Guidebook

Đến nhà cổ Thanh Phú Long, check in khu nhà giàu xưa giữa lòng Long An

Thứ sáu, 26/07/2024, 08:27 GMT+7

Nhà cổ Thanh Phú Long cùng với nhà cổ trăm cột Long An đã góp mặt vào cụm di tích kiến trúc cổ của quê hương có hai nhánh sông Vàm Cỏ chảy qua, có thể sánh với những ngôi nhà cổ bề thế khác như quần thể kiến trúc nhà Tây Bạc Liêu hay nhà cổ Bình Thủy Cần Thơ,...

test

Long An tuy là vùng đất duy nhất trong số 13 tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ không có nhánh sông Cửu Long nào chảy qua nhưng lại sở hữu vị trí nằm ngay sát Sài Gòn với dòng Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây đã đi vào lời ca tiếng hát của bao thi nhân, nhạc sĩ. Long An còn có nhiều địa điểm du lịch nức tiếng cả nước như khu du lịch Mỹ Quỳnh dường như chứa cả thế giới động vật bên trong, làng nổi Tân Lập nên thơ, khu bảo tồn Láng Sen, làng cổ Phước Lộc Thọ đậm chất quê xưa làng cũ,... hay cụm nhà cổ ở Thanh Phú Long lưu giữ dấu ấn thịnh vượng một thời của vùng quê thuộc mảnh đất Long An. Tất cả đều gây ấn tượng với du khách trong và ngoài nước. Hãy cùng LuhanhVietNam khám phá điểm đến du lịch miền Tây nổi tiếng này nhé.

 

Đến nhà cổ Thanh Phú Long - Cụm nhà cổ nằm trênCụm nhà cổ nằm trên diện tích khoảng 15.000m2. Ảnh: baolongan

 

Nhà cổ Thanh Phú Long nằm ở đâu?

Di tích nhà cổ ở Thanh Phú Long hay còn gọi là cụm kiến trúc cổ Thanh Phú Long tọa lạc tại ấp Thanh Phú, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Cụm công trình này chỉ cách thành phố Tân An khoảng 20km về phía Nam. Nếu xuất phát từ cửa ngõ phía tây của Thành phố Hồ Chí Minh là bến xe miền Tây thì bạn hãy di chuyển theo hướng Bình Chánh - cầu Bến Lức - qua địa phận huyện lị rồi tiếp tục đi theo Tỉnh lộ 827A chừng khoảng 14km. từ đây bạn chỉ cần rẽ phải theo đường nông thôn để vào ấp Phú Tây rồi đi thêm khoảng chưa tới 1,5km là sẽ đến khu di tích.
 

Đến nhà cổ Thanh Phú Long - Xếp hạng Di tíchXếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 2007. Ảnh: dulichlongan

Theo lời nhiều người dân địa phương, nhất là các cụ cao tuổi thì cụm nhà cổ còn được gọi với cái tên sang chảnh là xóm nhà giàu xưa, thuộc sở hữu của dòng họ Nguyễn Hữu. Trước kia, những ngôi nhà này tọa lạc tại làng Thanh Thủy, nay nhập với làng Tân Long và Phú Tây trở thành xã Thanh Phú Long, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Trải qua hơn 100 năm sương gió, nhuốm màu thời gian, vật đổi sao dời nhưng những ngôi nhà cổ vẫn nằm đó nổi bật giữ khu xóm nhỏ, lưu giữ những giá trị văn hóa về một thời của vùng đất trù phú này.
 

Đến nhà cổ Thanh Phú Long - Ngôi nhà nàyNgôi nhà này tọa lạc tại làng Thanh Thủy, nay là xã Thanh Phú Long. Ảnh:Chauthanhlongan

 

Lịch sử của cụm nhà cổ Thanh Phú Long

Dựa vào các hiện vật còn lưu giữ, trên các bức hoành phi có ghi niên đại cũng như lời thuật lại của con cháu dòng họ Nguyễn Hữu thì thời gian tạo lập nền móng và xây dựng những ngôi nhà này sớm nhất vào cuối thế kỷ XIX cho đến những năm đầu thế kỷ XX. Cụ thể thì cụm những ngôi nhà cổ bao gồm bốn ngôi nhà được những người thuộc dòng họ Nguyễn Hữu xây dựng nên từ năm 1898 đến 1908. Nơi đây vốn nhiều người biết đến với tên gọi “xóm nhà giàu” để thể hiện sự giàu có, xa hoa của gia chủ trong suốt khoảng thời gian dài.
 

Đến nhà cổ Thanh Phú Long - Lối thiết kế cổLối thiết kế cổ của những gia đình giàu có thời xưa. Ảnh: vntrip

Cụm nhà cổ nằm trải rộng trên diện tích lớn khoảng 15.000m2. Mỗi ngôi nhà có diện tích khoảng 528m2 trong khu đất rộng lên tới 5.000m2. Cả bốn căn nhà đều có vẻ ngoài tương đối giống nhau vì đều cùng do ba anh em của dòng họ Nguyễn Hữu, cụ thể là các ông Nguyễn Hữu Hiệp, Nguyễn Hữu Hoanh và Nguyễn Hữu Hùng xây dựng nên vào thời gian từ cuối thế kỷ XIX đến những năm đầu thế kỷ XX. Chủ nhân xây dựng nên các ngôi nhà này đều thuộc tầng lớp thượng lưu, có chức vị cao, có danh tiếng và địa vị xã hội thời xưa. Một điểm chung nữa là cả bốn ngôi nhà cổ đều có kết cấu ba gian hai chái, dựng kiểu nhà rội với phần tường gạch mái ngói, nền lát gạch hoa. Khi du khách du lịch Long An ghé thăm làng và chiêm ngưỡng toàn cảnh cụm nhà cổ trên bình đồ, sẽ thấy nhà có hình chữ Khẩu, gồm căn trước và nhà sau, nối với nhau bằng hai nhà cầu, riêng chính giữa có khoảng trống gọi là sân “thiên tỉnh” hay là giếng trời.
 

Đến nhà cổ Thanh Phú Long - Bốn ngôi nhà cổBốn ngôi nhà cổ được những người thuộc dòng họ Nguyễn Hữu xây dựng. Ảnh: baothaibinh

Với vẻ đẹp và kiến trúc độc đáo, vào năm 2007, nhà cổ ở Thanh Phú Long đã được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia. Đặc biệt là từ 7 năm trước, ngôi nhà cũng trải qua lần trùng tu lớn để giữ lại kiến trúc cổ nguyên vẹn từ khi bắt đầu xây dựng cho đến nay.


Vẻ đẹp kiến trúc độc đáo của nhà cổ Thanh Phú Long


Thiết kế và trang trí đặc sắc

Không giống như nhà cổ Bình Thủy hay nhà cổ Huỳnh Thủy Lê có phần sân nhỏ gọn, ngôi nhà cổ của dòng họ Nguyễn Hữu giàu có một thời có khoảng sân rộng phía trước. Đây cũng là điểm đặc trưng cho lối thiết kế cổ của các công trình thuộc sở hữu của những gia đình giàu có ngày xưa. Phần mái của ngôi nhà được lợp ngói âm dương. Riêng phần hàng cột lan can trước sân dù giờ đây đã nhuốm màu của mưa nắng, thời gian trăm năm đã qua nhưng vẫn giữ được khung rào sắt rất chắc chắn cùng một số chi tiết trang trí.
 

Đến nhà cổ Thanh Phú Long - Các ngôi nhà cổCác ngôi nhà cổ đều có kết cấu 3 gian 2 chái. Ảnh: dulichlongan

Cụm nhà cổ ở Thanh Phú Long được xây dựng theo cùng một kiểu kiến trúc: nhà rội (còn gọi là nhà trước) và nhà xuyên trính (còn gọi là nhà sau) và tuân theo bố cục thống nhất dạng hình chữ Khẩu. Về mặt kỹ thuật thì công trình cổ này đã được dựng nên bởi những đôi tay khéo léo của cùng một nhóm thợ từ miền Trung vì đây chính là phong cách kiến trúc phổ biến ở miền Trung. 

>>Xem thêm: Chùm tour Miền Tây giá tốt 


Nội - ngoại thất đặc biệt quý giá


Nội thất

Những ngôi nhà cổ của dòng họ Nguyễn Hữu có nội thất khá giống nhau. Kết cấu nhà trước kiểu nhà rội (nhà nọc ngựa hay còn gọi là nhà cột giữa) gồm 3 gian 2 chái theo kiểu “ngoại khách nội tự” với gian bên ngoài là phòng khách, gian phía bên trong là phòng thờ. 

Đến nhà cổ Thanh Phú Long - Trang trí mang đậm Trang trí mang đậm phong cách cung đình “tứ linh”, “bát bửu”. Ảnh: VietFuntravel

 

Nhà cổ ở Thanh Phú Long còn có đặc điểm chung về cửa nhà là đều làm bằng gỗ, nền lát gạch bông còn giữ được chất lượng rất tốt dù đã trải qua gần một thế kỷ sử dụng (cụm nhà cổ ở Thanh Phú Long được xây dựng vào những năm 1898 đến 1908).
Nếu nhìn tổng thể từ xa thì ngôi nhà có sự pha lẫn kiến trúc phương Tây và phương Đông, kết hợp giữa nhà cổ truyền và nhà hiện đại.

Khu vực nhà chính gồm có 24 cột phân bố thành 4 hàng cột dọc với số cột mỗi hàng là 6 cột. Đa số cột được làm bằng gỗ căm xe - rất phổ biến ở Nam Bộ với đường kính mỗi cột lên tới 60cm. Những viên gạch hoa lát nền cùng các bộ phận trang trí thậm chí còn được đặt hàng từ tận bên Pháp chở sang. Vì vậy khi tham quan ngôi nhà, bạn sẽ nhận ra nhiều đểm tương đồng giữa nhà cổ thanh Phú Long với nhà công tử Bạc Liêu đấy.
 

Đến nhà cổ Thanh Phú Long - Nội thất nhà ôngNội thất nhà ông Nguyễn Hữu Hoanh. Ảnh: Chauthanhlongan

 

Cách bày trí, trang trí trong nhà cổ cũng khá đặc sắc với mô típ cổ điển, từ “Tứ linh”, “Bát bửu” đến “Tứ thời” nhưng cách thể hiện lại khá phóng khoáng và không câu nệ, không theo khuôn sáo. Một số chi tiết miêu tả cảnh vật thiên nhiên Nam Bộ cũng được các nghệ nhân sáng tạo như: chim ăn xoài, con chim và trái điều, sen, cua cốm, sóc giác, sen và chim bói cả,... nghiêng về các đề tài dân gian. Nhiều chi tiết trang trí khác thì dựa trên quan niệm “Ngũ phúc” của người xưa với hình ảnh dơi, chim phượng, hoa mẫu đơn, trái Phật thủ, tùng lộc, lân, sư tử, đào, lượu, bí, mướp, ... Thêm vào đó là các câu chúc tụng trên hoành phi, cuốn thư viết bằng chữ Hán như: “Đức Lưu Phương”, “Chấn Gia Thanh”, “Quang Thế Trạch” thể hiện danh tiếng, sự giàu sang của dòng họ, mong ước một cuộc sống phú quý và trường thọ, ước mơ con cháu học hành đỗ đạt.

Ngoài ra, một trong những ngôi nhà cổ miền Tây nổi tiếng còn được trang trí bởi chi tiết gỗ cẩn ốc trên cây xuyên, khung bao lam, liễn đối tủ thờ, hoành phi, cuốn thư sơn son thếp vàng với thủ pháp vô cùng điêu luyện và chắc tay.
 

Đến nhà cổ Thanh Phú Long - Hoạ tiết cầu kỳHoạ tiết cầu kỳ như quả nho, sóc, chim chóc, hoa lá, cỏ cây. Ảnh: VietFuntravel

 

Ngoại thất

Bốn ngôi nhà cổ trong cụm nhà Thanh Phú Long cũng có phần ngoại thất cơ bản là giống nhau với bố trí các khu chính và phụ như sau:

Phần cổng nhà gồm 2 trụ và 2 cánh, rộng 3m và dựng theo hướng mặt tiền nhà lệch về phía bên phải. Trụ cổng xây theo dạng hình vuông và cao 3,5m, riêng đoạn dưới mở rộng và lượn vòng cung được xây bằng chất liệu gạch, quét vôi ốp gạch men tạo nên ấn tượng sang trọng, sạch sẽ. Cánh cổng được đúc bằng gang, trang trí song thưa hoa lá theo kiểu thịnh hành ở châu Âu thời đó. 

Khu chính của ngôi nhà được dựng trên nền đất cao khoảng 70cm. Nhà cổ có hướng rất phù hợp với quan niệm phong thủy của người xưa “Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam”. Thật vậy, hướng Nam là một vị trí địa lý khá tốt theo quan niệm dân gian.
 

Đến nhà cổ Thanh Phú Long - Cửa gỗCửa gỗ, nền lát gạch bông còn rất tốt. Ảnh: baolongan

Lối vào nhà chính gồm 2 bậc tam cấp. Còn phía 2 bên hông nhà dẫn lên hàng ba và 1 bậc tam cấp ở khu vực cửa chính. Trước nhà có sân xây bằng gạch. Mái nhà được lợp ngói âm dương truyền thống. Các cửa vào nhà cổ ởThanh Phú Long đều được làm tỉ mỉ theo dạng cửa lá sách bằng gỗ và chia làm 2 phần rõ rệt: phần bên dưới hình chữ nhật, phần trên hình vòng cung. Các bộ phận như tay nắm và chốt cửa chế tác bằng sắt kiểu Pháp đầu thế kỷ XX rất tinh tế. Phần giáp mái xây tường một hàng gạch trang trí và sơn màu đỏ  điểm thêm hoa văn hoa dây 6 cánh. Còn dãy lan can hàng ba mỗi bên đều có 3 cây cột trụ xây bằng xi măng, đối xứng nhau, phía trên đều có gác đầu kèo gỗ.
 

Đến nhà cổ Thanh Phú Long - Nhà cổ mang nhiều giá trịNhà cổ mang nhiều giá trị văn hoá - lịch sử.  Ảnh: dulichmientay

Nhà cổ Thanh Phú Long cùng với nhà cổ Trăm Cột, làng cổ Phước Lộc Thọ, chùa Tôn Thạnh,... đều thuộc nhóm di tích kiến trúc nghệ thuật cổ độc đáo và đặc sắc, mang đậm dấu ấn nghệ thuật điêu khắc gỗ truyền thống cũng như là chứng nhân lịch sử, văn hóa của dân tộc. Nếu có dịp du lịch Long An bạn nhớ ghé thăm nơi này để hiểu thêm về nét đẹp tinh thần, về lối sinh hoạt, về kiến trúc và điêu khắc truyền thống Việt Nam nhé. Chúc bạn có chuyến du lịch miền Tây khó quên.


Thanh (Tổng hợp) - luhanhVietNam.com.vn

Ảnh: Internet

Chia sẻ:
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)