Banner Voucher KS cả nước
Guidebook
Daklak

Khám phá văn hóa Đắk Lắk với những điều cực thú vị

Thứ tư, 04/11/2020, 11:00 GMT+7

Bên cạnh các điểm du lịch hấp dẫn hay các món ăn độc đáo thì văn hóa Đắk Lắk cũng là một yếu tố quan trọng níu chân du khách khi ghé thăm vùng đất đại ngàn này.

test

Với những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, những đồi cà phê trải dài tít tắp, những ngôi nhà bằng gỗ vững chãi hay hương vị cay nồng của những chén rượu cần trong các vũ điệu cồng chiêng…đã khiến cho văn hóa và con người ở Đắk Lắk trở nên cuốn hút bước chân của du khách du lịch hơn.

 

Những nét văn hóa Đắk Lắk thú vị khiến du khách mê mẩn


1. Văn hóa cộng đồng

Ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, quan hệ xã hội cốt yếu của các dân tộc không chỉ mang đậm tính huyết thống mà còn có cả tính tập thể bền chặt. Họ luôn tôn thượng tinh thần đoàn kết. Bất kỳ một công việc gì, từ nhỏ bé cho đến trọng đại đều phải có sự quyết định của tập thể và thực hiện bởi cả một tập thể. Đó là nét văn hóa quý giá của Đắk Lắk mà nhiều người hay nhiều nơi cần phải học tập.

 

2. Văn hóa nhà dài

Nhà rông hay nhà sàn có lẽ không còn xa lạ gì với chúng ta, nhưng khi nhắc đến nhà dài sẽ có không ít người cảm thấy khá ngạc nhiên cho xem. Trong khi hiện nay, hầu hết các gia đình đều tách ra sống riêng, các gia đình có 3 thế hệ sống cùng nhau có thể đếm trên đầu ngón tay thì ở Đắk Lắk, người ta có thể sống từ 5 đến 10 hộ chung trong một nhà dài, ngay cả khi chẳng có cùng huyết thống.

 

nhà dài -  văn hóa Đắk Lắk thú vịThường đủ cho 5 đến 10 hộ sinh sống (Ảnh @baileynguyensg)

 

Bởi theo quan niệm của họ, làm một nhà dài như vậy sẽ đỡ tốn phên che vách hông, các hộ gia đình nếu muốn gặp nhau trong trời mưa sẽ chẳng sợ bị ướt, khi nhà có người mất sẽ chẳng sợ ma, đặc biệt là khi sống như vậy họ có thể giúp đỡ lẫn nhau cùng vượt qua hoạn nạn – một nét văn hóa Đắk Lắk rất đáng được trân trọng.

Nhà dài của đồng bào dân tộc được thiết kế theo một trật tự rõ ràng: kho lúa trên gác, ở giữa là bếp nấu ăn, hai bên là nơi ngủ của các hộ gia đình. Cột nhà thì được xây bằng gỗ tốt để không bị mối ăn, mái nhà được lợp bằng mây đánh ghép hoặc lá cỏ tranh đánh thành tấm, đơn sơ nhưng rất chắc chắn, rất khó bị lật.

 

nhà dài - văn hóa Đắk Lắk cực thú vịNhà dài được thiết kế rất vững chãi (Ảnh @p.chaniee)

 

Nếu có đến du lịch Đắk Lắk, các bạn đừng quên khám phá văn hóa nhà dài để cảm nhận được tình yêu thương và tinh thần đoàn kết của các dân tộc ở Tây Nguyên nhé.

 

3. Văn hóa cồng chiêng

Sẽ là một thiếu sót rất lớn nếu nhắc đến văn hóa Đắk Lắk mà bỏ qua văn hóa cồng chiêng được UNESCO vinh danh là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2005, sau Nhã nhạc cung đình Huế.

 

lễ hội cồng chiêng - văn hóa Đắk Lắk hấp dẫnMột lễ hội đặc sắc của Tây Nguyên (Ảnh @sonmo___)

 

Bạn biết đấy, rất nhiều các quốc gia ở Đông Nam Á có cồng chiêng, nhưng lại chỉ có cồng chiêng Tây Nguyên ở Việt Nam mới được UNESCO công nhận, từ đó có thể thấy được giá trị văn hóa vĩ đại của loại nhạc cụ này.

Hơn nữa, thay vì đưa nó lên thành chuyên nghiệp và mang yếu tố cung đình, hoàng gia như Thái Lan, Lào, Indonesia…thì ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, cồng chiêng vẫn là của cộng đồng, tức vẫn là vốn tài sản quý giá và thiêng liêng của các đồng bào dân tộc, qua đó thể hiện sự tôn trọng đối với những người đã phát sinh ra nó.

Người dân ở đây tôn thờ cồng chiêng đến mức còn tổ chức hẳn lễ hội cồng chiêng - lễ hội Đắk Lắk lớn nhất trong năm vừa để bảo tồn bản sắc văn hóa, vừa để phát triển du lịch. Đến đây, được nghe âm thanh sống động của tiếng cồng chiêng vang vọng khắp núi rừng, được hòa vào không khí vui tươi nhộn nhịp, đầy ắp tiếng cười của người dân, chắc chắn bạn sẽ thấy thêm yêu và trân trọng cuộc đời hơn đấy nhé.

 

lễ hội cồng chiêng - văn hóa Đắk Lắk đặc sắcMúa hát cồng chiêng bên đống lửa cực thú vị (Ảnh @iim.quinn_

 

 

4. Văn hóa sử thi

Chắc hẳn những ai đã trải qua thời cấp 3 “vật vã” đều không thể quên được tác phẩm sử thi Đăm Săn ấn tượng ca ngợi người anh hùng đã có công bảo vệ buôn làng, chống lại thế lực đen tối. Vâng, đó chỉ là một trong vô vàn các tác phẩm sử thi Tây Nguyên mang theo lý tưởng nhân văn lớn lao của cả cộng đồng, đồng thời cũng là một nét văn hóa độc đáo của Đắk Lắk.

 

sử thi - văn hóa Đắk Lắk độc đáoSử thi thường ca ngợi anh hùng dân tộc

 

Sử thi là cuốn bách khoa toàn thư chứa đựng cả một bề dày văn hóa và dày dần lên theo chiều dài của lịch sử, nó thậm chí còn có thể sánh ngang với thần thoại Hy Lạp nổi tiếng toàn thế giới. 

Điều đặc biệt của văn hóa sử thi là nó được truyền từ đời này qua đời khác bằng hình thức truyền miệng và lưu lại trong trí nhớ của người dân. Mỗi khi có dịp lễ như: cưới hỏi, mừng nhà mới hay mừng trẻ nhỏ đầy tháng…thì sử thi lại được cất lên theo hình thức hát, kể hoặc diễn xướng. Qua đó có thể thấy, thay vì chỉ tồn tại trong sách vở, trên những con chữ thì sử thi ở Đắk Lắk cũng như Tây Nguyên lại “sống” cùng cộng đồng trong đời sống thường nhật, gắn kết sâu sắc chẳng thể tách rời.

Hiện nay, Đắk Lắk là nơi hiếm hoi còn tồn tại các nghệ nhân hát, kể sử thi. Vì vậy, nếu được một lần nghe sử thi giữa không gian núi rừng bao la kỳ bí, bên bếp lửa bập bùng huyền ảo và thưởng thức chén rượu cần cay nồng, chắc chắn cái cảm giác say mê nửa hư nửa thực ấy sẽ khiến bạn ngàn đời không quên cho xem.

 

5. Văn hóa mẫu hệ

Sau khi trải qua xã hội phong kiến, tư tưởng phụ hệ, thậm chí là trọng nam khinh nữ được hình thành. Dù ngày nay quyền bình đẳng đã được coi trọng, nhưng nét văn hóa con trai đi lấy vợ và sống ở gia đình nhà chồng vẫn được các gia đình người Việt thực hiện, thì ở Đắk Lắk vẫn còn tồn tại chế độ mẫu hệ, biểu hiện ở tập tục: cưới chồng, đón rể, ở rể và con cái theo họ mẹ - một bản sắc văn hóa Đắk Lắk cực kỳ ấn tượng.

Văn hóa mẫu hệ còn được thể hiện ngay cả trên các kiến trúc, điêu khắc, các hoa văn trang trí và các hình thêu trên thổ cẩm. Theo đó, mặt trăng là biểu tượng của người phụ nữ, khi đặt trên cây nêu sẽ tượng trưng cho sự huyền bí, còn khi đặt ở cầu thang thì thể hiện quyền lực mẫu hệ trong gia đình.

Việc giữ gìn chế độ mẫu hệ không chỉ tạo một nét văn hóa riêng cho Đắk Lắk mà còn làm phong phú thêm các phong tục, lễ nghi và lễ hội của vùng đất đại ngàn hùng vĩ, khiến du khách càng bị cuốn hút hơn.

 

6. Văn hóa ẩm thực

Văn hóa ẩm thực ở Đắk Lắk cũng mang đậm những nét vùng miền với việc tận dụng tối đa các nguyên liệu sẵn có trong rừng núi và trong cuộc sống hàng ngày. Cũng vẫn là các con vật quen thuộc như gà, lợn, cá, trâu, bò, chim, thú…nhưng vì không có tủ lạnh dự trữ nên họ thường sẽ phơi khô dưới nắng hoặc gác bếp để dự trữ được lâu hơn, sau đó mới đem đi chế biến thành các món yêu thích.

Các loại rau trong bữa ăn hàng ngày thì thường được hái trong rừng như lá lăng, ktuỗn, ktuônh, ayôk… với hương vị thường hết sức đặc biệt. Và cũng chính những điều đó đã làm cho văn hóa Đắk Lắk trở nên phong phú và hấp dẫn hơn.

 

ẩm thực - văn hóa Đắk Lắk ấn tượngCác món ăn độc lạ (Ảnh @trohbu.homestay)

 

Nếu có dịp đến vùng đất Tây Nguyên, đừng quên khám phá những bản sắc văn hóa Đắk Lắk cực kỳ thú vị đấy nhé.

 

Thúy Quỳnh (Tổng hợp) - Luhanhvietnam.com.vn

Ảnh: Internet

close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)