Nằm giữa đồi chè bát ngát với khung cảnh bình yên, chùa Bửu Minh Gia Lai là một trong những điểm check-in hấp dẫn được nhiều bạn trẻ yêu thích. Đây là ngôi chùa có tuổi đời lâu nhất ở Gia Lai và vẫn giữ được nét đẹp cổ kính ấn tượng.
Nhắc đến chùa ở Gia Lai, du khách sẽ nghĩ ngay đến chùa Minh Thành, địa điểm cực hot và rất nổi tiếng với các tín đồ xê dịch. Thế nhưng, ở phố núi còn có một ngôi chùa khác tuy không quá nổi tiếng nhưng lại là điểm hẹn bình yên được rất nhiều người yêu thích là chùa Bửu Minh. Ngôi chùa nằm trên cung đường khám phá nhiều thắng cảnh nổi tiếng của Gia Lai nên ngày càng thu hút du khách. Ghé thăm chùa Bửu Minh Gia Lai, chắc chắn bạn sẽ có những phút giây thật bình yên giữa không gian thanh tĩnh và đắm chìm trong màu xanh mướt của đồi chè gần chùa.
Chùa Bửu Minh là ngôi chùa xưa nhất ở Gia Lai. Ảnh:@_md0108_
Chùa Bửu Minh Gia Lai tọa lạc tại địa bàn của xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, cách trung tâm thành phố Pleiku 15 km về hướng Bắc. Ngôi chùa này khá nổi tiếng ở Tây Nguyên với lối kiến trúc chùa cổ Miền Bắc, Miền Trung kết hợp với kiểu dáng, lối kiến trúc chùa Đài Loan và Nhật Bản.
Chùa nằm cách trung tâm Pleiku 15km về phía Bắc. Ảnh: @thanhphan4451
Chùa Bửu Minh được biết đến là ngôi chùa cổ xưa nhất tại Gia Lai, lâu đời hơn cả chùa Minh Thành. Quá trình xây dựng ngôi chùa này gắn liền với sự hình thành của Sở Trà Biển Hồ thời Pháp thuộc. Vào đầu thế kỉ 20, các cư dân từ vùng đồng bằng bắt đầu di cư lên Gia Lai để lập nghiệp. Giữa chốn non cùng thủy tận này, người ta đã lập một miếu có tên gọi là Sơn Hải miếu để làm nơi thờ cúng ngay gần Biển Hồ. Đây cũng chính là tiền thân của chùa Bửu Minh Gia Lai hiện tại.
Lịch sử xây dựng chùa gắn liền với Sở Trà Biển Hồ. Ảnh: @dieu_linh2311
Vào năm 1936, chùa Bửu Minh được chính thức xây dựng với tên gọi là chùa Phật Học, đến năm 1961 chùa được trùng tu và chính thức đổi tên là chùa Bửu Minh như ngày nay. Mặc dù đã được xây dựng mới, khang trang và to đẹp hơn nhưng cốt của ngôi chùa cũ và những gốc chè cổ thụ được trồng từ thời mới khai hoang vẫn còn được lưu giữ trong khuôn viên chùa với tuổi đời đã gần trăm năm.
Ở đây vẫn lưu giữ cốt của ngôi chùa cũ. Ảnh:@huynhanh.7
>>Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Gia Lai siêu chi tiết cho người mới đi lần đầu |
Chùa Bửu Minh có lối kiến trúc rất độc đáo, là sự kết hợp của nhiều lối kiến trúc và theo phái Bắc tông. Phần đầu đao của mái chùa và mái tháo được thiết kế mềm mại tựa dáng một con thuyền độc mộc, không gian chùa chủ yếu được xây dựng bằng bê tông và cốt thép với quy mô lớn. Diện tích ở chánh điện là 520m và chiều cao của tháp lớn là 47,25m.
Kiến trúc chùa là tổng hòa của phong cách chùa Việt và chùa Châu Á. Ảnh: @tieumymy91
Phần mái chùa có kiểu dáng tựa như mái của nhà rông Tây Nguyên. Phía trước chùa hướng mặt về hồ T'Nưng, lưng tựa đầu vào núi Tiên Sơn, tạo nên một vị trí phong thủy cực kỳ tốc, giúp mạch đạo của chùa luôn được luân lưu, tuôn chảy.
Mắt trước chùa hướng ra Biển Hồ, mặt sau tựa lưng núi Tiên Sơn.Ảnh:Chu Thế Dũng
Một vị trí rất được du khách yêu thích và check-in thường xuyên khi đến chùa Bửu Minh đó chính là khu vực tam quan của chùa. Tam quan chùa Bửu Minh Gia Lai được xây dựng với mô hình Hiển Lâm Các giống như kiến trúc Đại nội Huế với 5 mái tượng trưng cho ngũ phước.
Khu vực Tam Quan của chùa Bửu Minh. Ảnh: @tieumymy91
Ở phía bên phải sân chùa là khu vực đặt tượng Thích Ca lộ thiên, bức tượng này cao đến hơn 3m và được đặt trong tư thế ngồi thiền. Ngoài ra chùa còn một bức tượng Thích Ca khác dài 11m được đặt trong tư thế nằm với khuôn mặt an yên, tự tại. Hai bức tượng này cũng là nơi được du khách rất yêu thích
Cảnh quan của chùa Bửu Minh ở Gia Lai là tổng thể của cả kiến trúc chùa tháp đẹp mắt và cảnh núi non hữu tình khiến du khách khi tới đây sẽ cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm và an yên trong tâm hồn.
Bên phải chùa là bức tượng Thích Ca. Ảnh: @ttha.282
GỢI Ý TOUR DU LỊCH TÂY NGUYÊN KHUYẾN MÃI
|
Chùa Bửu Minh nằm ngay trên cung đường đến nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn khác của Gia Lai, nên bạn có thể kết hợp ghé thăm chùa trong hành trình của mình.
Theo đó để đến chùa Bửu Minh bạn hãy di chuyển từ khu vực Biển Hồ, theo hướng về thành phố Kon Tum sau đó sang đường Lê Văn Sỹ. Tiếp tục đi khoảng gần 2km nữa bạn hãy rẽ qua một đập nước và vào con đường hàng thông trăm tuổi. Đây chính là lối dẫn vào chùa với khung cảnh tuyệt đẹp, quanh năm u tịch bên bóng chùa thiêng. Đường hàng Thông cũng là nơi được du khách check -in thường xuyên trước khi đến với chùa Bửu Minh Gia Lai.
Đường hàng thông trăm tuổi dẫn vào chùa Bửu Minh. Ảnh: @tamtam.283
Khi đến chùa bạn hãy mặc trang phục phù hợp, đi nhẹ, không lớn tiếng. Bên cạnh việc check-in ở các vị trí đẹp trong chùa bạn có thể kết hợp thăm những đồi chè bát ngát quanh khu vực chùa. Khung cảnh ở đây rất đẹp vào sáng sớm, khi lớp sương mù vẫn còn vờn quanh tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp.
Từ ngôi chùa Bửu Minh bạn có thể nhìn thấy cả núi lửa Chư Đăng Ya ngay phía sau chùa, từ đây bạn chỉ cần di chuyển khoảng 6km nữa là có thể check-in ngọn núi lửa nổi tiếng này. Nếu muốn đến Biển Hồ Tơ Nưng thì bạn cũng chỉ cần di chuyển thêm 1km.
Chùa Bửu Minh gần nhiều điểm du lịch nổi tiếng của Gia Lai. Ảnh: @hieu.ricky
Với cảnh chùa tuyệt đẹp cùng với nét kiến trúc độc đáo, chùa Bửu Minh Gia Lai chính là điểm đến lý tưởng để bạn tìm về với không gian bình yên, tĩnh tại. Trải qua trăm năm phong sương, ngôi chùa ngày càng cổ kính, hòa quyện với thiên nhiên nên thơ trở thành điểm du lịch không thể bỏ qua tại phố núi Gia Lai.
Nguyệt Cát (tổng hợp) - luhanhvietnam.com.vn
Ảnh: Internet