Nhắc tới miền Tây mùa nước nổi người ta nghĩ ngay tới rừng tràm Trà Sư - một điểm tham quan cực thu hút với khách du lịch trong và ngoài nước. Trước khi hết mùa nước nổi, đừng quên bỏ túi những kinh nghiệm đi rừng tràm nổi tiếng tại An Giang này!
Thuộc địa phận xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, An Giang; điểm đến rừng tràm Trà Sư cách thành phố Long Xuyên khoảng 70km. Đây nổi tiếng là điểm tham quan đặc sắc nhất của An Giang nói riêng và ở các tỉnh miền Tây nói chung, đặc biệt là vào mùa nước nổi (từ tháng 9 - tháng 11 hàng năm).
Rừng tràm Trà Sư có diện tích 845ha vùng lõi và 643ha vùng đệm nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam, được công nhận là khu bảo vệ cảnh quan năm 2005. Đến tham quan Trà Sư, các bạn đã có mặt ở cánh rừng tràm ngập nước có hệ động thực vật phong phú tại vùng miền Tây Nam Bộ, nơi mà những hàng cây tràm trải dài hai bên đường và những cánh đồng lúa thẳng cánh còn bay xen lẫn những hàng cây thốt nốt cao ngút ngàn cực kỳ đẹp mắt. Theo số liệu thống kê, hiện đây còn là nơi sinh sống của 70 loại chim, 11 loài thú, 25 loài bó sát và 10 loài cá cùng 140 loài thực vật khác nhau.
Thời điểm tới rừng tràm Trà Sư thích hợp nhất chắc chắn là vào mùa nước nổi, bạn sẽ bất ngờ bởi có nhiều loài động thực vật mà chỉ có ở đây vào thời gian này.
Bạn nên sắp xếp đến thăm rừng tràm vào các khung giờ từ 7h - 9h sáng và 15h - 19h tối để có thể đứng trên Đài quan sát ngắm nhìn cuộc sống sinh động qua chiếc ống nhòm: Những đàn chim bơi lội trên bầu trời, những bông hoa tràm trắng tinh khiết, cá tôm bơi lội dưới sông... Tất cả hiện ra như một bức tranh thủy mặc.
Rừng tràm chỉ cách thành phố Châu Đốc khoảng 30km, cách thành phố Long Xuyên khoảng 70km. Bạn có thể đi xe khách từ bến xe miền Tây - thành phố Hồ Chí Minh đi Long Xuyên hay Châu Đốc, giá vé dao động 150.000 – 300.000 VNĐ/lượt.
Nếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân có thể tham khảo lộ trình:
– Khởi hành từ Châu Đốc: Đi theo tuyến đường Tân Lộ Kiều Lương nối tiếp với Quốc lộ 91. Khi đi qua Cầu Trà Sư của thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên thì rẽ trái theo kênh Trà Sư thêm vài km nữa là tới rừng tràm Trà Sư.
– Xuất phát từ trung tâm Long Xuyên: Đi dọc theo Quốc lộ 91 về Châu Đốc, sau đó đi tiếp theo tuyến đường trên là có thể tới Rừng tràm Trà Sư.
Nếu không có đủ thời gian cho một chuyến "càn quét" sạch miền Tây thì bạn nên bỏ thời gian đi rừng tràm Trà Sư, bởi lẽ nơi đây có đầy đủ những nét đặc trưng nhất của vùng miền sông nước với hệ sinh thái điển hình của vùng rừng ngập nước phía Tây sông Hậu.
Vượt qua cây cầu ở cổng rừng tràm, theo con thuyền len vào các dòng kênh, du khách lênh đênh trên dòng nước mát lành.
Từ đó bạn thỏa thuê bước vào thế giới của màu nước xanh lá bèo, của rừng cây rậm rạp. Xung quanh xao động âm thanh của thiên nhiên, tiếng mái chèo khuấy nước nhè nhẹ xen lẫn tiếng chim chóc líu lo giữa không gian rộng lớn.
>> Tham khảo: Chùm tour du lịch miền Tây mùa nước nổi hấp dẫn |
Đâu đó những nhành hoa điên điển sở hữu màu vàng óng ả thật đẹp mắt, nhiều loài chim chuyền cành hoặc đứng điềm nhiên rỉa lông cánh, bạn chắc chắn sẽ muốn lưu lại cho mình những bức hình đẹp nhất.
Tất cả cảnh quan hư ảo đó khiến du khách ngỡ như mình lạc vào chốn thần tiên, nhất là khi buổi sớm mai bầu trời trong xanh, không khí dịu mát và thật trong lành, chỉ có những tia nắng nhẹ chiếu xiên qua kẽ lá, và tiếng chim tràn đầy năng lượng chào ngày mới.
Giá đi thuyền: 50-60k/người cho thuyền từ 3-5 người. Thời gian tham quan: 2 giờ đồng hồ.
Tới đây, bạn đừng quên ghé qua vọng gác quan sát để chiêm ngưỡng toàn bộ rừng tràm rộng bao la bằng kính viễn vọng, thậm chí từ xa bạn có thể nhận ra những ngôi làng của đồng bào Khmer và Kinh thấp thoáng. Rồi thuê một chiếc xe đạp đi loanh quanh, biết đâu lại thu được kha khá ảnh cùng động vật, cỏ cây của cánh rừng ngập mặn đặc biệt này.
Nếu có nhiều thời gian, nhớ tranh thủ tham quan nghề thủ công mỹ nghệ đặc sắc như dệt lụa, thổ cẩm của người dân tộc Khmer, nuôi ong lấy mật, khu tinh dầu tràm… để mua quà cho bạn bè, người thân.
Trong chuyến du lịch An Giang mùa nước nổi của mình, bạn cũng đừng bỏ qua cơ hội tới thăm kết hợp các địa điểm du lịch khác như khu du lịch Núi Cấm, chùa Lầu An Giang, chùa Linh Sơn Ba Thê, Di chỉ Óc Eo, đồi Tức Dụp, hồ Soài So - núi Cô Tô, Vùng Bảy Núi…
Là một điểm dừng chân tiêu biểu trong hành trình du lịch miền Tây, không bất ngờ khi nhiều món ăn đặc trưng của vùng đều có thể tìm thấy ở đây như chuột nướng, cá lóc nướng, lẩu cá linh bông điên điển…
- Lẩu cá linh bông điên điển: Món lẩu không thể bỏ qua khi du lịch mùa nước nổi bởi lẽ vào mùa này cá linh ở độ tươi ngon nhất và bông điên điển cũng đua nhau nở rộ ven sông. Cá linh non làm sạch ướp gia vị cho đậm đà, sắp ra đĩa, cùng đĩa điên điển mới hái còn tươi rói, bông súng và rau thơm... Nồi nước lẩu đậm đà có nước cốt dừa, lại dầm chút me, chút tỏi phi, chút ngò rồi nêm nếm thêm tùy khẩu vị. Khi nồi lẩu đã sôi ùng ục trên bếp, cá linh được cho vào; tiếp đến là thả các loại bông, rau vào thơm ngào ngạt. Món lẩu ày được dùng ăn kèm bún và cơm nóng ngon hết sảy.
- Cá lóc nướng trui: Món ngon miền thôn quê dân dã nhưng lại rất được du khách rất ưa chuộng. Cá lóc đồng thả tự nhiên để nguyên con rồi nướng trên lò than hồng cho đến khi thấy cá cháy đen dậy mùi thơm thì ủ trong lá chuối tươi. Khi ăn, người ta sẽ bóc lớp vảy cá cháy, thịt cá bên trong chín đều và tỏa hương thơm ngào ngạt. Thịt cá đem cuốn cùng bánh tráng, rau sống, bún tươi và chén nước chấm chua ngọt hoặc mắm nêm đầy hấp dẫn.
- Gỏi sầu đâu cá sặc: Món ăn rất phổ biến ở các tỉnh biên giới miền tây như An Giang, Kiên Giang. Để món ăn này thật tươi và ngon, hoa và lá non từ cây sầu đâu sẽ được chần trước qua nước sôi để giảm vị đắng; sau đó trộn cùng cá sặc nướng xé nhỏ, thịt ba chỉ luộc, dưa leo, ớt sừng trâu thái mỏng; cuối cùng rưới lên trên nước mắm chua ngọt pha sẵn cho ngấm gia vị trước khi bày ra đĩa ăn. Điểm đặc biệt của món ăn này chính là nước chấm gỏi là nước mắm me chua ngọt, chính sự hài hòa của vị chua, cay, mặn, ngọt khiến cho món ăn trở nên vô cùng hấp dẫn.
Về miền Tây sông nước mùa nước nổi mà không đi tham quan rừng tràm Trà Sư - An Giang thì quả là một thiếu sót lớn bởi bạn vẫn chưa khám phá được hết nét đẹp và văn hóa của vùng sông nước Cửu Long.
Chang (tổng hợp) - luhanhvietnam.com.vn
Ảnh: Internet