Guidebook
Banner Voucher KS cả nước
Gia Lai

Chùa Minh Thành - điểm du lịch tâm linh độc đáo của tỉnh Gia Lai

Thứ năm, 18/07/2019, 12:39 GMT+7

Với một kiến trúc vô cùng độc đáo, cùng việc lưu giữ nhiều giá trị lịch sử văn hóa dân tộc, chùa Minh Thành không chỉ là niềm tự hào của người dân phố núi, mà còn là một điểm du lịch tâm linh đặc sắc không thể bỏ qua khi đến với mảnh đất Gia Lai.

test

Tìm đến chùa Minh Thành vào một ngày đẹp trời, ngồi trên bậc đá, lắng nghe tiếng chuông chùa ngân vang, tiếng gõ mõ tụng kinh, mùi hương trầm thoang thoảng trong gió, bạn sẽ thấy lòng mình được an yên và thanh bình vô cùng.

 

1. Đôi nét giới thiệu về chùa Minh Thành – ngôi chùa đẹp nhất tỉnh Gia Lai

Chùa Minh Thành tọa lạc tại địa chỉ số 348 đường Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, cách trung tâm thành phố Pleiku chưa đến 2 cây số. Chùa nằm trên một ngọn đồi thoai thoải, được bao bọc trong làn sương mờ ảo của phố núi.

Chùa được xây dựng bởi Hòa thượng Thích Giác Đạo vào năm 1964, tính đến nay đã chùa đã được 55 năm tuổi. Trải qua những biến động của một giai đoạn lịch sử hào hùng, chùa có nhiều phần bị hư hại, tới năm 1997 nhờ công sức của trụ trì và cúng dường thập phương mà chùa được tôn tạo lại, cũng như xây thêm một số công trình mới. Và hiện nay, chùa Minh Thành đã khoác lên mình một diện mạo mới vô cùng đặc sắc, với lối kiến trúc mang đậm vẻ đẹp Phương Đông, là sự giao hòa giữa kiến trúc của thời Lý, Trần và kiến trúc của Nhật Bản, Trung Quốc.

Chùa Minh Thành chính là công trình mang đậm bản sắc dân tộc, lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc, bao gồm nét văn hóa tâm linh và sự gìn giữ, truyền bá lại những kỹ thuật kiến trúc cổ xưa vô cùng quý giá của dân tộc đang dần bị mai một theo thời gian.

 

chùa minh thành
Cổng chính của chùa Minh Thành (Nguồn ảnh: Vũ Văn Tuyến)

 

Hiện nay, chùa Minh Thành do Đại đức Thích Tâm Mãn làm trụ trị. Đại đức đã có thời gian du học tại Đài Loan khá dài, cũng như thầy là người tu sĩ đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp thủ khoa cao học về mỹ thuật, kiến trúc, nghệ thuật Phật giáo. Chính vì vậy mà khi quyết địn tôn tạo lại chùa, thầy đã áp dụng những kiến thức và nghiên cứu của mình để góp phần tạo nên vẻ đẹp đặc sắc của chùa Minh Thành như ngày nay.

Tổng diện tích của quần thể chùa Minh Thành rộng 20 nghìn mét vuông, không chỉ là nơi dân hương của Phật tử trong vùng mà còn thu hút biết bao nhiên Phật tử mến mộ đạo từ khắp mọi nơi tìm về. Bước vào cổng chùa, bạn sẽ cảm nhận ngay được vẻ đẹp thanh tịnh, bình yên, mọi vướng bận xô bồ như bỏ lại sau lưng, chỉ còn lại đây tiếng tụng kinh gõ mõ cùng tiếng chuông gió leng keng thanh lọc tâm hồn.

 

2. Vẻ đẹp độc đáo của chùa Minh Thành

Chùa Minh Thành trở thành điểm du lịch tâm linh được nhiều người ghé thăm khi đi du lịch Gia Lai. Và nhắc đến chùa Minh Thành, người ta nhớ ngay đến một ngôi chùa có lối kiến trúc vô cùng đặc biệt. Đó là sự kết hợp khéo léo tài tình giữa kiến trúc chùa cổ Việt Nam và kiến trúc đền miếu của Nhật Bản.

Khi đến chùa, từ phía xa xa, bạn sẽ trông thấy một bảo tháp xá lợi cao 9 tầng đứng sừng sững uy nghiêm in dấu lên bầu trời xanh. Bảo tháp cao 72 mét, bên trong đặt 4 vị Thiên Thủ Thiên nhãn được chạm khắc tỉ mỉ sống động từng chi tiết. Bảo tháp được sơn son thiếp vàng, nhìn từ xa vô cùng nổi bật, bắt mắt, và đây chính là một trong những công trình kiến trúc cao nhất của thành phố Pleiku. Điểm độc đáo của báo tháp xá lợi là xây theo lối kiến trúc của Nhật Bản, với đặc trưng mái cong rõ nét.

 

chùa minh thành
Bảo tháp xá lợi cao 9 tầng uy nghiêm sừng sững giữa bầu trời xanh (Nguồn ảnh: Vũ Văn Tuyến)

 

Bước vào chùa, bạn sẽ nhìn thấy tượng Phật bà Quan âm được đặt chính giữa cửa ra vào, nét mặt hiện từ phúc hậu như người mẹ hiền từ chào đón đứa con từ phương xa trở về.

 

chùa minh thành
Tượng Phật bà Quan âm hiền từ phúc hậu (Nguồn ảnh: Vũ Văn Tuyến)

 

Quần thể chùa Minh Thành được xây dựng theo hình thể mạn-đà-la, có nghĩa là một vòng tròn tượng trưng cho đóa hoa sen nở rộ, đây chính là căn bản của vụ trụ luận Mật giáo.

Khuôn viên chùa rất rộng, toàn thể là một mầu xanh của thiên nhiên cây cối, kết hợp với tượng đá, vật liệu gỗ chạm khắc tinh xảo, mang đến một khung cảnh thanh tịnh, uy nghiêm nhưng không kém phần gần gũi, bình yên.

 

chùa minh thành
Khung cảnh của chùa Minh Thành vừa thanh tịnh, uy nghiêm lại vừa gần gũi, bình yên (Nguồn ảnh: Internet)

 

Trước chánh điện là các tượng đá được điêu khắc theo hình dáng của 18 vị la hán. Hai bên là các công trình kiến trúc như khu tăng phường, trai đường, giảng đường, thiền đường và tàng kinh các. Bảo tháp xá lợi sẽ nằm phía bên phải của chánh điện.

 

chùa minh thành
Các tượng đá được điêu khắc theo hình dáng của 18 vị la hán phía trước chánh điện (Nguồn ảnh: Vũ Văn Tuyến)

 

Trung tâm là chánh điện cao 16 mét, tầng mái được lợp bằng gỗ pơ mu Tây Nguyên quý giá. Đi sâu vào bên trong Chánh Điện, bạn sẽ vô cùng choáng ngợp khi thấy có rất nhiều tượng Phật được bài trí ở đây. Nổi bật nhất là tượng Phật Tỳ Lô Giá Na cao tới 6 mét, nặng 16 tấn, tiếp đó là tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, hai bên trái phải có tượng Thập nhị Duyên Giác (12 vị đại bồ tiếp) cao 3 mét. Vách phía sau có chạm khắc hình của bát thập bát Phật (88 vị Phật), ngũ phương Phật, bát bộ kim cang...

Hai bên chính điện là tháp chuông và tháp Từ Ân có ba tầng mái lợp ngói theo họa tiết hình vảy rồng.

 

chùa minh thành
Tháp Chuông với mái ngói lợp theo họa tiết vảy rộng độc đáo (Nguồn ảnh: Vũ Văn Tuyến)

 

Không gian chùa ngập tràn màu xanh thiên nhiên vô cùng tươi mát, cây cối xen kẽ với các hồ nước tiểu cảnh được bài trí vô cùng hài hòa tinh tế, những ngày trời trong xanh, mặt hồ in bóng vạn vật vô cùng đẹp đẽ. Những hàng liễu thướt tha rủ bóng xuống mặt hồ, đung đưa trong gió. Những lối đi quanh co giữa hai hàng cây ranh rợp bóng mát, những bức tường cây leo chằng chịt.

 

chùa minh thành
Những lối đi rợp bóng hàng cây xanh và dây leo xanh mướt (Nguồn ảnh: Vũ Văn Tuyến)

 

Tuy được trùng tu với quy mô lớn, nhưng điểm đặc sắc nhất mà chùa Minh Thành vẫn còn giữ lại đó là vẻ đẹp cổ kính lâu đời của mình, những bức tượng Phật những cột đá rêu phong, ghi dấu ấn thời gian.

Tất cả mang đến một vẻ đẹp vừa thanh tịnh, lại vừa uy nghi tráng lệ cho quần thể chùa Minh Thành. Và chắc hẳn khi đến chùa lần đầu tiên, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên trầm trồ trước vẻ đẹp độc đáo này.

 

Xem thêm: kinh nghiệm du lịch Gia Lai

 

3. Chùa Minh Thành – nơi tìm về của bình yên và lắng đọng

Nếu có dịp đi du lịch Gia Lai, nhớ đừng quên ghé thăm chùa Minh Thành. Mình thường thích ghé chùa vào những ngày thường, bởi vào những ngày lễ Tết hoặc ngày rằm và mùng một, thường sẽ rất đông Phật tử, ngày thường nhật thì vắng vẻ và yên tĩnh hơn.

Từ cổng chùa bước vào chánh điện, tản bộ chầm chậm dưới những tán cây, lắng nghe tiếng chuông chùa ngân vang cùng mùi hương trầm lan tỏa trong không gian, sẽ khiến bạn như có cảm giác lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Vào những ngày mưa, có sương và mây mù trên đỉnh núi, chùa Minh Thành ẩn hiện một nét đẹp mơ màng giữa phố núi Pleiku. Những ngày hè nắng vàng rực rỡ, cây cối xanh mát, chim chóc kéo về hót líu lo mang đến niềm vui cho những Phật tử đi dâng hương.

 

chùa minh thành
Chùa Minh Thành – nơi tìm về của bình yên và lắng đọng trong tâm hồn (Nguồn ảnh: Vũ Văn Tuyến)

 

Ngồi trên thềm đá, ngắm nhìn trời xanh, cây cỏ, bỏ lại sau lưng bao phiền muộn, bao bộn bề của cuộc sống thường nhật, bạn sẽ tìm lại được sự bình yên trong lòng mình, thấy tâm hồn như lắng đọng, bao nhiêu mệt mỏi, căng thẳng như chợt tan biến.

Thu Nguyệt (Tổng hợp) - luhanhvietnam.com.vn

close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)