Banner Voucher KS cả nước
Guidebook
Lâm Đồng

Có một thác Bảo Đại hoang sơ đầy mơ màng giữa núi rừng Tà Hine!

Thứ bảy, 15/06/2024, 08:56 GMT+7

Nằm giữa núi rừng Tà Hine thanh vắng, thác Bảo Đại là một trong những ngọn tháp hiếm hoi của tỉnh Lâm Đồng vẫn giữ được nét đẹp tự nhiên với vẻ hoang sơ, hùng vỹ, chưa bị can thiệp nhiều bởi bàn tay của con người.

Lâm Đồng là một trong những tỉnh Tây Nguyên được mẹ thiên nhiên ưu ái dành tặng cho rất nhiều cảnh quan tuyệt đẹp, vùng đất cao nguyên này sở hữu những cảnh rừng nguyên sinh, núi non trập trùng và cả những thác nước hùng vĩ tuôn chảy ngày đêm. Thác Bảo Đại chính là một trong những ngọn thác lớn và đẹp bậc nhất ở Lâm Đồng, ngọn thác ẩn mình giữa vùng rừng núi Tà Hine hoang sơ, mang trong mình nét đẹp ngoạn mục giữa thiên nhiên trong lành, rừng núi nguyên sơ khiến du khách cảm thấy thật thoải mái và thư giãn khi được chiêm ngưỡng.
 

 thác Bảo Đại Thác Bảo Đại sở hữu cảnh sắc hoang sơ và hùng vỹ bậc nhất Tây Nguyên. Ảnh:@vietnam_travel_media.
 
>>Xem thêm: Cẩm nang du lịch Đà Lạt trọn bộ từ A đến Z  tha hồ vi vu 


Hướng dẫn đường đến thác Bảo Đại Lâm Đồng 

Thác Bảo Đại nằm giữa núi rừng thuộc địa phận của xã Tà Hine, huyện Đức Trọng  của tỉnh Lâm Đồng, cách trung tâm của thành phố Đà Lạt 70km. Nếu di chuyển từ trung tâm thành phố Đà Lạt để đến thác Bảo Đại sẽ đi theo hướng Nam về hướng đèo Prenn để đến với thị trấn Đức Trọng. Khi đến ngã ba Tà Hine trên quốc lộ 20 thì di chuyển thêm 30km về hướng đập thuỷ điện Đại Ninh. Từ đây du khách sẽ thấy biển chỉ dẫn đến thác Bảo Đại. 

Đường đến thác Bảo Đại Thác Bảo Đại cách trung tâm Đà Lạt tầm 70km. Ảnh: maovanan.

Ngay từ xa du khách cũng có thể nghe được tiếng nước chảy ầm ầm vang dội và hơi nước mát lạnh tỏa lên từ con thác. Từ trạm công an xã Tà Hine,  con đường dẫn vào thác dài khoảng 3km men theo bản làng của người đồng bào. Mặc dù thác nằm trong rừng nhưng cung đường đến khá thuận tiện, đã được trải nhựa phẳng lì nên du khách có thể di chuyển rất dễ dàng. 


Truyền thuyết về thác Bảo Đại

Khu vực của xã Tà Hine chính là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc Churu ở Tây Nguyên. Thác nằm khá xa trung tâm nên ít người biết đến thác Bảo Đại, chính vì vậy nơi đây vẫn còn giữ được nguyên nét hoang sơ vốn có. Thác Bảo Đại còn được biết đến với tên gọi là Jráiblian, trong tiếng Churu thì mang ý nghĩa là “thác đá cao” bởi ngọn thác nằm ở trên vùng núi cao có cảnh sắc vừa hoang sơ vừa hùng vĩ.

 Trong thời gian đang tại vị, nhà vua Bảo Đại thường chọn ngọn thác này là nơi nghỉ ngơi, thư giãn khi thực hiện các chuyến săn bắn ở khu vực Tây Nguyên, chính vì vậy sau này người ta đã đổi tên thác thành tên của vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam là thác Bảo Đại. 

Đường đến thác Bảo Đại Ngọn thác này là nơi vua Bảo Đại rất ưa thích trong các chuyến đi săn. Ảnh: @uyenle13


Gắn liền với thác Bảo Đại còn có câu chuyện truyền thuyết thú vị của người đồng bào Churu. Xưa kia trong bản là người Churu có hai chú cháu tên là Stak và Zuwar rủ nhau đi bắt cá ở dòng suối gần làng. Thế nhưng bắt đến chiều tối vẫn không có con cá nào, vừa đói vừa mệt đến đói lả. Khi vào một hang động, hai chú cháu đã bắt gặp một quả trứng rất lớn bên trong hang. Khi đem trứng luộc xong, ai cũng muốn được ăn trước nhưng cuối cùng Stak là cháu nên đã được nhường cho ăn trước. Tuy nhiên sau khi ăn xong thì Stak lại cảm thấy khắp mình ngứa ngáy, chú Zuwar thấy vậy đã chạy về nhờ dân làng đến giúp. Khi dân làng đến nơi thì người cháu đã hóa thành một con cá sấu rất lớn. 

Tiếp đến Stak trong hình hài cá sấu đã được dân làng bón ăn cho đến khi no và ngửa bụng ra chết. Khi chết lưỡi cá sấu thè ra thì có một dòng nước từ trên miệng thác chảy qua miệng nó tạo thành âm thanh nghe còn hay hơn cả tiếng đàn, khiến cho người dân trong làng bỏ cả công việc đang dang dở để đến lắng nghe, tất cả loài thú chim muông cũng đều bị mê hoặc bởi âm thanh kỳ lạ ấy đến quên ăn, quên ngủ và chết đói. Vua chàm biết tin đã sai người kéo cái lưỡi ra nhưng không thể được.
 

Đường đến thác Bảo Đại Ngọn thác gắn liền với truyền thuyết huyền ảo của đồng bào Churu bản địa. Ảnh: lamdonggov

Thương hại con người, Giàng đã sai một con chim đen mách rằng cần lấy da của một cụ già để làm dây mới kéo được, lúc này có một cụ ông đã tình nguyên xin được chết để lấy da làm dây kéo. Sau đó, dây thừng làm từ da của ông già nọ đã kéo đứt lưỡi cá sấu, khiến nó văng khắp nơi, dính cả vào những cây tre, lồ ô, do đó những loài cây này cũng phát ra được âm thanh hay và dùng làm nhạc cụ. Chiếc lưỡi còn ba phần lớn, một phần đã hoá thành thác Jráiblian, môt phần thành suối ở Ma Bó và một phần văng đến khu vực Tu Tra.
 

>>Xem thêm:  Khám phá thác Tam Hợp - 'chốn đào nguyên' đẹp mê mẩn ở Bảo Lộc 


Check-in thác Bảo Đại mê hoặc bởi vẻ đẹp hoang sơ 

Thác Bảo Đại được người dân địa phương coi như là món quà tuyệt vời mà thiên nhiên đã dành tặng cho vùng đất này. Ngay khi đến cách con thác 3 km du khách cũng đã có thể lắng nghe được tiếng nước tuôn chảy vang dội đầy trầm hùng, mạnh mẽ. Đường xuống chân thác có  một cây si rất lớn với hàng trăm năm tuổi, dáng vẻ to lớn hùng vĩ vươn mình hiên ngang giữa núi rừng. Bước qua cây si này du khách sẽ có cảm tưởng như mình đang bước chân vào một thế giới khác. 

cảnh sắc thác Bảo Đại Ngọn thác rộng với không gian hoang sơ. Ảnh: ST


Từ cung đường xuống thác du khách cũng có thể phóng tầm mắt để ngắm nhìn khung cảnh đại ngàn hùng vĩ, dòng thác tung bọt trắng xóa đầy mạnh mẽ đổ xuống hồ nước xanh mướt. Từ vách đá với độ cao khoảng 70m, dòng thác khổng lồ được chia thành ba nhánh đổ thẳng xuống dưới suối sâu với tốc độ cực nhanh khiến cho bụi nước tỏa khắp không gian tạo nên nét huyền ảo đầy quyến rũ. Dưới chân thác Bảo Đại là bãi đá trải dài và rộng với đủ hình thù gợi lên nhiều liên tưởng. Theo truyền thuyết thì những tảng đá này chính là thân xác của chim muông và con người hoá thành khi tụ tập về đây nghe âm thanh kỳ diệu từ lưỡi cá sấu khổng lồ.
 

cảnh sắc thác Bảo Đại Dòng nước đổ từ độ cao 70m từ trên cao. Ảnh: alyciaadventures
 
cảnh sắc thác Bảo Đại Con thác chia thành những dòng nước lớn. Ảnh:@cookulele_pl


Khác với dòng chảy ào ạt đầy mạnh mẽ, cảnh sắc hai bên dòng chảy của thác Bảo Đại lại vô cùng nên thơ với vách đá cheo leo những cây si già vươn bóng xuống dòng thác những cành dây leo mềm mại, những đóa phong lan nở rộ, tô điểm nét thơ tình đầy lãng mạn cho bức tranh phong cảnh vốn hùng vĩ và đầy mạnh mẽ của con thác.

cảnh sắc thác Bảo Đại Lối đi bên trái của con thác. Ảnh: Phuminh


Di chuyển đến khu vực bên trái của ngon thác, sẽ thấy một hang đá có vách dựng tự như một hào sâu dần vào lòng thác gợi cảm giác kỳ diệu và huyền bí. Thác Bảo Đại hùng vỹ không kém so với thác Pongour hay Gouga lại giữ được nét nguyên sơ quyến rũ như thác Voi. Cùng với đó, hệ sinh thái ở nơi đây vô cùng phong phú và gần như chưa bị tác động nhiều bởi bàn tay con người.
 

cảnh sắc thác Bảo Đại Xung quanh thác là cây rừng hoang sơ. Ảnh:@tomjudd123

cảnh sắc thác Bảo Đại Dòng nước đổ từ trên cao xuống hồ nước tron vắt. Ảnh: ST


Dừng chân ở thác Bảo Đại, du khách sẽ cảm thấy thật thoải mái, khi được ngắm nhìn nét đẹp kỳ vĩ của ngọn thác tự nhiên giữa núi rừng với tiếng nước tuôn ào ạt, tiếng chim hót líu lo và những tia nước phân tán bay khắp không gian tạo nên ánh cầu vồng rực rỡ khiến cho không gian tựa như chốn cổ tích đầy hoang sơ mê hoặc. Chính bởi sở hữu thiên nhiên quá tuyệt vời, thác Bảo Đại đã chính thức được công nhận là di tích thắng cảnh cấp quốc gia năm 2000.
 

cảnh sắc thác Bảo Đại Cảnh sắc thơ mộng tựa tranh vẽ. Ảnh: duliclamdong
 
>>Xem thêm: Tour du lịch Đà Lạt mùa hè hấp dẫn nhất 


Kinh nghiệm check-in thác Bảo Đại nên biết 

Hiện khu du lịch thác Bảo Đại đã dừng hoạt động, thế nhưng du khách vẫn có thể tìm đến check-in vf vui chơi ở ngọn thác này. Đường đến thác Bảo Đại cũng khá xa xôi , xe tải và xe khách lưu lượng khá nhiều nên trên đường di chuyển bạn hãy lưu ý quan sát và đi chậm, tuân thủ luật giao thông để đảm bảo an toàn cho bản thân. 

 Do thác nằm cách biệt với khu dân cư và cũng chưa được đầu tư phát triển quá nhiều nên các dịch vụ du lịch ở đây hầu như không còn. Chính vì vậy khi muốn khám phá ngọn thác này, tốt nhất bạn nên chuẩn bị đồ ăn, thức uống để thưởng thức trong chuyến vi vu, dã ngoại của mình. Địa hình thác Bảo Đại tương đối trơn và nhiều rong rêu do đó hãy mang giày leo núi hoặc giày trekking chuyên dụng để di chuyển dễ dàng hơn.

Lưu ý khi đến thác Bảo Đại Ngọn thác có địa hình khá cheo leo. Ảnh:dmdviet

 

Khi đến thác Bảo Đại, ngoài thăm quan, ngắm cảnh bạn chớ nên tắm thác bởi đặc trưng của dòng chảy ngọn thác này có mức nước khá sâu và xoáy nên sẽ không đảm bảo an toàn. 

Khi thăm quan và vui chơi ở thác Bảo Đại, bạn cũng hãy ý thức giữ gìn vệ sinh cảm quan, không nên vứt rác bừa bãi hay tác động trực tiếp đến môi sinh xung quanh thác nhằm giữ nguyên vẹn vẻ hoang sơ, tự nhiên.

Cách thác Bảo Đại không xa là hồ thuỷ điện Đại Ninh có diện tích 2600ha, đây là một trong những điểm dừng chân ấn tượng để du khách trải nghiệm chèo thuyền trên lòng hồ, thưởng ngoạn thiên nhiên. 

Trên cung đường đến thác Bảo Đại, khi dừng chân ở thị trấn Đức Trọng, bạn có thể khám phá các  món ăn hấp dẫn tại đây như nem nướng, xắp xắp hay gà nướng cơm lam bản địa khá hấp dẫn. 

Với vẻ đẹp huyền bí và mơ màng giữa núi rừng Tà Hine thanh vắng, hẳn ai đã một lần được chiêm ngưỡng sẽ không thể quên được ấn tượng về thác Bảo Đại. Vẻ đẹp hoang dã của ngon thác này chắc chắn sẽ là lý do khiến du khách muốn quay trở lại nhiều lần nữa, đừng quên thêm địa điểm này vào bản đồ khám phá của mình khi đến với Lâm Đồng bạn nhé. 


Nguyệt Cát (Tổng hợp) - luhanhvietnam.com.vn

Ảnh: Internet

close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)