trưa khi nắng lên, soi ánh sáng xuống mặt hồ, những con sóng dập dềnh như dát vàng hòa với màu xanh bạt ngàn của mặt nước, khung cảnh đẹp đến nao lòng.

 

Biển hồ T’Nưng lung linh trong nắng vàng (Ảnh: Sưu tầm)

 

Khi chiều tà buông lơi, ráng chiều nhuộm đỏ lòng Hồ, gió nhẹ nhàng hơn, mặt hồ chỉ còn những con sóng gợn thật khẽ, cảnh tượng vô cùng bình yên, thanh bình, chợt bao nhiều phiền muộn như tan biến.

 

Chiều tà buông lơi trên biển hồ T'Nưng (Ảnh: Sưu tầm)

 

Xem thêm: kinh nghiệm du lịch Gia Lai

 

Những đêm trăng sáng, sắc vàng soi bóng xuống lòng hồ, dập dềnh theo con nước, ngồi trên con thuyền độc mộc, ngân nga câu hát tình yêu, thấy đời nên thơ làm sao.

 

3. Du lịch khám phá biển hồ T’Nưng

Nếu đã lựa chọn cho mình một chuyến du lịch Gia Lai để khám phá thiên nhiên, con người nơi đây thì nhất định phải một lần ghé qua biển Hồ T’Nưng để một lần được đắm chìm vào đôi mắt Pleiku xanh thẳm ấy.

 

Biển Hồ T’Nưng xanh thẳm một màu huyền bí (Ảnh: Sưu tầm)

 

Nếu có thời gian ở lại lâu hơn, bạn sẽ được thưởng thức vẻ đẹp của qua hồ T’Nưng biến đổi diệu kỳ qua từng khung thời gian trong ngày. Nhưng nếu thời gian eo hẹp, bạn có thể đến vào buổi sáng sớm để tận hưởng cảm giác mát mẻ, bình yên của núi rừng, hít một hơi thật sâu để mùi hương của cây cỏ, đất và nước căng tràn lồng ngực.

Quanh hồ có những chóp chài nho nhỏ vô cùng xinh xắn, bạn có thể lên những chóp chài này để ngắm nhìn cảnh vật, phóng tầm mắt nhìn hồ T’nưng mênh mông sông nước, những con sóng dập dình lung linh trong nắng, cảnh tượng đẹp đẽ vô cùng.

 

Tận hưởng sự bình yên giữa thiên nhiên tươi đẹp (Ảnh: Sưu tầm)

 

Đạp xe dạo quanh hồ cũng là một ý tưởng không tồi để khám phá vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Tây Nguyên.

 

Đạp xe quanh hồ để tận hưởng cảm giác bình yên giữa núi rừng (Ảnh: Sưu tầm)
 

Muốn trải nghiệm biển hồ T’Nưng một cách trọn vẹn nhất, hãy ngồi trên con thuyền độc mộc và lướt trên mặt hồ. Thuyền sẽ đưa bạn vào sâu hơn, len lỏi vào trong rừng già để thấy được sự độc đáo, kỳ vĩ của cảnh quan hồ giữa núi là như thế nào. Chim trời cùng tụ họp về đây có rất nhiều loại, bạn sẽ bắt gặp những con chim bói cá, những con cuốc đen, ngỗng trời, le le hay những con chim có tên lạ lùng như sin sịt, trắc la, cơ túc, cơ vông… bay lượn đầy trời vô cùng dạn dĩ.

 

Ngồi trên thuyền độc mộc câu cá giữa hồ T’nưng, còn gì thú vị hơn nữa! (Ảnh: Sưu tầm)

Nước hồ T’Nưng rất sạch và trong, bạn có thể thấy từng đàn cá bơi dưới mạn thuyền, mang theo một chiếc cần câu thả mồi xuống nước, và trong giây phút chờ đợi cá cắn câu, nhìn lên bầu trời xanh cao vời vợi, nghe tiếng chim hót líu lo, nghe gió vờn nhẹ qua vai, chao ôi thấy đời thật tươi đẹp biết bao.

Ở đây bạn cũng sẽ bắt gặp những người sinh sống ở buôn làng J’rai, Ba Nai sống quanh biển hồ T’Nưng, họ cực kỳ chân chất, gần gũi và hiếu khách. Nếu ở lại qua đêm, có thể đốt lửa trại, nướng cá trên than hồng, uống một ngụm rượu cần nồng ấm, và hàn huyên cùng nhau kể cho nhau nghe chuyện quá khứ, tương lai của mình.

Thu Nguyệt (Tổng hợp) - luhanhvietnam.com.vn

close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)