Nằm ở độ cao hơn 1.200 mét so với mực nước biển, nền nhiệt khá thấp, nên trên đỉnh đèo Khau Phạ thường xuyên có mây vờn, mây phủ. Đường đèo lại hiểm trở, quanh co uốn lượn, vắt qua núi non trập trùng hay thảm rừng già còn nguyên sơ, và đặc biệt là những triền ruộng bậc thang đẹp như tranh của người Thái, H'Mông.
Được mệnh danh là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của phương Bắc (gồm có đèo Pha Đin, Hoàng Liên Sơn, Mã Pì Lèng và Fansipan), đường đèo danh chấn Phương Bắc - Khau Phạ luôn là điểm đến hút hồn của khách du lịch Tây Bắc yêu vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên đặc biệt là những phượt thủ đam mê chinh phục thử thách nguy hiểm.
Người Thái đặt tên đèo Khau Phạ với ý nghĩa là sừng trời, bởi đỉnh đèo như nhô lên trên biển mây bồng bềnh. Còn người H'Mông thì coi đèo Khau Phạ là nơi linh thiêng có thể than thấu lòng trời, nên mỗi khi gặp chuyện chẳng lành, mùa màng thất bát, họ lại kéo nhau tới đây khấn Giàng, cầu xin những điều tốt đẹp lại về với bản làng.
Đèo Khau Phạ có điểm khởi đầu là đoạn cắt quốc lộ 32 với quốc lộ 279 liền mạch liên tiếp với đèo Chấu phía trước nó và đèo Vách Kim phía sau trên đường 32. Từ thành phố Yên Bái, ngược theo quốc lộ 32 chừng 5 giờ đồng hồ, qua xã Tú Lệ, đèo Khau Phạ huyện Mù Cang Chải hiện ra giữa một vùng cao nguyên được bao quanh bởi những dãy núi điệp trùng. Những cung đường đèo quanh co giữa những cánh rừng già còn mang đậm nét nguyên sơ và những triền ruộng bậc thang của các dân tộc H’Mông, Thái.
Một ngày ở Khau Phạ có tới 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Khau Phạ thường xuyên mịt mù mây phủ và có năm trời quá lạnh, băng tuyết phủ kín trên đỉnh đèo. Khung cảnh nhìn từ đỉnh đèo đẹp nhất vào mùa lúa chín, tầm tháng 9 tháng 10, khi lúa trên chân ruộng bậc thang Tú Lệ chín vàng mờ ảo trong sương sớm.
Không chỉ là một cung đường đèo nổi tiếng trong du lịch, địa danh Khau Phạ còn gắn liền với những chiến công được ghi trong lịch sử cách mạng tỉnh Yên Bái: Trước năm 1945, đội du kích Khau Phạ đã lợi dụng địa hình và nương theo mây gió quánh đặc trên đèo, "xuất quỷ nhập thần" liên tục đánh chặn các cuộc hành quân của thực dân Pháp từ Nghĩa Lộ đi Lai Châu, Lao Cai và ngược lại bằng súng kíp hoặc bẫy đá, khiến quân Pháp hãi hùng kiêng nể gọi là "những chiến binh mây mù". Hiện nay, Yên Bái đang làm hồ sơ di tích, dựng tượng đài tưởng niệm Đội du kích Khau Phạ trên đỉnh đèo.
Vượt qua vùng đèo heo hút gió và mịt mùng sương phủ, lên cao gần năm chục kilômet nữa mới thấy thị trấn Mù Căng Chải. Từ thị trấn Mù Cang Chải đi tiếp chừng 40 kilômet đường núi nữa là sang đất Than Uyên (Lai Châu), hoặc theo chân những cô gái H’Mông đi ít nhất thêm chục kilômet nữa mới tìm đến được những bản làng người H’Mông sinh sống.
Xem thêm chùm tour du lịch Mù Cang Chải mùa lúa chín |
Nhưng có trải qua những hiểm nguy thì mới biết trân trọng những gì mình có, sau những vất vả mà bạn trải qua thì thiên nhiên đẹp ngỡ ngàng sẽ là món quà đền bù xứng đáng cho bạn. Mây trời xung quanh con đèo Khau Phạ trắng xóa, ôm ấp lấy thân đèo, ôm lấy cả hàng cây, ngọn cỏ. Bạn có thể đi xuyên qua từng đám mây để tận hưởng không khí trong lành, đưa tay ra “nắm” từng đám mây như lạc vào xứ sở thần tiên vậy. Nơi đây đất và trời như hòa vào làm một.
Đan xen vào bức tranh ấy là những vệt nước loang loáng trên mặt ruộng, ánh nắng chiếu vào mặt nước phản chiếu lại bầu trời như một chiếc gương khổng lồ. Từng vạt khói mỏng mảnh bay lên trên những thửa ruộng nhà ai đang gặt dở, mùi khói rơm rạ bay ngai ngái. Tiếng chim ríu rít bay về tổ xế chiều. Tất cả màu sắc, âm thanh và có cả mùi hương nữa quyện chặt vào nhau làm nên một ấn tượng rất khó phai.
Ảnh: Internet
Oanh Kim (Tổng hợp) - Luhanhvietnam.com.vn