Banner Voucher KS cả nước
Guidebook
DÒNG SỰ KIỆNlàng đo đochè Huế
Huế

Điện Thái Hoà Huế - Nơi đăng quang của 13 vị vua triều Nguyễn

Thứ ba, 23/07/2024, 15:18 GMT+7

Là ngôi điện có kiến trúc đẹp và lộng lẫy bậc nhất Hoàng thành Huế, là nơi lên ngôi của 13 vị vua nhà Nguyễn, Điện Thái Hoà Huế với lịch sử hơn 200 năm chính là điểm dừng chân hấp dẫn mà du khách không thể bỏ qua trong hành trình khám phá vẻ đẹp của cố đô Huế. 

test

Vẻ đẹp của xứ Huế vẫn luôn gắn liền với những công trình kiến trúc lịch sử cổ kính và Điện Thái Hoà chính là một trong những nơi mang màu sắc độc đáo, tiêu biểu bậc nhất trong quần thể các công trình kiến trúc của nơi đây.

Công trình với hơn 200 năm lịch sử này chính là nơi có vai trò rất quan trọng trong đời sống hoàng cung triều Nguyễn xưa, là nơi tổ chức những sự kiện quan trong, các cuộc họp đại triều, đại lễ đăng cơ của vua chúa, hoàng thân quốc thích.  Ghé thăm Điện Thái Hoà Huế, du khách sẽ được thỏa sức chiêm ngưỡng vẻ đẹp ấn tượng với lối kiến trúc đặc trưng của cung điện nhà Nguyễn.
 

Điện Thái Hoà HuếĐiện Thái Hoà Huế là công trình kiến trúc tiêu biểu ở kinh thành Huế. Ảnh: Review Huế


Lịch sử xây dựng Điện Thái Hoà Huế 

Ngay từ khi kinh thành Phú Xuân được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX thì Điện Thái Hoà đã được định vị nằm ở trung tâm của Hoàng thành Huế và cũng là công trình kiến trúc có lịch sử lâu đời nhất của xứ cố đô. Tên gọi của Điện Thái Hòa cũng mang ý nghĩa rất sâu sắc, tên gọi gốc lấy từ Kinh Dịch. Chữ Hoà ở đây tức là hoà hợp, và hài hoài, Thái Hòa tức là âm dương hội hợp và dung hoà. Các bậc quân vương khi trị vì thiên hạ đều cần duy trì sự hoà hợp tốt đẹp, cương nhu mềm dẻo thì mới mong thiên hạ thái bình, trường tồn lâu dài.
 

Lịch sử Điện Thái Hoà HuếĐiện Thái Hoà nằm ở trung tâm của Hoàng thành Huế. Ảnh: The Hue of Hue 


Lịch sử xây dựng của Điện Thái Hòa Huế gắn liền với ba thời kỳ khác nhau và với mỗi thời kỳ đều có những sự phát triển cả về kiến trúc, thiết kế. Theo đó, Điện Thái Hòa được khởi công xây dựng ngày 21/2/1805 và hoàn thiện vào tháng 10 cùng năm dưới thời vua Gia Long. Đến thời vua Minh Mạng, tháng 3/1833 thì điện này được tái quy hoạch, hoàn thiện về hệ thống kiến trúc cung đình, đồng thời vua Minh Mạng cũng đã cho dời Điện Thái Hòa dịch về hướng Nam với quy mô xây dựng đồ sộ và rộng lớn hơn.

Đến năm 1923, dưới thời của vua Khải Định thì nhà vua đã cho thực hiện đại tu lại Điện Thái Hòa nhằm phục vụ lễ tứ tuần đại khánh tiết và một số khu vực, kiến trúc của Điện Thái Hòa được làm mới hoặc thay đổi hoàn toàn. 

Trong lịch sử, Điện Thái Hòa Huế chính là một hình ảnh biểu trưng cho quyền lực của hoàng gia, là nơi diễn ra đại điển đăng quang, các buổi đại triều, tiếp đón sứ thần quan trọng.
 

Lịch sử Điện Thái Hoà HuếĐiện Thái Hoà từng là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng của vua quan nhà Nguyễn. Ảnh: huonggiang_company

Theo thời gian, dưới sự ảnh hưởng của các biến cố thời cuộc và điều kiện tự nhiên, Điện Thái Hòa đã dần bị xuống cấp. Đến năm 2021, Điện Thái Hòa đã được chính phủ cấp kinh phí 128 tỷ đồng trùng tu, sau 3 năm thực hiện về cơ bản các hạng mục cũng đã hoàn thiện dần, các cấu kiện mái và hoạ tiết trang trí đã bắt đầu được hoàn tất với dáng vẻ ấn tượng, mang đến vẻ đẹp lộng lẫy vốn có của Điện Thái Hòa trong quá khứ. 

>>Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Huế 1 ngày siêu HOT 


Kiến trúc Điện Thái Hoà uy nghi và tráng lệ bậc nhất kinh thành Huế 

Điện Thái Hòa Huế có kiến trúc rất đặc trưng theo kiểu mái chồng lên nhau, nhà nối liền nhau được gọi là  “trùng thiềm điệp ốc. Khu điện này có diện tích mặt bằng  1.360m2, nền điện cao hơn mặt đất 2,35m và cao hơn tầng ở sân chầu đầu tiên là 1m.
 

Kiến trúc Điện Thái Hoà HuếKiến trúc Điện Thái Hoà Huế được xây theo kiểu " Trùng thiềm điệp ốc" . Ảnh: The Hue of Hue


Khu vực phía say chính điện có ngôi nhà 5 gian 2 chái, hai nhà nằm phía trước được gọi là tiền điện có 7 gian 2 chái. Nhà trước và nhà sau của điện được nối liền với nhau qua một mái thừa lưu. 

Phần sườn của  Điện Thái Hoà đều được làm từ gỗ lim, các hàng cột sẽ có 80 chiếc được thếp vàng và vẽ rồng vàng uốn quanh kỳ công. Khu vực chính giữa của tiền điện có treo tấm biển tên điện “ Thái Hoà Điện” rất nổi bật, được sơn son thếp vàng, bên cạnh có dòng chữ nhỏ ghi lại các năm xây dựng 1805 làm lại là 1883 và đại tu năm 1923.
 

Khuôn viên Điện Thái Hoà HuếHệ thống cột sơn thếp vàng ở Điện Thái Hoà. Ảnh: hayalabo_histarchi2010

Khu vực phía trong của gian giữa chính Điện Thái Hoà Huế có một ngai vua 3 tầng đặt trên ba bậc (Thiên - Địa - Nhân), phía trên có treo bửu tán rất độc đáo từ pháp lam, trang trí hoạ tiết 9 con rồng. Ngai vua và bửu tán đều rất lộng lẫy và nổi bật vì được thếp vàng. 

Ngai Vàng Điện Thái Hoà HuếNgai vàng trong Điện Thái Hoà Huế. Ảnh: travel_taste_enjoy_the_world


Khu vực nhà trước của Điện Thái Hoà được soi chỉ, sơn thếp và chạm khắc vô cùng kỳ công và tinh xảo. Khu vực trần gỗ của mỗi căn đều có đèn lồng trang trí thơ văn và hình ảnh chạm khắc kiểu nhất thi, nhất hoạ. 

Phần mái của Điện Thái Hoà Huế được lợp bằng ngói hoàng lưu ly với ba tầng chồng lên nhau gọi là trùng thiềm hay chồng diêm. Giữa của hai tầng mái có một dải cổ diêm chạy quanh bốn mặt, chia thành từng ô và có trang trí, hình ảnh, thơ văn ở những miếng đồng tráng men pháp lam rất độc đáo. Khu vực nóc và bờ mái của Điện Thái Hoà có hình rồng theo kiểu kiểu lưỡng long triều nguyệt và hồi long, giữa nóc có hình bầu rượu trang trí làm bằng pháp lam rất đẹp.
 

mái Điện Thái Hoà HuếPhần mái của Điện Thái Hoà chồng lên nhau. Ảnh: Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế
 
mái Điện Thái Hoà HuếHoạ tiết rồng trên mái điện rất cầu kỳ. Ảnh: itshenrynguyen

Sân chầu của Điện Thái Hoà còn gọi là Long trì nằm ngay phía trước điện cũng là nơi các quan lại xưa sẽ đứng làm lễ, vua sẽ ngự trên ngai vàng trong điện Thái Hoà và tứ trụ đứng chầu. 

Khuôn viên Điện Thái Hoà HuếMột góc trong khuôn viên Điện Thái Hoà Huế. Ảnh: @hereiamtai.


Nhắc đến kiến trúc của Điện Thái Hoà Huế thì hẳn rằng người ta sẽ nhắc nhiều đến các con số là 5 và số 9. Những con số này sẽ xuất hiện ở bậc thềm, hình thức trang trí nội thất… Theo đó, vua muốn đi từ Đại Cung Môn đến Điện Thái Hoà sẽ phải bước lên 8 cấp bậc thềm nền dưới và 5 cấp bậc thềm nền trên. Các cấp lên Đệ Nhị và Đệ Nhất Bái Đình cũng có tổng là 8, khu vực Bửu tán hay ngai vàng mỗi nơi đều có 9 con rồng.
 

Khuôn viên Điện Thái Hoà HuếKhu vực phía trước của Điện Thái Hoà Huế. Yen Pham

Nói về kiến trúc và quy mô thì chắc chắn Điện Thái Hoà sở hữu vẻ đẹp uy nghi, lộng lẫy và tráng lệ bậc nhất đồng thời có giá trị to lớn về nhiều mặt trong lịch sử của Hoàng thành Huế. 

>>Xem thêm: Tour du lịch Huế hấp dẫn du khách


Kinh nghiệm khám phá Điện Thái Hoà Huế 


Hướng dẫn di chuyển 

Điện Thái Hoà Huế nằm ở trong Thành Nội trên con đường Hai Mươi Ba Tháng Tám thuộc phường Phú Hậu, trung tâm thành phố. Du khách nếu xuất phát từ trung tâm có thể di chuyển theo bờ Nam sông Hương đến cầu Phú Xuân rồi vào đường Lê Duẩn. Tiếp đến hãy rẽ phải để đến cửa  Cửa Quảng Đức và di chuyển đến đường 23/8 rồi rẽ phải là sẽ đến Đại Nội để vào Điện Thái Hoà. 

đƯỜNG ĐẾN Điện Thái Hoà HuếVì nằm trong thành nội nên đường đến Điện Thái Hoà Huế rất thuận tiện. Ảnh: @binhle


Giá vé tham quan/ giờ mở cửa 

Là một trong những địa điểm check-in hấp dẫn nhất trong Đại Nội nên Điện Thái Hoà Huế được rất nhiều du khách ưa thích. Hiện tại theo quy định mức giá vé thăm quan địa điểm này và các địa điểm khác trong Đại Nội nói chung với du khách Việt Nam là 150.000 đồng/ vé người lớn và 30.000 đồng/ vé trẻ em. Với du khách quốc tế, mức giá vé áp dụng sẽ là 200.000 đồng/ vé người lớn và trẻ em là 40.000 đồng/ vé.  Khung giờ mở cửa của Điện Thái Hoà cũng giống như Đại Nội là 6h30 – 17h30 mùa hè và mùa đông là 07h00 – 17h00. 


Lưu ý khi tham quan 

Điện Thái Hoà Huế là một điểm đến có giá trị văn hoá, kiến trúc và lịch sử to lớn. Chính vì vậy, khi đến đây thăm quan, du khách sẽ cần tuân thủ một số quy định để có một chuyến đi thật mỹ mãn. Đầu tiên, hãy lựa chọn trang phục lịch sự và kín đáo, không hở hang quá đà. Đặc biệt, ở đây có dịch vụ cho thuê cổ phục cung đình, áo dài Huế rất đẹp nên du khách có thể thuê để diện và chụp ảnh ở một số khu vực nhất định. 

Trong quá trình thăm quan Điện Thái Hòa, du khách không được sờ tay vào các hiện vật trưng bày, không được ghi hình hay chụp ảnh nội thất bên trong điện. Để dễ dàng di chuyển, hãy tìm hiểu trước bản đồ thăm quan vì đường đi trong Đại Nội khá nhiều và rộng, rất dễ bị lạc. Trong quá trình thăm quan nên ý thức giữ gìn vệ sinh và cảnh quan.
 

Lưu ý khi đến Điện Thái Hoà HuếNên tuân thủ quy định của ban quản lý di tích Cố đô Huế để có chuyến vi vu trọn vẹn. Ảnh: truongcongtiennn


Địa điểm tham quan gần Điện Thái Hoà 

Cùng với Điện Thái Hoà Huế, bên trong thành Nội còn có rất nhiều khu vực, điện, di tích rất hấp khác mà du khách có thể kết hợp check-in. Nổi bật nhất phải thắc đến Ngọ Môn, khu vực cửa chính của Hoàng thành với kiến trúc nguy nga, đồ sộ tựa như một tòa lâu đài tráng lệ tiêu biểu là Lầu Ngũ Phụng với dấu ấn văn hoá, lịch sử tuyệt vời. 

Cung Diên Thọ ở phía Tây của Tử Cấm Thành cũng là địa điểm hấp dẫn, nơi đây có hơn 20 công trình kiến trúc lớn nhỏ với vẻ uy nghi, tráng lệ như Điện Chính, Tạ Trường Du, hồ sen… 

Nếu ưa thích nhã nhạc cung đình Huế thì hãy ghé Duyệt Thị Đường, đây vốn là nhà hát để nhà vua và các vị hoàng thân, đại thần có thể xem trình diễn tuồng xưa. Hiện Duyệt Thị Đường được biết đến như một nhà hạt xưa nhất của ngành sân khấu Việt  và thường xuyên có các buổi trình diễn nhã nhạc đặc sắc phục vụ du khách. 

Điểm đến gần Điện Thái Hoà HuếBạn có thể kết hợp thăm quan rất nhiều điểm đến gần Điện Thái Hoà. Ảnh: Ngân Thương

Ngoài ra còn nhiều địa điểm tham quan khác như Hiển Lâm Các, Thế Miếu, hưng Miếu, Cung Trường Sanh, lầu Kiến Trung, Điện Càn Thành, vườn Ngự Uyển…

Nổi bật bởi lối kiến trúc độc đáo, giá trị lịch sử, văn hoá lâu đời, Điện Thái Hòa Huế chính là nơi dừng chân tuyệt vời để bạn tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc cung đình xưa cũng như mở mang hiểu biết, kiến trúc về lịch sử của nhà Nguyễn. 

>>Xem thêm: Khám phá lăng Dục Đức  - Nơi an giấc của 'vị vua 3 ngày' triều Nguyễn


Nguyệt Cát (Tổng hợp) - luhanhvietnam.com.vn

Ảnh: Internet

close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)