Guidebook
Banner Voucher KS cả nước
Nam Định

Đặc sắc lễ hội chùa Lương Hải Hậu, Nam Định

Thứ sáu, 16/10/2020, 15:00 GMT+7

Lễ hội chùa Lương tại xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định là một trong những lễ hội truyền thống nổi tiếng của mảnh đất Thành Nam được tổ chức hàng năm vào tháng 3 âm lịch trong tiết trời mùa xuân ấm áp.

test

Cứ đến ngày 13 - 16/3 âm lịch hàng năm thì lễ hội chùa Lương Nam Định lại được tổ chức sôi động tại xã Hải Anh, huyện Hải Hậu. Đây là một trong những lễ hội Nam Định nổi tiếng được tổ chức nhằm suy tôn Vũ Chi, Trần Vũ, Phạm Cập, Hoàng Gia - 4 tổ từ Cổ Lễ sang đây lập ấp, khai ẩn vào năm 1486.

 

 

Đôi nét về lễ hội chùa Lương Hải Hậu, Nam Định
 

Lịch sử hình thành

Theo sử sách ghi lại, cách đây 534 năm về trước, tứ tổ khai sáng gồm: Vũ Chi, Trần Vũ, Phạm Cập, Hoàng Gia và 9 dòng họ từ khắp mọi nơi đều hội tụ về sinh cơ để lập nghiệp. Và mảnh đất Quần Anh xưa chính là dấu tích cho cuộc khai hoang, lấn biển của "Tứ cửu tộc" đã nhìn ra thế đất để tụ dân.

Thế đất Quần Anh có hình Long Cồn, rộng vươn về phía Bắc, lưng đất lượn 9 khúc, thổ nhưỡng ở đây phì nhiêu, long mạch thuận tiện, vượng thế rất thoáng đãng. Trải qua bao gian nan, vất vả để lập nên những xóm làng trù phú. Từ Cồn Ấp đế Quần Anh được hình thành và phát triển hàng trăm nghề do đó đã mở rộng thêm nhiều địa bàn sinh sống và hình thành lên huyện Hải Hậu ngày nay.

Và để tưởng nhớ công ơn vĩ đại "Tứ tính Cửu tộc" có công khai hoang mở đất, xây làng, dạy nghề, dạy chữ thì hàng năm xã Hải Anh đã tổ chức lễ kỷ niệm Thủy Tổ đã khai sáng vào tiết Đông chí và mở thêm hội cầu phúc vào trung tuần tháng 3 tại đình Phong Lạc.

 

 

Năm 1804 Quần Anh đã phân xã: Quần Anh Thượng, Quần Anh Hạ, Quần Anh Trung và hình thức lễ hội chùa Lương Hải Hậu đã được mở rộng gồm cả phần lễ và phần hội. Ngày 14 rước truyền kinh vào chùa xã Trung, ngày 16 rước truyền kinh vào chùa xã Hạ.

Đến năm 1990 thì lễ hội đã được phục hồi tại Cầu Ngói - Chùa Lương - Đền thờ Thủy Tổ và đã được nhà nước cấp bằng di tích lịch sử văn hóa. Từ mảnh đất địa linh nhân kiệt này đã làm nổi bật tính truyền thống, sự đoàn kết máu thịt của tổ tiên cha ông ta để tạo lên mảnh đất huyện Hải Hậu phồn vinh, giàu mạnh với 4 lần vinh danh là anh hung và nông thôn mới. 

Và để nói “Nước Việt có Tổ Hùng Vương” thì tại Hải Hậu có “Tứ Tính Cửu Tộc”. Và nếu Phong Châu trở thành đất tổ của cả nước thì xã Quần Anh lại trở thành đất tổ của Hải Hậu.

 

Thời gian tổ chức lễ hội chùa Lương

Lễ hội truyền thống Quần Anh ra đời từ thế kỷ thứ XVI. Trải qua bao năm tháng thăng trầm lịch sử, lễ hội chùa Lương - đền thờ Thủy Tổ, Cầu Ngói đã từ lâu trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, hội tụ tinh thần đoàn kết của cả cộng đồng và đã đi sâu vào trong tiềm thức của mỗi người dân Hải Hậu. Mục đích muốn nhắc nhở con cháu đời sau phải nhớ đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" với bậc Thủy tổ, Liệt tổ và các bậc tiền nhân đã có công khởi nghiệp, mở đất lấn biển. 

 

 

Hội chùa Lương Hải Anh được tổ chức hàng năm từ ngày 14/03 - 16/03 âm lịch do một Thủy tổ khai sáng Quần Anh bao gồm:

  • Phần lễ: lễ kỳ yên, cầu phúc, lễ Phật, rước kiệu...
  • Phần hội: hát chèo, hát văn, hát đối, trống hội...

Ngày 26/03/1990, chùa Lương Hải Anh đã được nhà nước cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử văn hoá. Nhà nước dành một phần kinh phí để trùng tu, bảo dưỡng để giữ gìn di tích lịch sử lâu năm.

 

 

Lễ hội chùa Lương - nét đẹp văn hóa của người dân Hải Hậu

Lễ hội truyền thống chùa Lương được tổ chức văn minh, tiết kiệm và đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tâm linh không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Hải Anh nói riêng và dân Hải Hậu nói chung. Vào những dịp Lễ Phật Đản hay lễ Vu Lan hoặc các ngày 14, 15, 16/03 âm lịch hàng năm thì tại di tích chùa Lương lại diễn ra những nghi thức tế lễ sang trọng, tôn nghiêm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng thờ Phật và bày tỏ tấm lòng tri ân công đức của nhân dân Hải Anh đối với những vị thủy tổ có công tạo dựng cuộc sống ấm no cho nhân dân.

 

 

Về lễ hội chùa Lương, Hải Hậu được chia làm 2 phần chính: phần lễ và phần hội:

 

Phần lễ chùa Lương

Phần lễ chùa Lương sẽ bao gồm các lễ như: lễ Kỳ Yên, lễ cầu phúc, lễ Phật, rước kiệu...Đây là những phần lễ được nhà chùa tổ chức cực kỳ long trọng, tôn nghiêm. Riêng phần rước kiệu là một trong những phần lễ thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, nhất là các bạn nhỏ. Đội rước kiệu chủ yếu đến từ khắp những xóm làng quanh xã của huyện, các hội tập phúc (nơi có thờ các bà Chúa). Tại sân đình chùa tổ chức cũng lễ và rước kiệu xung quanh làng với cờ trống nhộn nhịp, tấp nập trong nhiều màu sắc vàng, đỏ nổi bật một vùng trời.

 

 

Đoàn rước kiệu cực kỳ đông và kéo dài tần mấy cây số và được tiến hành rước quanh xã Hải Anh. Người tham gia rước kiệu sẽ mặc quần áo cực kỳ trang nghiêm, tất cả đều được mặc những bộ đồ được thiết kế dành riêng cho nghi lễ rước kiệu. Mỗi đoàn tham gia đều được trang bị đầy đủ các loại kiệu tự: Nhang án, kiều võng, đội bảo vệ, đội kèn, đội cờ, đội trống, đội khênh các kiệu...rất đông vui và nhộn nhịp.

 

Phần hội chùa Lương

Phần hội chùa Lương chủ yếu là những hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian như: hát văn, hát chèo, trống hội, hát đối, nhạc kèn hay những trò chơi dân gian sôi động như: kéo co, đi kheo, chơi cờ, múa lân - sư - rồng...thu hút hàng trăm, hàng ngàn dân địa phương cũng như du khách thập phương, con em xa quê trở về đây tham dự. 

 

 

Về tham dự lễ hội chùa Lương Hải Anh du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp mộc mạc, thanh bình của quê hương Hải Hậu với hình ảnh cây cầu ngói hơn 500 tuổi, chợ quê, giếng chùa...mà sẽ được đắm chìm trong các hoạt động văn hóa truyền thống dân gian. Lễ hội chùa Lương có mang ý nghĩa đặc biệt với cư dân miền biển với ước mong “Quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà”. Và nếu du lịch Nam Định thì hãy nhớ tham gia hội chùa Lương để hiểu hơn về văn hóa, tập tục, con người nơi đây bạn nhé.

 

Nguyễn Chiên (tổng hợp) - luhanhvietnam.com.vn

Ảnh: Internet

close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)