Banner Voucher KS cả nước
Guidebook
Bắc Ninh

Về miền quan họ Bắc Ninh thăm lễ hội Vua Bà

Chủ nhật, 28/07/2019, 15:30 GMT+7

Bắc Ninh là vùng đất nổi tiếng với những làn điệu dân ca quan họ ngọt ngào và sâu lắng. Hôm nay chúng ta hãy cùng khám phá lễ hội Vua Bà – người đã sáng tạo ra dân ca quan họ nức tiếng xứ Kinh Bắc nhé.

test

 

Đôi nét về lễ hội Vua Bà

Trong số các lễ hội trên miền quê hương quan họ, chúng ta không thể không nhắc tới lễ hội Vua Bà tại thôn Viêm Xá, hay còn gọi là làng Diềm, thuộc xã Hòa Long, tỉnh Bắc Ninh. Đây là một trong bốn lễ hội quan trọng nhất của tỉnh Bắc Ninh, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể vào năm 2016. 
Lễ hội thường được tổ chức vào ngày mùng 5, mùng 6 tháng hai âm lịch hàng năm thể hiện sự tri ân tưởng nhớ Vua Bà - Thủy tổ Quan họ, người có công khai sinh ra làn điệu dân ca Quan họ. Có lẽ nhiều bạn vẫn cho rằng lễ hội Lim nổi tiếng mới là lễ hội quan họ lớn nhất, vậy nhưng để có thể khám phá, tìm hiểu được toàn bộ lịch sử hình thành và phát triển quan họ thì bạn phải tới thăm lễ hội Thủy Tổ Quan Họ làng Diềm. Bởi lẽ đây mới thực sự là không gian để bạn thưởng thức đầy đủ và trọn vẹn các hình thức sinh hoạt trong nghề chơi quan họ. Cũng chính vì vậy mà lễ hội Vua Bà luôn là điểm hẹn của đông đảo du khách thập phương tới tham dự hàng năm.

 

lễ hội Vua BàLễ khai mạc lễ hội Vua Bà Bắc Ninh

 

Lịch sử của lễ hội Vua Bà

Tương truyền, lễ hội Thủy Tổ Quan Họ làng Diềm gắn liền với sự tích về Vua Bà, người con gái của vua Hùng Vương đời thứ 6. Vua Bà có tên thật là Nhữ Nương, vốn là một vị công chúa tuyệt sắc giai nhân. Như truyền thống dựng vợ gả chồng truyền lại, khi công chúa tới tuổi cập kê, nhà vua liền mở hội tổ chức lễ cướp cầu kén phò mã cho con gái. Vậy nhưng do không ưng thuận người đoạt giải và không muốn bị trói buộc bởi số phận, tục lệ, công chúa Nhữ Nương đã xin vua cha được rời khỏi kinh thành xa hoa để đi chu du thiên hạ. Bà cùng 7 cung nữ xinh đẹp vừa ra khỏi kinh thành thì bỗng gặp một cơn cuồng phong cuốn tất cả lên trời, sau đó giáng xuống làng Diềm. Truyền thuyết còn kể lại ngày bà giáng xuống là ngày mùng 6 tháng 2 âm lịch, cũng là ngày hội chính của lễ hội Vua Bà ngày nay.

 

lễ hội Vua BàĐền thờ Vua Bà tại thôn Viêm Xá Bắc Ninh

 

Khi ấy, làng Diềm chỉ là một khu hoang với vắng rừng rậm bao trùm, dân cư thưa thớt. Công chúa Nhữ Nương thấy người dân nơi đây bần hàn vất vả nên quyết ở lại khai khẩn đất hoang, lập làng lập xóm giúp đỡ mọi người. Bà dạy người dân làm ruộng, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa,… tạo cuộc sống ấm no hạnh phúc. Không chỉ vậy, bà còn sáng tác ra những câu hát theo lối riêng rồi dạy lại cho người dân. Ban đầu chỉ là hai bên nam nữ hát đối với nhau, sau đó bà triệu tập các nam thanh nữ tú trong làng cùng luyện tập cho thuần thục và nhuần nhuyễn hơn. Lối hát ấy chính là thủy tổ của dân ca Quan họ ngày nay. Sau này, không chỉ làng Diềm mà các làn điệu dân ca đã được phổ biến ra toàn xứ Kinh Bắc, tạo nên một nét văn hóa đặc trưng rất riêng mà không nơi đâu có được.

 

lễ hội Vua BàTương truyền Vua Bà chính là người đã sáng tạo ra làn điệu dân ca quan họ nổi tiếng

 

Các chương trình trong lễ hội Vua Bà

Lễ hội Vua Bà thường diễn ra vào hai ngày mùng 5 và mùng 6 tháng 2 âm lịch. Trong đó mùng 6 là ngày hội chính, lấy theo ngày Vua Bà giang xuống thôn. Ngay từ chiều ngày mùng 5, dân làng đã rục rịch tổ chức lễ mở cửa đền, lễ dâng hương và lễ cầu mưa rửa đền. Sáng ngày mồng 6 là chính hội.

 

lễ hội Vua BàKhông khí vui tươi trong ngày mở hội

 

Đại diện các làng Quan họ Bắc Ninh đều tề tựu về đây dâng hương hoa phẩm vật lên Đức Vua Bà. Lễ tế thần bao giờ cũng có tiết mục hát Quan họ ca ngợi công đức Vua Bà và cầu cho một năm sung túc an bình, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Đặc biệt hát thờ ở hội đền Vua Bà chỉ được sử dụng giọng người làng Diềm để thể hiện lòng thành kính. Người dân tự hào gọi đây là giọng “A Rằng” chính gốc quan họ. Sau khi lễ tế kêt thúc, dân làng dựng rạp và diễn lại tích “Bà Chúa phát lệnh mở hội Xuân” ngoài trời. 

 

lễ hội Vua BàNgười dân diễn lại tích “Bà Chúa phát lệnh mở hội Xuân”

 

Tiếp đến là lễ rước kiệu Vua Bà quanh làng. Đây là nghi lễ truyền thống lâu đời tượng trưng cho chuyến du ngoạn Vua Bà đã đặt chân lên vùng đất làng Diềm ngày nay. Đám rước dừng lại ở đền Cùng, nơi các cụ trong làng xuống giếng Ngọc lấy nước giếng để làm lễ tắm Vua Bà. Tương truyền đây là giếng thần không bao giờ cạn, nước sạch trong nhìn cả đáy và có thể uống nước mà không cần đun sôi. Giọng hát đặc trưng của người làm Diềm cũng nhờ uống nước giếng này thường xuyên mà có. Tất cả các nghi lễ được tiến hành nghiêm trang và thành kính, với ước mong Vua Bà che chở cho dân làng làm ăn thuận lợi, mùa màng tươi tốt, cuộc sống an lành.

 

lễ hội Vua BàLễ rước Vua Bà quanh làng truyền thống

 

Xem thêm các tour du lịch miền Bắc tại đây

 

Bên cạnh các nghi lễ trang nghiêm là phần lễ hội truyền thống với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi động như đu tiên, vật, cướp cầu, chọi gà, thi đấu cờ tướng, cầu lông…, nhưng đặc sắc và được mong chờ nhất vẫn là các hội giao lưu Quan họ. Dân làng vui chơi hết ngày mùng 6 sang đến ngày 7 mới tan hội. Người dân lại tổ chức lễ tế và đóng cửa đền Vua Bà.

 

lễ hội Vua BàGiao lưu quan họ không thể thiếu trong lễ hội Vua Bà

 

Ngọc Hải (tổng hợp) - luhanhvietnam.com.vn

Ảnh: Internet

close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)