Banner Voucher KS cả nước
Guidebook
Miền Tây

Đến Phước Minh Cung Trà Vinh thăm di sản nghệ thuật đặc sắc của cộng đồng người Hoa

Thứ tư, 27/03/2024, 16:07 GMT+7

Phước Minh Cung nằm ở trung tâm thành phố Trà Vinh là một trung tâm văn hóa và tâm linh quan trọng, được coi như một "bảo tàng mỹ thuật truyền thống". Nơi này gìn giữ và trưng bày di sản nghệ thuật đặc sắc của cộng đồng người Hoa trong vùng.

test

Giới thiệu về Phước Minh Cung Trà Vinh 

Khi nhắc đến Trà Vinh, người ta thường liên tưởng đến vùng đất nổi tiếng với những câu chuyện kỳ bí của cộng đồng Khmer, một dân tộc đã lâu đời sinh sống ở đây. Tuy nhiên, Trà Vinh không chỉ là biểu tượng của văn hóa Khmer mà còn là nơi sống của cộng đồng người Kinh, người Chăm và người Hoa. Sự hội tụ của bốn dân tộc đã tạo ra một bức tranh văn hóa đa dạng và phong phú, tạo nên bản sắc "rất Trà Vinh".

 

Phước Minh Cung Trà Vinh Phước Minh Cung Trà Vinh. Ảnh: @dulichtravinh

 

Trong không gian văn hóa này, Phước Minh Cung hay còn được gọi là miếu Quan Đế hiện ra như một bằng chứng sống vững chắc trong dòng chảy của thời gian, là một dấu tích không thể phai mờ, tiếp tục kể lại câu chuyện của người Hoa từ thời kỳ đầu khai phá và xây dựng vùng đất này qua hàng thế hệ. Phước Minh Cung nằm ở địa chỉ 44 Đường Điện Biên Phủ (Phường 2, Trà Vinh). 

 

Phước Minh Cung Trà Vinh Ngôi chùa nằm ở tuyến đường Điện Biên Phủ sầm uất. Ảnh: @nnhilee

 

Vị trí đặt cung này tại trung tâm thành phố Trà Vinh, trên một trong những con đường sầm uất nhất của thành phố, cho thấy rằng bất kể ở đâu, sự hiện diện của người Hoa thường tạo nên một điểm đến sầm uất với hoạt động buôn bán và giao thương. Mặc dù không gian xung quanh dần hiện đại hóa theo sự phát triển của thời đại nhưng Phước Minh Cung vẫn giữ được nét cổ kính, là một biểu tượng quý giá của người Hoa tại Trà Vinh với tuổi đời gần 466 năm.

 

Phước Minh Cung Trà Vinh Ảnh: @d_myhenn267

 

>>Xem thêm: Bật mí tất tần tật kinh nghiệm du lịch Trà Vinh cho người mới đi lần đầu

 

Kiến trúc của Phước Minh Cung

Phước Minh Cung được xây dựng theo lối kiến trúc "nội công ngoại quốc", sẽ gồm ba tòa nhà nằm song song, từ đó tạo thành tiền điện, trung điện và chính điện theo hình chữ tam giác. Hai dãy tả điện và hữu điện được xây dựng theo hình chữ khẩu, hướng vào bên trong, tạo thành một công trình khép kín. Mái chùa lợp ngói âm dương tiểu đại, diềm mái bằng ngói tráng men màu xanh ngọc với cột kèo làm từ gỗ quý, vẫn giữ nguyên vẹn đến ngày nay. Trên các gờ mái và mặt dựng đầu hồi, được trang trí bằng các hình tượng lưỡng long tranh châu, bát tiên, tứ linh, muông thú... Các cột trụ và khung sườn được chế tạo từ gỗ tròn và vuông lớn, đảm bảo độ vững chắc. Mọi rường cột sẽ được chạm trổ bằng các họa tiết long, hoa, lân, lá. Các trụ rào và cổng rào cũng được trang trí bằng nhiều tượng sư tử.

 

Phước Minh Cung Trà Vinh Chánh điện của chùa. Ảnh: @dulichtravinh

 

Phần tiền điện của chùa có ba cửa ra vào chính, tả, hữu được làm từ gỗ và trang trí mỹ thuật với các câu điển tích nhằm thể hiện sự trường tồn và quốc thái dân an. Trên cửa chính, có một tấm biển ghi "Phước Minh Cung" bằng đại tự (chữ Hán) rất tôn nghiêm. Ngoài ra, còn có các mảng phù điêu: bạch hổ, thanh long,... 

Các khánh thờ và bàn thờ được chạm khắc tinh vi theo một phong cách mỹ thuật truyền thống phương Đông, đặc biệt là các phù điêu với các đề tài Song phụng tranh châu, Lưỡng long triều nhật... trông rất cổ kính. Nội thất của chùa, từ tiền sảnh đến mái và tường, mọi nơi đều được trang trí bằng hoành phi, liễn đối, phù điêu với đồ án hoa văn như Song long tranh châu, Sĩ nông công thương, Tùng hạc trường xuân, Đào lộc trường thọ... Tại trung điện, người ta có thể thấy hình tượng Bát tiên kỵ thú, thể hiện quá trình tu tiên đắc đạo của tám vị tiên cưỡi tám loài thú khác nhau.

 

Phước Minh Cung Trà Vinh Trung điện. Ảnh: @thamhiemmekong

 

Gian giữa của chính điện gồm ba gian thờ, nơi mỗi gian đều được bài trí tôn nghiêm và chạm khắc kỳ công, tinh xảo, đặc biệt là long - vân, hoa - điểu. Gian thờ Quan thánh đế quân sở hữu 1 bức hoành phi bằng đại tự “Kiền khôn chính khí” thếp vàng. Bên phải là gian thờ Chúa sanh nương nương, được chạm khắc “Lưỡng long tranh châu” và “Long vân hoa điểu”. Bên trái là gian thờ Phước Đức chánh thần, cũng trang trí rất tinh vi. Ngôi chính điện còn có ba dãy bàn thờ, lúc nào cũng nghi ngút khói hương và đồ cúng bày biện đầy đủ gồm bánh mứt, trái cây do khách hành hương mang đến hỷ cúng.

 

Phước Minh Cung Trà Vinh Quan thánh đế quân. Ảnh: @thamhiemmekong

 

>>Xem thêm: Những ngôi chùa đẹp ở Trà Vinh đậm kiến trúc Khmer, lộng lẫy như cung điện giữa đời thường

 

Các địa điểm du lịch tại Trà Vinh
 

Ao Bà Om

Ao Bà Om còn được biết đến với tên gọi ao Vuông, là một quần thể ao hồ và cây cối xanh mát với khí hậu mát mẻ quanh năm, là điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến Trà Vinh. Nằm tại khóm 4, phường 8, TP Trà Vinh, ao có chiều dài khoảng 500m và rộng khoảng 300m. Xung quanh ao là những gò cát mấp mô với hàng trăm cây cổ thụ hơn trăm năm tuổi, chủ yếu là cây sao và cây dầu, tạo ra những hình dáng kỳ lạ với bộ rễ lớn trồi lên mặt đất. Du khách khi đến đây không chỉ được thưởng ngoạn vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên mà còn được trải nghiệm những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất Trà Vinh qua những câu chuyện truyền thuyết sâu sắc mang đậm bản sắc Khmer Nam Bộ.

 

Ao Bà Om là địa điểm kết hợp tham quan khi đến Phước Minh CungAo Bà Om. Ảnh: @thamhiemmekong

 

Chùa Âng

Chùa Âng nằm tại Phường 8, Trà Vinh, gần kề với danh thắng Ao Bà Om và Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh. Có nguồn gốc lịch sử từ năm 990, chùa Âng là một trong những ngôi chùa cổ nhất tại Trà Vinh.

Chùa Âng là biểu tượng của kiến trúc chùa Khmer Nam Bộ, nổi bật với gam màu vàng đặc trưng và kiến trúc độc đáo. Từ cổng, mái chùa, cột trụ đến kiến trúc bên trong, tất cả đều phản ánh nét đẹp của văn hóa ÂngKor với hình ảnh chim, tiên nữ và thần rắn Naga. Các cột trụ, tượng chằn và tượng chim mang đến sự mạnh mẽ, uy nghi của một ngôi chùa cổ, trong khi mái gò cong vút tạo nên cảm giác mềm mại, thân thuộc. Bên cạnh kiến trúc, chùa Âng còn tạo ra một không gian yên bình với hàng trăm cây cổ thụ cùng không khí trong lành của hồ sen, làm cho du khách cảm thấy bình yên.

 

Chùa Âng là địa điểm kết hợp tham quan khi đến Phước Minh CungChùa Âng. Ảnh: @tintuc.hahalolo

 

>>Xem thêm: Điện gió Duyên Hải Trà Vinh - điểm check in đẹp như tranh vẽ ở miền Tây

 

Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer

Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh là một phần của khu vực văn hóa - du lịch của thành phố, gần các di tích như Ao Bà Om và Chùa Âng. Đây là điểm đến hấp dẫn trong vùng Miền Tây cho du khách quốc tế, các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc và những người quan tâm đến bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer. Qua việc thăm bảo tàng, du khách có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về những giá trị văn hóa lớn lao mà cộng đồng Khmer Trà Vinh đã bảo tồn và phát triển. Hiện chỉ có hai bảo tàng văn hóa Khmer trên toàn quốc, một tại Sóc Trăng và một tại Trà Vinh.

Bảo tàng Văn hóa Khmer Trà Vinh được thành lập vào năm 1995, hiện lưu giữ và trưng bày hơn 800 hiện vật, hình ảnh và tài liệu liên quan đến cuộc sống văn hóa vật chất và tinh thần của cộng đồng Khmer Trà Vinh, từ quá khứ đến hiện đại.

 

Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer là địa điểm kết hợp tham quan khi đến Phước Minh CungBảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer. Ảnh: @dulichtravinh

 

Chùa Hang

Chùa Hang là một trong những điểm đến du lịch đầu tiên khi nhắc đến Trà Vinh với vẻ đẹp hoang sơ hòa quyện chút bí ẩn. Nằm ven Quốc lộ 54 thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, chùa này thường được mệnh danh là "chùa Hang" do cổng phụ được xây dựng như một cái hang.

Chùa Hang được thành lập từ năm 1637 với kiến trúc truyền thống của chùa Nam Tông Khmer ở miền Nam. Khuôn viên rộng lớn với bóng mát cây xanh, gồm cây sao và cây dầu đã trở thành tổ ấm của hàng ngàn loài chim. Điều này tạo ra sự hấp dẫn và sự độc đáo cho ngôi chùa. Âm nhạc của những tiếng chim hòa quyện cùng không gian yên bình của chùa, tạo nên một không gian an lạc và tĩnh lặng. Chùa Hang còn nổi tiếng với xưởng điêu khắc gỗ lớn. Từ những khúc gỗ thô, thông qua tay nghệ nhân tài ba, những bức tượng với hình dạng đa dạng của các loài thú được tạo ra, thể hiện rõ bản sắc văn hóa dân tộc Khmer.

 

Chùa Hang là địa điểm kết hợp tham quan khi đến Phước Minh CungChùa Hang. Ảnh: @wikipedia

 

Chùa Ông Mẹt

Chùa Ông Mẹt nằm trên đường Lê Lợi, thuộc phường 1, Trà Vinh. Trong số các ngôi chùa Nam Tông Khmer tại Trà Vinh, ba đền cổ và đại đền gồm chùa Âng, chùa Hang và chùa Ông Mẹt, trong đó chùa Ông Mẹt được các tư liệu sử ghi nhận là cổ nhất, có lịch sử sớm hơn chùa Âng mấy trăm năm. Dù đã được trùng tu và sửa chữa nhiều lần qua các thời kỳ nhưng hai công trình chính, bao gồm ngôi chính điện và thư viện, được xây dựng lại vào những năm đầu của thế kỷ XX vẫn giữ được giá trị về mặt kiến trúc và nghệ thuật.

 

Chùa Ông Mẹt là địa điểm kết hợp tham quan khi đến Phước Minh CungChùa Ông Mẹt. Ảnh: @wikipedia

 

Cồn Chim

Cồn Chim với diện tích tự nhiên rộng lớn là 60 ha, nằm giữa dòng sông Cổ Chiên thuộc xã Hòa Minh, huyện Châu Thành. Được xem như một điểm đến du lịch hấp dẫn của Trà Vinh, Cồn Chim thu hút rất nhiều du khách đến thăm quan. Nơi này vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng của vùng Nam Bộ, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành và sự gắn bó của người dân với nghề nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp sạch. Du khách đến với Cồn Chim có thể thưởng thức phong cảnh sông nước bình dị của vùng quê cùng với những khu rừng cao xanh mát. Họ cũng có cơ hội tham gia vào các hoạt động như câu cá, câu cua, đặt lú tôm cá... và thưởng thức các món hải sản tươi sống, cùng với những món ăn dân dã được chế biến bởi các đầu bếp địa phương tài năng.

 

Cồn Chim là địa điểm kết hợp tham quan khi đến Phước Minh CungCồn Chim. Ảnh: @dulichtravinh

 

>>Xem thêm: Gợi ý chùm tour du lịch miền Tây giá tốt 

 

Phước Minh Cung là một di sản độc đáo của người Hoa tại Trà Vinh. Nếu có dịp ghé thăm vùng đất này thì hãy dành ra một ít thời gian đến tham quan "bảo tàng" thú vị này nhé!

 

Hà My (tổng hợp) - luhanhvietnam.com.vn

Ảnh: Internet

close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)