Guidebook
Banner Voucher KS cả nước
Miền Tây

Tìm hiểu tháp cổ Vĩnh Hưng - công trình kiến trúc nghìn năm tuổi ở Bạc Liêu

Thứ ba, 22/08/2023, 09:24 GMT+7

Tháp cổ Vĩnh Hưng là một trong số các kiến trúc tháp thuộc nền văn hóa Óc Eo còn sót lại tại Nam Bộ vừa là địa điểm du lịch Bạc Liêu nổi tiếng.

 
test

Vị trí của tháp cổ Vĩnh Hưng

Địa chỉ: Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu

Giờ mở cửa: 24/24

Giá vé: Miễn phí

Tọa lạc tại ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, tháp Vĩnh Hưng là một công trình kiến trúc cổ thuộc nền văn hóa Óc - Eo còn sót lại duy nhất ở Tây Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung. Vào năm 1992, tháp cổ đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

 

Tháp Cổ Vĩnh Hưng - Cổng vào di tíchCổng vào di tích. Ảnh: vntrip

Tháp cổ cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 20 km nên khá thuận tiện để di chuyển. Du khách du lịch Bạc Liêu có thể đến du ngoạn và tìm hiểu địa danh du lịch này theo hướng quốc lộ 1A, hướng từ Bạc Liêu hướng tới Cà Mau chừng 5km. Bạn cứ đi đến phía cầu Sập rồi rẽ theo lối đi chợ Vĩnh Hưng là đến tháp cổ cùng tên.

 

Kiến trúc bí ẩn của ngôi tháp nghìn năm tuổi

Tháp cổ được xây dựng trên một diện tích khá lớn trên một doi đất rộng chừng 100 m, cao hơn mặt ruộng hiện tại của khu vực chung quanh khoảng 50 cm. Điểm đặc biệt của tháp Vĩnh Hưng là phần cửa tháp quay về hướng Tây Nam, khác với tháp cổ Bình Thạnh Tây Ninh và các tháp cổ khác của người Chăm ở miền Trung, có cửa chính của tháp quay về hướng Đông.

 

Tháp cổ Vĩnh Hưng - Các mặt Đông – Nam – BắcCác mặt Đông – Nam – Bắc được xây bằng gạch đỏ. Ảnh: turgo

 

Với vai trò là kiến trúc tháp thuộc văn hóa Óc – Eo còn sót lại duy nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, công trình đã được các chuyên gia khảo cổ tìm hiểu và nghiên cứu từ khi phát lộ. Kết quả công tác khai quật tại tháp Vĩnh Hưng cũng thu được nhiều hiện vật hết sức quí giá như tượng đá, đồng, gốm, đá quí... Tất cả đã đánh dấu một giai đoạn lịch sử tồn tại và phát triển khá dài, mà cụ thể là từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIII sau công nguyên của tháp cổ Vĩnh Hưng.

 

tháp cổ Vĩnh Hưng - Bên trong thápBên trong tháp Vĩnh Hưng. Ảnh: 123di.vn

 

Bên ngoài tháp bị rong rêu vậy quanh và bong tróc khá nhiều vì đã hơn nghìn năm tuổi. Nhưng khi khảo sát, vẫn thấy rõ phần chân tháp lót nền bằng gạch đỏ, từ độ cao 4,15 m trở lên lót gạch màu trắng xám, kích thước lớn hơn, nhẹ hơn gạch phía dưới. Nhiều hiện vật trong tháp và đồ đá xung quanh còn có nguồn gốc liên quan đến Phật Giáo.

 

tháp cổ Vĩnh Hưng - Cửa thápCửa tháp quay về hướng Tây. Ảnh: thamhiemmekong


Những cuộc khai quật đã làm lộ diện phần chân tháp có bình đồ gần như vuông với diện tích 9,44 x 9,36m, chiều cao khoảng 10m. Điều lỳ lạ là toàn bộ thân tháp cổ khá nặng, chiếm một tải trọng rất lớn nhưng lại được xây trên vùng đất khá yếu. Người xưa đã khéo léo dùng phương pháp sử dụng móng dàn trải trên một không gian rộng nhằm mục đích chống sụt lún. Cũng như những tháp Chăm ở Bình Định trên ngàn năm tuổi đầy bí ẩn, vật liệu kiến trúc của tháp Vĩnh Hưng chủ yếu vẫn là gạch, đá và ngói. Nhất là gạch, ở đây dùng nhiều loại với đủ kích cỡ nhưng phổ biến nhất là loại gạch hình chữ nhật.

 

tháp cổ Vĩnh Hưng - nhiều điều bí ẩnTháp cổ còn nhiều điều bí ẩn. Ảnh: 123di.vn

 

Lịch sử xây dựng tháp cổ

Theo nghiên cứu khảo cổ thì năm 1911, ông Lunet de Lajonquiere là người phát hiện ra tháp và đặt tên là tháp Trà Long. Đến năm 1917, một nhà khảo cổ học khác là ông Henri Parmentier tiếp tục tìm hiểu và công bố kết quả trong tập san của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp với tên gọi mới là tháp Lục Hiền. Để rồi đến thời điểm tháng 5 năm 1990, các nhà khảo cổ thuộc Viện Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng tỉnh Minh Hải đã đến khảo sát và tìm thấy một số hiện vật độc đáo đặc trưng cho nền văn hóa Óc Eo như bàn nghiền, tượng đồng, tượng đá sa thạch... Trong số này có tấm bia tìm thấy trong ngôi chùa Phước Bửu Tự ở cạnh tháp. Hiện vật có khắc chữ Phạn, ghi rõ thời gian xây dựng tháp vào khoảng tháng Karhila, năm 814, tương ứng với năm 892 sau công nguyên, đặc biệt có tên của vua Yacovan-Man sống vào thế kỷ thứ IX.

 

tháp cổ Vĩnh Hưng - Tháp cổTháp cổ Vĩnh Hưng. Ảnh: dulichbaclieu

 

Theo thời gian, hành trình làm sáng rõ giá trị của một di tích cấp quốc gia, công tác trùng tu, tôn tạo của di tích tháp Vĩnh Hưng được bắt đầu thực hiện trong năm 2002 và sau đó là năm 2011. Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu khai quật xung quanh tháp và phát hiện thêm nhiều hiện vật có giá trị cao như tượng Nữ thần được tạc theo phong cách truyền thống tượng tròn Óc Eo Phù Nam, bàn tay phải của “Tượng thần”, một số Linga – Yoni, nhiều đồ gốm dùng trong sinh hoạt thời cổ và đặc biệt nhất có lẽ là bộ tượng đồng được các nhà khảo cổ học đánh giá là bộ sưu tập tượng độc đáo, xứng danh “bảo vật quốc gia” với một số tượng độc bản có giá trị rất cao và vô cùng quý giá.

 

tháp cổ Vĩnh Hưng - Phía đỉnh thápPhía đỉnh tháp tạo thành vòm cuốn. Ảnh: thamhiemmekong

Chính vì tầm quan trọng và sự hiếm có của các hiện vật mà vào năm 2011, di tích tháp Vĩnh Hưng được trùng tu tôn tạo gồm các hạng mục chính như: nhà trưng bày, nhà bia, nhà bảo vệ, hàng rào, cổng vào và một số hạng mục khác nhằm bảo tồn và phát huy tối đa giá trị của di tích.
 

>>Xem thêm: Chùm tour Miền Tây giá tốt 

 

Những điều đặc biệt ở tháp cổ Vĩnh Hưng

Bạc Liêu không chỉ có khu di tích nhà Tây bao gồm nhà công tử Trần Trinh Huy, chùa Quan Âm Nam Hải Bạc Liêu, cánh đồng điện gió thơ mộng, cánh đồng Hoa Huỳnh đẹp ngẩn ngơ hay vườn nhãn cổ trăm năm tuổi mà còn là nơi tháp cổ tọa lạc.

 

tháp cổ Vĩnh Hưng - Dinh Công tử Bạc Liêu.Dinh Công tử Bạc Liêu. Ảnh: gody.vn

 

Điểm ấn tượng nhất của tháp cổ có lẽ chính là kiến trúc và vật liệu xây dựng đặc biệt, nhiều chi tiết cho đến nay - một nghìn năm sau - vẫn là ẩn số. Người Khmer cổ sở hữu kỹ thuật xây dựng kết hợp vật liệu vô cùng khéo léo tạo nên những kiến trúc cực tốt và chắc chắn. Gạch nung của tháp gắn kết với nhau rất đều, thậm chí không lộ một kẽ hở. Khi bước vào chính điện, du khách còn được chiêm ngưỡng một bàn tay thần linh, đầu tượng Phật bằng đồng tinh xảo.

 

tháp cổ Vĩnh Hưng - Bộ Linga và Yoni Bộ Linga và Yoni bằng đá tượng trưng cho âm và dương, trời và đất. Ảnh: thamhiemmekong

 

Đặc biệt còn có phần thân dưới của tượng nữ thần được tạc bằng đá xanh tuyệt đẹp. Ngoài ra, còn có tượng nữ thần Brahma với mặt bằng đồg và nhiều vật thờ quý giá khác.

 

tháp cổ Vĩnh Hưng - diện tích khá lớnTháp được xây trên một diện tích khá lớn. Ảnh: truyenhinhdulich


Nhìn từ phía xa, ngôi tháp như khối hình trụ đồng nhất đứng sừng sững giữa rừng cây, đồng ruộng, khoác lên dáng vẻ cổ kính – một phần bị rong rêu phủ, xen kẽ là nhiều chỗ gạch loang lỗ khuyến sâu vào gần bên trong lòng tường. Tất cả làm toát lên vẻ đẹp siêu thực, cổ tính mà trang nghiêm của công trình kiến trúc tiêu biểu cho nền văn hóa Óc Eo Tây Nam Bộ.

Hằng ngày có rất nhiều du khách và phần đông các nhà nghiên cứu đến tháp để tham quan, tìm hiểu. Riêng ngày 15 tháng giêng âm lịch, khu vực tháp cổ được nhân dân địa phương đến để tổ chức cúng giỗ rất lớn.

 

tháp cổ Vĩnh Hưng - Khối hình trụKhối hình trụ đứng sừng sững. Ảnh: vntrip

Trải qua bao biến thiên của lịch sử và mưa nắng thời gian bào mòn, những điều bí ẩn gì đã tạo nên một ngôi tháp cổ Vĩnh Hưng có niên đại hàng nghìn năm tuổi? Tất cả vẫn còn là những câu hỏi chờ được nghiên cứu, tìm hiểu thêm.

Nếu có dịp du lịch "xứ cơ cầu, dưới sông cá chốt lên bờ triều châu", bên cạnh những địa điểm du lịch nổi tiếng, những quán ăn ngon ở Bạc Liêu, hãy dành thời gian viếng tháp cổ Vĩnh Hưng và tìm hiểu về vẻ đẹp kiến trúc cũng như chiêm ngưỡng những hiện vật quý và độc đáo đại diện cho nền văn hóa Óc Eo, bạn nhé. Chúc bạn có chuyến du lịch miền Tây vui vẻ và ấn tượng.


Thanh (Tổng hợp) - luhanhVietNam.com.vn

Ảnh: Internet

close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)